Đa dạng hóa và đặc thù hóa sản phẩm du lịch văn hóa vùng

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 99)

CHO TIỂU VÙNG DU LỊCH MIỀN NÚI TÂY BẮC

3.4.1. Đa dạng hóa và đặc thù hóa sản phẩm du lịch văn hóa vùng

Hầu hết các tỉnh trong vùng đều còn rất nghèo nàn, đơn điệu và trùng lặp về sản phẩm du lịch. Việc xây dựng tour, tuyến còn mang tính sao chép, thiếu sáng tạo. Vấn đề xây dựng thương hiệu còn quá yếu. Đặc biệt, vấn đề hình ảnh riêng cho du lịch của vùng chưa ai nghĩ đến.

Xuất phát từ thực tế hiện trạng du lịch trên địa bàn vùng còn kém phát triển nên việc xây dựng sản phẩm du lịch vừa đa dạng vừa mang tính đặc thù là những việc đang ở giai đoạn đề xuất, thử nghiệm.

Trước tiên, việc đa dạng hóa sản phẩm là việc căn cứ vào mỗi loại tài nguyên của địa phương mà xây dựng một sản phẩm tương ứng. Công việc này cũng nằm trong chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là "Phát triển du lịch để xóa đói giảm nghèo". Sản phẩm du lịch cũng được coi là một loại hàng hóa, tức là thứ gì đó có sẵn hoặc tạo ra được có thể đem bán, trao đổi để lấy lợi nhuận. Đó có thể là một chương trình du lịch hỗn hợp: tham quan, mua bán, giải trí,… Đó cũng có thể là một chương trình du lịch kết hợp công tác, thăm thân, nghiên cứu với nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa… hay bất cứ một sản phẩm dịch vụ cụ thể nào như kinh doanh hàng thủ công, dịch vụ ẩm thực, tham quan làng bản…

Thứ hai là việc tạo tính đặc thù cho sản phẩm du lịch. Nghĩa là cách thức khai thác du lịch văn hóa: đề cao nguyên tắc “sắc thái đặc biệt”. Điều này thực sự có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao đồng thời tạo được ấn tượng sâu sắc đối với khách du lịch.

Với các sản phẩm cụ thể, hướng chủ đạo là đầu tư, khuyến khích việc sản xuất và kinh doanh những mặt hàng và những nghề nghiệp truyền thống đặc trưng của địa phương.

Ở Yên Bái có sản phẩm tranh đá Lục Yên nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, có chợ bán đá quý Lục Yên - Yên Thế với đủ loại đá: Saphire, Thạch anh, Ru bi… Trong ấn tượng của khách du lịch thì đây là vùng "đất ngọc". Đây phải được coi là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất này.

Làng nghề truyền thống vốn là sản phẩm đặc thù của vùng Hà Tây, Bắc Ninh, nhưng ở Tây Bắc lại có những khác biệt ưu thế ở không gian, ở tập quán tộc người và ở cả sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đó là nghề dệt thổ cẩm, đan lát

mây tre của người dân tộc Hà Nhì, Thái, Mông, Mường… Nghề dệt truyền thống của người Thái Mường Lò ở xã Nghĩa An, Nghĩa Lộ là một điển hình thành công thu hút nhiều khách quốc tế.

Ở Văn Chấn, Yên Bái, đặc sản chè Suối Giàng đã là một cái tên gợi nên một sản phẩm du lịch đặc thù. Có sản phẩm chè ngon, lại có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi và đặc biệt là có lễ hội chè đặc sắc trong không gian văn hóa người Mông. Đây chính là những thành tố cấu thành nên một sản phẩm du lịch văn hóa mà chỉ địa phương này mới có.

Cánh đồng Mường Lò thì nức tiếng với nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò, với xôi ngũ sắc, cốm Mường Lò - những sản phẩm là niềm tự hào của đồng bào Thái Tây Bắc. Đây cũng có thể được xem là những sản phẩm đặc thù của du lịch văn hóa Yên Bái.

Vùng đất Lục Yên với quýt ngọt cam ngon, khoai tím Lệ Phố, các bản làng người Thái, Mông, Mường… với các đặc sản văn hóa ẩm thực Tây Bắc với nguyên liệu và cách chế biến độc đáo cũng là những sản phẩm đặc thù của du lịch văn hóa Tây Bắc.

Với sản phẩm tổng hợp, đó là các chương trình du lịch mang tính chuyên biệt cao như du lịch bản làng, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch khảo cổ, du lịch cội nguồn…

Theo thống kê ban đầu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số thì vùng núi phía bắc nước ta tháng nào cũng có lễ hội và đầu năm mới thì ngày nào cũng có hội xuân. Có lẽ đó là lý do khách du lịch nước ngoài rất mê đến Tây Bắc ăn Tết Nguyên đán Việt Nam và để được xem các lễ hội cổ truyền đặc sắc mà họ chỉ từng được xem qua phim ảnh. Đây là một tiềm năng, lợi thế rất lớn cho ngành du lịch khai thác phục vụ du khách trong và ngoài nước đạt hiệu quả kinh tế thiết thực. Tỉnh Lào Cai đã và đang bảo tồn, phát triển nhiều lễ hội văn hóa

dân gian đặc sắc của các dân tộc thiểu số phục vụ khách du lịch quốc tế được đánh giá cao và cũng được bà con các làng bản địa phương nhiệt tình hưởng ứng như hội xuân Sải Sán, Gầu Tào của người Mông, lế hội rước Đất, rước Nước của người Tày, lễ hội Trùm chăn của người Hà Nhì, lễ hội Nào Cống của người Mông, người Dao, người Giáy v.v...

Cần phải xây dựng chương trình du lịch dành riêng cho đối tượng khách quốc tế nghiên cứu văn hóa Thái như các đoàn khách là giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà sử học, khoa học Thái Lan, Nhật Bản.

Du lịch cộng đồng là một loại hình đáp ứng tốt nhất định hướng xóa đói giảm nghèo của Tây Bắc. Mô hình này đã thực hiện thành công ở một số bản người Mông, Dao Đỏ, Giáy, Tày ở Sa pa như bản Dền, Sín Chải, Tả Van, Tả Phìn. Sự tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch của cộng đồng là điều kiện nâng cao đời sống kinh tế địa phương, cải thiện đời sống văn hóa rõ rệt. Trẻ em được đến trường, có sinh viên học đại học (bản Dền), có trạm y tế khang trang, ý thức trách nhiệm môi trường được giáo dục, bồi dưỡng. Đặc biệt là ý thức về giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng trong phong tục, tập quán, nếp sống truyền thống.

3.4.1.2. Xây dựng mô hình "làng du lịch văn hoá"

Các sản phẩm đặc thù khác có thể là "làng du lịch văn hóa", "trang trại nhà vườn dân tộc", "khu văn hóa ẩm thực Tây Bắc".

Mô hình "làng văn hóa du lịch" là một mô hình đầu tư vào lĩnh vực văn hóa để phục vụ cho du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước đã có dự án đầu tư xây dựng Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam [32, tr.110].Đây là một dự án lớn tầm cỡ quốc gia với mục đích bảo tồn, quảng bá nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhưng một phần do kinh phí quá lớn (hàng nghìn tỷ đồng), một phần có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện như không

gian địa lý chật hẹp không mang chở hết các giá trị văn hóa đa tộc người, sự can thiệp quá lớn vào môi trường tự nhiên vốn có dưỡng nuôi các nền văn hóa bản địa v.v...

Do vậy, trong cuốn Văn hóa các dân tộc Tây Bắc – thực trạng và những vấn đề đặt ra đã đưa ra mô hình xây dựng Làng văn hóa – du lịch với việc tập trung một số các hạng mục như: các phân khu chức năng làng bản, trung tâm vui chơi giải trí lễ hội, khu liên hợp trò chơi dân gian, khu vực chợ xuân, chợ thủ công, chợ phiên, chợ tình, các công viên văn hóa, khu sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

Nhưng có lẽ, theo chúng tôi, mô hình này không hợp lý. Thứ nhất là không gian địa lý thực tế bị tách rời với không gian văn hóa. Thứ hai là về việc tái hiện các giá trị văn hóa tộc người bị khiên cưỡng, gượng ép. Người xem sẽ có cảm giác bị đánh lừa và không thỏa mãn với những gì được dàn dựng và bố trí, sắp đặt một cách có chủ đích. Nếu có thể thì chỉ nên xây dựng những mô hình nhỏ như "khu văn hóa ẩm thực Tây Bắc".

Mô hình cần quan tâm ở đây chúng tôi xin được đề xuất là mô hình "làng du lịch văn hóa". Đó là việc xây dựng các bản làng thực sự thành một làng du lịch chứa đựng các tài nguyên văn hóa và mang đậm nét bản sắc văn hóa của cộng đồng bản địa.

Theo số liệu điều tra của Tổ chức du lịch thế giới, hiện có trên 80% số khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hoá độc đáo và khác biệt với nền văn hoá của dân tộc mình. Du khách muốn xem, tận hưởng những giá trị văn hóa đích thực và sống động từ những sinh hoạt văn hóa trong đời sống thường nhật của người dân bản địa vận hành bằng chính nhịp thở và nhu cầu của họ chứ không phải làm hàng để bán. Các phong tục, tập quán, nếp sống và thói quen sinh hoạt của người dân miền núi Việt Nam như các chợ phiên, sinh hoạt

gia đình, nghề thủ công rèn, dệt, đan lát, đám cúng vía, lễ cưới hay một cảnh làm ruộng bậc thang cũng trở thành những tài nguyên rất hấp dẫn cho khách du lịch tại các bản làng.

Chỉ khi nào cộng đồng người dân được hưởng lợi từ du lịch lúc đó làng du lịch văn hoá mới trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Mô hình làng du lịch văn hoá đã định hình và thực hiện ở Sa pa. Qua mô hình này có thể phát triển các nội dung cụ thể như sau:

- Làng có cảnh quan đẹp, môi trường trong lành.

- Làng còn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của làng.

- Xây dựng đội văn nghệ dân gian phục vụ du khách, khuyến khích các hoạt động quần chúng từ các gia đình.

- Xây dựng nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh nhưng mang phong cách tiêu biểu của cộng đồng dân tộc thiểu số.

- Khôi phục và phát triển nghề thủ công, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng truyền thống như vải thổ cẩm, trang phục dân tộc, đồ mây tre đan, các vật dụng sinh hoạt đặc sắc của người bản địa...

Các giải pháp, biện pháp xây dựng mô hình

Thứ nhất, công tác chỉ đạo phải có sự thống nhất từ nhận thức vai trò của du lịch văn hóa trong công tác xóa đói giảm nghèo của vùng của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền thể hiện qua các nghị quyết và chương trình công tác cho đến hoạt động của các ban chỉ đạo ở từng làng cụ thể kết hợp giữa Chính quyền và những người có tiếng nói quan trọng trong làng như trưởng bản, già làng, trưởng họ...

Thứ hai, cần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, là hạt nhân, nòng cốt của vấn đề xây dựng làng du lịch văn hoá. Đảm bảo mỗi làng đều

thực hiện vệ sinh làng bản, xây dựng môi trường sạch đẹp, quá nửa các hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Năm 2000, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã tổ chức và triển khai trên phạm vi cả nước và được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tham gia. Đây cũng là nền tảng vững chắc và thuận lợi cho việc xây dựng mô hình "làng du lịch văn hóa" ở Tây Bắc hiện nay.

Thứ ba, cần có chính sách bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng cũng như của tộc người như kiến trúc, trang phục, lễ hội, phong tục, nếp sinh hoạt... Mỗi làng cần phải giữ lại tối đa các ngôi nhà theo kiến trúc truyền thống, xây mới cũng phải tuân thủ mô hình cổ truyền của dân tộc.

Thứ tư, về chuyên môn cần tổ chức các lớp tập huấn cho từng đối tượng về tác phong và nghiệp vụ phục vụ, văn nghệ, nghề thủ công, giao tiếp, ứng xử với du khách, ngoại ngữ, kiến thức ẩm thực…

Thứ năm là cần xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng với kiến trúc truyền thống, sức chứa lớn dành cho những hoạt động văn hóa tập thể có sự tham gia, tham quan của các đoàn khách.

Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh phải có những quy định rõ ràng về giá cả, cạnh tranh lành mạnh, tạo văn hóa kinh doanh mang bản sắc tộc người thuần hậu, thật thà, hòa thuận.

Thứ bảy, về mặt tài chính, điều tiết nguồn thu từ bán vé cho dân và đầu tư trở lại cho công tác tu bổ, duy trì cảnh quan môi trường, văn hóa. Bên cạnh đó phải tranh thủ các nguồn vốn như chương trình 135 kết hợp với đóng góp của các hộ gia đình để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng quỹ du lịch của làng cho các hoạt động công như tập huấn, tham quan, tư vấn...

Mô hình Làng du lịch văn hoá cần được nghiên cứu và xây dựng ở các địa phương trong toàn tiểu vùng. Với những đặc điểm nội tại khác biệt nhưng cùng

chung không gian và đặc trưng văn hóa tộc người, các địa phương đều có thể đáp ứng cũng như triển khai xây dựng mô hình này.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch văn hóa tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (Trang 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)