Cơ sở vật chất kỹ thuật

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 75)

Cơ sở vật chất kỹ thuật của các địa phương trong vùng nói chung còn yếu và không đồng đều giữa các tỉnh. Một số tỉnh có điều kiện tốt như Lào Cai, tính đến năm 2005 có 170 cơ sở lưu trú đăng ký kinh doanh trong đó có nhiều buồng, phòng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế. Trong đó, phần lớn (70%) tập trung tại Sa pa. Hiện tại, Lào Cai còn có nhiều cơ sở là các gia đình đồng bào dân tộc kinh doanh dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay như ở Sa pa, các bản trong lịch trình trekking tour như Thanh Phú, Lao Chải, Sìn Chải, Tả Van,.. Ở Sa pa cũng có khoảng 60 cơ sở loại này theo thống kê chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, ngoài một vài khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, các cơ sở còn lại hầu hết chưa đủ tiêu chuẩn phục vụ hoặc khai thác không cải tạo nên đã bị xuống cấp ảnh hưởng đến công suất buồng phòng.

Về cơ sở ăn uống, số lượng các nhà hàng chuyên doanh và nhà hàng trong khách sạn tương đối phong phú với con số hàng trăm đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Vấn đề tồn tại là nghiệp vụ của nhân viên phục vụ còn yếu, thực đơn đơn điệu và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm.

Các tỉnh còn lại, tình trạng này còn phổ biến hơn. Hòa Bình chỉ có khoảng trên 30 cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ trong đó có 1 khu V- Resort, 1 khách

sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao và 6 khách sạn tiêu chuẩn 2 sao. Như vậy, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch chưa đủ và chưa đạt yêu cầu. Cuối năm 2005, toàn tỉnh Sơn La có 82 cơ sở lưu trú với 1.100 buồng phòng. Trong 73 cơ sở đã qua thẩm định, có 8 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 8 khách sạn đạt 1 sao và 4 khách sạn và 43 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Như vậy, việc đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch tuy tạm thời đủ nhưng quy mô các cơ sở lưu trú này còn nhỏ và và chất lượng chưa tốt. [42]

Ở các bản du lịch, khách thường lưu trú tại các gia đình trong bản nhưng số gia đình có cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn về điều kiện sinh hoạt cũng còn ít. Yên Bái hiện có tổng số cơ sở lưu trú khoảng trên 50 cơ sở, hơn 50% tập trung tại thành phố Yên Bái, trong đó có 5 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao. Sơn La, Điện Biên cũng có 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao.

Dịch vụ ăn uống còn khá yếu trên địa bàn Tây Bắc. Trừ Sa pa và Lào Cai là tương đối đủ về số lượng cung cấp thì hầu hết các tỉnh còn lại còn thiếu trầm trọng về số lượng và không đủ tiêu chuẩn chất lượng phục vụ. Việc nghiên cứu, xây dựng thực đơn mang phong cách và tiêu chuẩn văn hóa ẩm thực Tây Bắc chưa được chú ý.

Về cơ sở vui chơi giải trí, các địa phương đều còn rất nghèo nàn. Lào Cai nơi đón nhiều khách du lịch nhất cũng chỉ phổ biến hình thức giải trí đi bộ, du ngoạn và ngắm cảnh, tham quan, đi chợ. Các dịch vụ giải trí thư giãn thì vẫn còn ở tình trạng phục vụ khách vãng lai và bản địa (Sơn La, Điện Biên). Trong các khách sạn thì vẫn chưa được đầu tư. Chỉ có một số khu du lịch nghỉ dưỡng như khu du lịch suối khoáng nóng U Va (Điện Biên), khu V - Resort (Hòa Bình) là có hệ thống dịch vụ tương đối đầy đủ và tiện nghi.

Về phương tiện vận chuyển khách, cũng chỉ có Lào Cai và Yên Bái là có đủ điều kiện về số lượng cũng như tiện nghi của phương tiện như tàu hỏa, ô tô chuyên dụng. Còn lại, ở các tỉnh khác chưa có đầu tư và quan tâm đến vấn đề này. Sơn La và Điện Biên rất thuận lợi là có sân bay nhưng chưa phát huy được lợi thế đó trong vận chuyển khách du lịch.

Về cơ sở thương mại và dịch vụ mua sắm, hệ thống này (chợ lớn, trung tâm thương mại, cửa khẩu) tuy được mở rộng xây dựng như ở Lào Cai nhưng chất lượng còn thấp, quy mô nhỏ và hàng hóa, sản phẩm lưu niệm chưa mang tính đặc thù. Còn ở các tỉnh khác thì hầu như còn quá yếu. Đến Điện Biên, có lẽ du khách chỉ có thể mua được một vài thứ lâm thổ sản nghèo nàn ở chợ phường và một vài sản phẩm lưu niệm không mấy đặc sắc ở ngay tại di tích lịch sử theo hình thức kinh doanh tự phát nhỏ, lẻ của người dân địa phương.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)