Tính cách

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trang 58)

5. Phương pháp nghiên cứu

3.2.2.Tính cách

Do xây dựng tác phẩm theo mục đích giáo huấn cho nên các nhân vật của Nguyễn Đinh Chiểu được xây dựng trên nguyên tắc: “con người bất biến về tính cách”[27;63]. Họ cố định về tính cách từ đầu đến cuối, không có điều kiện tác động từ bên ngoài nào có thể làm thay đổi tính cách của nhân vật: chàng Lục Vân Tiên là con người trung trực, quả cảm, có lòng hiệp nghĩa; nàng Nguyệt Nga nhân hậu, thủy chung; Tiểu đồng trung thành, tận tụy với chủ; Vương Tử Trực, Hớn Minh hết lòng vì bạn, không sợ cường quyền; những kẻ ăn ở hai lòng, sống lọc lừa, phản trắc như Trịnh Hâm, gia đình họ Võ, Bùi Kiệm. Nếu trong tiểu thuyết hiện đại, các tính cách có thể bị thay đổi bởi hoàn cảnh thì trong truyện của Nguyễn Đình Chiểu điều đó không xảy ra.

Nhân vật chính của chúng ta là Lục Vân Tiên, từ đầu chàng đã bộc lộ tinh thần hiệp nghĩa, phủ nhận mọi sự đền đáp. Khi được Nguyệt Nga tỏ ý đáp tạ cái ơn cứu giúp giữa đường, chàng liền:

Vân Tiên nghe nói liền cười: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn…”

(175 - 176)

Tính cách này kéo dài đến cuối tác phẩm. Hay nàng Nguyệt Nga từ đầu đã quyết lấy tấm chân tình để đền tạ ơn chàng thì cho dù khó khăn, vất vả vẫn“trăm năm cho vẹn chữ tòng”.

Điều kiện để lột tả tính cách nhân vật chính là thông qua hành động chứ không thông qua miêu tả nội tâm nhân vật. Chính vì nghệ thuật xây dựng tính cách như thế đã giúp cho các nhân vật vượt qua được những khó khăn của hoàn cảnh mà vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của họ. Tính cương trực, không sợ uy quyền đã giúp cho

Tử Trực vượt lên những cám dỗ thấp hèn để giữ mãi tình bạn đối với Vân Tiên. Sự nhân hậu, thủy chung giúp cho Nguyệt Nga ngã xuống rồi lại đứng lên sau bao nhiêu giông bão của cuộc đời. Lòng nghĩa hiệp, tinh thần vượt khó đã cho Vân Tiên từ chỗ bóng đêm của cuộc đời bước lên vũ đài của sự vinh quang. Sự tin tưởng vào công bằng, cũng như không sợ cường quyền đã giúp Hớn Minh trụ mãi cho đến ngày được minh oan. Và còn rất nhiều điều tạo nên tương lai tươi sáng cho các nhân vật chính khi họ có một phẩm chất bất biến từ đầu đến cuối. Nếu ở nhân vật chính diện tính cách không thay đổi làm nổi bật lên nét đẹp trong tâm hồn họ thì ở những con người phản diện điều này chính là liều thuốc giết chết nhân cách của họ. Sự tráo trở tồn tại vĩnh hằng trong con người mụ Quỳnh Trang đặc biệt là Võ Thể Loan nên hai mẹ con ả đã nhận lãnh hậu quả đáng có. Hắt hủi khi chồng rơi vào hoàn cảnh bi đát nhưng đến khi con người ấy được vinh hiển, làm trạng nguyên thì lại lật lộng, đổ hết mọi tội lỗi lên người cha đã mất của mình, đó không phải ai khác chính là Võ Thể Loan. Từ đầu đến cuối câu chuyện con người ấy không hề thay đổi tính tình của mình, không nhận thấy sai lầm trong cách sống mà vẫn ngoan cố đi theo những cám dỗ của danh lợi để phải nhận lấy cái kết thúc trong hang Thương Tòng.

Tóm lại, chính bởi do xây dựng nhân vật bất biến về tính cách nên Nguyễn Đình Chiểu mới thành công trong việc đề cao nhân nghĩa, đạo đức. Ông muốn xây dựng nên đội ngũ nhân vật chính diện biết vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống để giữ cho mình nhân cách trong sạch vốn có. Cũng bởi vậy các nhân vật trong Lục Vân Tiên

không khác gì nhân dân miền Nam biết kiên cường chống lại những tác động không mong muốn từ bên ngoài để xây dựng cho mình một cuộc sống ổn định dài lâu. Và những ai không biết đấu tranh chống lại nó thì sẽ bị đào thải bởi xã hội không chấp nhận những con người cuối đầu trước số phận.

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trang 58)