SỰ KẾT HỢP GIỮA PHÁP LUẬT VÀ HƢƠNG ƢỚC TRONG VIỆC ĐIỀU CHỈNH CÁC QUAN HỆ XÃ HỘ

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 49)

ĐIỀU CHỈNH CÁC QUAN HỆ XÃ HỘI

Thực tế xây dựng và phát triển nông thôn ở nước ta trong những năm qua đã chứng minh rằng, nếu chỉ sử dụng thuần túy pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội ở nông thôn thì chưa đầy đủ và đạt hiệu quả cao. Việc xóa bỏ hương ước, xóa bỏ vai trò của nó với tư cách là một công cụ để góp phần quản lý xã hội ở nông thôn là đã bỏ qua một số nét văn hóa truyền thống, hạn chế sự phát triển thuần phong mỹ tục, để lại những khoảng trống mà pháp luật

cho dù hoàn thiện cũng không thể bao quát hết được. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, trải qua nhiều thế kỷ ở nhiều triều đại khác nhau nhưng pháp luật và hương ước luôn được sử dụng đồng thời với vai trò là những công cụ điều chỉnh xã hội hữu hiệu và quan trọng nhất. Ở xã hội phong kiến, hương ước tồn tại song song cùng với pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ và kết hợp rất có hiệu quả với pháp luật trong quản lý các làng xã cổ truyền Việt Nam. Mặt khác, hương ước cũng góp phần quan trọng trong việc gìn giữ văn hiến và bản sắc văn hóa dân tộc.

Đến nay, hương ước được thừa nhận trở lại và đang trở thành một công cụ hữu hiệu trong thể chế quản lý ở nông thôn. Chủ trương "khuyến khích xây dựng hương ước" mà Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã và đang trở thành phong trào ở nhiều địa phương trong cả nước. Hương ước được coi như là một công cụ hỗ trợ cho pháp luật để duy trì, phát triển thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng thôn, làng. Hương ước ra đời nhằm đề cao tính tự quản, tự trị của các thôn, làng, điều này phù hợp với mục đích phát huy và tăng cường dân chủ hóa nông thôn của Đảng và Nhà nước ta khi ban hành và triển khai Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (theo Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998) "nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng

tạo của nhân dân… trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, tăng cường đoàn kết nông thôn, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí… góp phần vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…".

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, hương ước chỉ là một công cụ điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ cộng đồng dân cư trong phạm vi những thôn làng nhất định, là một hệ thống các lệ làng được xây dựng trên cơ sở những mối quan hệ giữa các thành viên tỏng làng với nhau thỏa thuận lập ra, có hàm chứa những điều giáo huấn về một lối sống gọi là "thuần phong, mỹ tục" của làng. Bởi vậy, mặc dù hương ước tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước, nhưng nó vẫn chứa đựng trong mình dấu ấn của các quy phạm

pháp luật, các quy phạm về đạo đức, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, là biểu hiện của phong tục, tập quán.

Cơ sở lý luận cho việc sử dụng kết hợp pháp luật với hương ước trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội xuất phát từ chính mối tương quan giữa pháp luật với hương ước và trên cơ sở xem xét các tính chất đặc thù của pháp luật và hương ước. Trên thực tế cũng như về mặt lý luận, pháp luật và hương ước luôn bổ khuyết cho nhau một cách hết sức chặt chẽ và hợp lý: Hương ước là sự bổ sung đầy đủ cho vai trò quản lý, điều chỉnh xã hội của pháp luật; pháp luật lại là sự định hướng vô cùng cần thiết đối với việc xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước. Có thể cho rằng, trong quản lý, điều chỉnh xã hội, pháp luật và hương ước giống như hai cách tiếp cận tưởng như đối nghịch nhưng lại hỗ trợ tích cực cho nhau, tạo nên sự tác động đa diện, uyển chuyển tới các quan hệ xã hội. Cụ thể: nếu như pháp luật mang tính phổ biến chung, tác động từ ngoài vào, từ trên xuống, được đảm bảo thực hiện bằng các chế tài do Nhà nước quy định, thì hương ước mang đặc tính địa phương, phản ánh sắc thái riêng, mang tính đặc trưng, truyền thống, là sản phẩm của sự làm chủ trong phạm vi nội bộ cộng đồng, mang tính tự quản, phát huy nội lực ngay tại cơ sở, được đảm bảo thực hiện bằng các quy định thưởng phạt do nhân dân tự thỏa thuận với nhau. Ở góc độ khác, nếu như pháp luật tạo ra nền tảng, cốt lõi, tạo khung cơ bản cho hoạt động xã hội, thì hương ước tạo nên tính đa dạng, phong phú, bản sắc riêng cho hoạt động xã hội trên từng địa bàn, vùng miền. Nếu pháp luật mang tính khái quát thì hương ước lại mang tính cụ thể, chi tiết… Như vậy sự kết hợp giữa pháp luật và hương ước trong quản lý xã hội giống như việc đồng thời sử dụng linh hoạt các biện pháp có tính chất đối nghịch nhưng lại có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ cho nhau trong quá trình tác động tới đối tượng cần điều chỉnh. Có thể xem sự kết hợp đó giống như là sự kết hợp của các chế tài nghiêm khắc với biện pháp giáo dục thuyết phục, giống như khen thưởng và trừng phạt... Sự kết hợp đó một mặt khơi dậy, phát huy mọi thế mạnh của cả pháp luật cũng như của hương ước với vai trò là

những công cụ điều chỉnh xã hội của Nhà nước. Mặt khác lại hạn chế tối đa những tồn tại, những nhược điểm của cả pháp luật và hương ước. Kết quả của sự kết hợp đó là một cách quản lý, điều chỉnh xã hội linh hoạt, hiệu quả: Dân chủ mà không cục bộ, tập trung mà không độc đoán, khái quát toàn diện mà không hời hợt, cụ thể chi tiết mà không vụn vặt...

Có thể thấy rằng, phạm vi điều chỉnh của hương ước, quy ước chủ yếu là các quan hệ xã hội trong lĩnh vực xã hội - dân sự như việc cưới xin, ma chay, hội hè, trật tự trị an, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giải quyết các tranh chấp… Thực tế cho thấy, căn cứ vào khung pháp luật của Nhà nước, nếu để hương ước, quy ước điều chỉnh các quan hệ xã hội này thì sẽ có nhiều tác dụng tốt hơn. Mặt khác, khi nông thôn Việt Nam đang bước đầu trong quá trình "hiện đại hóa", với tính chất đa dạng, phức tạp, đan xen, trình độ phát triển còn chưa thể đồng đều và khi mà pháp luật còn không thể và không cần thiết chi tiết hóa và còn chưa tìm ra những "kênh" truyền tải thích hợp để xâm nhập sâu, để tác động tích cực đến các cá nhân, các cộng đồng dân cư thì hương ước hoàn toàn cần thiết để bổ sung, hỗ trợ cho việc áp dụng, thực thi pháp luật phù hợp với trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội từng vùng lãnh thổ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật và thực hiện dân chủ hóa ở nông thôn hiện nay.

Sự kết hợp giữa pháp luật và hương ước là cần thiết nhưng phải trên cơ sở phát huy thế mạnh riêng có, đảm bảo tính độc lập tương đối của mỗi công cụ. Cách thức thực hiện sự kết hợp này đòi hỏi sự khéo léo trong việc vận dụng các chính sách pháp luật từ phía các cơ quan chức năng kết hợp với lối sống, nét văn hóa truyền thống của từng cộng đồng dân cư. Tức là, pháp luật với vai trò là công cụ điều chỉnh xã hội chủ yếu, có tính định hướng với các công cụ điều chỉnh xã hội khác trong đó có hương ước nhưng không có nghĩa là pháp luật có thể áp đặt, thay thế được hương ước. Hương ước có thế mạnh riêng mà ở những góc độ đó pháp luật dù có sức mạnh tới đâu cũng không thể vươn tới được. Ngược lại, hương ước cũng không thể có được

những đặc tính ưu việt của pháp luật với sức mạnh là công cụ thực thi quyền lực nhà nước. Hiện nay, trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn, chủ trương khôi phục hương ước mới đang tồn tại một hạn chế lớn là sự định hướng có phần quá chặt chẽ, đôi khi là thô bạo tới việc xây dựng hương ước của pháp luật cả về hình thức và nội dung đã làm mất đi những giá trị đẹp đẽ vốn có của hương ước từ bao đời nay. Những giá trị đó, không thể dùng bàn tay đầy sức mạnh của pháp luật để thực hiện được mà phải xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của mỗi thôn làng. Không nên đưa ra một khuôn phép cụ thể với hương ước bởi vì một trong những đặc trưng nổi bật của hương ước là phản ánh lối sống riêng, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt riêng ở từng thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư cho nên không thể có một chuẩn mực chung. Ngược lại, nội dung của hương ước nên truyền tải những nội dung đơn giản, thiết thực, gần gũi với đời sống hàng ngày của các thành viên trong cộng đồng, tránh việc đưa những quy định cứng nhắc, đôi khi là chính những điều khoản cụ thể của pháp luật vào nội dung của hương ước, vừa dẫn tới tình trạng chồng chéo, vừa gây khó hiểu cho các thành viên trong địa bàn dân cư. Pháp luật và hương ước tuy là hai công cụ điều chỉnh xã hội khác nhau nhưng lại cùng có chung mục đích là hướng tới xác lập một trật tự xã hội ổn định nên việc sử dụng kết hợp pháp luật và hương ước trong quản lý xã hội sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, đồng thời làm cho lối sống tại các cộng đồng xã thôn trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn.

Như vậy, có thể thấy cả về mặt lý luận và trên thực tế đều cho thấy việc sử dụng kết hợp giữa pháp luật và hương ước trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, quản lý trật tự xã hội là cần thiết và có hiệu quả thiết thực đối với xã hội Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Chương 2

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)