Nguồn nhân lực du lịch

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 94)

CHO TIỂU VÙNG DU LỊCH MIỀN NÚI TÂY BẮC

3.2.3. Nguồn nhân lực du lịch

Ở Tây Bắc, với đặc thù nền văn hóa bản địa đa tộc người phức tạp mà cũng hết sức đa dạng, việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hợp lý và hiệu quả trong khai thác và kinh doanh du lịch là một việc được xem như chiến lược hàng đầu. Với những đặc điểm ưu thế và hạn chế về nguồn nhân lực địa phương đã phân tích ở chương 2, có thể nhận thấy qua thực tế có một số vấn đề cần được quan tâm như sau:

Thứ nhất, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, nhu cầu về nhân lực phục vụ du lịch sẽ gia tăng rất nhanh, nhất là sau những đầu tư về cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện nước, các dự án về kinh tế - xã hội được triển khai hàng loạt như các công trình thủy điện, các cửa khẩu quốc tế,…

Xuất phát từ nhu cầu này, số lượng nhân lực và nhân lực có trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho các ngành kinh tế - xã hội sẽ gia tăng toàn vùng. Đương nhiên, nhân lực du lịch sẽ có những đòi hỏi tương ứng với những đặc thù riêng.

Các tỉnh cần kêu gọi nguồn nhân lực trong các dự án phát triển, đồng thời mở rộng các khu du lịch, dịch vụ bổ sung để thu hút lao động dư thừa, rỗi rãi trong dân. Khuyến khích các loại hình du lịch tại làng bản huy động lực lượng lao động tại chỗ dồi dào ở các tộc người thiểu số.

Thứ hai, bên cạnh nhu cầu về số lượng là đòi hỏi về chất lượng, trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, nghiệp vụ của nguồn nhân lực.

Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cần phải được nâng cao năng lực, sắp xếp, điều chỉnh, phân công vị trí phù hợp với trình độ chuyên môn. Khuyến khích đào tạo đội ngũ lao động có trình độ đại học về quản lý du lịch trong các đơn vị kinh doanh. Có chính kêu gọi, thu hút nhân tài bằng chế độ đãi ngộ thích đáng.

Đáp ứng điều đó cần có các chính sách đào tạo, cử đi đào tạo của chính quyền địa phương cho nhân lực trong quản lý du lịch. Bên cạnh đó, trên địa bàn các tỉnh cần mở rộng các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho nhân viên nghiệp vụ trong các khu du lịch; mở các lớp học ngắn hạn, các buổi nói chuyện, các chương trình giao lưu, tuyên truyền về kỹ năng phục vụ du lịch trong các thôn, bản.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành du lịch cần phải được tiêu chuẩn hóa, quy định rõ trình độ cần thiết, tối thiểu về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tin học, ngoại ngữ. Bên cạnh đó là những quy định cụ thể về kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ và lứa tuổi đối với người phục vụ ở từng mức độ và vị trí khác nhau trong các đơn vị kinh doanh.

Như vậy, việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực đòi hỏi phải có các chương trình đào tạo toàn diện với những kế hoạch chi tiết, xác thực. Vừa đào tạo mới kết hợp đào tạo lại, không chỉ với cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp mà phải tập trung vào lực lượng lao động trực tiếp bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ thông qua các chuyến khảo sát, các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên đề trong nước và quốc tế, nhất là các nước đã có ngành du lịch văn hóa phát triển như Thái Lan, Inđônêsia, Trung Quốc...

Ở các làng bản, việc đào tạo này phải dựa vào phong tục tập quán cũng như mặt bằng học vấn, kiến thức của người dân. Có thể tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn, giao lưu văn hóa kết hợp tuyên truyền, vận động và giáo dục về lợi ích cộng đồng, dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển lâu dài, bền vững, không phương hại đến lợi ích của các thế hệ con cháu họ.

Thứ ba là trình độ ngoại ngữ của người quản lý du lịch cũng như nhân viên phục vụ ở những cơ sở lưu trú và giải trí tiêu chuẩn còn yếu kém. Cần phải có chính sách phổ cập và nâng cao nhanh chóng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của xu thế hiện nay.

Riêng ở những địa phương phát triển du lịch như ở Lào Cai, cơ quan quản lý lại cần phải quan tâm đến việc cân đối giữa trình độ ngoại ngữ của lao động và trình độ văn hóa phổ thông. Để thu hút khách quốc tế, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người làm du lịch là tất yếu nhưng bên cạnh đó lại có những mặt trái của nó. Có tới hàng trăm cô gái, chàng trai người dân tộc thiểu số thông thạo đến 3 ngoại ngữ đang được phép hành nghề hướng dẫn du lịch tại Sa pa và một vài nơi lân cận. Tuy nhiên, họ lại không hề thạo tiếng Việt. Điều đó cũng rất bất lợi trong việc quảng bá về hình ảnh du lịch của đất nước, địa phương theo hướng chỉ đạo của ngành, của Nhà nước.

Thứ tư là việc sử dụng nguồn nhân lực là đồng bào dân tộc thiểu số trong đội ngũ hướng dẫn viên là vô cùng quan trọng. Chỉ có họ mới có thể hiểu rõ nhất về văn hóa, lịch sử cộng đồng tộc người của họ, chỉ có họ mới truyền tải đầy đủ và sinh động những kiến thức cũng như tình cảm đến với du khách. Mặt khác, bằng trang phục, ngữ điệu, tác phong, ngôn ngữ đầy bản sắc của mình, họ sẽ tạo được ấn tượng hấp dẫn khó quên đối với du khách.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)