Nhân vật

Một phần của tài liệu Song Tinh Bất Dạ và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học (Trang 49)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Nhân vật

Nhân vật chính của truyện Nôm bác học thường là tài tử - giai nhân. Họ là Trương Quỳnh Thư - Phạm Kim của Sơ kính tân trang, Lương Sinh - Dao Tiên của Truyện Hoa tiên, Hạnh Nguyên - Mai Sinh của Nhị độ mai, Kim Trọng - Thúy Kiều của Truyện Kiều… và Song Tinh - Nhụy Châu của Song Tinh Bất Dạ.

Song Tinh là một chàng trai có dung mạo “tót vời”, học hành giỏi giang, thơ hay, chữ tốt, bảng vàng giật giải khôi nguyên. Tuy sống cảnh mẹ góa con côi nhưng cũng xuất thân từ dòng thi thư “nho phong nổi nền”. Mỗi lần “họp bạn nhà chiên” thì tài văn thơ của chàng tựa như: “Mực rơi điểm

ngọc, thơ nên gõ vàng”. Chàng Song Tinh xuất hiện với đầy đủ tâm thế truyền thống của những đấng tu mi, dẫu cảnh nhà “rương không châu báu” thì cũng “giá đầy thi thư”. Tài thơ của chàng tuy chưa được miêu tả nhiều, nhưng cũng đủ để báo trước một con người tài tử. Và sẵn cái tính “đa tình” của kiếp tài tử, chàng nhanh chóng mắc căn bệnh nan y muôn thuở của loài người: tương tư. Kẻ đa tình khi đã “mắc lưới”, thì sá chi chữ khanh tướng, phận công hầu. Vậy nên mới có cảnh “Sách đèn từ ấy dọc ngang biếng nhìn”, tâm tư chỉ nghĩ đến thiên “Hảo cầu” kén vợ: “Hảo cầu luống nghĩ một thiên”, mà quên đi nợ công danh: “Mảng ham nuôi ngựa, mà quên cưỡi kình”. Để rồi khi nhận bức di thư của người yêu, dẫu không có cái khí khái “Rắp tâm đeo ấn từ quan”, lặn lội can qua tìm bạn chung tình, nhưng trong tim chàng, vẫn chỉ khắc ghi một hình bóng của thuở ban đầu. Vậy nên mới đem đến cảnh trớ trêu cho nàng Thể Vân: “Khát đứng bờ ao! Đói ăn bánh vẽ, chiêm bao thấy vàng!”

Nhụy Châu, cũng như những giai nhân khác của truyện Nôm bác học, chẳng những có nhan sắc hơn đời mà còn giỏi cầm kỳ thi họa. Dẫu nàng không rắp tâm “nổi loạn”, chống lại quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” của ngàn năm lễ giáo phong kiến, thì ví thử mối tình với chàng Song không được cha mẹ nàng đồng thuận, liệu có ai cũng “bẻ lối vườn đào” giống nàng Kiều một trăm năm sau: “Xăm xăm băng nẻo đường khuya một mình” để tìm tới người tình? Nàng tiểu thư lá ngọc cành vàng được nâng niu ở chốn khuê môn, được trang bị đầy đủ những phẩm chất để làm người phụ nữ nề nếp, chuẩn mực trong khuôn khổ gia đình truyền thống, ngay từ phút ban sơ đã “Tương tư từ kết hai lòng”, “Nhạn say sa trướng, loan sầu lánh gương”. Với tình yêu, điều dường như xa lạ và không bao giờ được bộc bạch của những nàng tiểu thư khuê các, Nhụy Châu lại tỏ ra hết sức táo bạo và chủ động. Khi chàng Song mắc bệnh trầm kha, chỉ có thể “Đem người mà lại chữa người

mới yên”, nàng thầm nhủ: “Trong cơn nguy hiểm, chi nề tiết danh” và sai Thể Vân “kíp tới hỏi tình”, “hẹn lời tận mặt tệ đường ngày mai”, rắp tâm “chỉ dạ ngỏ lời” cho chàng tin tưởng. Vậy nhưng, đừng tưởng nàng dễ dãi, buông tuồng. Bởi căn nguyên của hành động táo tợn, “chẳng nề tiết danh” ấy là do thương chàng “quý thể bất bình”. Thế nên ngay sau khi đã giãi bày nguồn cơn thì hai người hai lối: “Anh lui thư viện, em hồi phòng loan”.

Vậy mà, người con gái mảnh mai, liễu yếu đào tơ ấy, khi đặt trong hoàn cảnh thử thách, lại trở nên hết sức kiên cường. Bị tên Hách Sinh bày mưu hãm hại, biết không thể tránh nhập cung, nàng cậy Thể Vân thay mình nối sợi dây tình cùng chàng Song, sắp xếp việc nhà, “gạn sầu”, “phơi phới” “chờ ngày phó Kinh”. Ai cũng tưởng nàng cất bước thang mây, từ tạ mối tình, bước vào nơi cung thẳm. Không ngờ, khi một mình đối bóng dưới thuyền, bao nỗi niềm “thương thân lại chạnh việc nhà” của nàng mới được bộc bạch. Thấm thía cảnh ngộ của mình khó có thể “họp nhân duyên kiếp này” với chàng Song, nàng tự nhủ:

Sao bằng quyết chí chơi mây,

Nguyền xưa cho trọn, danh này khéo nhơ Ví ai chẳng biết lòng ta,

Miễn là tiết ngọc, dòng là đúc gương

Và rồi, “liều làm khách chơi miền Thủy cung”, nàng đã chọn dòng sông làm nơi thủ tiết. Dòng sông, dường như đã là định mệnh, nơi kết thúc số kiếp phong trần của nhiều cô gái trong truyện Nôm. Thúy Kiều trầm mình ở sông Tiền Đường. Kiều Nguyệt Nga ôm theo bức tranh họa hình Lục Vân Tiên làm bạn với luồng nước dữ… Có lẽ duy chỉ nàng Trương Quỳnh Thư của Phạm Thái không chọn một dòng sông; đơn giản vì câu chuyện được xây dựng trên một thiên tình sử có thật. Dòng sông, như một nơi để những cô gái

tài sắc gột rửa, trút bỏ mọi phiền lụy, hệ lụy của cõi trần. Ở đây, phải chăng các tác giả truyện Nôm đã tìm thấy một sự đồng điệu trong triết lý nhà Phật và tâm thức dân gian - coi nước, mà hiện thân là dòng sông, là nơi thanh lọc linh hồn.

Điều đáng nói là trong thế giới truyện Nôm, hàng ngàn thử thách, truân chuyên chỉ có giá trị như những thước đo khẳng định phẩm giá và tấm lòng băng trinh của các nhân vật. Vậy nên, cuối cùng, như một sự đền bù xứng đáng cho phẩm cách, tài năng và tấm lòng chung thủy, các nhân vật chính luôn được đoàn tụ, hưởng trọn niềm hạnh phúc. Đại đa số tác giả truyện Nôm đã cố gắng tìm tới một chung cục tốt đẹp, may mắn, hay chí ít cũng là “chấp nhận được”. Cuộc đoàn viên giữa Song Tinh với Nhụy Châu và Thể Vân là một cuộc đoàn viên mang tính chất lý tưởng, vừa trọn tình vừa vẹn nghĩa theo quan điểm thẩm mỹ của xã hội phong kiến đương thời. Lương Sinh và Dao Tiên được vua ban hôn, vui hưởng vinh sang. Kim Trọng và Thúy Kiều dẫu có vị đắng của “đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”, nhưng chí ít, Kiều cũng đã thoát cảnh trầm luân “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, ngày ngày cùng người yêu năm xưa bầu bạn… Những chung cục có hậu ấy, phải chăng là một lối mòn trong tư duy nghệ thuật, một niềm tin cổ tích, ngây thơ? Để hiểu được điều ấy, cần phải đặt trong bối cảnh văn hóa thời đại và chiều sâu tâm linh của con người khi đó. Hẳn là đối với con người hiện đại, những đoạn kết kiểu này có phần thiên cưỡng, khó chấp nhận. Nhưng khi nhìn sâu xa hơn theo góc nhìn lịch sử - văn hóa, mới dễ cảm thông và thấu hiểu, bởi lẽ, nhiều khả năng, đó là giới hạn có thể chịu được của thời đại, cả ở phía người đọc lẫn tác giả.

Song Tinh Bất Dạ là một truyện Nôm bác học. Tài năng cũng như ý thức sáng tác của chủ thể sáng tạo - những người có trình độ học vấn cao - thôi thúc họ gọt giũa ngôn ngữ công phu và trau chuốt hơn. Đồng thời họ cũng là những người am tường mỹ học trung đại, hơn hẳn các trí thức bình

dân - đội ngũ tác giả chủ chốt của truyện Nôm bình dân, và họ cũng dụng tâm “chăm sóc” nhân vật nhiều hơn. Nhờ vậy, sự tương phản giữa nhân vật chính diện và nhân vật phản diện, theo mỹ học trung đại, nổi bật một cách văn hoa hơn (tất nhiên, dù nghệ thuật có công phu đến đâu, cũng khó tránh khỏi tính một chiều, phiến diện - nét hạn chế, nhưng có lẽ chính xác hơn là đặc điểm của tư duy tự sự trung đại, thường nhìn sự vật, sự việc theo một hướng nhất phiến). Song, cũng ở những tác phẩm này, trên một số phương diện, chúng ta vẫn có thể nhận thấy một sự tương đồng giữa tư duy cổ tích - dân gian với tư duy bác học và tư duy thời đại nói chung. Nhân vật chính diện hội tụ tất cả những giá trị chân - thiện - mỹ, mang lý tưởng, quan điểm tư tưởng, quan điểm đạo đức, mỹ học của tác giả và thời đại. Nhân vật phản diện là sự hội tụ những gì ngược lại. Nó thuộc phạm trù cái xấu, cái thấp hèn, đôi khi đan xen cả cái hài hước. Tính cách nhân vật “nhất thành bất biến”, đã ác thì cái gì cũng ác, trong hoàn cảnh nào cũng ác, còn đẹp thì cái gì cũng đẹp, ở đâu cũng đẹp. Chính vì vậy, khi xây dựng nhân vật chính diện, văn học trung đại thiên về tính chất lý tưởng hóa, tập trung vun đắp cho loại nhân vật này mọi giá trị tốt đẹp, cả về hình thể bên ngoài lẫn phẩm chất đạo đức và những giá trị tâm hồn bên trong, đẹp cả về ngôn ngữ lẫn hành động. Họ có nguồn gốc xã hội cao quý, có tài năng, thậm chí có những hành động, tính cách phi thường… Song Tinh và Nhụy Châu (như đã phân tích ở trên) và sau này là Phương Châu - Dao Tiên (Truyện Hoa tiên), Phạm Kim - Quỳnh Thư và hóa thân kiếp sau của nàng: Thụy Châu (Sơ kính tân trang), Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (Truyện Lục Vân Tiên)… là những nhân vật như thế.

So với truyện Nôm bác học, truyện Nôm bình dân tuân thủ đặc trưng mỹ học ấy một cách nghiêm ngặt hơn. Ở truyện Nôm bình dân, nhân vật thường được chia làm hai tuyến rạch ròi và dường như đứng ngoài thời gian, không chịu sự chi phối của hoàn cảnh, tính cách nhân vật không phát triển

và họ hầu như không có diễn biến tâm lý. Nhân vật vượt qua thử thách (dù khó khăn và lớn đến đâu) vẫn giữ được thân toàn, danh trọn, kết thúc là một hạnh phúc viên mãn đảm bảo cái thiện cần có, nên có và cần phải chiến thắng cái ác.

Trái lại, như một sự phát triển tất yếu của tư duy và nghệ thuật, ở truyện Nôm bác học, nhân vật tỏ ra “chủ động” hơn trong việc tiếp cận đời sống, do vậy, tính cách nhân vật cũng phong phú, đa dạng, phức tạp hơn. Cụ thể, trong tác phẩm truyện Nôm bác học xuất hiện nhiều tuyến nhân vật hơn và ngay cả trong bản thân một nhân vật cũng không đơn thuần tồn tại duy nhất một tính cách nhất quán (Thực tế, việc phân chia thành nhân vật chính diện hoặc phản diện chỉ là căn cứ vào nhân vật ấy, tính cách nào trội hơn mà thôi). Điều đó có nghĩa là, tính cách của nhân vật truyện Nôm bác học không bất biến như nhân vật truyện Nôm bình dân mà luôn phát triển với diễn biến tâm lý khá phức tạp và tinh tế.

Trong hệ thống các tác phẩm truyện Nôm bác học, Song Tinh Bất Dạ

trở nên nổi bật và tiêu biểu không chỉ bởi nó là tác phẩm đầu tiên mang tên tác giả mà còn bởi trong bối cảnh sơ kỳ ấy, Song Tinh Bất Dạ đã hội tụ khá nhiều ưu thế nghệ thuật của một tác phẩm thành văn. Nói riêng về tập hợp các nhân vật trong tác phẩm, chúng ta có thể nhận thấy đầy đủ những đặc trưng của nghệ thuật tự sự truyện Nôm bác học, khác hẳn truyện Nôm bình dân.

Trong Song Tinh Bất Dạ, bên cạnh các nhân vật có kiểu tính cách một chiều như Song Tinh - nhân vật chính diện, Hách Sinh - nhân vật phản diện, Nguyễn Hữu Hào đã sáng tạo ra những nhân vật có tính cách phức tạp, nhiều mặt: vừa có những biểu hiện của nhân vật chính diện, vừa có những biểu hiện của nhân vật phản diện hoặc vừa có những biểu hiện của tầng lớp bình dân, vừa có những biểu hiện của tầng lớp quý tộc. Nhược Hà, Thể Vân của Song

Tinh Bất Dạ và sau này là Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, là những “hiện tượng lạ” đó của văn học trung đại. Đặc biệt, với nhân vật Nhược Hà, Nguyễn Hữu Hào đã đạt đến trình độ “cá tính hóa” cao. Đây là một sự hi hữu trong văn học cổ, và càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi sự hi hữu đó lại xuất hiện ở một tác phẩm thuộc thời kỳ đầu của truyện Nôm bác học.

Theo TS. Lê Thị Hồng Minh, “Trong các chân dung những người hầu mà văn học cổ trung đại từng xây dựng, thì chân dung cũng như ngôn ngữ Nhược Hà trong Truyện Song Tinh được xây dựng sinh động và thật hơn cả” [44; 135]. Tìm hiểu ngôn ngữ đối thoại của Nhược Hà có lẽ sẽ giúp ta hình dung được phần nào diện mạo của nữ nhân vật đặc biệt này. Nhược Hà đã để lại những ấn tượng khó quên về một cô hầu đáo để, “thày lay”, tinh quái, nhiều chuyện, một “cô hầu này” chứ không phải “cô hầu khác” với những nét tính cách không chỉ tiêu biểu cho một loại cô hầu mà là cho một loại người trong xã hội - hay ganh tỵ, thích đưa chuyện, ưa đâm thọc vào việc người khác, ranh mãnh và ngụy biện có tài.

Ngôn ngữ của Nhược Hà biến hóa khá linh hoạt, khi thì là ngôn ngữ của người ăn, kẻ ở, có phần ít học, thậm chí vô lễ; khi lại là lời ăn tiếng nói của một cô gái đáo để, thông minh. Tính cách của cô nàng bộc lộ ngay từ lời nói đầu tiên. Bất ngờ bắt gặp chàng Song Tinh si tình đang đứng trước bức vách nhỏ to tâm sự một mình, lòng tơ tưởng đến tiểu thư Nhụy Châu mà không dám tỏ bày, Nhược Hà loan báo sự nực cười ấy cho cả gia đình Nhụy Châu biết, kèm theo một lời bình:

Xưa nhìn ngỡ đấng trượng phu Nay xem hình tướng mĩa đồ ma trơi

Lạ lùng thay! Song Tinh là khách quý của gia đình Nhụy Châu, con nuôi ông bà Giang. Nhưng trong con mắt của Nhược Hà, chàng hàn sĩ này chẳng có lấy một chút giá trị. Cô nàng công khai tỏ thái độ khinh khi đối với Song Tinh. Nhược Hà chẳng cần kiêng dè mà gọi chàng là “đồ”, rằng xưa thì “ngỡ” chàng là “đấng trượng phu” - một sự lầm tưởng - còn nay đã rõ thực chất “đấng trượng phu” ấy thốt ra cũng chỉ là “đồ ma trơi”. Sự đối lập giữa “xưa” và “nay”, giữa “đấng trượng phu” và “đồ ma trơi” càng làm nổi rõ thái độ của Nhược Hà với Song Tinh.

Nghe Song Tinh than thở về lời một người bạn khuyên chàng “toan bề thật rể chẳng thà giả con”, đầu tiên Nhược Hà tỏ ra đồng thuận với ý kiến này khiến Song Tinh càng thêm rối bời, rồi cô nàng bồi thêm một câu: “Nuôi con thật rể thế hòng loạn luân”. Đó là ý của Nhược Hà, nhưng khi Sinh tỏ ra hồ nghi: “Chẳng hay tiếng ấy ngươi luần hay ai?” thì Nhược Hà lập tức chối bay và đẩy sang cho tiểu thư:

Dịp nhân từng thấy tiểu thư Giảng luần đạo lý lời xưa dặn bày

Nói rằng những phân tích mang tính đạo lý này là của tiểu thư, vô hình trung, Nhược Hà đã giáng cho Song Tinh một đòn chí mạng. Khi cần, Nhược Hà đã biết đem đạo lý để nói đạo lý, biến cái vô tình thành cái hữu ý, đánh trúng vào tâm trạng phấp phỏng, nghi ngờ của Song Tinh khiến chàng càng thêm hoang mang. Khôn khéo hơn, Nhược Hà còn biết rào trước đón sau, tự nhận mình ngây thơ, dại dột, thấy sao nói vậy, nghe trước quên sau, nào hay biết gì về lề luật, phép tắc:

Trân trân nan hóa thói ngây Vào tai ra miệng, há hay luật lề

Nhược Hà “vô tội” nên khi chàng bấn loạn, bất tỉnh thì cô nàng vội lỉnh đi, không một lời thăm hỏi. Khi Thể Vân trách cô ta bịa chuyện khiến Song Tinh lâm trọng bệnh, Nhược Hà liền “ăn miếng trả miếng”, “phản pháo” rất đáo để. Đầu tiên, cô nàng chối bay mọi tội lỗi. Mà cách chối tội mới thật tinh ranh. Cô nàng đã dẫn lại gần như trọn vẹn lời của Song Tinh và lời của chính mình. Có điều, vẫn là việc ấy, lời ấy mà sao vào miệng lưỡi Nhược Hà, sự thật đã khác xa nhiều lắm. Cô ta kể:

Khi người đến chốn Hoa Đình Hương câu hóng mát một mình ngợi ca

Người rằng: “Có bạn rủa ta: Toan bề thật rể chẳng thà giả con”.

Một phần của tài liệu Song Tinh Bất Dạ và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)