Giải pháp về xóa đói giảm nghèo

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của nông dân huyện Tây Sơn - Phú Thọ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 86)

Mục tiêu của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là làm cho nông dân ngày càng giàu có, nông thôn ngày càng văn minh. Theo quy luật, cùng với quá trình CNH và đô thị hóa, khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn ngày càng giãn ra. Tân Sơn là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, tỉ lệ hộ nghèo đói còn khá cao, tính đến năm 2009 tỉ lệ hộ nghèo cao hơn cả nước rất nhiều (trên 40% so với 7% của cả nước [25, tr.58]. Và toàn bộ số hộ nghèo đói trong huyện đều là nông dân. Những năm qua nhờ Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ đời sống vật chất và tinh thần của nông dân huyện Tân Sơn đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, khi chuẩn nghèo mới được áp dụng từ ngày 01/7/2010, tỷ lệ hộ nông dân nghèo ở Tân Sơn đã tăng thêm. Bởi vì khi áp dụng chuẩn nghèo cũ như trước đây, rất nhiều hộ nông dân tuy đã thoát nghèo nhưng thu nhập bình quân chỉ bằng hoặc cao hơn mức thu nhập chuẩn nghèo không đáng kể. Vì vậy, ở Tân Sơn hiện nay vấn đề xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân trong huyện.

Để từng bước xóa đói giảm nghèo, trước hết Tân Sơn cần thực hiện tốt các chính sách, chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phải tập trung giải quyết về cơ bản các hộ thiếu đói và nâng cao một bước mức sống của những hộ đang túng thiếu, phải ổn định cuộc sống của nông dân ở các xã thuộc diện khó khăn ở vùng cao - nơi tập trung phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, sống du canh du cư.

Quan điểm chung về xóa đói giảm nghèo là: người nghèo đói phải hiểu và tự giải quyết để thoát nghèo, còn Nhà nước và chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mỗi người nghèo có thể tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm, tự nâng cao mức sống. Để nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của nông dân

Tân Sơn thu được nhiều kết quả, cần thiết phải đồng thời thực hiện các giải pháp sau:

- Nghiên cứu để tiếp tục giao đất trống, đồi trọc cho các hộ dân nghèo. Đây là một việc làm rất khó khăn. Khảo sát một số trang trại ở Tân Sơn tác giả thấy rằng, các chủ trang trại ngay từ trước khi chưa lập trang trại đã là những hộ nông dân làm ăn khá, đời sống tương đối đầy đủ, chưa có trường hợp nào chủ trang trại trước đó là những người nghèo hoặc khổ. Và trong thực tế, những người nghèo hoặc khổ không có đủ các điều kiện để nhận khoán đất làm trang trại. Nếu Tân Sơn mạnh dạn làm thí điểm cho một số hộ nghèo vay vốn, mở trang trại để từ đó nhân rộng điển hình thì đó là một hướng mới trong cuộc đấu tranh nhằm thoát đói, giảm nghèo.

- Thực hiện chính sách đầu tư vốn cho các hộ nghèo, khai thác tốt các quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, quỹ phục vụ người nghèo thông qua các dự án khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, trước hết là đối với các hộ trong diện chính sách. Tăng vốn ngân sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung vào đầu tư cho xây dựng thủy lợi và các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, mở rộng hoạt động khuyến nông và phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Nguồn vốn bao gồm đầu tư của nhà nước, vốn tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân vay, ưu tiên cho người nghèo vay vốn.

- Ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn nhằm tạo điều kiện, cơ hội để nông dân được tiếp cận với các dịch vụ công cộng về đi lại, nước tưới, nước sinh hoạt, điện, mua bán vật tư hàng hóa, hưởng thụ văn hóa. - Đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Nền kinh tế thuần nông tự cấp, tự túc không thể đem lại sự giàu có, ổn định và phồn vinh cho các hộ làm nghề nông nói riêng và nền kinh tế nông nghiệp nói chung. Hơn nữa, trong những năm vừa qua nền kinh tế nông nghiệp ở Tân Sơn tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn là

nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, năng xuất và chất lượng thấp kém. Mặt khác, do những lợi ích dễ hơn từ cải cách nông nghiệp đã được khai thác hết nên việc phát triển trong những năm tiếp theo đòi hỏi phải có những phương thức mới giúp nâng cao năng xuất trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Thu nhập sẽ được tăng lên từ chính việc tăng năng xuất nông nghiệp, khi mà lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực phi nông nghiệp ngày một nhiều hơn và làm giảm nghèo đói ở nông thôn.

- Phát triển công nghiệp phục vụ miền núi, chú ý công nghiệp nhỏ, thủ công nghiệp ở những vùng sâu, vùng xa, đồng thời khuyến khích các nghề thủ công truyền thống, phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu.

- Mở rộng diện tích cây lương thực ở vùng có điều kiện thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đi đôi với thâm canh tăng năng xuất bằng áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, mở rộng giao lưu với các vùng để đảm bảo an ninh lương thực.

- Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của cộng đồng xã hội: Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Tân Sơn hiện nay đòi hỏi không chỉ là trách nhiệm, sự quan tâm và giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của bản thân người nghèo, hộ nghèo mà còn đòi hỏi sự giúp đỡ của cả cộng đồng xã hội về vật chất và tinh thần. Bên cạnh phương thức đóng góp tiền của, trong những trường hợp sảy ra sự cố như thiên tai, bệnh tật hiểm nghèo cần phát huy hơn nữa sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, ban, ngành, nhóm, cá nhân một cách trực tiếp, có kế hoạch cụ thể vào đối tượng cần giúp đỡ với phương châm giúp cho đối tượng có ý thức và có khả năng vươn lên vượt qua nghèo đói. Nếu làm được như vậy, hiệu quả của sự giúp đỡ để giảm nghèo đói sẽ cao và bền vững.

- Nghèo đói là một vấn đề kinh tế - xã hội, do đó giải pháp để giảm nghèo không chỉ là những giải pháp kinh tế mà còn đòi hỏi các giải pháp về

xã hội. Nói một cách khác, để giảm được nghèo đòi hỏi một tổng hợp lực các giải pháp kinh tế - xã hội như:

+ Giúp người nghèo tham gia tích cực vào chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình: Một quy luật đối với mọi quốc gia là hầu như ở đâu tỉ lệ người nghèo cao là ở đó tỉ lệ sinh đẻ cao. Và tỉ lệ sinh đẻ cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói. Để nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng dân số phải vận động và đầu tư hỗ trợ cho hộ nghèo các biện pháp y tế và đảm bảo sức khỏe trong sinh đẻ. Phải làm cho hộ nghèo nhận thức được hậu quả của việc sinh đẻ nhiều, cam kết chỉ đẻ 2 con. Tuyên truyền, giác ngộ cho người dân nhận thức được vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người nhất là đối với người nghèo, tránh vòng luẩn quẩn bế tắc “càng nghèo, càng đẻ; càng đẻ, càng nghèo”. Bên cạnh đó cần có các giải pháp y tế thuận lợi và an toàn cho việc tránh thai, nạo phá thai. Đồng thời sớm có quy định bảo hiểm xã hội cho nông dân để hạn chế đẻ nhiều con nhằm nương tựa tuổi già, bảo đảm công bằng xã hội.

+ Chống các tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, nghiện hút bởi chính các tệ nạn xã hội này đã làm cho nhiều gia đình ở Tân Sơn rơi vào cảnh bần cùng, nghèo đói và tái nghèo đói. Phát động phong trào đăng kí xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, xã không có tệ nạn xã hội. Ngoài ra, cần phát triển và hoàn thiện hơn nữa hệ thống phúc lợi xã hội. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy giảm nghèo đói nhờ hệ thống phúc lợi xã hội là giải pháp quan trọng, lâu dài trong tiến trình giảm nghèo.

Có thể nói xóa đói giảm nghèo là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đối với huyện Tân Sơn, xóa đói giảm nghèo là giải pháp quan trọng và cấp bách hiện nay nhằm tạo điều kiện cho nhóm hộ nông dân nghèo, người nghèo vươn lên trong sản xuất, kinh doanh một cách có hiệu quả hơn, tạo cơ hội cho họ được hưởng thụ thành tựu của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, cũng là cơ hội để họ phát huy hơn nữa vai trò của

mình trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, xóa đói giảm nghèo “không đơn giản là việc phân phối lại một cách thụ động mà phải tạo ra động lực tăng trưởng tại chỗ, chủ động vươn lên thoát nghèo” [9, tr.6]. Muốn vậy, địa phương phải tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo một cách có hiệu quả hơn nữa, trong đó lưu ý việc thực hiện một cách kiên quyết chính sách định canh, định cư của đồng bào. Cần nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã và tổ chức cộng đồng để họ có thể thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình một cách hiệu quả nhất. Để công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện Tân Sơn thành công cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về xóa đói giảm nghèo đã đưa ra, bảo đảm trước mắt cho nông dân có những cái căn bản, lâu dài là cho họ cần câu để họ tự câu cá.

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của nông dân huyện Tây Sơn - Phú Thọ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Trang 86)