Vấn đề quản lý tài nguyên và quản lý hoạt động kinh doanh

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 91)

CHO TIỂU VÙNG DU LỊCH MIỀN NÚI TÂY BẮC

3.2.2. Vấn đề quản lý tài nguyên và quản lý hoạt động kinh doanh

3.2.2.1. Quản lý tài nguyên

Đây là một vấn đề không đơn giản ở tất cả các địa phương chứ không riêng gì Tây Bắc. Đặc biệt, ở khu vực có tài nguyên tự nhiên giàu có, tài nguyên nhân văn đa sắc thái như nơi đây thì việc quản lý tài nguyên tốt, có hiệu quả lại càng khó khăn hơn.

Ở những nơi có nhiều tiềm năng văn hóa và du lịch nhưng nền kinh tế - xã hội và trình độ dân trí còn lạc hậu như các địa phương xa xôi ở Lai Châu thì việc quản lý tài nguyên là cả một sự thách thức lớn. Ngược lại, những nơi đã phát triển như Sa pa - Lào Cai, trước sự khai thác tự phát, khó kiểm soát về tài nguyên của các đơn vị kinh doanh du lịch cũng như các gia đình trong thôn, bản thì công việc của các nhà quản lý cũng vô cùng phức tạp. Như vậy, có thể thấy rằng, công tác quản lý tài nguyên trước khi và trong khi khai thác đều phải được quan tâm và có chỉ đạo sát sao bằng pháp luật nhà nước, cụ thể là Luật Du lịch

mới ban hành. Đối với các cộng đồng cư dân bản địa, cần phải có những chương trình giáo dục, tuyên truyền về ý thức bảo vệ, khai thác tài nguyên, giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn hệ thống giá trị văn hóa truyền thống của họ trước sự xâm hại khó cưỡng lại của hoạt động du lịch ồ ạt. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng những quy định chặt chẽ, phổ biến và thực thi đến tận địa bàn các bản kinh doanh du lịch.

Đối với các cơ quan quản lý hành chính, việc thu hút, kêu gọi và triển khai các dự án đầu tư du lịch cũng phải tuân thủ những quy định bắt buộc về bảo vệ tài nguyên, có yêu cầu các doanh nghiệp khai thác bền vững dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Ngoài ra, còn phải áp dụng một hệ thống các chế tài cụ thể tương ứng cho các trường hợp vi phạm luật cũng như quy định đã đề ra và thỏa thuận.

Ngoài ra, việc quy hoạch tài nguyên cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Điều này cho phép người quản lý nắm rõ được lợi thế cũng như hạn chế về tài nguyên của địa phương đồng thời xác định được hướng khai thác phù hợp.

Từ đó, cần phải sớm thiết lập được bản đồ du lịch văn hóa cho vùng, có như vậy mới tạo điều kiện cho du lịch phát triển đồng bộ toàn vùng, tránh hiện tượng chênh lệch về phát triển, đầu tư giữa các địa phương.

3.2.2.2. Quản lý hoạt động du lịch

Cơ quan quản lý du lịch các tỉnh cần phải xây dựng và áp dụng một hệ thống các quy định rõ ràng về kinh doanh du lịch đối với từng đối tượng kinh doanh. Các đơn vị cần phải tuân thủ những quy định này, có báo cáo theo quý, năm. Cơ quan quản lý phải có kiểm tra định kỳ về chất lượng cũng như những hạng mục đăng ký kinh doanh của đơn vị.

Về cơ sở lưu trú, đơn vị phải có đăng ký tiêu chuẩn và số lượng buồng phòng, loại hình dịch vụ bổ sung. Cơ sở ăn uống là đăng ký về tiêu chuẩn an

toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu sử dụng (không phải là các lâm, thổ sản bị cấm khai thác). Cơ sở vui chơi, giải trí phải trong sạch, lành mạnh. Dịch vụ thương mại du lịch phải đăng ký chủng loại mặt hàng, tránh hàng nhập lậu, hàng quốc cấm v.v…

Về cách thức khai thác, tránh việc bóc lột tài nguyên và thiếu trách nhiệm trong kinh doanh. Đối với việc làm suy thoái và băng hoại các giá trị văn hóa truyền thống ở cộng đồng các dân tộc thiểu số có hoạt động du lịch diễn ra, cần có sự tác động đắc lực, kịp thời của chính quyền cũng như cơ quan quản lý trong việc kiểm soát việc cấp khách, điều tiết hoạt động kinh doanh bằng những quy định và chế tài xử phạt kết hợp với giáo dục du khách và cộng đồng cư dân bản địa trong giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa bản địa như một nguyên tắc bất di bất dịch trước và trong khi khai thác. Chẳng hạn, các cuộc vui chơi, múa hát, sinh hoạt văn hóa văn nghệ có sự tham gia của du khách hoặc phục vụ khách phải có quy định rõ ràng về giờ giấc, về hành vi, tránh tình trạng thâu đêm suốt sáng, cả chủ cả khách say sưa trong men rượu và có những hành vi thiếu văn hóa, thiếu mỹ quan trong cộng đồng du lịch. Hoặc cách thức làm du lịch thô thiển, chiều theo thị hiếu nhu cầu của du khách như hiện tượng chợ tình Sa pa cũng là một điển hình cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Về nguyên tắc khai thác, cũng vì những nguyên nhân trên mà chưa đáp ứng được nguyên tắc của phát triển bền vững, chưa thực sự đúng với du lịch văn hóa, tức là có sự tham gia của cộng đồng trong tất cả hoạt động và đóng góp vào việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa.

Cán bộ quản lý cũng phải tích cực nâng cao năng lực và trình độ quản lý mang tính chuyên môn du lịch, tránh hiện tượng yếu kém trong công tác, quản lý theo tác phong địa phương chủ nghĩa, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong ngành v.v…

Sự hiển diện của các công ty du lịch cũng như các đơn vị lữ hành tại địa phương là yêu cầu hết sức cần thiết. Việc này không những có tác dụng thúc đẩy hoạt động du lịch tại địa phương, nâng cao tính cạnh tranh cho du lịch mà còn có ý nghĩa liên kết tour, tuyến (nối tour, đón tour) với các đơn vị ở nơi gửi khách và các địa phương khác. Các cơ quan quản lý cũng cần phải có chính sách ưu đãi, ưu tiên cho các đơn vị này từ việc thành lập cho đến hoạt động, tạo hành lang pháp lý an toàn cho kinh doanh, khai thác lành mạnh, hiệu quả.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)