Xét về nguồn gốc hình thành, hương ước được hình thành trên cơ sở
sự thỏa thuận và thống nhất của cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn làng xã đó. Xã hội từ buổi sơ khai đã đòi hỏi sống theo cộng đồng, sự phát triển kéo theo sự phức tạp của các quan hệ xã hội đòi hỏi nhất thiết phải có những quy định dẫu còn sơ lược giữa các thành viên với nhau và giữa các thành viên trong cộng đồng thôn xã. Những quy định ấy được mọi người thừa nhận và cùng nhau thực hiện, lâu dần trở thành tục lệ, tập quán được truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Như vậy, hương ước hình thành không thông qua con đường Nhà nước mà được hình thành từ nhu cầu tự thân của các cộng đồng dân cư, do cộng đồng dân cư tự thỏa thuận và xây dựng nên. Việc xây dựng hương ước xuất phát từ những ý muốn chủ quan của cộng đồng, do vậy mọi quy định mang tính áp đặt đều không phù hợp với đặc trưng của hương ước.
Pháp luật lại có con đường hình thành khác hẳn. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, pháp luật là sản phẩm của xã hội khi phát triển đến một trình độ nhất định. Trong xã hội nguyên thủy, Nhà nước và pháp luật đều chưa xuất hiện, xã hội được tổ chức, quản lý bởi những quy phạm đạo đức hay tôn giáo. Phù hợp với đặc điểm và tình hình đời sống kinh tế, xã hội nguyên thủy, những loại quy phạm này điều chỉnh rất có hiệu quả các quan hệ xã hội. Khi xã hội nảy sinh mâu thuẫn phát sinh từ sự phân hóa giàu nghèo và sự đấu tranh về lợi ích giai cấp, các loại quy phạm này dần không còn điều chỉnh xã hội hiệu quả như trước. Thông qua Nhà nước, xã hội dần hình thành một loại quy tắc xử sự mới, phù hợp và rất có hiệu quả trong việc tổ chức quản lý xã hội, đó là pháp luật. Pháp luật được hình thành bằng ba con đường: Thứ nhất, Nhà nước
thừa nhận và đảm bảo thực hiện trên thực tế những quy tắc xử sự đang tồn tại và phù hợp với điều kiện xã hội, không mâu thuẫn với lợi ích giai cấp cầm quyền; thứ hai, Nhà nước thừa nhận cách giải quyết các vụ việc cụ thể trên
thực tế của các cơ quan Nhà nước và coi đó là khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc có nội dung tương tự về sau; thứ ba, Nhà nước ban hành ra những văn bản chứa đựng các quy phạm pháp luật là các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung. Như vậy, pháp luật được hình thành trên cơ sở kết quả hoạt động tự giác của Nhà nước - tổ chức đại diện chính thức cho toàn thể xã hội.
Xét về tính chất: Nếu như hương ước là sản phẩm của hoạt động tự
quản trong cộng đồng dân cư, do nhân dân trong cộng đồng dân cư tự xây dựng nên, hoàn toàn mang tính chất xã hội không mang màu sắc giai cấp và ít chịu ảnh hưởng của tính giai cấp thì pháp luật không những mang tính xã hội mà còn mang tính giai cấp đậm nét. Pháp luật là sản phẩm của xã hội có tính giai cấp, là hiện tượng mang tính giai cấp. Điều đó thể hiện bởi pháp luật luôn phản ánh ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, nhờ nắm trong tay quyền lực nhà nước mà giai cấp thống trị đã thông qua Nhà nước để hợp pháp hóa ý chí của mình thành ý chí của Nhà nước và ý chí đó được cụ thể hóa thành các quy phạm pháp luật. C.Mác khi nói về pháp luật tư sản đã nhấn mạnh rằng: "pháp luật tư sản chẳng qua là ý chí của giai cấp tư sản được đề lên thành luật mà nội dung của ý chí đó do điều kiện kinh tế của giai cấp tư sản quyết định" [32, tr. 262-263]. Hồ Chí Minh khi nói về pháp luật đã chỉ rõ: "Pháp luật phong kiến là ý chí của giai cấp phong kiến, còn pháp luật của ta là pháp luật thực sự dân chủ vì nó bảo đảm tự do dân chủ của nhân dân lao động" [37, tr. 187]. Tính giai cấp của pháp luật còn thể hiện ở mục đích và chức năng điều chỉnh của pháp luật, đó là điều chỉnh các quan hệ xã hội theo ý chí và phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị. Với ý nghĩa đó, pháp luật trở thành công cụ thống trị giai cấp. Tuy nhiên, pháp luật còn mang tính xã hội sâu sắc bởi sự hình thành, tồn tại và phát triển của pháp luật luôn xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Mục đích cơ bản và trước hết của pháp luật cũng
là nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì thế, khi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thay đổi thì pháp luật cũng phải có sự thay đổi tương ứng cho phù hợp. Hơn nữa, mục đích cũng như ý nghĩa của pháp luật còn là nhằm điều hòa lợi ích các giai cấp trong xã hội, pháp luật phản ánh lợi ích của giai cấp cầm quyền nhưng cũng phải tính đến lợi ích của các giai tầng khác trong xã hội.
Xét về phạm vi điều chỉnh, pháp luật được coi là phương tiện quan
trọng bậc nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì trật tự xã hội, bao gồm các quan hệ xã hội cơ bản, điển hình, phổ biến có liên quan đến đời sống xã hội, đến việc củng cố địa vị và lợi ích của người lao động trong các lĩnh vực cơ bản, chủ yếu của xã hội như: kinh tế, văn hóa, xã hội... Bên cạnh đó, pháp luật còn điều chỉnh cả những quan hệ xã hội phát sinh, tức chúng chỉ xuất hiện khi có quy phạm pháp luật. Ví dụ, nhờ có những quy định của pháp luật về chính sách thuế, tố tụng, chứng khoán... mà các quan hệ xã hội về chứng khoán, tố tụng, thuế mới tồn tại và được điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể, phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác. Hiện nay đang tồn tại nhiều xu hướng trong việc xác định phạm vi và mức độ điều chỉnh của pháp luật lên các quan hệ xã hội: hoặc muốn mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật lên các quan hệ xã hội hoặc thu hẹp phạm vi điều chỉnh pháp luật, hạn chế bớt sự can thiệp của pháp luật lên hành vi của các chủ thể, đưa lại nhiều tự do hơn cho các chủ thể của pháp luật. Xét về mặt không gian, phạm vi điều chỉnh của pháp luật thường rất rộng lớn, có thể tác động tới các đối tượng trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ của quốc gia.
Với tư cách là phương tiện quan trọng góp phần không nhỏ trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, hương ước có nội dung rất phong phú, liên quan đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội như: kinh tế (việc phát triển sản xuất), chính trị - xã hội (cách thức thành lập, tổ chức các thiết chế tự quản, xây dựng và bảo vệ chính quyền, bảo vệ an ninh trật tự...), văn hóa - giáo dục (các chính sách khuyến học, khuyến nghề, lối sống...). Xét về mặt nội dung,
hương ước có phạm vi điều chỉnh rộng hơn pháp luật, chi tiết tới từng quan hệ xã hội thường ngày trong cuộc sống, có những quan hệ mà pháp luật không thể điều chỉnh như: quan hệ về tình làng nghĩa xóm, tục lệ ma chay cưới hỏi, các cách ứng xử, đạo đức lối sống... Tuy nhiên, xét về không gian thì phạm vi điều chỉnh của hương ước hẹp hơn rất nhiều so với pháp luật, giá trị điều chỉnh của hương ước chỉ bao trùm lên phạm vi thôn, làng nơi lập nên hương ước mà không thể mở rộng phạm vi tác động tới các thôn, làng khác.
Biện pháp bảo đảm thực hiện của pháp luật và hương ước cũng có sự
khác nhau rõ nét. Pháp luật do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện bằng cách sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều biện pháp: tuyên truyền, giáo dục, biện pháp kinh tế, biện pháp cưỡng chế nhà nước... Bằng cách đó, nhân dân hoặc thông qua các hoạt động tuyên truyền của các cơ quan nhà nước mà nắm bắt được những quy định của pháp luật, từ đó chủ động điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với các quy định của pháp luật; hoặc quan tâm đến các lợi ích kinh tế thông qua biện pháp kinh tế của Nhà nước mà chủ động, tích cực, tự giác thực hiện những quy định của pháp luật; hoặc buộc phải thực hiện những quy định của pháp luật do bị áp dụng các chế tài nghiêm khắc bởi hệ thống các cơ quan chuyên môn của Nhà nước (cảnh sát, quân đội, tòa án...). Bên cạnh các biện pháp bảo đảm cơ bản và chủ yếu như trên, pháp luật còn có thể được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp khác nhà nước như: sự tự giác của các chủ thể do được giáo dục trong nhà trường, được phổ biến tuyên truyền qua nhiều kênh khác nhau mà tự nhận thức được và lựa chọn cách xử sự phù hợp với những quy định của pháp luật.
Được xây dựng bởi sự thỏa thuận của cộng đồng nên hương ước cũng được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh của cộng đồng, không mang tính nhà nước. Về cơ bản, hương ước cũng được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, biện pháp kinh tế và biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, hương ước vốn là những phong tục tập quán, lối sống dân dã gần gũi, thiết thực với đời sống cộng đồng nên được tuân thủ một cách tự giác và
nghiêm chỉnh như lối sống tự nhiên vậy. Hơn nữa, biện pháp chế tài của hương ước có nét đặc trưng riêng, đó là được tuân thủ nghiêm túc do cơ chế tổ chức và việc thưởng phạt có đủ sức mạnh, dựa trên quyền lực của cộng đồng để mọi thành viên phải thừa nhận và tuân theo. Hình phạt của hương ước rất khéo léo vì thường đánh vào danh dự, uy tín của gia đình, cá nhân và dòng họ. Nhiều hương ước cổ còn đưa yếu tố tâm linh vào thông qua việc tổ chức các lễ "minh thệ" (lễ ăn thề, mọi người có mặt phải thề tuân thủ theo hương ước, nếu không sẽ bị thần linh phạt). Đây là thế mạnh riêng khá điển hình của hương ước mà pháp luật ở bất kỳ thể chế nào cũng không có được.