Quá trình phát triển

Một phần của tài liệu Song Tinh Bất Dạ và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học (Trang 36)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Quá trình phát triển

Có một hiện tượng đôi khi vẫn thấy xuất hiện trong văn học cổ nước ta là ngay cả một số tác phẩm có tên tác giả cũng chưa xác định được chính xác

năm tháng ra đời (như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn…). Điều đó có nghĩa là với những tác phẩm vô danh hoặc khuyết danh, việc xác định thời điểm sáng tác càng khó khăn hơn nữa, thậm chí là gần như không khả thể. Trong khi đó, đặc thù của truyện Nôm là phần lớn đều khuyết danh; dẫn đến việc xác định chính xác, cụ thể quá trình phát triển của thể loại gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, căn cứ vào những tài liệu lịch sử đáng tin cậy (như việc chúa Trịnh nhiều lần ra lệnh cấm đoán…), chúng ta có thể ước đoán truyện Nôm hình thành từ thế kỷ XVI và phát triển đến đầu thế kỷ XX, trải qua bốn giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: Thế kỷ XVI - giai đoạn đầu tiên trong hành trình thể loại. Hình thức ban đầu là những bài thơ Nôm Đường luật xâu chuỗi lại, vịnh về một nhân vật nào đó theo diễn biến cuộc đời họ (Truyện Vương Tường, Tô Công phụng sứ…)

Giai đoạn thứ hai: Thế kỷ XVII - truyện Nôm lục bát chính thức ra đời nhưng đều khuyết danh (Quan Âm tống tử bản hạnh, Ông Ninh cổ truyện, Thoại Khanh - Châu Tuấn…)

Giai đoạn thứ ba: Thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX - giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của truyện Nôm, thời kỳ hoàng kim của thể loại. Nhiều nhất và cũng nổi bật nhất là những truyện nói về tài tử - giai nhân phỏng theo cốt truyện của Trung Quốc. Hầu hết đều là những sáng tác có tên tác giả. Đa số trong họ là những nhà nho có tên tuổi và tiếp thu khá sâu sắc tinh thần dân chủ của thời đại (Song Tinh Bất Dạ, Truyện Hoa tiên, Truyện Kiều…). Truyện Nôm giai đoạn này thật sự tạo được dấu ấn đặc biệt, có những đóng góp lớn trên bước đường phát triển văn học dân tộc.

Giai đoạn thứ tư: Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - thời kỳ nhường bước, giã từ văn đàn của thể loại. Lúc này, những vấn đề riêng tư của cá nhân

- chủ đề chính và cũng là thế mạnh của truyện Nôm - đã nhường bước cho những vấn đề quan thiết hơn của dân tộc, như tiếng nói đòi độc lập, tự chủ… Vì vậy, truyện Nôm với những chủ đề nóng bỏng của một thời đã lùi vào “hậu trường”. Dương Từ Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca… tuy vẫn viết theo tư duy tự sự trung đại nhưng đã phản ánh vấn đề mới của xã hội, chưa kể còn có một số tác phẩm được viết bằng chữ quốc ngữ. Trong xu hướng hiện đại hóa văn học dân tộc hồi đầu thế kỷ XX, truyện Nôm đã nói lên những lời cáo chung của thể loại.

CHƯƠNG 2

SONG TINH BẤT DẠ TRONG BỐI CẢNH HÌNH THÀNH

THỂ LOẠI TRUYỆN NÔM BÁC HỌC 2.1. Khái lược về tác giả, tình trạng văn bản và tác phẩm

2.1.1. Tác giả

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên Đại Nam thực lục tiền biên thì Nguyễn Hữu Hào (? - 1713) có tổ tiên ở trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, theo chúa Nguyễn vào Nam, đến ông là đời thứ ba. Gia đình ông thuộc dòng dõi võ tướng nhưng có truyền thống văn học và đều là những bậc công thần của triều Nguyễn Đàng Trong. Cha ông là Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, một danh tướng cốt cán của chúa Nguyễn, rất có lòng nhân, tác giả

Hoa Vân cáo thị nổi tiếng một thời. Em là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những danh nhân “mang gươm đi mở cõi” của triều Nguyễn. Chính truyền thống gia đình như vậy đã bồi dưỡng ở ông một tài năng quân sự dũng lược và một tấm lòng nhân nghĩa bao la. Khi trấn thủ đất Quảng Bình, ông luôn vỗ về trăm dân, yêu thương binh lính như con, chủ trương dùng y đức quy phục nhân tâm, ngoại giao hòa hiếu, không muốn động binh, không dùng hình phạt. Chẳng vậy mà sau khi ông mất đã được nhà chúa ban hiệu “Đôn hậu công thần” và tên thụy “Nhu Từ”.

Là một nhà quân sự, đồng thời Nguyễn Hữu Hào cũng là một nhà văn khá nổi tiếng và là một người mộ đạo Phật. Ngoài tác phẩm Song Tinh Bất Dạ, sáng tác của Nguyễn Hữu Hào hiện còn một bài thơ, một bức thư, một tờ khải bằng chữ Hán, ghi lại những trao đổi tranh luận giữa ông và sư Thích Đại Sán về Thể, Tính, Sắc, Không trong giáo thuyết của nhà Phật. Cả ba đều chép trong Hải ngoại kỷ sự.

Từ những trước tác còn lại cho đến ngày nay, có thể nói Nguyễn Hữu Hào là một học giả uyên bác, có kiến thức sách vở, lại có nhiều trải nghiệm thực tế, “am hiểu cả Phật, Nho và Lão, thể hiện một vũ trụ thanh thoát, không gò bó theo kinh viện Khổng giáo và một học phong độc lập trên tinh thần phê phán lối cố chấp, giáo điều…” [23; 12]. Nói như Nguyễn Thị Thanh Xuân thì ông tiêu biểu cho tầng lớp “trí thức hiếm” [23; 12] ở Đàng Trong - một vùng đất mới đang trên đà phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa hồi cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII.

2.1.2. Tình trạng văn bản

Văn bản Song Tinh Bất Dạ không có nhiều như Truyện Kiều hay

Truyện Lục Vân Tiên. Cho đến nay, chỉ có ba văn bản chữ quốc ngữ được lưu hành. Đó là:

Truyện Song Tinh (1962), Đông Hồ khảo cứu và sao lục, Nxb Bốn Phương, Viện Văn nghệ - Hiên cổ lục, Sài Gòn.

Truyện Song Tinh (1984), Nguyễn Thị Thanh Xuân khảo đính, phiên âm và chú thích, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Truyện Song Tinh (1987), Hoàng Xuân Hãn biên khảo, giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội.

Ngoài ra, khi nghiên cứu, chúng tôi được biết hiện vẫn còn bản Nôm chép tay phóng ảnh của GS. Hoàng Xuân Hãn tặng thư viện Khoa học xã hội (cũng là bản ông gửi tặng nữ sĩ Mộng Tuyết), do Trần Lưu Thiển sao vào năm 1943 từ bản Nôm của họ Lâm ở Hà Tiên, khi bản này được gửi ra cho báo

Nam Phong ở Hà Nội (dưới sự kiểm soát kỹ càng của GS. Hoàng Xuân Hãn). Đây là bản Nôm duy nhất và xưa nhất (chép lại theo bản in năm Gia Long nguyên niên - 1802), có nhiều khả năng gần với bản gốc.

Trong quá trình minh định vấn đề “Song Tinh Bất Dạ” và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học, chúng tôi chọn bản do học giả Hoàng Xuân Hãn giới thiệu vào năm 1987 làm cơ sở dữ liệu để nghiên cứu. Bởi lẽ cho đến nay, phần lớn các nhà nghiên cứu đều thống nhất đánh giá đây là bản phiên âm được khảo chứng cẩn thận, kỹ lưỡng nhất. Hoàng Xuân Hãn đã tỏ ra hết sức thận trọng, tỉ mỉ trong việc hiệu đính văn bản và có lý lẽ thuyết minh khá thuyết phục cho sự hiệu đính ấy. Có thể nói, bản của Hoàng Xuân Hãn đã chính thức đánh dấu một mốc quan trọng trong việc phiên âm, giới thiệu

Truyện Song Tinh ra với công chúng. (Trong chừng mực có thể, để làm rõ hơn vấn đề nghiên cứu, chúng tôi sẽ cố gắng đối chiếu với những bản hiện còn). Một hạn chế là trong điều kiện hiện nay, chúng tôi không có văn bản Định tình nhân hoặc bản dịch truyện này, do vậy, không có cơ sở so sánh để tìm ra những đóng góp, sáng tạo về mặt nội dung của Nguyễn Hữu Hào so với nguyên tác.

Một vấn đề nữa là, trên thực tế, văn bản Nôm nay còn thấy không có tên truyện. “Truyện Song Tinh”, được gọi theo cách mà những người giới thiệu “cảm thấy ổn nhất”, nghĩa là phần nào xuất phát từ chủ quan của từng cá nhân. Tất nhiên, cũng có một cơ sở là ở Hà Tiên, khi tìm thấy văn bản Nôm in năm Gia Long thì người ta đã gọi là “Truyện Song Tinh” rồi. Ở đây, chúng tôi chọn gọi tên tác phẩm theo cách ghi trong Đại Nam liệt truyện tiền biên (tài liệu cổ nhất ghi chép về tác phẩm mà chúng ta hiện có) - “Song Tinh Bất Dạ”.

2.1.3. Tác phẩm

Song Tinh Bất Dạ ra đời ở Quảng Bình, thuộc xứ Đàng Trong, khoảng sau năm 1704. Mặc dù Đặng Thanh Lê xếp tác phẩm này vào nhóm “truyện Nôm với cốt truyện sáng tạo độc đáo của tác giả” [38; 76] (cùng Hoàng Trừu, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lý Công, Trê cóc, Trinh thử, Sơ kính tân

trang, Lưu nữ tướng, Lục Vân Tiên), nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu, trong bao năm qua đều khẳng định Song Tinh Bất Dạ dựa theo cốt truyện một cuốn tiểu thuyết đô thị “thường thường bậc trung” của Trung Quốc thời Minh - Thanh. Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên tìm ra tác phẩm mà Nguyễn Hữu Hào phỏng theo - Định tình nhân. Và cũng chính vị học giả nổi tiếng này đã đưa ra ý tưởng, nên chăng đặt tên cho cuốn truyện Nôm này là “Định tình nhân diễn ca”.

Nội dung truyện như sau:

Chàng Song Tinh giã biệt gia đình đi tầm sư học đạo. Trên đường, chàng gặp lại người bạn tâm giao đồng triều năm xưa của cha. Giang Ông nhận ra, đưa chàng về nuôi học. Chàng được gặp Nhụy Châu, người con gái tài mạo tuyệt vời. Đem lòng yêu, lại sợ tiếng “loạn luân” (vì thuở nhỏ chàng được ông bà Giang nhận là con nuôi), chàng ốm tương tư, rồi được nàng trao tình và gia đình ưng thuận gả người con gái “kim chi ngọc diệp” cho, hẹn ngày tên đề bảng vàng cũng sẽ là ngày chàng - nàng nên duyên cầm sắt. Nào ngờ, khi chàng lai kinh ứng thí, ở quê nhà, có tên công tử bột cầu hôn nàng không được, bèn sắp đặt kế mưu tiến nàng vào cung. Trước khi “vui vẻ” xuống thuyền, nàng dặn dò cha mẹ nhận người hầu gái thân tín Thể Vân làm con nuôi, viết thư khuyên chàng Song nối duyên châu trần cùng em nuôi. Gần đến đất kinh kỳ, nàng nhảy xuống sông tự tận. Thần sông cho người cứu nàng, đưa về quê chàng. Chàng thi đỗ trạng nguyên, bị gã phò mã họ Đồ căm tức (do không chịu sánh duyên cùng con gái y) bày mưu đẩy đến vùng loạn lạc. Chàng dẹp yên biên giới và được vua ban khen. Khi biết tin nàng đã tận số, chàng cũng nghe lời nàng ký thác, sánh đôi cùng cô em nuôi song không chung chăn gối để trọn nghĩa với nàng. Sau khi đi sứ, lúc về quê thăm mẹ, chàng bất ngờ được gặp mặt cả hai người vợ và rước họ về sum họp, cùng hưởng hạnh phúc đoàn viên.

2.2. Một số bình diện nghệ thuật của tác phẩm Song Tinh Bất Dạ

Như chúng ta đã biết, Song Tinh Bất Dạ không phải là truyện Nôm đầu tiên xuất hiện trong nền văn học Việt Nam, cũng không phải là truyện Nôm đầu tiên được chép thành văn bản. Nhưng theo tài liệu văn học sử hiện còn thì nó ra đời khá sớm và là tác phẩm đầu tiên còn lại văn bản cũng như tên tác giả cho đến ngày nay.

Đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa tìm ra nguồn cứ liệu đáng tin cậy nào khẳng định chắc chắn rằng truyện Nôm ra đời sớm hơn thế kỷ XVII. Trên thực tế, chúng ta chỉ có thể thông qua hiện tượng, trong vòng ngót 100 năm (thế kỷ XVII - XVIII), các chúa Trịnh đã không dưới ba lần ra lệnh cấm khắc in và phổ biến truyện Nôm, mà phỏng đoán rằng, trong suốt hai thế kỷ ấy, truyện Nôm đã phát triển hết sức phồn thịnh. Chẳng hạn, với việc ngay từ năm 1663, đời chúa Trịnh Tạc, đã ra lệnh cấm các loại “truyện ngoa” cùng “truyện cũ nôm na”, thì cũng đủ để chúng ta đoan chắc: số lượng truyện Nôm ở thế kỷ XVII hẳn không phải là một con số quá khiêm tốn.

Xứ Đàng Trong, tuy có sự phân biệt địa - chính trị với lãnh thổ Đàng Ngoài, nhưng có lẽ, về một phương diện nào đó, cũng khó có thể nằm ngoài mẫu số chung của hệ văn hóa Đại Việt. Lẽ dĩ nhiên, văn học - một “tiểu khu” của văn hóa - cũng không nằm ngoài quy luật đó, nghĩa là, văn học Đàng Trong có lẽ sẽ ít nhiều tiếp nhận truyền thống văn học và không khí văn học Đàng Ngoài - cái nôi kiến tạo nền văn học dân tộc trong dặm dài lịch sử.

Từ quan điểm đó, nhiều nhà nghiên cứu hẳn sẽ có cơ sở để tin rằng, bầu không khí văn học lúc ấy (thời đại truyện Nôm lên ngôi) ở đất Bắc Hà đã có những ảnh hưởng nhất định đến văn học xứ Đàng Trong. Hoặc ít ra, do ở vùng giáp ranh giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong, lại là con nhà dòng dõi (không chỉ giỏi võ mà văn cũng nức tiếng thiên hạ), trong bối cảnh Đàng

Trong - Đàng Ngoài tạm hòa hoãn, Nguyễn Hữu Hào đã có khá nhiều điều kiện để lắng nghe âm vang của nền văn học Nôm đang dấy lên mạnh mẽ khi đó. Điều này khiến chúng tôi ít nhiều tin rằng, Song Tinh Bất Dạ ra đời đã được thừa hưởng nhiều thành quả của thế hệ đi trước. Vì vậy mà tác phẩm khá hoàn chỉnh, mặc dù là một trong những sáng tác ở thời kỳ đầu định hình thể loại.

2.2.1. Cốt truyện - Kết cấu

Như ta được biết, số lượng truyện Nôm trong thế kỷ XVII còn lại không nhiều, chủ yếu cũng chỉ có những truyện Nôm mang tính chất tôn giáo, lịch sử như: Quan Âm tống tử bản hạnh, Địa Tạng bản hạnh, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Ông Ninh cổ truyện, Chúa Thao cổ truyện… Một số truyện Nôm xã hội hiện còn như Hữu Kế truyện, Lý Công truyện, Thoại Khanh - Châu Tuấn… thì chủ yếu ca ngợi tình vợ chồng son sắt, chứ ít khi dành sự quan tâm đặc biệt đến tình yêu đôi lứa.

Bởi vậy, có thể xem Song Tinh Bất Dạ là một trong những truyện Nôm mở đầu cho các câu chuyện về giai nhân - tài tử, những con người tài hoa mà tinh anh đã sớm phát tiết ra ngoài. Liên quan đến điều này, GS. Đặng Thanh Lê đã khẳng định Song Tinh Bất Dạ là “một trong những truyện Nôm đầu tiên trong văn học viết thế kỷ XVIII đã lấy tình yêu tuổi trẻ làm chủ đề tác phẩm. Gắn liền với nó là một tinh thần tự do yêu đương có ý nghĩa chống lễ giáo phong kiến và một nội dung đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người, chống lại thói cưỡng bức hôn nhân của cường quyền phong kiến” [38; 58 - 59].

Đúng như tên gọi của nguyên tác - “Định tình nhân”, truyện những người có tình gắn bó - truyện Nôm Song Tinh Bất Dạ cũng lấy chuyện tình yêu của đôi trai tài gái sắc làm tâm điểm cho trục quay của cốt truyện, song để khẳng định tác phẩm có ý nghĩa chống lễ giáo phong kiến và chống thói

cưỡng bức hôn nhân của cường quyền phong kiến, thì có lẽ còn nhiều điều cần bàn lại. Bản thân Nguyễn Hữu Hào khi chấp bút đã hẳn là có ý định mượn những lời “nhả ngọc phun châu” để chống lại lễ giáo, vốn là cái cản trở, đối nghịch với tình yêu? Nhân vật trong tác phẩm cũng phải trải qua tai biến, cũng bị quyền lực phong kiến chia uyên rẽ thúy, nhưng kết cục, tình chàng ý thiếp vẫn nồng đượm trong cảnh vinh sang, nghĩa là tình yêu đôi lứa vẫn viên mãn trong khuôn nền đạo đức nho phong. Nhân vật không trải qua đoạn trường bi kịch. Tuy Nhụy Châu có lúc trầm mình thủ tiết nhưng một mặt cũng là để vẹn nghĩa cang thường, nghĩa là ít nhiều vẫn hướng về đạo đức truyền thống. Thực tế, đến thế kỷ XVII, trên văn đàn, thi đàn đã xuất hiện rất nhiều tác phẩm viết về tình yêu đôi lứa. Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có 5/20 truyện gián tiếp ca ngợi tình yêu tự do. Đọc tác phẩm, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng, có thể “gặp một thế giới những con người sống trong bể dục, tình dục” [57]. Đây chỉ là một hiện tượng tiêu biểu của văn học thế kỷ XVII, thế kỷ mà nền tảng đạo đức phong kiến với những tam cương ngũ thường, công dung ngôn hạnh đã lung lay. Nhận thức, tư tưởng thay đổi, kéo theo nhu cầu giải phóng con người cả về thể xác và tinh thần cũng ngày càng

Một phần của tài liệu Song Tinh Bất Dạ và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)