Những ưu điểm

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 60 - 71)

Sự chuyển mình của nền kinh tế đất nước kéo theo hàng loạt sự thay đổi trong đời sống xã hội. Nhận thức của xã hội nói chung về vai trò và giá trị của pháp luật và hương ước dần đầy đủ và xác thực hơn. Vì vậy, mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước với vai trò là những công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội được nhìn nhận tương đối phù hợp với những giá trị vốn có của chúng. Pháp luật dù còn nhiều hạn chế nhưng đang tỏ ra phát huy cao độ hiệu quả điều chỉnh và ảnh hưởng của mình tới việc kiểm soát và định hướng cho các hoạt động xây dựng và thực thi hương ước. Ngược lại, hương ước một mặt thực hiện tốt chức năng cụ thể hóa các quy định của pháp luật vào đời sống xã hội, mặt khác là nguồn bổ sung một cách hợp lý những khoảng trống mà pháp luật chưa thể vươn tay tới. Thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong giai đoạn hiện nay có thể khái quát bởi một số nét tiêu biểu như sau:

Thứ nhất, pháp luật ghi nhận và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự tồn tại của hương ước, đồng thời quy định chặt chẽ quy trình xây dựng, ban hành và sửa đổi hương ước.

Cùng với sự đổi mới của đất nước, hương ước mới được tái lập như một hiện tượng khách quan phản ánh nhu cầu tự quản của các cộng đồng làng xã Việt Nam. Hương ước mới không những kế thừa kinh nghiệm hết sức phong phú của cha ông trong quản lý xã hội nông thôn mà nó còn tạo ra những khả năng, động lực quan trọng, tinh thần chủ động, phát huy sáng kiến của từng thành viên và từng cộng đồng trong thực tế cuộc sống. Những giá trị tích cực đó được nhìn nhận là: "Ở những làng xã đã xây dựng được quy ước

đã có những chuyển biến thực sự về mọi mặt: an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, không xảy ra tranh chấp đất đai, đình chùa, miếu mạo được tôn tạo, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được cải thiện rõ rệt, tình làng nghĩa xóm được duy trì" [20] hay "các hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã góp phần hỗ trợ không nhỏ trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư cơ sở" [8]. Với nhận thức như vậy, bằng các chủ trương của Đảng và các quy định cụ thể của pháp luật, Đảng và Nhà nước ta kịp thời ghi nhận và tạo cơ sở cho sự tồn tại của hương ước, đồng thời quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục xây dựng, sửa đổi và ban hành hương ước. Qua hoạt động này, Nhà nước một mặt đảm bảo được tính dân chủ, tự quản trong các cộng đồng dân cư, mặt khác hạn chế được những khiếm khuyết, những tồn tại tiêu cực đồng thời kiểm soát được xu hướng tùy tiện trong việc xây dựng và thực hiện hương ước của làng xã trên thực tế. Một ví dụ tiêu biểu cho những lý luận nêu trên là ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) cả 9 xã đều có đồng bào dân tộc Băhnar sinh sống. Cuộc sống của bà con dân tộc Băhnar hiện có nhiều thay đổi. Bà con không còn đói ăn, đứt bữa như trước đây, nhận thức của hầu hết đại bộ phận chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, trong nếp sống của đồng bào dân tộc Băhnar ở các xã vùng cao trước đây vẫn còn lưu giữ những phong tục nặng nề trong ma chay, cưới hỏi, đặt tên con... Bắt đầu từ năm 2000, Bình Định có chủ trương xây dựng và thực hiện hương ước trong các làng, thôn. Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh là cơ quan chuyên môn trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo và thẩm định việc xây dựng và thực hiện hương ước trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt để thực hiện.

Quy trình xây dựng hương ước ở huyện Vĩnh Thạnh được phổ biến rộng rãi cho các cán bộ xã, mặt trận, văn hóa thông tin, các già làng, sau đó là Phòng Tư pháp huyện phân công cán bộ xuống cơ sở phối hợp cán bộ cấp xã, đến từng làng tìm hiểu, khảo sát và hướng dẫn thủ tục, quy trình cụ thể xây

dựng bản hương ước vừa phù hợp các quy định pháp luật, vừa phát huy những mặt tích cực vốn có của phong tục, tập quán dân làng. Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Do đã được quán triệt kỹ ngay từ đầu và phân công cán bộ của huyện xuống từng địa bàn theo kiểu cầm tay chỉ việc nên hiện tượng đưa chế tài xử phạt tiền, phạt heo, phạt vạ, và những nội dung trái với pháp luật vào trong hương ước hầu như không có! Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã có 100% các làng có 2 bản hương ước: Hương ước làng và hương ước bảo vệ và phát triển rừng.

Ở làng K8, Vĩnh Sơn có 84 hộ đồng bào Băhnar, trước đây tình trạng trẻ em sinh ra không đăng ký khai sinh, người chết không khai tử, trai gái lấy nhau không đăng ký kết hôn, sống di cư tự do... Kể từ khi Chủ tịch huyện phê duyệt hương ước của làng và triển khai thực hiện thì tình trạng trên chấm dứt hẳn.

Còn dân làng L8 đã đưa vào hương ước những quy định "việc hú téc" theo phong tục của người Băhnar chỉ được dùng trong các trường hợp cần thiết, nhằm báo hiệu cho người khác đến cứu giúp như: Khi bị tai nạn, tử nạn, rủi ro giữa rừng, giữa đường. Các tập quán ma chay, cưới hỏi, lễ tết và hội làng tổ chức tiết kiệm, văn minh, không phô trương hình thức vượt quá khả năng kinh tế của gia đình, của tập thể. Từ ngày có hương ước, mọi chuyện trong làng L8 trở nên nền nếp hơn, người dân đã hiểu được những việc gì mình được làm và không được làm. Các hủ tục như chữa bệnh bằng bùa phép, cúng ma, bóp trứng gà tuyệt đối không xảy ra. Hương ước không có xử phạt nhưng nếu nhà nào, cá nhân nào trong làng vi phạm, khi họp làng sẽ bị phê bình công khai, sẽ không được bình xét gia đình văn hóa... Mỗi hương ước đã được quy định phù hợp với nếp sống riêng của từng làng. Các hộ dân được phổ biến các quy định của hương ước và cam kết nghiêm túc thực hiện.

Mặc dù việc thực hiện hương ước ở Vĩnh Thạnh trên tinh thần tự nguyện, song chỉ tính riêng việc đưa vào hương ước các nội dung phù hợp với quy

định pháp luật để bà con dân tộc Băhnar hiểu và thực hiện là một thành công đáng kể. Việc thực hiện hương ước ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh hiện đang phát huy vai trò tích cực của nó.

Ngoài ra, vấn đề xây dựng hương ước mới trên cơ sở định hướng của pháp luật ngay từ những ngày đầu sau đổi mới cũng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khoá đặc, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhấn mạnh: "Nhà nước cần sớm nghiên cứu đề ra quy chế thích hợp với chức năng, vai trò của xã, của thôn xóm, làng, bản trong tình hình mới. Trong khuôn khổ pháp luật và dựa vào những quy định này, xã có thể xây dựng hương ước làm cơ sở để tổ chức quản lý hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn" [12, tr. 73]. Văn kiện hội nghị này cũng khẳng định: "Khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn xã" [12, tr. 73]. Ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TƯ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Với tinh thần đó, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản, điển hình như: Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/05/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã; Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBMTTQVN ngày 31/03/2000 của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 03) hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, cụm dân cư... Các địa phương trên tinh thần đó cũng có các văn bản hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước như: Nghị quyết số 07/1998/NQ-HĐ của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, cùng quyết tâm thực hiện của nhân dân và chính quyền các cấp;

Nghị quyết số 38/1993/NQ-HĐ tháng 04/1993 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Bắc về xây dựng quy ước làng văn hóa…

Bằng những văn kiện của Đảng cùng các văn bản pháp luật kể trên, Đảng và Nhà nước đã chính thức ghi nhận sự tồn tại của hương ước cũng như ghi nhận vai trò tích cực của nó trong quản lý đời sống xã hội. Vì thế, trong những năm qua, hương ước mới đã được chính thức hóa, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, các văn bản pháp luật nêu trên còn quy định hết sức cụ thể, chặt chẽ về thủ tục, quy trình soạn thảo, ban hành và sửa đổi, bổ sung hương ước, điển hình như: Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (Ban hành kèm theo Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ) quy định: "Hương ước, quy ước do nhân dân xây dựng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã đề nghị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hương ước, quy ước đó"; Thông tư liên tịch số 03 quy định các bước cơ bản trong thủ tục soạn thảo, thông qua, phê duyệt và sửa đổi, bổ sung hương ước bao gồm:

Bước 1: Thành lập nhóm soạn thảo và tổ chức soạn thảo hương ước. Nhóm soạn thảo hương ước phải bao gồm các thành viên là những người có uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật và phong tục tập quán địa phương, có phẩm chất đạo đức tốt. Trưởng thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư chủ trì cùng Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thống nhất nội dung cần soạn thảo và chỉ đạo Nhóm soạn thảo xây dựng hương ước.

Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân vào dự thảo hương ước thông qua các hình thức thích hợp như họp thảo luận ở tổ, đội sản xuất, tổ dân phố, ngõ xóm, nhóm các hộ gia đình, ở các tổ chức đoàn thể ở thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư; niêm yết; phát trên đài truyền thanh; mở hộp thư để thu thập ý kiến.

Bước 3: Thảo luận và thông qua hương ước. Dự thảo hương ước phải được thảo luận kỹ, thực sự dân chủ và thông qua tại Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình ở làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.

Bước 4: Phê duyệt hương ước. Sau khi xem xét, kiểm duyệt và thống nhất với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã về nội dung của hương ước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập công văn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt bản hương ước (đã có chữ ký của Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận và già làng (nếu có)). Gửi kèm theo đó là biên bản thông qua hương ước tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét phê duyệt hương ước trong thời hạn 30 ngày.

Hương ước đã được phê duyệt được niêm yết, tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân để tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của hương ước, phát hiện kịp thời và chấn chỉnh các sai phạm. Việc sửa đổi, bổ sung hương ước cũng phải tuân theo trình tự, thủ tục như khi soạn thảo hương ước mới.

Với những quy định cụ thể, chặt chẽ của pháp luật như trên, trong thời gian qua, ở hầu khắp mọi miên đất nước, hương ước đã được tái lập một cách nhanh chóng. Sự tái lập của hương ước trong điều kiện mới một mặt đã phản ánh được kết quả điều chỉnh của pháp luật đối với việc xây dựng và thực hiện hương ước, mặt khác cũng phản ánh được không khí dân chủ, đổi mới trong từng cộng đồng dân cư. Về cơ bản, các hương ước được xây dựng và ban hành trong thời gian qua đều đảm bảo đúng quy trình mà pháp luật quy định. Đây là một điều kiện quan trọng tạo cơ sở đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật với hương ước trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Thứ hai, pháp luật tạo khung pháp lý và định hướng về mặt nội dung cho hương ước, tạo cơ chế bảo đảm cho hương ước thực hiện trên thực tế.

Hương ước là một loại văn bản tổng hợp, hàm chứa nội dung rất đa dạng, phong phú, bao trùm nhiều mặt sinh hoạt cộng đồng thôn, làng. Có người

ví nó như một "Hiến pháp con" của làng, có người ví nó như một "bộ luật" của làng. Để quản lý và định hướng có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện hương ước cần phải đáp ứng một số tiêu chí sau:

- Bảo đảm pháp chế, hỗ trợ cho pháp luật để duy trì sinh hoạt phong phú, thiết thân của cộng đồng. Trước hết hương ước phải có nội dung không trái với quy định của pháp luật hiện hành. Yêu cầu này gắn với nội dung của hương ước liên quan đến duy trì trật tự kỷ cương trong thôn xóm. Liên quan đến việc định ra các biện pháp thưởng phạt trong hương ước… Mặt khác, hương ước phải có những nội dung tác động tích cực vào yêu cầu quản lý mọi mặt ở thôn làng, ở nhũng "khoảng trống" mà pháp luật không cần thiết và cũng không thể bao quát hết. Ở đây cần xác định rõ mối quan hệ giữa hương ước và pháp luật, tìm ra con đường, phương thức tác động qua lại, bổ sung, hỗ trợ cho nhau của "phép nước" và "lệ làng" để có sự định hướng, tạo hành lang pháp lý tốt cho hương ước. Hương ước phải đề ra được những biện pháp góp phần bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài sản công cộng và của công dân, bảo vệ rừng, môi trường sống, xây dựng và phát triển đường làng, ngõ xóm...

- Khuyến khích, duy trì và phát triển thuần phong mỹ tục, định hướng nội dung các mặt sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, xây dựng nếp sống văn hóa mới, củng cố tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân tương ái, tạo ra sự phong phú đa dạng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của cư dân trong cộng đồng... Trong khía cạnh này cũng cần phải thể hiện được hai mặt: Trước hết phải duy trì và phát triển thuần phong mỹ tục, những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của thôn làng, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân tương ái. Mặt khác, ngay trong mặt "văn hóa" của hương ước cũng cần phải tuân thủ các quy dịnh của pháp luật Nhà nước trong quản lý văn hóa.

- Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, đề ra những tiêu chuẩn gia đình văn hóa, các quy tắc đạo đức mới, giúp đỡ nhau tìm ra những biện pháp xử lý tốt các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 60 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)