Giọng điệu trữ tình

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Trang 78)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.2 Giọng điệu trữ tình

M. Khrapchencô từng khẳng định “giọng điệu chủ đạo không những không loại trừ mà còn cho phép tồn tại trong tác phẩm văn học những giọng điệu khác nhau”[24, tr.169]. Các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bên cạnh giọng khách quan lạnh lùng còn chứa đựng giọng điệu trữ tình với các sắc thái tình cảm: cô đơn, hoài niệm, buồn thương, chua xót…Chất trữ tình trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không phô bày lồ lộ trên trang viết mà ẩn sâu bên trong lớp vỏ ngôn từ dửng dưng lạnh lùng. Đó là “ lối viết tự sự đòi hỏi sự thành thật và một nghệ thuật che giấu tình cảm rất cao”[42, tr.256]. Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều về cái ác, cái xấu và kể về cái ác cái xấu một cách tự nhiên không ngại ngùng che đậy. Điều này khiến nhiều người cho rằng Nguyễn Huy Thiệp thích thú với cái ác. Đằng sau những sự thật trần trụi là một cái tâm luôn muốn cố gắng mổ xẻ lý giải và thương cảm: “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm”. Giọng buồn thương chua xót có thể tìm thấy trong rất nhiều các truyện ngắn của ông. Các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường đề cập đến sợ đổ vỡ, mất mát. Đó huyền thoại con trâu đen gắn với niềm tin về cái tốt vỡ òa một cách chua xót phũ phàng trước sự thật của cuộc sống. Niềm tin về mẹ Cả trong Chương từng là động lực để anh vượt qua bao khó khăn đi kiếm tìm hạnh phúc kết thúc bằng sự chua xót khi nhận ra anh đã đi gần nửa cuộc đời mà không tìm được cho mình niềm tin, hạnh phúc. Là nỗi chua xót của Trương Chi trước cuộc đời… Vì vậy truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường có kết thúc

không có hậu. Ngay cả chùm truyện ngắn mang không khí cổ tích trong

Những ngọn gió Hua Tát cũng kết thúc như vậy. Đó chính là lối viết đặc

trưng của Nguyễn Huy Thiệp mà ông đã có lần thổ lộ: “Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần”[42, tr.17]

Chất trữ tình không phải là giọng điệu chủ âm trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp nhưng luôn phảng phất trong các sáng tác và đặc biệt sâu

lắng trong một số tác phẩm như: Chảy đi sông ơi, Trong lòng mẹ…Ở những tác phẩm này chất trữ tình sâu lắng được bộc lộ khi người kể chuyện ở ngôi thứ nhất tự bày tỏ nỗi lòng, tự cảm nhận cuộc sống bằng những trải nghiệm của chính mình. Chúng ta hãy nghe nhân vật trải lòng: “Chiều xuống tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận. Con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết

đến xung quanh chộn rộn những gì”(Chảy đi sông ơi). Trần Duy Thanh đã

nhận xét: “ Giá thử ở tập sách này chỉ toàn Không có vua hay Tướng về hưu thì cảm giác người đọc thật nặng nề. Tâm hồn mẹ và Chảy đi sông ơi có cái thiết tha, sâu lắng làm vơi nhẹ đi cái cảm giác nặng nề tê tái kia.”[32, tr.90]

Khai thác lối kể chuyện mang đậm tính chất truyền thống Á Đông, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng khá đa dạng và nhiều thơ với mực độ đậm nhạt khác nhau trong các tác phẩm tạo nên dư âm trữ tình sâu lắng trong truyện. Đó có thể là những câu thơ Nguyễn Huy Thiệp đặt ra, những bài thơ của các nhà thơ khác, những bài ca dao… Một nỗi mênh mang, tê tái và chua xót trên bến Cốc vang vọng cùng dư âm lời bài hát lạ và buồn:

“ Chảy đi sông ơi Băn khoăn làm gì?

Rồi sông đãi hết

Anh hùng còn chi?...” ( Chảy đi sông ơi ).

Dư vị tái tê vang lên trong những câu hát vu vơ như không có ý thức của Tốn:

“A ha... Không có vua Sớm đến chiều say sưa Tháng với ngày thoi đưa Tớ với mình dây dưa,

Tình với tính hay chưa?” (Không có vua)

Là những khoảng lặng, những suy nghĩ len lỏi trong tâm hồn không thể diễn tả hết bằng lời:

“ Hãy dừng lại đi, dừng lất cả Dẹp mọi âm thanh cuộc sống xô bồ Dừng một chút

Lắng nghe sự tĩnh lặng tuyệt đối Sẽ thấy mình bé bỏng thế nào Ta chỉ là một hạt thiện bé tí

Với một tí thiện, làm sao sinh lợi được Với một tí thiện, làm sao chống chọi được Cái vốn mẹ để dành còi cọc

Nấp kín trong xó tối tăm Cái xó tối tăm lương tri ấy

Ngày đêm khản tiếng khóc thầm...”

(Những bài học nông thôn)

Là tình cảm, nỗi lòng cô đơn, chua xót có được từ những trải nghiệm cuộc sống của Bạc Kỳ Sinh gửi gắm qua những lời hát. Người kể chuyện thông qua việc trích dẫn nguyên văn lời hát của Bạc Kỳ Sinh đã cho người

đọc thấy những góc khuất sâu xa nơi tâm hồn, những nét đẹp tình cảm dung dị nhưng hết sức sâu sắc ẩn sâu trong con người kỳ lạ này – những điều mà người kể chuyện không thể tả được bằng ngôn ngữ của mình. Rõ ràng là trong mỗi câu chuyện lời thơ, lời hát phát huy hiệu quả thẩm mỹ rất lớn. Không chỉ diễn tả cảm xúc tình cảm, mở ra những góc khuất nơi tâm hồn mà còn là khoảng lặng trong quá trình kể chuyện để người đọc cùng chiêm nghiệm và suy ngẫm.

Đặc biệt một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có sự xuất hiện của lời thơ, lời hát liên tục được duy trì như là yếu tố tạo thành của kết cấu

câu chuyện. Dạng này xuất hiện trong: Những bài học nông thôn, Trương Chi,

Kiếm sắc, Thương nhớ đồng quê, Phẩm tiết, Thiên văn…Lối kể chuyện bằng

việc tái hiện lại các lời thơ cho phép Nguyễn Huy Thiệp diễn tả được ý và tình mà vốn dĩ lời văn xuôi không thể diễn đạt hết được. Đó là sự chua chát, khát vọng và cả sự cô đơn không thể chia sẻ cùng ai thấm đẫm trong những

bài ca của Trương Chi. Dù hát về đề tài gì, vui hay buồn người đọc cũng nhận

thấy trong những lời bài hát tâm sự cô đơn bất mãn. Những bài hát đầy tâm sự xuất hiện xuyên suốt trong câu chuyện về chàng Trương Chi phải chăng chính là sự bủa vây của nỗi cô đơn bế tắc trong cuộc sống của Trương Chi. Những bài thơ xuất hiện khá dày đặc gắn với những trạng huống cụ thể của cậu bé

trong Những bài học nông thôn là tiếng nói bên trong tâm hồn, những suy

nghĩ về cuộc sống là những khoảng lặng để người đọc suy nghĩ về những bài học từ cuộc đời. Những suy ngẫm về con người, về hành trình, quy luật cuộc

sống của người kể chuyện trong Thiên văn mang tính chất chiêm nghiệm triết

lý được diễn tả khéo léo qua những vần thơ có chủ định của người kể chuyện. Vì vậy chất trữ tình không chỉ có trong những lời thơ mà bao trùm lên câu trúc của câu chuyện. Đó là những suy tư được gửi gắm không dễ gì nhận ra trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.

Như vậy tiếng nói trữ tình ẩn giấu trong lời thơ, lời hát cho phép người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp khắc họa thành công tiếng nói trữ tình sâu lắng bên trong thế giới tâm hồn của nhân vật và những chiêm nghiệm suy tư về cuộc sống. Nguyễn Huy Thiệp đã vận dụng rất thành công lối viết này và tạo nên phong cách đặc biệt cho truyện ngắn của mình.

3.2.3 Giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý.

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ẩn chứa nhiều ý vị triết lý, không chỉ có người kể chuyện đưa ra các triết lý, nhân vật trong truyện ngắn của ông cũng thi nhau triết lý, cấu trúc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng mang ý nghĩa triết lý. Tuy nhiên trong khuôn khổ của luận văn chúng tôi chỉ xem xét giọng điệu chiêm nghiệm triết lý của người kể chuyện. Ở nội dung này chúng tôi nhận thấy các triết lý của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được bộc lộ qua giọng điệu “tưng tửng” (chữ dùng của PGS- TS Nguyễn Đăng Điệp) nhưng không kém phần sâu sắc. Nội dung của các triết lý thường hướng về cuộc sống và về văn chương. Vì vậy có thể khẳng định “ Nguyễn Huy Thiệp viết văn không chỉ nói lên sự đời mà anh còn bàn luận về sự đời, bàn luận về cả chính văn chương”[32, tr.133].

Những triết lý về văn chương không phải chỉ có riêng ở Nguyễn Huy Thiệp mà rất nhiều các nhà văn thế hệ trước ông như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… đã có rất nhiều ý kiến xác đáng. Nhà văn khi cầm bút đều mong muốn hướng ngòi bút của mình triết lý về một vấn đề nào đó trong cuộc sống và một tuyên ngôn của riêng mình cho văn chương nghệ thuật. Tuy nhiên không phải ai cũng triết lý được và không phải câu văn nào mang tính triết lý cũng được chấp nhận và khiến người đọc phải trăn trở. Triết lý về văn chương trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không phải là những tuyên ngôn. Đó là sự hoài nghi, trăn trở, cật vấn lương tâm của người cầm bút về thiên chức của mình: “Văn học không phải là tất cả. Không

nên quá coi trọng văn học. Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió... Thế còn lương tâm? Nhưng sao lại đi băn khoăn điều đó làm gì? Hai trong vô số những cửa ải, những vấn nạn mà nhà văn phải đối đầu là đạo đức và chính trị... Nghĩa là lương tâm. Rồi đến gì nữa? Rồi đến tiền... Cũng không phải

thế”. (Bài học Tiếng Việt). Đó là những gì Nguyễn Huy thiệp nhận thấy bằng

chính sự trải nghiệm trên bước đường văn chương của mình: “Công việc viết

văn vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa”(Kiếm sắc). Và trên con

đường đó cũng có lúc Nguyễn Huy Thiệp cho rằng “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đó là chí

thành” (Giọt máu). Có lúc băn khoăn, trăn trở, hoài nghi, thậm chí thấy cô

đơn nhưng trên con đường đến với văn chương Nguyễn Huy Thiệp luôn ý thức và sẵn sàng đối mặt “Thằng bé mơ hồ hiểu rằng học đòi văn chương là nó bước vào một cõi mà ở đấy, nó không thể nương tựa vào bất cứ thứ gì, ngoài bản thân nó” Và nhận thấy “nghệ thuật đòi hỏi dốc lòng, sự trung thực

và nhiều thứ khác.” (Chút thoáng Xuân Hương) .... Không có tham vọng đưa

ra các tuyên ngôn mang tính phổ quát, những chân lý tuyệt đối, chất triết lý trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là những đúc rút mang tính bài học có được từ sự trải nghiệm trên chính hành trình viết văn của mình.

Bên cạnh những trải nghiệm về con đường văn chương là những trăn trở về lẽ sống, về cuộc đời qua những triết lý được người kể chuyện phát biểu một cách trực tiếp. Đó là có thể là những đúc rút về đời người: “Đời người ta,

ai đã chẳng từng săn đuổi bao nhiêu phù du?”(Trái tim hổ - Những ngọn gió

Hua Tát); là những khái quát về số phận: “Số phận nào mà chẳng cồng kềnh,

thô lậu?”(Thiên văn); hay có khi chỉ là những bài học giản đơn trong chính

cuộc sống thường nhật: “Gia đình cũng giống như những lò than, các cục than

có sức tỏa ấm cho nhau nhưng rồi sau đó lại thiêu đốt nhau” (Đất quên –

gọn nhưng thấm thía. Bởi có lẽ đó là những đúc rút có được từ sự trải nghiệm, nó gần gũi với cuộc sống với mỗi số phận con người và cũng là trăn trở của biết bao người.

Tính triết lý chiêm nghiệm trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp còn được tạo ra khi người kể chuyện sử dụng lời trữ tình ngoại đề. Theo Trần Đình Sử “những lời bàn luận, biểu hiện cảm xúc trữ tình của người kể thì gọi là “trữ tình ngoại đề”[38]. Lời trữ tình ngoại đề vốn dĩ đã mang cái cảm hứng chung chi phối cho toàn bộ văn bản. Lời trữ tình ngoại đề thường được sử dụng nhiều trong thơ ca để thâu tóm cảm hứng cũng là mạch ngầm cảm xúc cho toàn bộ tứ thơ và trong văn xuôi cũng được không ít các nhà văn lợi dụng điều này để tăng thêm chiều sâu và tính biểu đạt của văn bản. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng thường sử dụng lời trữ tình ngoại đề, trong số đó phần lớn các lời trữ tình ngoại đề mang ý nghĩa triết lý. Đó là những triết lý đã tồn tại và thừa nhận:

“Chữ trinh đáng giá ngàn vàng... Chữ trinh còn một chút này...

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đuờng”...- Nguyễn Du

(Phẩm tiết)

“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” - Nguyễn Du

(Kiếm sắc).

“Vấp phải đời phàm tục

Chiếc thuyền tình vỡ tan...”-Từ một ý thơ của Maiacôpxki

(Nguyễn Thị Lộ)

“Cái đẹp sẽ cứu thế giới - F.M.Đostoievski”

(Tội ác và trừng phạt);

“Ta như chim, tiếng Việt như rừng” - Lưu Quang Vũ”

Những lời trữ tính ngoại đề như vậy vốn dĩ đã mang trong mình tính triết lý sẵn có và Nguyễn Huy Thiệp vận dụng nó vào những câu chuyện kể của mình không chỉ tạo nên tính khái quát cho câu chuyện được kể, là lời gửi gắm thay cho những lời kết mà nó còn có tác dụng mở ra nhiều suy tư về lựa chọn cho người đọc trên phương diện nhận thức, đánh giá. Lời trữ tình ngoại đề được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng khá phổ biến trong sáng tác, thế nhưng lại không hề tạo ra sự nhàm chán hay lệch kênh trong cách cảm nhận. Những lời trữ tình ngoại đề thường mang lại cho người đọc nhiều sự trăn trở hơn hơn chính giá trị biểu đạt của bản thân nó bởi những câu chuyện về cuộc đời mà người kể chuyện mang tới cho người đọc. Đó cũng là cách Nguyễn Huy Thiệp làm mới lại những chân lý, tạo ra nhiều suy tư và trăn trở hơn cho chính những câu chuyện của mình.

Bên cạnh đó Nguyễn Huy thiệp sử các dạng lời nửa trực tiếp để tạo ra âm hưởng chiêm nghiệm, triết lý. Dạng này xuất hiện trong khá nhiều các tác

phẩm:

“ Chảy đi sông ơi Băn khoăn làm gì? Rồi sông đãi hết Anh hùng còn chi?...”

(Chảy đi sông ơi)

“Kìa trăm năm Tài mệnh là gì Chỉ thấy đớn đau” (Kiếm sắc) “Làm người chỉ có một lần làm người thật khó...” (Mưa Nhã Nam)

“Này nhé: sự biến dịch luân hồi

Cười người hôm trước hôm sau người cười Thế gian cứ một hồi trị một hồi loạn

Thời cuộc cứ một khi co một khi duỗi” “Tự do nào chẳng có buông thả, xu thời Cao thượng, đê tiện chung một nụ cười”

(Thiên văn)

“Sổ số đặc biệt Giải bảy trăm nghìn Món quà phẩm hạnh Lộc của thần linh Số trời may mắn Đâu đến chú mình Đỏ đen nhân thế Hữu sự hữu tình...

(Huyền thoại phố phường)

Các mệnh đề mang tính chiêm nghiệm, triết lý của người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được thể hiện khá đa dạng dưới nhiều hình thức. Đó là thể là những triết lý đã có sẵn, có khi xuất hiện dưới hình thức những câu hát, những lời thơ, cũng có khi được gửi gắm qua hình thức của những bài đồng dao quen thuộc…Tuy nhiên dù được người kể chuyện phát biểu trực tiếp hay gửi gắm qua những lời trữ tình ngoài đề cũng đều là những đúc rút về số phận, về cuộc đời, về con người, là những chiêm nghiệm triết lý mang cái nhìn văn hóa của con người Á Đông. Điều đáng ghi nhận trong giọng điệu triết lý của Nguyễn Huy thiệp là ông biết cách làm mới những chân lý đã cũ và tạo ra nhiều suy tư hơn cho người đọc bằng chính những câu chuyện kể của mình.

Giọng điệu trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mà chúng tôi đề cập trên đây không phải là tất cả, nhưng là những giọng điệu mang tính chủ âm trong sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Giọng điệu đó cũng tồn tại trong rất nhiều trang viết của nhiều nhà văn khác. Tuy nhiên mỗi nhà văn lại mang lại cho mình màu sắc riêng trong những lối viết chung và

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)