Archie Hunter (2001) [15] cho biết: cầu trùng ở gà phân bố khắp nơi và phổ biến trong thiên nhiên. Trong chăn nuôi gà bình thường nhiễm cầu trùng là không thể tránh khỏi và gia cầm thường nhiễm rất sớm. Do đó bệnh thường thấy ở gia cầm non, mặc dù ở mọi lứa tuổi đều có mầm bệnh. Để phòng tránh nguy cơ của bệnh này chúng ta sử dụng các loại thuốc ức chế sự phát triển của cầu trùng nhưng không tiêu diệt được chúng. Những thuốc này gọi là thuốc ức chế cầu trùng, được sử dụng rộng rãi vì mặc dù phòng được bệnh, thuốc vẫn cho phép gia cầm nhiễm cầu trùng và sinh miễn dịch. Biện pháp này đặc biệt có lợi cho các xí nghiệp gà giống và gà đẻ nơi mà đảm bảo cho tất cả gà nhiễm cầu trùng và được miễn dịch vào thời điểm bắt đầu đẻ trứng là điều thiết yếu. Nhiễm cầu trùng và phát bệnh sau khi bắt đầu đẻ có thể gây tổn thất đáng kể về kinh tế.
Theo D.Herenda và cộng sự (2001) [16]: Bệnh cầu trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm ruột. Bệnh này gây nên các thiệt hại về kinh tế rất lớn cho công nghiệp chăn nuôi gà thịt và đối với gà đẻ bệnh gây nên giảm sản lượng trứng. Điều này vẫn tiếp tục xảy ra mặc dù đã có những phát kiến rất lớn về nhiều loại thuốc trị cầu trùng khác nhau. Thậm trí khi bệnh được khống chế, chi phí về thuốc rất là cao.
Mogot. A.A (200) [18] cho rằng: Ở những cơ sở chăn nuôi với những điều kiện chăm sốc tốt, vệ sinh chuồng trại nghiêm ngặt tỷ lệ nhiễm cầu trùng là 5 – 10%. Ngược lại ở những cơ sở điều kiện chăn nuôi không đảm bảo thì tỷ lệ nhiễm cầu trùng chiếm 30 – 69%.