Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 87)

CHO TIỂU VÙNG DU LỊCH MIỀN NÚI TÂY BẮC

3.2.1. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

3.2.1.1. Cơ sở hạ tầng

Trong mọi dự án phát triển, vấn đề được quan tâm và đặt lên hàng đầu là cơ sở hạ tầng. Đó là điều kiện tiên quyết không chỉ cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội mà còn là đối với việc rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa nông thôn với thành thị, giữa miền núi với miền xuôi.

Điều kiện cơ sở hạ tầng của vùng Tây Bắc như đã phân tích là hầu hết chung tình trạng yếu kém và thiếu thốn. Nhà nước cũng đã rất quan tâm đến vấn đề đầu tư cho lĩnh vực này, tuy nhiên, điều kiện địa lý, tự nhiên hiểm trở của vùng khiến cho việc nâng cấp, xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng như mong muốn là rất khó.

Trước mắt, về giao thông tập trung nâng cấp quốc lộ 6, thông suốt từ Hòa Bình đến Điện Biên, đặc biệt là những đoạn hiểm trở, khó thi công như đèo Pha Đin và các quốc lộ 37, 4D, 279, 12.

Nâng cấp các trục đường tỉnh, huyện và một số tuyến giao thông huyết mạch quan trọng. Phát triển giao thông nông thôn, mục tiêu phấn đấu toàn vùng trong Quy hoạch tổng thể các vùng kinh tế 2000 – 2010 của Viện Chiến lược phát triển, đến năm 2010, 100% số xã có điều kiện mở được đường ô tô vào trung tâm xã, còn những xã quá khó khăn thì mở rộng đường ngựa thồ và xe thồ [35]. Cải tạo đường thủy và nâng cấp các cảng sông chuyên dùng như Vạn Yên, Tà Hộc, Sơn La. Tăng thêm số lượng và trọng tải phương tiện vận tải bộ, thủy, phương tiện chuyên dụng như ô tô, ca nô du lịch. Phát triển vận tải với mọi hình thức và thành phần kinh tế để tăng cường năng lực lưu thông hàng hóa và vận chuyển hành khách để việc giao lưu đi lại của nhân dân trong vùng, ngoài vùng được dễ dàng. Trong một vài năm tới, với tốc độ phát triển của nền kinh tế hiện nay cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Tây Bắc sẽ đổi thay rất nhiều và nhanh chóng. Trong quãng đường "Tây tiến", cũng có tới quá một nửa những con đường đang được làm hoặc đang sửa chữa.

Về thông tin liên lạc, nâng cấp hệ thống truyền dẫn hiện có sang mạch số hóa đủ dung lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu trong vùng, ngoài vùng thuận tiện, chính xác ; nâng số máy điện thoại từ 0,38 máy/100 dân lên 1,75 máy /100 dân. và bán kính phục vụ một bưu cục 8,5 - 9 km. Đưa nhanh các dịch vụ hiện đại như Faxsimile, truyền hình số DTH, EMS, di động vào các bưu cục thị xã. Giai đoạn 2001 - 2010 phát triển theo chiều sâu, ứng dụng kỹ thuật SDH, IISSDN mạng số hóa dịch vụ băng hẹp ở các thị xã, vùng trọng điểm kinh tế, quốc phòng để hướng tới mạng đa dịch vụ băng rộng tổ hợp thông tin thông minh. Phấn đấu đạt mật độ máy điện thoại 8 - 9 máy/100 dân [35].

Về điện lực, hướng phấn đấu trong Quy hoạch là 100% số huyện có lưới điện quốc gia, kết hợp giữa điện lưới quốc gia với phát triển thủy điện vừa, nhỏ theo quy mô thôn, bản, hộ gia đình, phấn đấu đến năm 2010 số dân được dùng điện đạt 70%.

Về cấp thoát nước, hướng chủ yếu là bảo vệ tốt và khôi phục nhanh rừng đầu nguồn, bảo vệ tốt nguồn nước trên các hồ, đầm, ao, sông, suối… trước hết ưu tiên cho nông nghiệp và sinh hoạt dân cư. Đến năm 2010 có đủ nước tưới chủ động cho lúa, cây công nghiệp và một phần cây ăn quả, nước công nghiệp. 100% dân số đô thị và 70% dân số nông thôn được dùng nước sạch. Mong mỏi bấy lâu của 130 hộ trong bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu - Sơn La) đã được giải quyết khi nghe Nhà nước đầu tư, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Pha. Khi nước sạch đã về tận đầu sàn thì việc triển khai phục vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của du khách là điều hoàn toàn có thể.

Sự báo về vốn đầu tư, giai đoạn 1996 - 2010 cần 63.605 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là ngân sách trung ương đầu tư, quý tín dụng và tích lũy đầu tư.

3.2.1.2. Cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch

Song song với cơ sở hạ tầng là cơ sở vật chất kỹ thuật, hai điều kiện này được xem là không tách rời trong việc đáp ứng đòi hỏi phát triển của du lịch.

Với nhịp độ phát triển du lịch chưa đồng đều và chưa cao của tiểu vùng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Song song với nhu cầu tham quan, du lịch là nhu cầu lưu trú, nghỉ ngơi và ăn uống. Thực tế đã chứng minh rằng những nơi có doanh thu tốt từ du lịch là những nơi đáp ứng tốt những nhu cầu về lưu trú và ăn uống cũng như dịch vụ bổ sung.

Thứ nhất là các cơ sở lưu trú. Việc đầu tư xây dựng các cơ sở mới, nâng cấp các cơ sở cũ là một việc làm cần thiết và phải được ưu tiên hàng đầu đối với tất

cả các tỉnh, kể cả nơi phát triển du lịch như Lào Cai hay nơi còn thiếu thốn, kém phát triển như Lai Châu. Có như vậy mới đáp ứng kịp thời được xu hướng phát triển hiện nay và trong tương lai rất gần của ngành du lịch bên cạnh những đổi mới về kinh tế - xã hội toàn vùng.

Thứ hai là các cơ sở ăn uống. Đối với những nơi đã có hệ thống cơ sở khá phong phú như Sa pa, Lào Cai thì phải quan tâm đến việc đặt ra quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyên nghiệp hóa cho đội ngũ nhân viên phục vụ đồng thời đa dạng và chuyên biệt hóa cho danh mục thực đơn. Là một dịch vụ được khách quan tâm, việc đáp ứng nhu cầu ăn uống còn phải tạo được ấn tượng cho khách về sản phẩm du lịch là đặc trưng văn hóa ẩm thực của vùng miền và các dân tộc Tây Bắc.

Thứ ba là dịch vụ vui chơi giải trí. Khắc phục và giải quyết tình trạng nghèo nàn về cơ sở giải trí, ngành du lịch các tỉnh cần khuyến khích các đơn vị kinh doanh lưu trú đầu tư đa dạng hóa các dịch vụ bổ sung trong khách sạn của mình. Đồng thời, tại các khu du lịch, cần xây dựng các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí ở dạng thức kinh doanh độc lập như ở khu du lịch suối khoáng nóng U Va - Điện Biên. Ở các bản làng du lịch, việc nghiên cứu xây dựng những dịch vụ này cần quan tâm đến môi trường và đặc trưng văn hóa tộc người cũng như thuần phong mỹ tục của cư dân bản địa. Có thể phát triển theo hướng tìm những hình thức giải trí mang đậm màu sắc văn hóa dân gian truyền thống.

Thứ tư là các dịch vụ mua sắm. Hàng hóa lưu niệm cần được lưu tâm hàng đầu. Du khách không chỉ được tham quan mà còn được tham gia cũng như mua bán các sản phẩm đặc thù. Các địa phương trong vùng cũng như hầu hết cộng đồng mỗi dân tộc đều có kho tàng văn hóa nghề thủ công rất đa dạng và vẫn đang sinh tồn hàng ngày với đời sống người dân. Vì vậy, việc đưa mô hình du lịch làng nghề vào khai thác phục vụ du lịch là việc làm hiệu quả và cần thiết.

Các trung tâm thương mại ở các đô thị, các chợ lớn ở cửa khẩu cần phải được ưu tiên nhất định cho các mặt hàng, gian hàng sản phẩm đặc thù của địa phương chứ không hoàn toàn là hàng Trung Quốc, ngoại nhập như hiện nay.

Về dịch vụ vận chuyển khách, hệ thống các phương tiện như ô tô, tàu thủy chuyên dụng cần được đầu tư. Các chuyến tàu du lịch phải được tăng tuyến, nâng cao chất lượng toa xe và dịch vụ trên tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt các sân bay trong vùng (Nà Sản, Điện Biên Phủ) cần phải được ưu tiên cho du lịch chứ không để lãng phí như hiện nay.

Trên cơ sở tận dụng tốt điều kiện hiện có và từng bước đầu tư để phát huy được tiềm năng du lịch của vùng, Tây Bắc không chỉ cần sự hợp tác, đoàn kết giữa các tỉnh mà còn đặc biệt cần đến khả năng tự vận động, sáng tạo của từng địa phương và chính quyền các tỉnh trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)