Một trong những quan điểm về CNH, HĐH đất nước của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII là: coi nguồn lực con người là yếu tố trung tâm của sự phát triển nhanh và bền vững. Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, năng suất nông nghiệp không chỉ phụ thuộc vào đất đai, công nghệ mà còn phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của lực lượng lao động trong khu vực này. Trình độ học vấn là cơ sở để nông dân lĩnh hội những kiến thức của chương trình khuyến nông một cách thuận lợi hơn, do đó chủ hộ sẽ
dễ dàng hơn trong việc học, nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật để nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, nhờ đó năng suất lao động nông nghiệp tăng lên.
Tân Sơn là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ. Phần lớn nông dân trong huyện chỉ có trình độ THCS, một số ít có trình độ THPT, trình độ chuyên môn hầu như không có. Trong điều kiện CNH, HĐH đòi hỏi người lao động phải có một trình độ tương ứng với công nghệ tiên tiến. Để đáp ứng yêu cầu này, vai trò chủ yếu thuộc về giáo dục, đào tạo, vì giáo dục và đào tạo là phương hướng hữu hiệu để phát triển trí tuệ và trang bị chuyên môn. Và cũng từ đây giúp con người nhận thức và làm giàu một cách chính đáng. Có thể nói, cùng với nhiều biện pháp khác thì giáo dục và đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Giải pháp về giáo dục, đào tạo ở Tân Sơn hiện nay cần chú ý đến các mặt cơ bản sau:
* Đa dạng hóa các hình thức đào tạo:
Đối tượng cần được đào tạo là nông dân rất đa dạng với nhiều độ tuổi và trình độ khác nhau nên các hình thức và thời gian đào tạo cũng phải linh hoạt và đa dạng. Các hình thức đào tạo phổ biến có thể áp dụng là: đào tạo tập trung cả khóa; đào tạo tập trung theo nhiều đợt cho cả khóa học, bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo tại chỗ. Về thời gian đào tạo có thể sử dụng giờ hành chính hoặc giờ ngoại khóa. Làm như vậy thì các đối tượng học sẽ có điều kiện lựa chọn hình thức và thời gian học phù hợp với điều kiện công việc của mình. Việc đa dạng hóa các hình thức và thời gian đào tạo sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho người học.
Ngoài hình thức học tập theo trường lớp, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông đến hộ nông dân trên cơ sở mở rộng hình thức đào tạo tại các trung tâm hướng nghiệp. Những kiến thức cần phổ biến là: tiến bộ kỹ thuật thâm canh sản xuất; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; cách sử dụng và bảo quản các loại giống có năng suất cao và phẩm chất tốt; cách sử dụng phân
bón hóa học an toàn; chế biến và tận thu, tận dụng phế phẩm của nông nghiệp... Việc phổ biến kiến thức khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư không nhất thiết phải tổ chức theo trường lớp mà có thể thực hiện ngay tại nhà máy, xí nghiệp, các trang trại, các trại chăn nuôi hay có thể thực hiện ngay trên đồng ruộng... Hình thức phổ biến kiến thức phải đơn giản, dễ hiểu và làm sao để mất ít thời gian nhất. Cần sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông đại chúng như mạng lưới truyền thanh công cộng và truyền thanh đến tận gia đình, kết hợp phổ biến các quy trình kỹ thuật sản xuất từng cây, con theo điều kiện kinh tế của địa phương.
Hình thức giáo dục cộng đồng, gắn kết học trung học với học nghề cần được ứng dụng ở Tân Sơn để tạo điều kiện cập nhật tri thức nhiều mặt cho nhân dân lao động một cách thường xuyên, nhất là nông dân theo phương châm “cần gì học nấy” nhằm giúp người học vừa có trình độ học vấn trung học phổ thông, vừa có khả năng ứng dụng kỹ thuật thực hành, từng bước tiến tới “xã hội học tập”. Nói cách khác, việc xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng là phương thức kết hợp học chữ với học nghề, phổ cập trung học đi đôi với phổ cập nghề nghiệp cho thanh niên, nhờ đó khoa học kỹ thuật tiên tiến sớm đi vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên ở Tân Sơn hiện nay, hình thức giáo dục này hiện đang thiên về bồi dưỡng kỹ năng thực hành cho nông dân hơn là đào tạo cho họ những kiến thức cơ bản về văn hóa, về kỹ thuật nông nghiệp và quản lý nền nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường. Vì vậy, Tân Sơn cần xác định và thực hiện chiến lược đào tạo đội ngũ lao động nông nghiệp chất lượng cao nhằm tạo ra những nông dân trí thức trong tương lai.
* Xã hội hóa công tác giáo dục đào tạo:
Nghị quyết Hội nghị lần thứ II Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã khẳng định: giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, Nhà nước và của toàn dân, giáo dục đào tạo là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội [22, tr.29-30]. Như vậy, công tác
giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, chuyên môn kỹ thuật và nghiệp vụ cho nông dân là nhiệm vụ của tất cả mọi ngành, mọi cấp, từ nhà nước, chính quyền địa phương đến nhân dân, các hiệp hội, đoàn thể quần chúng. Cụ thể là:
+ Chính quyền các cấp cần phối hợp trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, hiện đại hóa trang thiết bị và đồ dùng dạy học, chuẩn bị đội ngũ giáo viên để củng cố và phát triển các trung tâm kỹ thuật - hướng nghiệp - dạy nghề. Đây là biện pháp cơ bản, là điều kiện đầu tiên để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật cho nông dân, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Tân Sơn.
+ Thực hiện xã hội hóa giáo dục, đào tạo đòi hỏi mỗi người nông dân đều phải tự học hỏi lẫn nhau, người được đào tạo trước dạy cho người chưa được đào tạo hay các hộ tham gia truyền nghề tiểu thủ công, nghề gia truyền cho các thành viên trong gia đình và dòng họ. Để được vậy, trước hết nhiệm vụ của các cấp giáo dục phổ thông là phải tăng cường giáo dục tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự tu dưỡng, tự tạo việc làm cho học sinh để khi rời ghế nhà trường họ có đủ bản lĩnh tự tìm kiếm việc làm cho mình. Tăng cường giáo dục hướng nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của huyện, nhất là cho các địa bàn vùng cao, vùng sâu bằng cách tạo cơ chế để các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đào tạo.
* Xây dựng chương trình và nội dung đào tạo sát thực, phù hợp với từng đối tượng.
Chất lượng đào tạo không chỉ phụ thuộc vào thời gian đào tạo mà còn phụ thuộc rất lớn vào chương trình, nội dung đào tạo. Bởi vậy, trong thời gian tới huyện Tân Sơn cần xác định được chương trình và nội dung đào tạo thiết thực hơn với nông dân theo phương châm phải đạy nghề nhiều cho họ. Trước mắt phải tăng cường đào tạo kỹ thuật canh tác, kỹ thuật làm vườn và chăn nuôi để tăng năng xuất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó là đào tạo
nghề phục vụ cho công nghiệp chế biến ở nông thôn, trong đó chú trọng hướng vào các ngành nghề chế biến lương thực, chè, rau, hoa quả, chế biến gỗ và lâm sản.
Phải chú trọng đào tạo nghề cho lực lượng trẻ để mở rộng hoạt động của các ngành nghề hiện có như: mây tre đan xuất khẩu, dệt thổ cẩm... Cùng với sự phát triển đội ngũ lao động trong các ngành nghề truyền thống, cần đào tạo thêm lao động đối với các ngành nghề mới cần cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn như: sửa chữa cơ khí và công cụ cầm tay, sửa chữa và bảo quản máy nông nghiệp...
Đối với cán bộ quản lý cấp huyện, xã cần phải được thường xuyên bồi dưỡng những kiến thức về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh nhằm tăng cường khả năng liên kết giữa nông dân với nông nghiệp và nhà khoa học để tiếp thu những kiến thức mới về khoa học - kỹ thuật và khoa học quản lý. Hướng về cơ sở là biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn từ đó phát huy có hiệu quả vai trò của nông dân. Vì vậy, Tân Sơn phải có chủ trương cụ thể quy hoạch và nâng cao trình độ cho cán bộ, phải phân loại trình độ cán bộ để có chương trình đào tạo thích hợp.
Phát triển hệ thống các trường đa nghề, đa cấp học để dạy nhiều nghề cho nông dân, bao gồm cả nghề nông, nghề rừng, các nghề phi nông nghiệp với những cấp trình độ khác nhau, gắn với công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư. Ngoài ra phải phát triển đào tạo các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn Tân Sơn đển phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nhằm tăng tỷ lệ nông dân qua đào tạo nghề.