Ngôn ngữ bác học

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trang 53)

5. Phương pháp nghiên cứu

3.1.2.Ngôn ngữ bác học

Mặc dù ngôn ngữ chính của Nguyễn Đình Chiểu sử dụng trong tác phẩm

Lục Vân Tiên mang tính bình dân. Nhưng vốn xuất thân từ tầng lớp Nho giáo, từ nhỏ những lời ăn tiếng nói của những người theo học dưới “cửa Khổng sân Trình” đã thấm vào con người Nguyễn Đình Chiểu. Bởi vậy trong tác phẩm ông sử dụng khá nhiều từ ngữ bác học vì cuối cùng thì Lục Vân Tiên được viết dựa trên nền tảng đạo đức Nho giáo là chính.

Một hệ thống từ Hán đã được tác giả sử dụng cách xưng hô của vua, quan, mối quan hệ vợ chồng, thầy trò, bạn bè, chủ tớ như:trẫm, nàng, chàng, thiếp, quân tử, bằng hữu, tiểu sanh, tôn sư…Chính những từ này làm cho mối quan hệ của các nhân vật có vẻ trang trọng, đượm màu sắc phong kiến. Đồng thời qua ngôn ngữ bác học chúng ta biết được xuất thân và nghề nghiệp từng con người trong tác phẩm. Ngoài ra, dùng những từ ngữ bác học Nguyễn Đình Chiểu còn muốn thể hiện quan điểm sống,

khuyên con người biết nhân nghĩa, đạo đức không làm điều sai chẳng hạn như: điểm phấn, ngãi sâu, hoạn nạn, thác đà, bia danh...

Hay khi nói lên quan điểm sống của đấng nam nhi trong xã hội, cụ đã dùng:

Làm trai ơn nước nợ nhà

Thảo cha ngay chúa mới là tài danh.

(1765 - 1766)

Hệ thống từ bác học hay đúng hơn là những từ Hán được Nguyễn Đình Chiểu sử dụng một cách thuần phục. Ông đã cố gắng làm chuyển đổi ngôn ngữ đó sang những từ ngữ thuần Việt dễ hiểu, nhằm làm cho người nghe không có cảm giác khô cứng khi đọc tới những đoạn triết lý, hoặc là khi nói về các vị vua bên Trung Hoa, những vị thần linh.

Hệ thống từ bác học như: trau mình, cửa Thánh, sân Trình, hội long vân, khoa tràng, danh tánh, tánh tự, đại khoa, ngãi tế, nhạc gia, cốt cách, Nam giản, tiểu nhi… để miêu tả xuất thân, chức năng của nhân vật hay tính tình cũng chính là mục đích của cụ Đồ Chiểu. Qua đó ta nhận thấy được sự tôn trọng của tác giả đối với những nhân vật đó. Chẳng hạn, khi nói đến thầy dạy học của Lục Vân Tiên, ông có thể dùng ngắn ngọn một từ thầy nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã thay bằng cách gọi đầy sự kính trọng đó là “tôn sư”. Hai từ ấy xuất hiện tới 6 lần chỉ trong 60 câu thơ đầu của truyện đã chứng minh được sự tôn kính của tác giả đối với thầy. Có lẽ trong cuộc đời của cụ cũng đã từng gặp một người dạy mình giống như thầy của Lục Vân Tiên.

Cho dù dùng ngôn ngữ chính là bình dân nhưng nếu cần ông cũng vẫn sử dụng một hệ thống từ bác học để làm cho tác phẩm vừa mang tính đại chúng nhưng cũng không mất đi vẻ nho phong của nó. Điều đó chứng minh được sự tài tình của tác giả trong việc sử dụng ngôn ngữ nào phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Những đoạn cần từ bình dân thì ông sử dụng loại từ đó, chỗ nào cần ngôn ngữ uyên thâm, bác học thì sử dụng ngôn ngữ mang tính chất trang trọng này. Bởi vậy Lục Vân Tiên làm cho người đọc, người nghe vừa cảm thấy giản dị, đơn giản nhưng tính nho nhã vẫn không mất đi.

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trang 53)