2.1.1. Khái niệm nguồn lực, nguồn nhân lực
Khái niệm nguồn lực: Nguồn lực là tất cả những gì tạo ra sức mạnh cho các
hoạt động của con người và cho sự phát triển.
Thông thường nguồn lực được chia thành 3 loại: nguồn nhân lực, tài lực và vật lực. Đây cũng là một cách chia có tính tương đối trên thực tế các nguồn lực tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Có những thứ xuất hiện từ quá khứ. Nó vẫn phát huy sức mạnh của nó trong một lịch sử nhất định và giờ đây nó đang tồn tại như một hệ thống. Cái truyền thống đó cũng có sức mạnh của nó và nó được xem là một nguồn lực tạo đà cho sự phát triển. Do đó, nguồn lực không chỉ là nguồn lực con người, nguồn lực về tài chính hay là cơ sở vật chất mà bao gồm cả những giá trị truyền thống nằm trong lịch sử, nằm trong văn hóa, còn là những năng lực tiềm ẩn.
Tóm lại, tất cả những gì đã, đang và sẽ tạo ra cơ hội; tạo ra thế, lực cho các hoạt động, cho sự phát triển nói chung. Trong số các nguồn lực thì nguồn lực con người là quan trọng nhất và có vai trò quyết định đối với sự phát triển.
Khái niệm nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực tức là nguồn lực con người. Đó là
tất cả những gì thuộc về con người mà có thể tạo ra sức mạnh cho sự phát triển của một tổ chức, một địa phương, một vùng miền, một quốc gia.
Trong lí thuyết phát triển, nguồn nhân lực theo nghĩa rộng được hiểu theo nguồn lực con người của một quốc gia, một vùng lãnh thổ, là một bộ phận của các nguồn lực có khả năng huy động, tổ chức quản lí để tham gia quá trình phát triển kinh tế - xã hội như nguồn lực vật chất (Physical Resources), nguồn lực tài chính (Financial Resources).
Nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần xây dựng và xây dựng một nguồn nhân lực có chất lượng. Đặc biệt là xây dựng một đội ngũ lao động có chất lượng. Các nhà kinh tế học đang lo lắng về một cuộc khủng hoảng nhân sự trong phạm vi toàn cầu. Và Việt Nam hiện nay đang đứng trước những thách thức rất to lớn về nguồn nhân lực, chất lượng, chưa đáp ứng được
những yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt là trình độ tay nghề của người lao động, trình độ tiếp cận khoa học công nghệ của người lao động.
Tuy nhiên, trong bước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cộng với toàn cầu hóa, vì việc hội nhập kinh tế vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với ta, đặc biệt là nguồn nhân lực quốc gia, nhiều nhà khoa học đã dự báo rằng nếu không chăm lo phát triển nguồn nhân lực quốc gia thì nguy cơ tất yếu của Việt Nam là thua trên sân nhà. Do vậy, nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực được xem xét dưới góc lao động. Nguồn nhân lực là lực lượng chính tham gia vào quá trình lao động, tạo ra của cải cho xã hội và thúc đẩy sự đi lên của xã hội. Do đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nên nguồn lực này cũng có năng lực tương xứng: Có đức có tài, ham học hỏi thông minh sáng tạo, làm việc quên mình vì Tổ quốc, được chuẩn bị tốt về kiến thức văn hóa, được đào tạo thành thạo về kĩ năng nghề nghiệp, về năng lực sản xuất kinh doanh điều hành vĩ mô nền kinh tế toàn xã hội, có trình độ khoa học kĩ thuật vươn lên ngang tầm thế giới…
Nguồn nhân lực cũng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau:
Trong lí luận về lực lượng sản xuất thì con người được xem là lực lượng sản xuất hàng đầu là yếu tố quan trọng và quyết định năng suất lao động. Như vậy, nguồn nhân lực được xem xét dưới dạng lao động dưới góc độ lao động.
Trong lí luận về vốn con người thì con người được coi như một loại vốn có thể đầu tư để phục vụ cho quá trình phát triển.
Theo Ngân hàng Thế giới thì vốn đó bao gồm 3 phương diện: trí lực, thể lực, kĩ năng nghề nghiệp.
Như vậy, nguồn nhân lực được nhìn nhận dưới dạng tiềm năng như là một loại vốn đầu tư cho sự phát triển.
Theo định nghĩa của Liên Hợp quốc, nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, là kiến thức và năng lực của toàn bộ cuộc sống con người hoặc tiềm năng kinh tế - xã hội trong cộng đồng.
Nguồn nhân lực theo nghĩa hẹp và để có thể lượng hóa được trong công tác kế hoạch hóa ở nước ta được quy định là một bộ phận của dân số, bao gồm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động Việt Nam (Nam đủ 15 đến hết 60 tuổi, nữ đủ 15 đến hết 55 tuổi).
Trên cơ sở đó, một số nhà khoa học Việt Nam đã xác định nguồn nhân lực hay nguồn lực con người bao gồm lực lượng lao động và lao động dự trữ. Trong đó lực lượng lao động được xác định là người lao động đang làm việc và người trong độ tuổi lao động có nhu cầu nhưng không có việc làm ( người thất nghiệp). Lao động dự trữ bao gồm học sinh trong độ tuổi lao động, người trong độ tuổi lao động nhưng không có nhu cầu lao động.
Nguồn nhân lực trong một chừng mực nhất định nó còn được thể hiện qua dân số, qua cơ cấu dân số và chất lượng của dân số.
Như vậy, chúng ta thấy có nhiều góc độ tiếp cận khác nhau về nguồn nhân lực. Từ đó có nhiều cách hiểu khác nhau về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, qua các cách hiểu nêu trên chúng ta rút ra một số nhận xét về nguồn nhân lực như sau:
Nguồn nhân lực thể hiện lực lượng lao động của xã hội kể cả những năng lực tiềm ẩn, giá trị truyền thống và khả năng lao động hiện tại.
Nguồn nhân lực thể hiện qua dân số, qua số lượng, qua cơ cấu và chất lượng của dân số.
Nguồn nhân lực biểu hiện chủ yếu qua chất lượng của con người thể hiện qua các mặt về thể lực về các khả năng, tính năng động thích ứng với yêu cầu của sự phát triển.