6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Cốt truyện Kết cấu
Như ta được biết, số lượng truyện Nôm trong thế kỷ XVII còn lại không nhiều, chủ yếu cũng chỉ có những truyện Nôm mang tính chất tôn giáo, lịch sử như: Quan Âm tống tử bản hạnh, Địa Tạng bản hạnh, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Ông Ninh cổ truyện, Chúa Thao cổ truyện… Một số truyện Nôm xã hội hiện còn như Hữu Kế truyện, Lý Công truyện, Thoại Khanh - Châu Tuấn… thì chủ yếu ca ngợi tình vợ chồng son sắt, chứ ít khi dành sự quan tâm đặc biệt đến tình yêu đôi lứa.
Bởi vậy, có thể xem Song Tinh Bất Dạ là một trong những truyện Nôm mở đầu cho các câu chuyện về giai nhân - tài tử, những con người tài hoa mà tinh anh đã sớm phát tiết ra ngoài. Liên quan đến điều này, GS. Đặng Thanh Lê đã khẳng định Song Tinh Bất Dạ là “một trong những truyện Nôm đầu tiên trong văn học viết thế kỷ XVIII đã lấy tình yêu tuổi trẻ làm chủ đề tác phẩm. Gắn liền với nó là một tinh thần tự do yêu đương có ý nghĩa chống lễ giáo phong kiến và một nội dung đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người, chống lại thói cưỡng bức hôn nhân của cường quyền phong kiến” [38; 58 - 59].
Đúng như tên gọi của nguyên tác - “Định tình nhân”, truyện những người có tình gắn bó - truyện Nôm Song Tinh Bất Dạ cũng lấy chuyện tình yêu của đôi trai tài gái sắc làm tâm điểm cho trục quay của cốt truyện, song để khẳng định tác phẩm có ý nghĩa chống lễ giáo phong kiến và chống thói
cưỡng bức hôn nhân của cường quyền phong kiến, thì có lẽ còn nhiều điều cần bàn lại. Bản thân Nguyễn Hữu Hào khi chấp bút đã hẳn là có ý định mượn những lời “nhả ngọc phun châu” để chống lại lễ giáo, vốn là cái cản trở, đối nghịch với tình yêu? Nhân vật trong tác phẩm cũng phải trải qua tai biến, cũng bị quyền lực phong kiến chia uyên rẽ thúy, nhưng kết cục, tình chàng ý thiếp vẫn nồng đượm trong cảnh vinh sang, nghĩa là tình yêu đôi lứa vẫn viên mãn trong khuôn nền đạo đức nho phong. Nhân vật không trải qua đoạn trường bi kịch. Tuy Nhụy Châu có lúc trầm mình thủ tiết nhưng một mặt cũng là để vẹn nghĩa cang thường, nghĩa là ít nhiều vẫn hướng về đạo đức truyền thống. Thực tế, đến thế kỷ XVII, trên văn đàn, thi đàn đã xuất hiện rất nhiều tác phẩm viết về tình yêu đôi lứa. Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có 5/20 truyện gián tiếp ca ngợi tình yêu tự do. Đọc tác phẩm, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng, có thể “gặp một thế giới những con người sống trong bể dục, tình dục” [57]. Đây chỉ là một hiện tượng tiêu biểu của văn học thế kỷ XVII, thế kỷ mà nền tảng đạo đức phong kiến với những tam cương ngũ thường, công dung ngôn hạnh đã lung lay. Nhận thức, tư tưởng thay đổi, kéo theo nhu cầu giải phóng con người cả về thể xác và tinh thần cũng ngày càng phát triển. Một quan niệm mới về lẽ sống và hạnh phúc ra đời - đó là niềm vui được “thỏa cái chí” của mình, cho dù chỉ là để yêu nhau. Nguyễn Hữu Hào, biết đâu, cũng có thể bị cuốn vào nhịp điệu văn học ấy, một cách vô thức, và
Song Tinh Bất Dạ, ngoài việc phỏng theo nguyên tác cũng đã phỏng lại không khí văn học sôi động và khí thế khẳng định khát vọng lứa đôi của một thời kỳ. Nếu đúng như giả thiết thì cũng khó có thể khẳng định Nguyễn Hữu Hào sáng tác Song Tinh Bất Dạ với mục đích chống phong kiến. Tuy nhiên, mặc cho Nguyễn Hữu Hào có dụng ý đó hay không, thì xét ở một khía cạnh nào đó, tác phẩm cũng ít nhiều đạt giá trị như nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê đã đề cập.
Có thể nói, tính chất “bác học” của Song Tinh Bất Dạ thể hiện ngay ở sự vay mượn cốt truyện của Trung Quốc. Đây là điểm khác biệt dễ nhận thấy đầu tiên của hầu hết các truyện Nôm bác học (như Truyện Hoa tiên, Truyện Kiều, Nhị độ mai…) so với truyện Nôm bình dân, vốn phần nhiều phỏng theo truyện cổ tích, huyền tích dân gian (như Quan Âm tống tử bản hạnh, Địa Tạng bản hạnh, Thạch Sanh, Thoại Khanh - Châu Tuấn…). Tuy phỏng theo cốt truyện có sẵn, nhưng về mặt kết cấu, Song Tinh Bất Dạ đã tuân thủ đúng cấu trúc điển hình của tất cả các truyện Nôm (bất kể truyện Nôm bình dân hay bác học): gặp gỡ - yêu đương - thề bồi - xa cách - tai biến - truân chuyên - được giúp đỡ - đoàn tụ, mà chúng ta thường gọi một cách ngắn gọn là gặp gỡ - tai biến - đoàn tụ. Song Tinh và Nhụy Châu gặp gỡ rồi yêu nhau. Họ tạm biệt ly để chàng lên kinh ứng thí. Rồi nàng bị ép duyên, nhảy xuống sông thủ tiết, còn chàng cũng vì từ chối hợp hôn cùng kẻ phú quý mà bị đẩy ra miền biên viễn. Nhưng nàng được thần sông cứu còn chàng lập nên công trạng hiển hách. Họ đoàn tụ, kết tóc xe tơ đến đầu bạc răng long. Câu chuyện diễn tiến theo từng nấc thời gian, chảy trôi từ quá khứ đến hiện tại. Thần sông - yếu tố thần kỳ - đã xuất hiện, để đưa chuyện đến với kết thúc có hậu truyền thống của truyện cổ tích.
Cần phải thấy rằng, tuy cùng “tái hiện” mô hình truyền thống của truyện Nôm nói riêng và phương thức tự sự phương Đông nói chung, nhưng kiểu kết thúc có hậu của Song Tinh Bất Dạ và Truyện Hoa tiên có vẻ gần gũi, tương đồng với nhau hơn là “cái hậu” của Truyện Kiều. Trải qua bao sự kiện “ngẫu nhiên” - nào tin thất thiệt Lương Sinh chết trận, tạo thành “cú hích” để tình yêu của hai người bộc lộ ở mức cao nhất, chặt chẽ nhất, bất chấp mọi lề luật, phép tắc; nào tin Ngọc Khanh tự tử đưa đến đúng dịp mừng công… đã tạo “cớ” để thu xếp cuộc hôn phối giữa Dao Tiên và Lương Sinh, mà sự bảo đảm chắc chắn nhất là việc nhà vua đứng ra làm chủ, lúc Long Đề
học chưa kịp đưa Ngọc Khanh về kinh - cũng là một sự ngẫu nhiên nữa để tránh mọi rắc rối. Tác giả đã dụng công sắp đặt để chuẩn bị cho mọi sự kết thúc êm đẹp. Giả dụ gia đình họ Lưu không làm một hành động thiếu tình nghĩa là vội vàng trả lễ để gả con gái cho chỗ cao sang khác thì việc thành hôn với Dao Tiên, dẫu là theo “thánh chỉ”, có lẽ vẫn thành ra thiếu êm đẹp với gia đình Ngọc Khanh.
Tương tự, mối tình của Song Tinh - Nhụy Châu (và sau này thêm cả Thể Vân nữa) cũng tạo sinh nhiều phúc lộc:
Tiếng bay động đến long nhan, Gái khen vì tiết, trai khen vì tài.
Phong chàng ngồi dự tam thai, Việc vua nảy giữ, lộc trời nảy ban
Tuy nghệ thuật kết thúc “có hậu” của Song Tinh Bất Dạ chưa hẳn đã gói gọn trọng hai chữ “trung hậu” của mỹ học đạo đức Nho gia, như trường hợp Truyện Hoa tiên, nhưng không thể phủ nhận một sự gặp gỡ của cả hai tác phẩm là: rốt cuộc những kẻ hữu tình đều được toại ý; và cuộc hôn nhân theo tình yêu đã được sắp xếp cực kỳ chu đáo để nằm trọn vẹn trong khuôn khổ của lễ giáo. Song đến Truyện Kiều, dường như Nguyễn Du không còn “đôi cánh lãng mạn” để huyền thoại hóa mối tình Kim - Kiều nữa. Vậy nên màn “Tái hồi Kim Trọng”, tuy là sự đoàn tụ “có hậu”, nhưng trong cái cảnh “Đem tình cầm sắt, đổi ra cầm cờ” kia cũng tiềm ẩn nhiều dư vị cay đắng. Một chung cục “lãng mạn” nhưng dường như “không tưởng”. Châu tuy về Hợp Phố nhưng “nước đã trôi xuôi”. Vận mệnh của Thúy Kiều khác xa với vận mệnh của các nhân vật khác trong tất cả các truyện Nôm. Hầu hết những thiếu nữ ấy cũng từng “mây trôi bèo nổi”, lưu lạc muôn phương, có người sa vào tay bạo chúa như Trang Vương (Phạm Tải - Ngọc Hoa), vua Hung Nô (Lý
Công), bọn lưu manh (Phù dung tân truyện), bị kẻ hiểm ác bày mưu hãm hại tấn vào cung cấm như nàng Nhụy Châu (Song Tinh Bất Dạ), có người thân cô thế yếu lưu lạc quê người (công chúa trong Hoàng Trừu, Hạnh Nguyên trong
Nhị độ mai)… nhưng đều “Liễu dù gặp gió sen chưa nhuốm bùn”, dù là thể xác hay tinh thần cũng đều bảo toàn trọn vẹn. Thúy Kiều không có “cơ hội” trải qua những hoàn cảnh và vận mệnh nặng màu sắc lý tưởng phi hiện thực ấy. Nàng đã trải qua cuộc sống “Đưa người cửa trước rước người cửa sau”, “Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh”. Vậy nên, màn đoàn viên “có hậu”, về căn bản cũng chỉ là “một cung gió thảm mưa sầu”. Hiện tại sum họp chẳng đủ sức xua tan bóng đen của quá khứ đã, đang và sẽ hiện diện phũ phàng trong cuộc đời và tâm thức Kiều.
Từ những lẽ trên, có thể nói, hành trình từ Song Tinh Bất Dạ đến
Truyện Hoa tiên rồi Truyện Kiều là cả một bước tiến dài của thể tài truyện Nôm. Ở giai đoạn đầu của sự hình thành thể loại, Song Tinh Bất Dạ và Truyện Hoa tiên mang đúng tính chất của một truyện Nôm tài tử - giai nhân, nghĩa là mọi biến cố và kết thúc, đều xoay quanh một chữ “tình”. Đến Truyện Kiều, truyện Nôm tài tử - giai nhân đã bước lên một đỉnh cao mới. Nhân vật chính - Thúy Kiều - không chỉ đứng trước vấn đề tình yêu mà còn được đặt vào một bối cảnh xã hội đầy biến động, gắn với một mốc lịch sử cụ thể “năm Gia Tĩnh triều Minh”, khác hẳn Song Tinh Bất Dạ: “chỉ là chuyện phiếm, đặt vào đời phong kiến nào cũng được” [24; 6]. Thúy Kiều không chỉ là một giai nhân tài sắc mà còn là một thân phận bị dập vùi, không biết bao lần kêu lên tiếng “đoạn trường”. Dường như đến Truyện Kiều, truyện Nôm đã bước ra khỏi niềm tin cổ tích thường thấy trong các truyện Nôm bình dân và những truyện Nôm bác học thời kỳ đầu, mà hướng đến tư duy tiểu thuyết, luôn đặt nhân vật trước những ba đào và phần nào đó kết thúc theo logic cuộc sống.
Trong quá trình phỏng theo cốt truyện Định tình nhân, Nguyễn Hữu Hào cũng như Nguyễn Du (khi phỏng theo Kim Vân Kiều truyện để làm nên kiệt tác Truyện Kiều), đều “tuân theo mạch lạc nguyên tác, không thêm nhân vật hay hành động gì” song vẫn chủ động “bỏ những tiết đoạn rườm rà không cần cho cốt truyện” [24; 6 - 7]. Đặc điểm này đã được Hoàng Xuân Hãn biện giải và chứng minh khi giới thiệu Song Tinh Bất Dạ đến với độc giả. Chẳng hạn, theo ông, trong 16 hồi của Định tình nhân đã có tới hai hồi rưỡi kể chuyện Hách Sinh cầu hôn Nhụy Châu mà không được rồi quyết tâm trả thù. Song Nguyễn Hữu Hào đã rút vào còn 24 vế (từ vế 1.071 đến 1.102), vì nguyên truyện đã thêm vào nhiều nhân vật và hành động, đối thoại không có ích gì cho ý “định tình”. Việc lược bớt chi tiết này đã làm giảm đi tính hiện thực của tiểu thuyết Trung Quốc từ thời Trung cổ, nhưng lại có tác dụng làm nổi bật cốt chính. Tất nhiên, ở đây cũng còn một lý do khách quan nữa, là văn vần ở bản Nôm không thể kéo dông dài những câu chuyện mà văn xuôi ở nguyên bản khai triển dây dưa. Điều này góp phần thể hiện sự sáng tạo của tác giả trong quá trình tiếp nhận văn học nước ngoài.