Giải pháp về xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hóa

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của nông dân huyện Tây Sơn - Phú Thọ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 90)

Chúng ta đều biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có mối quan hệ tự nhiên, nội tại, hữu cơ không thể tách rời. Vì vậy, không thể phát huy vai trò của nông dân, xây dựng giai cấp nông dân theo yêu cầu của CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế nếu không phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Chính trên quan điểm đó mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã khẳng định mục tiêu:

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường [29, tr.126].

Phú Thọ luôn coi vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Định hướng chung nhằm giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh là: phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông

thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản.

Trên cơ sở quyết định số 4646/2009/QĐ - UBND ngày 24/12/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc Duyệt quy hoạch phát triển nông thôn mới tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, và Kế hoạch số 759/KH - UBND ngày 17/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về Triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ đến 2020, Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn đã ban hành quyết định số 05/QĐ - UBND Về việc xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hóa ở huyện Tân Sơn giai đoạn 2010 - 2020 với những giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn.

- Tập trung phát triển những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến. Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra sản phẩm có năng xuất, chất lượng cao. Tiếp tục thực hiện dồn đổi ruộng đất gắn với quy hoạch ruộng đồng.

- Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; chú trọng các hoạt động tín dụng, bảo hiểm, cung ứng vật tư nông nghiệp, vận tải nhỏ, sớm hình thành các trung tâm thương mại nhỏ ở thị tứ, trung tâm cụm xã, phát triển mạng lưới chợ đầu mối và chợ nông thôn.

- Tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn theo hướng chú trọng phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác...), kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, trang trại, gia trại...). Đổi mới hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp sang hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho kinh tế hộ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Hai là, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hóa.

- Tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; vận dụng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, kết hợp khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích nhân dân cùng tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với tiêu chí nông thôn mới của quốc gia và của tỉnh, cụ thể:

+ Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, ngô, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cấp nước sinh hoạt cho dân cư và công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Xây dựng hồ chứa nước ở Kim Thượng, Thu Cúc, phát triển thủy lợi nhỏ, kết hợp thủy điện ở Xuân Sơn.

+ Phát triển giao thông nông thôn bền vững gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, đảm bảo thông suốt tới các xã và cơ bản có đường ô tô đến thôn, bản tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân và lưu thông hàng hóa trong huyện, giữa huyện với các vùng khác. Từng bước nâng cao chất lượng đường nông thôn; có cơ chế, chính sách đảm bảo duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

+ Cải tạo, phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân trong huyện. Phát triển hệ thống bưu chính viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho nhân dân, đặc biệt là các xã ở xa trung tâm huyện.

Ba là, xây dựng, bổ xung cơ chế, chính sách phát triển nông thôn mới.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập công ty, vào các dự án đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt chính sách đất ở, nhà ở, việc làm cho người bị thu hồi đất.

- Khuyến khích các dự án dầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch, hạ tầng các cụm công nghiệp, các thị tứ, trung tâm cụm xã, vệ sinh môi trường; các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo phương thức Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm.

- Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có đủ trình độ giải quyết những yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

- Hỗ trợ chi phí đào tạo cho các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa và trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã; hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục rủi ro do thiên tai.

- Đảm bảo nguồn lực thực hiện CNH, HĐH nông thôn, tăng tỷ lệ đầu tư phát triển nông thôn, điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung đầu tư cho các mục tiêu trọng điểm, các giải pháp có tính đột phá. Tập trung cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ cho các vùng sản xuất hàng hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng mô hình nông thôn mới theo hướng đô thị hóa.

Bốn là, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững trật tự, an toàn xã hội: đấu tranh ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giải quyết kịp thời các vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp; không để phát sinh “điểm nóng” trong huyện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ công an, dân quân tự vệ cấp xã; nâng cao hiệu quả phối hợp để thực hiện có hiệu quả phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của nông dân huyện Tây Sơn - Phú Thọ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 90)