Hiếu nghĩa

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trang 26)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.1.2.Hiếu nghĩa

Trong kho tàng truyện thơ Nôm nước ta không thiếu chi tấm gương của những trang hiếu tử. Nếu như nàng Thoại Khanh trongThoại Khanh - Châu Tuấn cắt thịt cho mẹ chồng ăn qua cơn đói thì nàng Kiều trong Truyện Kiều - một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du - đã hy sinh một tình yêu đẹp để cứu cho cha và em khỏi vòng lao lý, đồng thời nàng đã bảo đảm cho gia đình mình luôn bình an. Hai tấm gương về tấm lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành cũng như hàng loạt tấm gương sáng khác mà truyện Nôm đề cập. Tuy nhiên chưa bao giờ tấm lòng hiếu thảo của một người con lại trở thành một hình tượng đẹp như trong truyện thơLục Vân Tiên.

Có thể nói chữhiếu trong tác phẩm này được cụ Đồ Chiểu khắc họa đậm nét với nhiều chi tiết đi sâu vào lòng người. Vân Tiên của chúng ta sinh ra trong một gia đình“tu nhơn tích đức”, cha mẹ không cho chàng về mặt vật chất nhiều nhưng ngược lại họ đã cho chàng một hình hài, dạy dỗ chàng nên người. Họ gửi Vân Tiên theo học

với một người thầy đức độ với hy vọng con mình có thể lập nên công danh, tạo dựng sự nghiệp. Ngày đêm Tiên “nấu sử sôi kinh” chỉ mong không phụ tấm lòng của cha mẹ dành cho mình. Vân Tiên vâng lời cha mẹ ngày đêm học hành, đến cả việc hôn nhân đại sự của mình chàng cũng vâng theo lời sắp đặt của phụ mẫu cho dù người vợ đó có thể bản thân không có tình cảm. Nếu cho rằng việc Vân Tiên vâng lời cha mẹ cưới Võ Thể Loan là một lẽ thường trong đạo đức phong kiến đã có từ lâu đời ở nước ta thì không sai chút nào. Nhưng ở đây nên xét ở mức độ chữhiếu. Nếu như Vân Tiên không đồng ý cuộc hôn nhân này thì có thể thuyết phục song thân hủy bỏ hôn ước với gia đình họ Võ. Vậy mà Lục Vân Tiên không làm như vậy vì đơn giản đây là một người con biết bảo vệ chữtín cho đấng sinh thành của mình.

Lên đường đi thi mong lập công danh, trước là muốn giúp ích cho nước nhà, sau là đền ơn của phụ mẫu thế nhưng khi vừa bước vào trường thi hay tin mẹ qua đời Vân Tiên không hề do dự mà quyết định về quê chịu tang mẫu từ ngay. Trong trái tim của chàng lúc này chỉ còn có hình ảnh người mẹ già không may qua đời sớm mà thôi. Lục Vân Tiên vẫn còn một con đường, đó chính là tiếp tục đi thi vì cơ hội lập thân đang trước mặt, chàng có thể đỗ đạt tiếp đó vinh hiển về chịu tang mẹ sau cũng được. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không để cho nhân vật mình làm như thế. Vì đơn giản nhân vật của ông biết suy nghĩ thiệt hơn. Hành động bỏ thi về quê chịu tang mẹ chứng tỏ chàng là con người biết điều gì là quan trọng đối với mình hiện tại. Ta thử nghĩ nếu như chàng vẫn tiếp tục thi sau đó về chịu tang thì sẽ đi ngược lại với đạo nghĩa một người hiếu tử. Bởi đơn giản tang mẹ thì chỉ có một, không thể đợi chờ nhưng khoa thi lần này không thi được thì lần sau cũng có thể đỗ đạt vinh hiển. Chàng đã bỏ cả cơ hội tốt để tạo dựng sự nghiệp chỉ để về chịu tang mẫu thân đủ thấy Lục Vân Tiên là con người như thế nào rồi. Có người cho rằng hành động này của chàng có vẻ yếu đuối không hợp với chí khí nam nhi. Nhưng hãy nghĩ kỹ xem chàng có bao nhiêu người mẹ và khi mẹ qua đời thì việc gì là cần kíp hơn là lo cho hậu sự, huống hồ Vân Tiên của chúng ta là đứa con trai duy nhất của gia đình học Lục thì việc chàng về chịu tang lập tức là đều tất yếu. Còn công danh thì vẫn ở đó đợi vì Vân Tiên là con người “văn võ toàn tài” nên vấn đề thi đậu là sớm muộn.

Bỏ thi về chịu tang đã là biểu hiện của một tấm lòng hiếu tử. Nhưng trong trái tim của người con đó luôn nghĩ về“chín chữ cù lao”của cha mẹ dành cho mình.

Và khi nhắc đến công lao sinh thành dưỡng dục đó chàng luôn tự trách mình:

Mang câu bất hiếu đã đành,

Nghĩ mình mà thẹn cho mình làm con.

(625 - 626)

Lục Vân Tiên luôn tự trách bản thân mình chưa làm được gì cho cha mẹ đã đành, vậy mà đến lúc mẹ qua đời cũng không có mặt mình ở bên cạnh để sớm hôm lo cho mẹ già. Những việc Tiên làm để mong báo hiếu với cha mẹ tự bản thân cho là không đủ hay nói đúng hơn chàng xem mình chưa phải là một trang hiếu tử. Cho nên chàng đã khóc thương mẫu từ để rồi phải mang bệnh vào mình và“Ôi thôi con mắt đã mang lấy sầu” (Câu 642). Ở đây tình tiết chàng bị mù vì khóc thương mẹ theo nhiều nhà nghiên cứu nhận định đều cho rằng rất giống với cuộc đời của tác giả. Đến khi đỗ đạt việc đầu tiên chàng làm chính là về quê tạ lỗi trước mộ của mẹ. Lời thơ tế mẹ của Vân Tiên và tình mẫu tử thiêng liêng trong truyện này một lần nữa minh chứng rằng ông không lấy một thứ lễ giáo phong kiến nào để làm khuôn mẫu cả mà nó xuất phát từ trong trái tim của mỗi người con.

Trong tác phẩm Lục Vân Tiên còn có một nhân vật cũng xem là một tấm gương hiếu thảo, tuy rằng những chi tiết thể hiện đều đó không rõ nét như Lục Vân Tiên nhưng cũng đủ thấy nàng là một người con chí hiếu, đó không phải ai khác mà chính là nàng Kiều Nguyệt Nga. Ta nhớ lại cảnh nàng và Vân Tiên gặp nhau là lúc chàng cứu Nguyệt Nga khỏi tay bọn cướp thế nhưng nguyên nhân xảy ra việc cướp kiệu giữa đường là do nàng vâng lời cha về phủ đường tính chuyện trăm năm. Nếu như nàng không phải là một người con biết suy nghĩ về câu “dưỡng dục sinh thành” thì nàng không nghe lời cha dạy bảo. Câu nói sau của Nguyệt Nga chứng tỏ tấm lòng hiếu thảo của nàng đối với đấng sinh thành:

Làm con đâu dám cãi cha,

Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành.

(159 - 160)

Nàng không dám hay đúng hơn nàng không bao giờ muốn cãi lại lời cha. Lời cha là mệnh lệnh cho dù khó khăn, vất vả nàng cũng muốn vâng lời để thân phụ vui lòng. Cũng vì nghĩ đến cha già nên dù chung thủy với Vân Tiên nàng cũng chấp

nhận lệnh vua đi cống Ô Qua, trước muốn giữ cho đất nước khỏi ngoại xâm, sau là giữ cho cha nàng khỏi mắc tội danh chống lại chiếu vua. Việc làm ấy của nàng tưởng chừng chỉ biểu hiện cho chữ trung nhưng thực chất nó thể hiện chữ hiếu đối với đấng sinh thành. Những lời nàng nói với cha khi nghe tin triều đình lệnh bảo nàng sang Ô Qua như lấy biết bao nước mắt của người nghe, cha nàng cũng đang đứt từng khúc ruột khi biết con luôn nghĩ tới:

Tuổi già bóng xế nhành dâu, Sớm xem tối xét, ai hầu cho cha?

(1429 - 1430)

Chàng Lục Vân Tiên vì tang mẹ mà bỏ thi, khóc thương mẹ đến nỗi bị mù mắt. Nàng Kiều Nguyệt Nga nghe lời cha không ngại khó khăn, đường xa vất vả, sợ cho cha bị triều đình trách phạt nên phải sang cống Ô Qua. Những việc làm của đôi trai tài gái sắc ấy rất bình thường và ta dường như có thể bắt gặp những hành động tương tự như vậy trong cuộc sống thường nhật của người dân lao động. Con khóc thương mẹ khi mẹ qua đời, biết vâng lời cha mẹ không ngại gian lao khổ cực hay còn nhiều cách làm khác để thể hiện một người con có hiếu với đấng sinh thành. Chữhiếu

không được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu miêu tả giống các tấm gương củaNhị thập tứ hiếu mà nó rất bình dị nhưng lại phù hợp với nền văn hóa đạo đức của Việt Nam, được dân tộc ta chấp nhận. Nó không xa rời nhân dân mà rất gần gũi như chính cuộc sống của họ.

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trang 26)