L – Duy trì khuôn mẫu lặn
2. Thực trạng và một số yếu tố tác động đến việc xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em”.
2.1.6 Hệ thống đường giao thông và vệ sinh môi trường
Hệ thống đường giao thông thuận tiện, đảm bảo an toàn.
Đây là một trong các tiêu chí đảm bảo sự an toàn trong môi trường cộng đồng nơi trẻ sinh sống và học tập. Nội dung này được nêu cụ thể trong bản hướng dẫn như sau: “Có đường bộ hoặc đường thủy thuận lợi và đến được mọi hộ gia đình trong xã. Đường đi học từ nhà đến lớp học bảo đảm an toàn, không gây tai nạn cho trẻ em, những nơi nguy nhiểm phải có rào chắn hoặc biển báo”.
Qua khảo sát thực tế tại địa phương, chúng tôi nhận thấy về cơ bản các xã có hệ thống đường giao thông thuận lợi, an toàn cho trẻ. Báo cáo kết quả công tác xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em” của xã Hưng Công nêu rõ:
“Chính quyền xã đã thành công trong việc phát động phong trào xã hội hóa bê
tông đường làng, ngõ xóm. Cùng với sự đầu tư kinh phí của nhà nước, sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân, đến nay 100% hệ thống đường làng, ngõ xóm của Hưng Công đã được bê tông hóa. Đường giao thông liên xã đã được giải đá cấp phối và giải nhựa đảm bảo cho việc đi lại thuận lợi, đặc biệt là an toàn cho trẻ em đi học”.
Trao đổi với người dân về vấn đề này, chúng tôi nhận được những nhận định như sau:
“Việc đi lại của chúng tôi dễ dàng hơn nhiều rồi. 5 – 7 năm trước chỗ này lụt lội
lắm, hễ mưa là đường đầy bùn đất. Nhưng giờ thì chị thấy đấy, cả xã tôi không còn lo gì nữa, ngay như ở xóm tôi là xóm xa nhất mà mưa cũng chẳng lo đường
bẩn (cười)” (Nam, 29 tuổi, người dân xóm 4 xã Hưng Công).
“Tôi có lẽ là một trong những cán bộ nhiều tuổi nhất ở xã, cũng đã chứng kiến nhiều thăng trầm của địa phương, nhưng đến giờ thì cơ sở vật chất có rất nhiều đổi mới, đường xá đi lại thuận lợi, nhất là đối với các cháu nhỏ, không còn lo
mỗi khi trời mưa, đường trơn nữa, phấn khởi lắm cháu ạ”. (Nam, 74 tuổi, cán bộ
MTTQ xã An Lão).
An Lão và Hưng Công thuộc vùng đồng bằng nên giao thông chủ yếu bằng đường bộ, không có đường thủy, 100% hệ thống đường làng, ngõ xóm cũng
đã được bê tông hóa, nhựa hóa hoặc lát gạch sạch sẽ; đường liên xã trải nhựa rộng 3,5 - 5,5m; đường ngõ, xóm: 1,5 – 2,5m. Đây là kết quả cố gắng của tập thể lãnh đạo và người dân địa phương đã được người dân ghi nhận và đánh giá cao.
Công tác vệ sinh môi trường.
Công tác vệ sinh môi trường của các địa phương được duy trì thường xuyên hàng tháng. Tuy nhiên đặc thù chung của các xã là làm nông nghiệp nên còn chăn nuôi nhiều gia súc, do vậy, đường làng, ngõ xóm một số nơi vẫn chưa thực sự sạch sẽ, vẫn còn hiện tượng phân động vật cản trở lối đi và gây mùi khó chịu. Tại Hưng Công, vẫn còn hiện tượng người dân đốt lò gạch ngoài đồng, dù các vị trí khá xa xo với nơi sinh sống của người dân nhưng nhiều hộ gia đình vẫn phàn nàn về vấn đề này:
“Không khí môi trường xung quanh đây về cơ bản là trong lành cô ạ. Tuy nhiên, ở xã vẫn có một số hộ gia đình đốt lò gạch ngoài đồng, vào các tháng đốt lò, khí thải ra từ đó ảnh hưởng đến người dân trong xã. Quanh xóm tôi mấy nhà có con nhỏ, cứ ngửi thấy mùi đốt lò là tụi trẻ bị ho, tội lắm; với các cụ cao tuổi cũng vậy, mùi đốt lò cũng khiến nhiều cụ khó thở, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng hiện tượng này vẫn tiếp diễn. Hi vọng trong thời gian tới đây, các hộ gia đình đó sẽ chuyển sang loại hình kinh doanh khác mà phá bỏ lò gạch ấy đi, chứ nếu cứ để như vậy,
rất ảnh hưởng đến môi trường”. (Nữ, 45 tuổi, người dân xã Hưng Công).
Làm tốt công tác vệ sinh môi trường tiêu biểu là An Lão. Là đơn vị có làng nghề nhưng ở đây người dân đã tự hình thành Đội thu gom rác của xã, nguồn kinh phí do chính người dân tự đóng góp với mức 2000 – 3000đ/hộ/tháng. Với khoản thu đó đủ để điều tiết cho việc chi trả nhân công, mua sắm trang thiết bị và hơn hết là đảm bảo được cảnh quan môi trường trong thôn xóm.