Tình nghĩa

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trang 29)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.1.3.Tình nghĩa

Tình nghĩa không phải là con số cộng tình với nghĩa mà là một phức hợp xã hội đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Đó không đơn giản là ứng xử, sống theo nghĩa vụ - thuần lý trí hoặc nặng tình cảm. Mà ở đấy con người sống với nhau bằng cả lý trí và tình cảm. Trong truyện thơ Lục Vân Tiên là một ví dụ điển hình của hai chữ tình cộng nghĩa, tất cả các nhân vật ở đấy đều sống với nhau bằng cả tình cảm và nghĩa vụ. Đó là tình nghĩa cha mẹ với con cái, thầy trò, bạn bè, vợ chồng, những con người cùng sống trong một cộng đồng, họ sống tựu trung với nhau bằng hai chữtình nghĩa.

Trong cuộc sống này mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không chỉ là mối quan hệ một chiều. Họ sinh ra con cái, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho chúng không chỉ có trách nhiệm mà còn chan chứa một tình cảm yêu thương trong đó. Tuy nhiên con cái

cũng phải biết vâng lời và lo nghĩ đến đấng sinh thành của mình.Lục Vân Tiên đã đề cập tương đối đầy đủ mối quan hệ đó. Cha mẹ Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga cho con ăn học đến nơi đến chốn, luôn cả việc chung thân đại sự của con mình họ cũng đã lo từ lúc con còn nhỏ. Họ lúc nào cũng mong cho con những điều tốt đẹp nhất. Còn những đứa con yêu quý của họ chẳng những kính cha, mến mẹ mà luôn thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm con với cha mẹ.

Tình cảm giữa thầy và trò trong Lục Vân Tiên cũng là một điển hình sinh động của tình nghĩa. Thầy của Vân Tiên không những dạy cho chàng chữ nghĩa mà người thầy ấy luôn trăn trở lo lắng cho tương lai của đứa học trò của mình. Người thầy trong tác phẩm dường như chính là hình ảnh của cụ Đồ Chiểu - một người thầy lấy nhân nghĩa, đạo đức dạy cho những người học trò của mình. Người thầy đấy không chỉ cho Vân Tiên đạo đức thánh hiền, dạy cho trò mình biết đạo nghĩa ở đời mà còn lo cho con đường công danh của người học trò đó. Biết trò mình sẽ gặp điều không may nên

“Thầy cho hai đạo phù thần đem theo.” (Câu 32)

Dạy cho trò nên người nhưng lòng thầy có bao giờ quên được đứa học trò ngoan của mình đâu, thầy luôn muốn dõi theo từng bước chân của nó. Thầy luôn nghĩ về trò, còn trò thì sao? Có phải họ đã đủ đầy kiến thức rồi thì sẽ quên đi hình ảnh người đã đưa mình đến bến bờ công danh hay không? Hoàn toàn không vì người học trò mang tên Lục Vân Tiên lúc nào cũng nghĩ đến ân sư đã dạy dỗ chàng nên người. Dù rằng ta biết Tiên đi thi là muốn đỗ đạt, tạo lập công danh cho bản thân nhưng mục đích đỗ đạt cũng nhằm làm“tiếng thầy bay xa”. Điều này chứng minh một người thầy có tiếng tăm hay không, có được sự xem trọng của xã hội thì một phần phụ thuộc vào trình độ của người ấy nhưng phần lớn dựa vào trình độ của những người học trò mà người đó dạy. Nếu như một người thầy có tài sẽ đào tạo nên những thế hệ học trò giỏi giang, có cả kiến thức và đạo đức, nhưng ngược lại nếu người học trò ấy dốt nát, không lập nên sự nghiệp gì vinh hiển người ta sẽ cho rằng do chính thầy dạy họ mà ra. Thứ hai, cho dù sau này người học trò có đỗ đạt thì cũng không quên công ơn của thầy dạy dỗ mà lúc đó họ sẽ làm tiếng thầy vang xa vì nhờ thầy mà những con người đó có được tương lai tươi sáng. Cho dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa thì mối quan hệ thầy trò ở đây là hai chiều, thầy cho trò cả đạo lý làm người, trò học thành đạt làm rạng danh của thầy. Tiếp theo tình thầy trò đó là tình bạn bè gắn bó thủy chung với nhau. Tình bạn

giữa Lục Vân Tiên, Hớn Minh và Vương Tử Trực là của những con người tài hoa, biết trọng nhân nghĩa đạo đức. Cuộc gặp gỡ giữa Vân Tiên và Hớn Minh thật là“bình thủy tương phùng” và là cuộc hội ngộ giữa hai con người anh hùng trên bước đường vạn lý. Vân Tiên thấy diện mạo của Hớn Minh “dị tướng” nên đem lòng ngưỡng mộ, có ý muốn kết làm bằng hữu, muốn cùng nhau lập nên sự nghiệp lớn. Nếu Hớn Minh và Vân Tiên gặp nhau là cuộc tri ngộ của những con người chí khí, có lòng hào hiệp thì Tiên và Trực là cuộc hạnh ngộ của hai con người tài hoa, biết nhân nghĩa thủy chung. Vì mến tài thơ văn của nhau mà chàng họ Lục đã kết bái anh em với họ Vương. Sự hội ngộ của ba con người kể trên rất ngắn ngủi, họ hoàn toàn chưa hiểu hết về nhau thế nhưng khi Vân Tiên gặp nạn hai người bạn ấy không hề bỏ rơi chàng.

Sau khi Vân Tiên bị gia đình họ Võ bội hôn và đem bỏ vào hang Thương Tòng được Du thần cùng với ông Tiều cứu giúp chàng gặp lại Hớn Minh trong rừng. Ta lo sợ cho họ Lục gặp phải một người bạn phản trắc như Trịnh Hâm nhưng không, Hớn Minh đã làm đều ngược lại hành động của tên họ Trịnh. Minh gặp Tiên khi chàng vừa thoát khỏi cơn ác mộng của năm ngày trong hang núi không có gì ăn cùng với đôi mắt đã bị mù lòa. Thấy bạn mình gặp nạn Hớn Minh vội hỏi qua cớ sự và biết được chính ông Tiều là người cứu giúp bạn qua cơn hoạn nạn, thì “Hớn Minh quỳ gối lạy liền” (Câu 1135), lại còn muốn thay bạn trả ơn. Chàng xem ông Tiều cũng là ân nhân của mình khi cứu Vân Tiên. Hành động“quỳ gối lạy liền” chỉ sự dứt khoát, không có gì e ngại khi tạ ơn ông Tiều. Nên nhớ rằng lúc này chàng phải sống lén lút trong rừng vì việc mình làm nhưng không hề do dự khi nhận Vân Tiên về chăm sóc. Dân gian ta có câu:“Trong khó khăn mới biết ai là bạn hiền” thật đúng với trường hợp của Vân Tiên và Hớn Minh lúc bấy giờ.

Khi Vân Tiên được một ông Tiên cho thuốc chữa hết bệnh và thi đỗ trạng nguyên. Lúc ấy chàng cũng không quên người bạn đã cưu mang mình khi hoạn nạn. Được chiếu vua đi dẹp giặc, Lục Vân Tiên đã nhân cơ hội đó xin tha tội cho Hớn Minh lại còn phong cho bạn mình làm phó tướng cùng đi diệt giặc.

Nói về tình bạn của Vương Tử Trực đối với Vân Tiên cũng không kém gì Hớn Minh. Mặc dù chàng không chăm sóc bạn trong lúc khó khăn, bệnh tật nhưng những việc làm của chàng cũng minh chứng được tấm lòng thủy chung với bạn hiền. Việc đầu tiên sau khi đỗ đạt của Tử Trực là tìm kiếm tin tức của bạn mình. Khi gia

đình họ Võ dối gạt là bạn mình qua đời vì bệnh tật chàng không khỏi xót xa, thương mến:

Nghe qua Tử Trực chạnh lòng, Hai hàng nước mắt ròng ròng như mưa.

(1209 - 1210)

Thương bạn bao nhiêu chàng không thể chấp nhận được hành động của cha con Võ Thể Loan đối với Vân Tiên bấy nhiêu. Những câu chửi của Tử Trực dành cho cha con họ Võ thể hiện tính cương trực trong con người chàng và đồng thời cũng minh chứng được tấm lòng gắn bó keo sơn của Trực với bạn. Hai người biết nhau chưa lâu nhưng vì mến tài của nhau nên cả hai đã kết giao thành tri kỷ, tri âm. Người kia không may gặp nạn người còn lại xót xa, đau đớn.

Tình bạn của ba người không khác gì so với những bậc cố nhân trong lịch sử. Nguyễn Đình Chiểu miêu tả tình bạn của họ hay cũng chính là muốn nói về những người bạn của chính bản thân mình. Lục Vân Tiên và cụ Đồ Chiểu gặp những điều không may trong cuộc sống nhưng bù lại cả hai còn có những người bạn luôn sẵn sàng có mặt khi cần. Tình bạn là sự cho đi không nhận lại bao giờ nhưng tình cảm của họ lại có sự qua lại lẫn nhau. Vân Tiên được bạn giúp đỡ trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, những người bạn ấy không cần sự đền đáp nhưng khi chàng vượt qua tất cả những khó khăn, được vinh hiển thì họ Lục vẫn không quên cái ơn cưu mang của bạn hiền.

Khi miêu tả tình cảm vợ chồng, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa một bức tranh sinh động của tình vợ nghĩa chồng gắn bó, thủy chung không gì có thể xóa đi hoặc ngăn cản. Đó là tình cảm của Kiều Nguyệt Nga dành cho Lục Vân Tiên, nàng thủy chung giữ mãi hình bóng của chàng cho dù Tiên không hề có một lời đính ước hay thề nguyền. Thế nhưng qua bao nhiêu sóng gió nàng vẫn giữ nguyên tấm lòng trinh nguyên ấy. Cuộc gặp gỡ giữa đường ngày nào làm cho Nguyệt Nga giữ mãi hình bóng của một chàng trai đầy lòng hào hiệp nhưng không bao giờ nhận sự trả ơn. Để rồi từ đó Nguyệt Nga giữ mãi tình cảm, vượt qua bao khó khăn, cám dỗ trước cuộc đời đầy sóng gió.

Là phận nữ nhi giữ chữ tiết hạnh là đều bình thường vào thời phong kiến ngày xưa nhưng đó là giành cho những người được cưới hỏi hoặc ít nhất cũng có đính ước đàng hoàng, còn Nguyệt Nga của chúng ta gắn bó với Vân Tiên là do chính nàng

tự nguyện, không có sự ràng buộc nào cả. Còn chàng Lục Vân Tiên khi gặp lại nàng sau bao năm xa cách và được kể lại tất cả mọi việc mà Nguyệt Nga đã làm vì mình thì

“Vân Tiên vội vã xuống quỳ vòng tay”.(Câu 1185)

Ngày xưa đạo đức truyền thống không cho phép người nam quỳ xuống chân người nữ nhưng ở đây Nguyễn Đình Chiểu đã để cho chàng làm đều đó. Hành động đó của Lục Vân Tiên, chúng ta không thể trách được bởi vì lúc này Nguyệt Nga không còn là người chịu ơn nữa mà đã trở thành người gia ơn đối với chàng. Trong lòng họ Lục không chỉ có tình cảm đơn thuần là yêu mến mà chàng cảm thấy mình đã chịu ơn rất nhiều trước người con gái ấy. Lúc này Lục Vân Tiên gắn bó với Kiều Nguyệt Nga không chỉ có tình mà còn có cái nghĩa lớn lao hơn.

Một loại tình cảm đặc biệt của truyệnLục Vân Tiên là tình chủ tớ. Trong các truyện Nôm bác học cũng như bình dân loại tình cảm này không được các tác giả đem ra miêu tả. Họ chỉ tập trung thể hiện tình cảm vợ chồng, cha mẹ với con cái nhưng chưa có ai đi sâu vào vấn đề này. Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa loại tình cảm đó một cách đặc sắc, nó khác với quan hệ chủ tớ trong giai cấp thống trị. Ở đây mối quan hệ chủ tớ giống như những người thân trong gia đình, họ không phân biệt nhiều về địa vị mà ngược lại tất cả lấy tình cảm để đối đãi với nhau.

Lục Vân Tiên có một anh Tiểu đồng, người này có thể xem như là một người bạn, một người thân của chàng. Ta không bàn về cái nghĩa cái tình chủ tớ theo lối phong kiến xưa, bởi vì tác giả không thể vượt qua khỏi thời đại của mình; ta nên nhìn cái khía cạnh hy sinh của Tiểu đồng. Lục Vân Tiên và Tiểu đồng đùm bọc, che chở cho nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Khi Vân Tiên đau ốm, Tiểu đồng tận tụy vất vả chạy tìm thầy, kiếm thuốc, chú thực thà, dễ bị bọn thầy bói, thầy pháp lừa. Và cũng chính vì điều này càng làm bật lên nhân cách của Tiểu đồng. Hình ảnh chú chạy khắp nơi tìm thầy để chữa bệnh cho chủ không còn là bổn phận của người đầy tớ mà nó trở thành cái tình của con người với nhau. Chú không hề nghĩ tới thân mình sẽ vất vả bao nhiêu chỉ mong cho chủ hết bệnh. Cũng vì thế mà Tiểu đồng bị Trịnh Hâm lừa vào rừng. Khi bị trói giữa rừng chú không hề suy nghĩ đến tính mạng của mình có được bảo toàn hay không mà chỉ nghĩ đến số phận của Vân Tiên và nguyện xuống suối vàng để“đỡ tay chơn cùng”. Khi được Sơn thần cứu sống chú lập tức đi tìm chủ, lầm tưởng Tiên đã chết thì:

Tiểu đồng nằm giữa rừng hoang, Che chòi giữ mả lòng toan trọn bề.

(925 - 926)

Suốt bao năm tháng chú che chòi giữ mả cho chủ mà không hề kêu than một tiếng nào. Hành động tự nguyện đáng khen này càng làm cho nhân cách của Tiểu đồng trở nên trong sáng hơn. Bởi vậy mới nói Nguyễn Đình Chiểu miêu tả những nhân vật có tình có nghĩa không hạn chế ở hạng người nào cả trong xã hội, từ một anh Tiểu đồng vô danh cũng biết sống vì nghĩa vì tình với chủ thì không lý gì những con người còn lại trong xã hội không biết sống lấy nhân nghĩa làm đầu.

Tuy nhiên mối quan hệ chủ tớ nếu chỉ dừng lại ở đó thì không có gì đáng nói, bởi đơn giản Tiểu đồng trung thành với chủ là một điều tất yếu trong xã hội phong kiến bấy giờ. Mà điều đáng chú ý ở đây là mối quan hệ hai chiều của chủ và tớ. Tớ đối với chủ hết lòng nhưng chủ không bao giờ xem tớ là hạng nô lệ mà ngược lại Vân Tiên cư xử với Tiểu đồng giống như một người thân của chàng. Khi Trịnh Hâm lừa chàng rằng Tiểu đồng bị cọp ăn thì:“Vân Tiên than khóc nằm lăn”(Câu 877)

Chàng khóc thương Tiểu đồng không chỉ là một người đầy tớ trung thành với chủ mà Vân Tiên còn khóc cho một người bạn đã cùng mình qua biết bao hoạn nạn. Đến khi đỗ đạt, về lại chốn cũ Lục Vân Tiên đã lập đàn tế Tiểu đồng, lời chàng gởi đến Tiểu đồng sao mà da diết đến thế:

Tiểu đồng hồn bậu có thiêng

Thỏa tình thầy tớ lòng thiềng ngày nay?

(2003 - 2004)

Cũng chính vì hai người có tình cảm gắn bó như anh em nên mới có cuộc đoàn tụ ngoài sự mong đợi của cả hai. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nói về tình chủ tớ trong tác phẩm cụ Đồ Chiểu còn miêu tả mối quan hệ giữa Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Tuy rằng Kim Liên không cùng tiểu thơ của mình vượt qua những gian nan như Lục Vân Tiên và Tiểu đồng nhưng hành động hy sinh của cô hầu gái ấy cũng khiến ta khâm phục. Khi Kiều Nguyệt Nga quyết định trầm mình để giữ tròn chữ tiết hạnh đối với Vân Tiên thì Kim Liên đã nhanh trí đem mình thay vào chỗ của tiểu thơ nàng để về làm vợ vua Phiên. Lúc này Kim Liên hoàn toàn không nghĩ đến bản thân sau này sẽ ra sao, chỉ cần biết hiện tại làm sao cho vẹn cả đôi

đường nếu không triều đình biết được thì còn rất nhiều người thác oan, thế là “Kim Liên thế lấy làm nàng Nguyệt Nga.”(Câu 1508)

Tác giả không miêu tả về tình cảm của Nguyệt Nga và Kim Liên nhưng nếu gia đình họ Kiều không có đối đãi tốt với nàng thì không dễ gì nàng lại hành động như vậy. Tuy sau này Kim Liên được làm hoàng hậu vua Phiên nhưng thử hỏi nếu như ngày ấy mọi chuyện bị bại lộ thì hoàng hậu đâu chưa thấy chỉ biết nàng sẽ bị trị tội rất nặng.

Cho dù tác giả miêu tả mối quan hệ nào của các nhân vật đều đáng chú ý nhất chính là nó diễn ra hai chiều chứ không theo một chiều. Cha mẹ, vợ chồng, thầy trò, bạn bè rồi đến mối quan hệ chủ tớ, Nguyễn Đình Chiểu đều lột tả được sự tác động qua lại của các nhân vật, nó không cho theo một chiều như ta thường thấy ở giai cấp

“ngồi trên xã hội”. Chính vì điều này mà Lục Vân Tiên mới là tác phẩm của quần chúng vì tự bản thân nó đang miêu tả những việc xảy ra của người lao động, những việc mà giai cấp thống trị tự nó không có được.

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trang 29)