Nhiệm vụ cấp bách hiện nay
Để đạt được mục tiêu là không để nhiệt độ trái đất tăng quá 20C vào cuối thế kỷ XXI theo quyết tâm của cộng đồng quốc tế, Nghị định thư Kyoto là chưa đủ để thực hiện được mục tiêu này. Hơn nữa, Nghị định thư Kyoto đã sắp hết hiệu lực và đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành được chỉ tiêu đề ra nên việc xây dựng một điều ước mới thay thế Kyoto là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất của thế giới trong những năm tới. Để xây dựng thành công thoả thuận quốc tế mới thay thế Nghị định thư Kyoto, chúng ta phải có thái độ và biện pháp tích cực ngay từ bây giờ.
a. Với cộng đồng quốc tế:
- Biến đổi khí hậu đã và đang mang đến những ảnh hưởng to lớn tới con người và tự nhiên. Do vậy mỗi người dân phải tích cực tham gia vào chống biến đổi khí hậu thông qua các hành động thực tế của mình. Cộng đồng quốc tế, các nhà hoạt động môi trường, các tổ chức quốc tế cũng như các nhà khoa học cần gây sức ép để Chính phủ mỗi quốc gia phải tham gia tích cực hơn vào việc đàm phán nhằm xây dựng thoả thuận mới thay thế
Nghị định thư Kyoto. Tương lai của trái đất nằm trong tay chúng ta và phụ thuộc không nhỏ vào vấn đề này.
b. Với các quốc gia:
- Các quốc gia cần quyết tân hơn trong việc xây dựng thoả thuận quốc tế mới. Các nhóm nước cần phải có sự nhượng bộ cần thiết cũng như chấp nhận những thiệt hại ban đầu về kinh tế để cắt giảm lượng khí nhà kính vì tương lai của hành tinh này.
- Nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại của Hội nghị Copenhagen trong việc thông qua một thoả thuận pháp lý mới thay thế Kyoto chính là sự bất đồng giữa các nước phát triển (đứng đầu là Hoa Kỳ) với các nước đang phát triển (mà đại diện là Trung Quốc, Ấn Độ) về chỉ tiêu cắt giảm lượng khí nhà kính. Chỉ khi giải quyết được mâu thuẫn này, một thoả thuận quốc tế thay thế Nghị định thư Kyoto mới có cơ hội được thông qua. Vì vậy, các quốc gia cần chủ động tiến hành các vòng đàm phán, thương lượng để có thể tìm ra tiếng nói chung.
Về nội dung thoả thuận quốc tế mới:
- Thoả thuận mới cần được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt” đã có trong Nghị định thư Kyoto. Trách nhiệm chung nghĩa là mọi quốc gia không phân biệt là nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nghĩa vụ cụ thể của các nước có sự khác nhau. Các quốc gia phát triển phải là các nước đi đầu trong cuộc chiến và phải có nghĩa vụ cam kết về việc cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra do họ là các nước đã thải ra lượng lớn khí nhà kính trong quá trình phát triển dẫn tới sự thay đổi khí hậu ngày nay. Các nước đang phát triển và kém phát triển không có nghĩa vụ cắt giảm nhưng phải có biện pháp nhằm giảm bớt sự tăng thêm của lượng khí nhà kính mà mình thải ra.
- Đối với các chỉ tiêu giảm thải, các quốc gia phát triển cần có cam kết để cắt giảm hơn nữa lượng khí nhà kính thải ra. Các nước đang phát triển cần có cam kết về lượng tăng khí thải nhà kính một cách phù hợp để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa góp phần cùng thế giới giảm lượng khí nhà kinh thải ra hàng năm. Vì vậy, các cam kết của từng quốc gia nên được xác định trên một số tiêu chí nhằm phù hợp với trách nhiệm cũng như khả năng thực hiện của từng quốc gia như:
+ Lượng phát thải trong quá khứ;
+ Quốc gia và vấn đề để ưu tiên phát triển khư vực; + Đặc điểm địa lý và tự nhiên, tài nguyên thiên nhiện; + Chỉ số phát triển con người;
+ Mức phát thải trên đầu người, mỗi đơn vị sản phẩn quốc nội, mỗi đơn vị năng lượng, và các xu hướng dân số;
+ Chi phí giành cho việc giảm thải, sự ảnh hưởng tới nền kinh tế cũng như những kết quả đã đạt được của mỗi quốc gia;
+ Mức độ phát triển của nền kinh tế, năng lực công nghệ;
+ Hoàn cảnh cụ thể, hiệu quả ngành năng lượng và khả năng chuyển nguyên liệu (vì năng lượng là ngành phát thải khí nhà kính nhất).
- Thoả thuận quốc tế mới cần xây dựng cơ chế tài chính và chuyển giao công nghệ hiệu quả để giúp các nước đang phát triển, kém phát triển có thể được hỗ trợ về tài chính nhằm thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu và tiếp cận được các công nghệ sạch, nguồn năng lượng sạch.
- Các cơ chế đã được quy định trong Nghị định thư Kyoto (JT, ET và CDM) cần được tiếp tục duy trì và hoàn thiện hơn trong thoả thuận mới. Đây là chìa khoá giúp các nước có thể giảm bớt khó khăn trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính đã cam kết.
- Thoả thuận mới cũng cần xây dựng một cơ chế hành chính nhằm kiểm tra cũng như hỗ trợ các nước trong việc thực hiện các mục tiêu mà thoả thuận đặt ra.