L – Duy trì khuôn mẫu lặn
2. Một số đề xuất và khuyến nghị
2.1 Việc xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” mặc dù được sự hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình của các địa phương từ lãnh đạo đến nhân dân, nhưng nhìn chung, cho đến nay vẫn còn mang tính thí nghiệm, thăm dò và chưa được triển khai mạnh mẽ. Các địa phương mặc dù rất mong muốn thực hiện các chỉ tiêu xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” nhưng vẫn chưa tìm được các nguồn lực cần thiết, chưa nắm vững được những phương pháp, cách thức tổ chức, đánh giá vì chưa nhận được sự chỉ đạo thống nhất về chuyên môn từ trung ương đến địa phương. Tỉnh Hà Nam vốn rất năng động, sốt sắng trong quá trình chỉ đạo thực hiện, vì vậy, các xã trong tỉnh mới có được những kết quả như An Lão và Hưng Công (dù chưa thật sự xuất sắc). Tuy nhiên, Hà Nam vẫn gặp phải những khó khăn, lúng túng nhất định như: điều tiết kinh phí khen thưởng với những xã đạt chuẩn, mẫu bằng công nhận xã đạt chuẩn… Trao đổi với cán bộ dân số của tỉnh Hà Nam, chúng tôi được biết thêm:
“Tỉnh chúng tôi trông đợi vào sự chỉ đạo của Trung ương, khi Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có sự phan bổ ngân sách riêng cho chương
trình, thì quả thực việc hiện thực hóa chiến lược tại địa phương khó khăn quá. Làm thì vẫn làm nhưng để có được sự vào cuộc thực sự và tích cực của lãnh đạo các địa phương thì vất vả lắm. Bởi cho đến nay, chương trình này vẫn chỉ dừng lại ở riêng ngành Trẻ em, chưa phải là nhiệm vụ chung của các cấp ủy đảng, vì thế, việc tham mưu dù có tốt nhưng nếu lãnh đạo không duyệt thì khó vẫn hoàn
khó.” (Nam, 48 tuổi, cán bộ dân số tỉnh Hà Nam).
2.2 Xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” là kết quả của một quá trình xây dựng và phát triển tổng hợp các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của một địa phương, khu vực, không đơn thuần chỉ liên quan duy nhất và trực tiếp đến ngành Trẻ em. Từ thực tế khảo sát tại An Lão và Hưng Công cho thấy, xã phường nào có cơ sở kinh tế, xã hội tốt, có tiềm lực truyền thống thì việc tiếp cận với các chỉ tiêu tương đối gần và ngược lại. Những đơn vị vốn khó khăn về kinh tế, việc đảm bảo được các tiêu chí đã nêu phải có quá trình phấn đấu lâu dài.
2.3 Vấn đề xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” là một vấn đề chung, đà ngành, đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng. Nếu việc triển khai thực hiện chỉ dừng lại ở sự nỗ lực của riêng ngành trẻ em thì kết quả rất khó đạt được. Trên thực tế, ngành trẻ em chỉ có thể đóng vai trò là đơn vị chủ quản về chuyên môn, thường trực cho khối chính quyền, chứ không có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo và tập hợp các ngành khác. Khi việc xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” chỉ nằm trong khuôn khổ của ngành trẻ em thì việc xây dựng vẫn chỉ mang tính hình thức bởi không có ngân sách hoạt động, các cấp chính quyền chưa thực sự vào cuộc. Vấn đề tiên quyết được đặt ra ở đây là cần phải đưa chương trình xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” vào nghị quyết của Đảng, Chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương và được dành một khoản ngân sách riêng tương ứng với mục tiêu của công việc. Chúng ta cần có sự chỉ đạo thống nhất chung của Nhà nước, các cấp chính quyền từ trung ương đến xã/phường. Hiện nay, việc xây dựng mới chỉ dừng lại ở một Bộ ngành (Ủy ban dân số gai đình và trẻ em – nay đã giải thể) nên có rất nhiều hạn chế. Chương trình này cần
có một người làm Tổng chỉ huy với vai tò chỉ đạo và có thể điều hành được các Bộ ngành liên quan cùng tham gia – người đó tốt nhất là phải có cương vị Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng.
2.4 Các chỉ tiêu xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” là khá rộng lớn. Nội dung của bộ tiêu chuẩn này không chỉ là của ngành trẻ em mà liên quan nhiều đến việc thực hiện của các ngành khác như: trường chuẩn quốc gia thuộc ngành giáo dục, làng văn hóa thuộc ngành văn hóa, trạm y tế chuẩn thuộc ngành y tế…Do vậy, chúng ta cần phải có sự phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các ngành trên. Mặt khác, những kết quả thẩm định cũng cho thấy, trong nhiều trường hợp, không phải tất cả các chỉ tiêu của những ngành kể trên đều đã thực sự phù hợp với trẻ em. Ví dụ: tiêu chí trường chuẩn quốc gia là trang thiết bị dạy và học đảm bảo, song qua khảo sát thực tế, mặc dù trường còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng chất lượng đào tạo đầu ra rất tốt, thể hiện ở số lượng các em đỗ đại học và cao đẳng cao. Điều đó chứng tỏ không phải cơ sở vật chất quyết định tất cả, bên cạnh tiêu chí về cơ sở vật chất cũng cần có tiêu chí về chất lượng đào tạo.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều ngôi trường vốn tưởng như yên bình, tốt đẹp nhưng học sinh tại đó lại có nguy cơ bị quấy rối tình dục bởi “thầy hiệu trưởng” là “yêu râu xanh” chuyên mua dâm các cô bé tuổi học trò. Sự thật này xảy ra gần đây tại trường… và gây xôn xao dư luận về đạo đức nghề giáo, đạo đức làm thầy và đạo đức của người quản lý trong ngành giáo dục. Sự thật đó cũng gióng lên hồi chuông về mức độ an toàn quanh môi trường sống của trẻ em. Khi ngay tại chính ngôi trường của trẻ - nơi mà cha mẹ gửi gắm với mong muốn con mình được giáo dưỡng thành người – lại trở thành một nơi kém an toàn nhất cho con trẻ, thì liệu rằng, ở các môi trường khác, những hoàn cảnh khác, trẻ em sẽ phải đối mặt với nguy cơ ở mức nào ?!
Hay như các điểm vui chơi, văn hóa thể thao tại đại phương đạt chuẩn quốc gia, nhưng dụng cụ luyện tập và vui chơi ở đây lại chỉ phù hợp với người lớn ?!? Vấn đề đặt ra là cần có sự vận dụng chuẩn của các ngành một cách linh hoạt trong việc đánh giá, áp dụng vào việc xây dựng “Xã, phường phù hợp với
trẻ em”, tránh trường hợp áp dụng một cách dập khuôn, máy móc khi dùng tiêu chí của ngành này để đánh giá một ngành khác.
Cũng như vậy, trong các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về y tế rất phù hợp với ngành y tế nhưng khi về đến xã/phường thì các tiêu chí này còn nhiều bất cập với trẻ em. Việc điều trị bệnh cho trẻ em ở tuyến dưới, đặc biệt với những xã có khoảng cách địa lý xa so với các cơ sở y tế huyện và trung ương thì việc khám, chữa trị tuyến xã/phường là rất quan trọng; tuy nhiên, qua khảo sát thì 100% các xã/phường không có bác sỹ chuyên khoa nhi !? Đây là một đòi hỏi rất riêng và tất yếu trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em – điều này chứng tỏ ngành trẻ em cần xây dựng, bổ sung thêm những tiêu chí riêng phù hợp với trẻ em và là đặc thủ của ngành mình. Có như vậy, việc xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” mới đi vào thực chất và thực sự là chương trình hành động vì trẻ em.
2.5 Kết quả nghiên cứu, thu thập thông tin từ địa phương cũng cho thấy, việc hoàn thiện và chi tiết hóa các quy chuẩn hiện nay cho phù hợp với trẻ em là rất cần thiết. Bởi thực tế, 28 chỉ tiêu đươc phê duyệt, còn có nhiều chỉ tiêu chung chung, chưa thật cụ thể khiến cho mỗi địa phương lại có thể hiểu một cách khác nhau. Theo ý kiến của của cán bộ và nhân dân An Lão, Hưng Công – mọi người đều mong muốn các bộ tiêu chuẩn này được viết ngắn gọn hơn, súc tích hơn và thực chất hiệu quả và mang lại lợi ích cho trẻ em hơn. Bên cạnh đó, cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về mục tiêu cần đạt được đối với mỗi chỉ tiêu. Văn bản hướng dẫn cũng cần diễn đạt sao cho dễ hiểu, mạch lạc để địa phương dễ triển khai, người dân dễ tiếp nhận thực hiện.
Đối với các chỉ tiêu nằm trong quy định của ngành khác có liên quan đến trẻ em nên được thu gọn và không cần diễn giải quá nhiều để tránh trồng chéo và hiểu lầm. Cùng với văn bản hướng dẫn, ngành trẻ em cũng cần sớm biên soạn một tài liệu mang tính “cẩm nang hoạt động”, để vừa tổng kết các kinh nghiệm làm việc của các xã/phường, huyện/quận mạnh, vừa giúp đỡ, hướng dẫn các kỹ năng làm việc với những xã còn yếu.
Bộ chỉ tiêu xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” còn mang tính định lượng và khuôn cứng, chưa bao quát hết được tình hình thực tế và đòi hỏi
đối với mục tiêu ban đầu đề ra. Trong thời gian tới, ngành chủ quản nên bổ sung các chỉ tiêu mang tính mở, tính định tính để quá trình điều hành, tổ chức thực hiện, đánh giá và bình xét phù hợp với nhiều vùng miền, nhiều địa phương khác nhau trong cả nước.
2.6 Công tác xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” là một hướng hoạt động mới, sát hợp với những đòi hỏi của công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình hiện nay. Việc ban hành quyết định 03 về triển khai xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ và nhiệt tình từ chính các địa phương, cơ sở xã/phường. Tuy nhiên, để các xã/phường có thể thực hiện được những quy chuẩn mang tính quốc gia này, chúng ta cần có sự đầu tư kinh phí một cách thỏa đáng, giống như việc xây dựng Làng văn hóa của ngành văn hóa, trường chuẩn quốc gia của ngành giáo dục… giúp ngành trẻ em và các địa phương thuận lợi trong công tác triển khai và hiện thực hóa chương trình này.
Về phương diện này, xin có một số đề nghị mang tính giải pháp như sau. Một trong những khó khăn mà các xã/phường yếu kém thường gặp phải là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng nên vấn đề ở đây là, nhà nước cần phải sớm đầu tư mạnh mẽ cho các cơ sở như trạm y tế, trường học, thư viện, các điểm văn hóa. Trạm y tế nên có thêm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt nên có bác sỹ khoa nhi và trang thiết bị khám chữa bệnh cho trẻ em. Tại các trường học, nhà nước cần đầu tư thêm cơ sở vật chất cho các phòng chức năng, phòng thiết bị và những dụng cụ dạy học cần thiết, hiện đại. Điều đặc biệt là hệ thống thư viện ở các trường phải có sự đầu tư cả về trang thiết bị, đầu sách/báo/truyện đa dạng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Ngoài những sách báo liên quan đến học tập của các em, nên có các đầu sách giải trí nhằm nâng cao hiểu biết và giúp trẻ khám phá tiềm năng sáng tạo của mình. Đối với các cơ sở văn hóa ở thôn/xóm, nên có sách/báo cho trẻ em đọc.
2.7 Chuyên môn hóa và nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em cũng là một vấn đề cần được quan tâm thích đáng.
Hiện tại, lương và phụ cấp của cán bộ làm công tác trẻ em còn quá thấp, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc. Vì vậy, nhà nước nên có chính sách ưu tiên và có những hỗ trợ nhất định để đảm bảo cho công tác dân số, gia đình và trẻ em được tiến hành với nhiều thành tựu hơn nữa.
“Xã, phường phù hợp với trẻ em” là một mô hình mới, mục tiêu của việc xây dựng mô hình này là rất cần thiết, phù hợp với việc nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu chương trình này được thực hiện tốt có nghĩa là chúng ta sẽ tạo được nguồn nhân lực tốt cho tương lai, đây là mong muốn của Đảng và Nhà nước ta vì con người là nguồn vốn quý nhất của quốc gia.