Sự tương đồng giữa pháp luật và hương ước

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 26 - 31)

Pháp luật và hương ước đều là các công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm thiết lập một trật tự ổn định. Trong đời sống xã hội, tồn tại rất nhiều

những lợi ích, nhu cầu khác nhau và luôn đi song hành với nó là những cách thức, phương pháp cũng vô cùng phong phú, đa dạng để đạt được những lợi ích, nhu cầu đó. Lựa chọn cách xử sự để đạt được mục đích của các chủ thể cũng rất khác nhau, có thể đúng đắn, chuẩn mực, phù hợp và hài hòa với lợi ích chung và cũng có thể đi ngược lại lợi ích chung, gây tổn hại tới cộng đồng. Bởi vậy, để xã hội tồn tại và phát triển được thì xử sự của mỗi chủ thể phải dựa trên những quy chuẩn nhất định, phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi của cộng đồng.

Xuất phát từ đòi hỏi trên, pháp luật và hương ước ra đời với mục đích tác động vào ý thức con người, giúp con người nhận thức được trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nào thì mình được làm gì, không được làm gì, phải làm gì và cách thức làm ra sao... Từ đó cân nhắc cái được, cái mất khi thực hiện hành vi, con người mới có thể kiềm chế không thực hiện những hành vi bị ngăn cấm hoặc không được khuyến khích, chủ động, tích cực thực hiện những hành vi được cho phép, được khuyến khích hay có yêu cầu, đòi hỏi... Với tư cách là những công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật và hương ước thực hiện chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng cách đưa ra các mô thức, hình mẫu ứng xử phù hợp với lợi ích của cộng đồng và xã hội. Qua đó,

các quan hệ xã hội tiến bộ, phù hợp được xác lập, bảo vệ và định hướng phát triển, các quyền và tự do của con người được bảo vệ, sự phát triển của xã hội phù hợp với các quy luật khách quan được bảo đảm. Mặt khác, qua đó cũng hạn chế và loại bỏ những quan hệ xã hội lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của xã hội, xâm hại đến lợi ích và quyền tự do của con người. Tuy nhiên, ở những phạm vi và tính chất khác nhau, pháp luật và hương ước có sự khác nhau trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội: Pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, điển hình, phổ biến và mang tính bao quát cao, trên phạm vi tác động rộng mà không điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội; hương ước điều chỉnh các quan hệ xã hội phần nhiều mang tính cụ thể, chi tiết, phản ánh văn hóa, phong tục đặc trưng của từng vùng miền, phạm vi không gian tác động nhỏ hẹp hơn nhiều so với pháp luật... Cũng xét trên khía cạnh này, pháp luật điều chỉnh toàn diện, chặt chẽ và khoa học hơn so với hương ước.

Pháp luật và hương ước có chức năng giáo dục to lớn. Thông qua sự

tác động có định hướng lên các chủ thể để hình hành ở họ ý thức đúng đắn và thói quen hành động phù hợp với yêu cầu của xã hội. Chức năng giáo dục của pháp luật thể hiện trên hai mức độ khác nhau, bao gồm: thứ nhất, đó là sự tác động của cả hệ thống pháp luật và thượng tầng chính trị pháp lý nói chung đến nhận thức của chủ thể pháp luật để nhằm hình thành các quan niệm đúng đắn về bản chất, vai trò của pháp luật và tinh thần pháp luật nói chung, từ đó giúp các chủ thể có được ý thức tôn trọng và đề cao pháp luật; thứ hai, đó là

sự tác động cụ thể của pháp luật thông qua các quá trình điều chỉnh pháp luật cũng như thông qua các phương tiện pháp luật, giúp cho chủ thể nhận thức được các yêu cầu của pháp luật đối với hành vi ứng xử trong các quan hệ cụ thể. Phù hợp với tính chất, phạm vi và đặc điểm của mình, hương ước thực hiện chức năng giáo dục chỉ thông qua sự điều chỉnh trực tiếp và cụ thể đối với những hành vi của các chủ thể trong cộng đồng mà nó có thể ảnh hưởng. Bằng cách áp dụng các quy định thưởng, phạt, lên án... theo quy định của hương ước, nhận thức, thái độ đúng đắn và ý thức tuân thủ các quy định trong

hương ước của các chủ thể trong cộng đồng dân cư cũng từng bước được hình thành. Điều đó cũng có nghĩa là, hương ước và pháp luật đều thực hiện chức năng giáo dục của mình đối với xã hội.

Hình thức tồn tại cơ bản của pháp luật và hương ước là hình thức quy phạm và kết cấu của các quy phạm là giống nhau. Có thể hiểu hình thức pháp luật là cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để thể hiện ý chí của mình thành pháp luật. Trong lịch sử đã có ba hình thức được sử dụng là: tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hình thức văn bản quy phạm pháp luật được coi là phổ biến, tiên tiến và là hình thức chủ yếu đặc biệt đối với hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa trong đó có hệ thống pháp luật Việt Nam. Văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định, chứa đựng các quy tắc xử sự chung, được Nhà nước đảm bảo thực hiện, được áp dụng nhiều lần trong thực tế đời sống nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng của Nhà nước.

Hương ước là hình thức văn bản hóa các lệ làng nên hình thức tồn tại của hương ước được xác định là văn bản. Đây là một thế mạnh của hương ước so với các loại quy phạm xã hội khác và nó cũng là một điểm quan trọng làm cho hương ước gần với pháp luật hơn, hỗ trợ pháp luật nhiều hơn trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội ở phạm vi làng xã.

Bên cạnh việc cùng lấy hình thức văn bản làm hình thức tồn tại chủ yếu, pháp luật và hương ước còn có các quy phạm cũng được kết cấu tương đối giống nhau. Một quy phạm pháp luật thường có ba bộ phận: giả định: nêu lên phạm vi tác động của quy phạm pháp luật; quy định: nêu cách xử sự mà chủ thể ở vào hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong bộ phận giả định được phép hoặc buộc phải thực hiện; chế tài: nêu lên những biện pháp tác động mà Nhà nước dự kiến để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh. Các quy định của hương ước cũng được kết cấu tương tự như vậy, bao gồm ba phần:

phần thứ nhất nêu lên những điều kiện làm cho quan hệ nảy sinh, tồn tại, phát triển hay chấm dứt; phần thứ hai định ra những điều ai được làm hay không được làm, làm như thế nào; phần thứ ba quy định trách nhiệm phải gánh chịu của người không làm đúng những điều được nêu ở phần thứ nhất. Với cách kết cấu này, các quy định của hương ước trở nên chặt chẽ, logic hơn, thể hiện được giá trị, khả năng và hiệu lực điều chỉnh mạnh mẽ đối với các thành viên trong cộng đồng.

Cách thức thực thi của pháp luật và hương ước được sự hỗ trợ mạnh

mẽ từ nhiều yếu tố khác nhau như: thiết chế tổ chức, dư luận, đạo đức...

Mục đích của việc xây dựng và ban hành pháp luật, hương ước là nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ mục đích của Nhà nước và nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực hiện được khi các quy phạm pháp luật và các quy định của hương ước được các tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện một cách chính xác và đầy đủ. Muốn vậy, pháp luật và hương ước trước hết phải đảm bảo phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu của đời sống xã hội, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức đương đại. Tiếp đó, pháp luật và hương ước phải được nhận thức một cách sâu rộng và đầy đủ trong quần chúng nhân dân để hình thành trong nhân dân ý thực chấp hành pháp luật và ý thức tự giác thực hiện hương ước. Tuy vậy, việc phản ánh đúng đắn thực trạng và nhu cầu đời sống xã hội của pháp luật và hương ước cùng ý thức tự giác chấp hành trong quần chúng nhân dân chưa phải là các điều kiện cần và đủ cho việc thực thi pháp luật và hương ước trong thực tiễn.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện pháp luật có thể được diễn ra ở nhiều hình thức như: tuân theo pháp luật - là hình thức thực hiện pháp luật trong đó chủ thể kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật ngăn cấm;

thi hành pháp luật - là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể thực

hiện nghĩa vụ của mình bằng những hành động tích cực; sử dụng pháp luật -

thể của mình một cách chủ động; áp dụng pháp luật - là hình thức thực hiện

pháp luật trong đó Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Một đặc điểm rất nhân văn trong văn hóa pháp lý của Việt Nam đó là việc thực thi pháp luật không chỉ đạt lý mà còn phải thấu tình. Đây chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Thực tế cho thấy, pháp luật chỉ thực sự đạt được mục đích quản lý xã hội khi việc thực thi pháp luật đảm bảo vừa có lý vừa có tình. Nếu thiếu chữ tình, pháp luật sẽ trở nên cực kỳ khô khan, cứng nhắc, máy móc, thậm chí đôi khi còn tàn ác. Điều đó không thể nào phù hợp với bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang kỳ công xây dựng. Ngoài ra, với khả năng tạo ra cơ sở xã hội rộng lớn, dư luận xã hội cũng là một yếu tố quan trọng giúp pháp luật được thực thi nghiêm minh trong thực tế.

Hương ước mặc dù không do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện nhưng việc xây dựng và tổ chức thực hiện trên thực tế lại phải tuân theo và không được trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Điều đó chứng tỏ việc xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước phải có sự hậu thuẫn to lớn của Nhà nước. Bên cạnh đó, nội dung và việc thực hiện hương ước còn phải phù hợp với các chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Thực tế cho thấy, các quy định trong hương ước phần lớn được xây dựng trên hai cơ sở chủ yếu là pháp luật và quan niệm về đạo đức. Vì vậy, việc thực hiện hương ước cũng chính là thực hiện các chuẩn mực đạo đức đã được nhân dân đồng lòng xây dựng lên. Một yếu tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới hiệu lực của hương ước, đảm bảo cho hương ước được thực hiện trong thực tế đó là dư luận xã hội. Chúng ta đều biết rằng các thành viên của làng xã sống và ứng xử với nhau theo phương châm "trọng danh dự, sợ tiếng để đời" và trong một số trường hợp thực tế, dư luận kiểm soát hành vi ứng xử của thành viên trong

làng xã còn hữu hiệu hơn cả sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Như vậy, việc thực hiện pháp luật và hương ước luôn có sự kết hợp với nhau và với các công cụ điều chỉnh khác làm cho chúng phát huy được hiệu quả quản lý xã hội ở mức độ cao nhất.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 26 - 31)