Chi phí cơ hội trong sử dụng đất

Một phần của tài liệu Bài giảng môn Kinh tế đất (Trang 35)

b. Vai trò của đất đối với các ngành kinh tế

3.3.Chi phí cơ hội trong sử dụng đất

3.3.1. Khái niệm

Chi phí cơ hội là một thuật ngữ được sử dụng để xem xét khả năng lựa chọn trong các quyết định sản xuất. Chi phí cơ hội để đầu tư vào một dự án A nào đó bao gồm giá trị tối đa của các dự án khác có thể được đầu tư nếu chúng ta không dùng các nguồn lực để đầu tư vào dự án A đó.

- Đối với nhà sản xuất: chi phí cơ hội là việc quyết định sử dụng tài nguyên cho mục đích này thay vì mục đích khác.

- Đối với người tiêu dùng: chi phí cơ hội để tiêu thụ sản phẩm A là sự hy sinh tiêu thụ sản phẩm B. Ví dụ cá nhân quyết định mua chiếc Honda Dream thì sự chi phí cơ hội của họ là sự hy sinh khoản tiền để mua chiếc Honda Future.

- Đối với Chính phủ: chi phí cơ hội của một chính sách nhất định nào đó là giá trị thực của các chính sách khác mà lẽ ra Chính phủ có thể theo đuổi. Ví dụ, chi phí cơ hội của việc khắc phục sau trận lũ lụt Đồng bằng sông Cửu Long năm 2000 là sự hy sinh các khoản tài chính lẽ ra được dùng để xây dựng một trung tâm khoa học ngang tầm cỡ quốc tế.

Như vậy, chi phí cơ hội là một khái niệm của kinh tế học vi mô, cho phép nhà sản xuất, các doanh nghiệp lựa chọn ngành sản xuất nào hợp lý nhất và có hiệu quả nhất. Nó được kết hợp với thuyết lợi thế so sánh để lựa chọn ngành sản xuất. Khi một nhà sản xuất, nhà kinh doanh muốn chuyển từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác phải tính đến chi phí cơ hội. Trong việc sử dụng đất, ứng dụng khái niệm chi phí cơ hội để bố trí sử dụng các loại đất hợp lý nhất hoặc chuyển đổi từ một loại đất này sang một loại đất khác về mục đích sử dụng.

Chi phí cơ hội của một diện tích đất đai để sản xuất một loại sản phẩm A chính là sản lượng hoặc giá trị sản lượng của loại sản phẩm B có thể sản xuất được trên diện tích đất đai đã phải bỏ đi để sản xuất loại sản phẩm A. Thông thường khi có nhiều loại sản phẩm có thể cùng sản xuất được thì người ta sẽ sử dụng loại sản phẩm nào có giá trị hoặc sản lượng cao nhất để so sánh tính ra chi phí cơ hội.

Ví dụ: Chi phí cơ hội để sản xuất mía trên một diện tích đất đai nào đó chẳng hạn đang sản xuất lúa chính là sản lượng lúa hoặc giá trị sản lượng lúa thu được trên diện tích sẽ trồng mía. Người sản xuất chuyển diện tích trồng lúa sang trồng mía thì giá trị sản lượng thu được của mía phải bằng hoặc lớn hơn giá trị sản lượng lúa. Trong trường hợp ấy việc chuyển diện tích đất đai từ trồng lúa sang trồng mía mới có ý nghĩa.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn Kinh tế đất (Trang 35)