đến thương mại trên thế giới
1.2.1.1 Sự thức tỉnh toàn cầu về vai trò của sở hữu trí tuệ trong những năm 1990
Một trong các hệ quả của mô hình mới trong nền thương mại toàn cầu được khởi động từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 là sự hình thành một cách có chủ đích mối quan hệ giữa pháp luật về thương mại và chính sách về sở hữu trí tuệ, khi một số nước đi trước bắt đầu đưa thương mại trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng cần được bảo vệ trước nạn chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Việc này dẫn tới chỗ Hiệp định TRIPs được đưa vào là một trong các Hiệp định thuộc khuôn khổ đàm phán thương mại đa phương tại Vòng đàm phán Urugoay 1986. Trong giai đoạn này có sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin và liên lạc,
nghiên cứu y sinh học và phát triển dược phẩm mới, công nghệ số, vật liệu hiệu suất cao, trí khôn nhân tạo và thương mại ảo trên mạng. Mặc dù sở hữu trí tuệ đang là vấn đề vừa được thừa nhận vừa bị phê phán, nhưng không thể phủ nhận sự cần thiết của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm tri thức. Việc làm cho bảo hộ sở hữu trí tuệ thích nghi với công nghệ sinh học và đặc biệt là bảo hộ sở hữu trí tuệ trên mạng đã đặt ra nhiều thách thức lớn. Bên cạnh đó, việc sử dụng kết hợp của công nghệ máy tính và viễn thông như được thể hiện qua Internet đang đặt ra hàng loạt vấn đề khác đối với các hệ thống sở hữu trí tuệ. Phạm vi và mức độ trách nhiệm giữa những người cung cấp thông tin trên Internet và người nắm giữ quyền đối với nội dung cần được làm rõ hơn.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong những năm 1990, hệ thống sở hữu trí tuệ đang dần hội nhập vào nền kinh tế tri thức và đặt ra những thách thức quan trọng đối với ngành công nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, học giả và nhà nghiên cứu ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
1.2.1.2 Xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và đòi hỏi về một hệ thống sở hữu trí tuệ mang tính toàn cầu
Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ được WTO đưa vào vòng đàm phán Urugoay năm 1986 và sự ra đời của Hiệp định TRIPs năm 1995 khẳng định quyền sở hữu trí tuệ không phải là một vấn đề tách rời với hoạt động thương mại mà có quan hệ chặt chẽ với thương mại và sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, toàn cầu hóa kinh tế là một xu hướng nổi trội và do đó đã trở thành môi trường của các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới. Xu thế mới nhất trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới và cũng là xu thế cơ bản của cạnh tranh quốc tế ngày nay là một mặt, tất cả các nước đều phải gia tăng thực lực kinh tế của mình và lấy đó làm điểm tựa chính để mở rộng khả năng tham dự vào cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên phạm vi toàn cầu; mặt khác, cuộc cạnh tranh quốc tế lấy thực lực kinh tế làm cốt lõi có xu hướng ngày càng quyết liệt đó cũng khiến cho nền kinh tế thế giới phát triển theo hướng quốc tế hóa và tập đoàn hóa khu vực. Trước đó, vào những năm 1980, sự bùng nổ của đầu tư quốc tế và kéo theo đó là hoạt động mua bán quyền sở hữu trí tuệ diễn ra
sôi động trên phạm vi toàn thế giới đã khiến các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết lập một hệ thống sở hữu trí tuệ mang tính toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia của các nước giàu bị tổn thất lớn do quyền sở hữu trí tuệ bị vi phạm nhiều ở các nước đang phát triển. Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ không dừng lại ở phạm vi lãnh thổ quốc gia mà ngày càng mang tính quốc tế. Chính điều này thúc đẩy các nước phát triển xây dựng một cơ chế mang tính kiểm soát toàn cầu đối với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
1.2.2 Hệ thống sở hữu trí tuệ ở các nước phát triển
Tại các nước phát triển, xây dựng một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh là một đòi hỏi bức thiết do trình độ phát triển công nghệ rất cao kéo theo hệ quả là công nghệ bắt chước cũng rất tinh vi. Có thể nói trình độ khoa học - công nghệ phát triển đã, đang và tiếp tục là vũ khí mạnh nhất mà các nước phát triển có trong tay. Trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến một mặt cho phép sản xuất số lượng lớn hàng hóa, mặt khác nó cũng dẫn đến sự ra đời của vô số nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp và bí mật thương mại. Chính vì vậy, sự phát triển không ngừng của các đối tượng sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh, toàn diện và rõ ràng, chặt chẽ. Việc bảo hộ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ ở các nước phát triển để thực hiện hai mục tiêu sau:
(a) Khuyến khích phát triển công nghệ và cạnh tranh lành mạnh.
(b) Gây sức ép lên các nước khác trong hội nhập kinh tế, hạn chế các vi phạm đối với hàng hóa khi tham gia vào quá trình lưu thông trên thị trường thế giới thông qua hoạt động của các chủ thể kinh doanh .
Trên thực tế, các quốc gia phát triển đã và đang thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của hệ thống sở hữu trí tuệ. Ở Hoa Kỳ, các chính sách và quy định về trách nhiệm liên đới trong trường hợp ăn cắp bản quyền được xem là biện pháp có thể hạn chế tình trạng các công ty sử dụng tác phẩm được bảo hộ để thu hút khách hàng mà không được phép. Theo đó, trách nhiệm sẽ thuộc về những người kiểm soát và thu được lợi từ các hoạt động thương mại phạm pháp. Bên cạnh đó, Chương trình hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ do USITC ban hành được đánh giá là có hiệu quả cao trong việc thực thi quyền sở
hữu trí tuệ. Cục hải quan Hoa Kỳ thi hành những lệnh ngăn chặn (lệnh mang tính ràng buộc pháp lý) ngăn cản những hàng hóa bị tố cáo là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vào Hoa Kỳ. Thông tin về các lệnh ngăn chặn do USITC ban hành được đưa vào các mô-đun để chuyển tới các nhân viên làm việc trực tiếp. Bản mô-đun IPR dành cho công chúng có thể dễ dàng được tiếp cận qua trang web www.cbp.org. Trang web này cung cấp rất nhiều thông tin về các chính sách và chương trình hành động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Các quốc gia phát triển nhận thức rất rõ việc cần phải có một cơ sở dữ liệu tổng hợp về tất cả các quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xâm phạm và vai trò quan trọng của công nghệ mới trong công tác thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của một quốc gia. Các quy định về việc chống hàng giả có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm, rượu hay dược phẩm được tăng cường. Công tác nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề y tế và an toàn sức khỏe được chú trọng nâng cao. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được phát triển thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo. Các trung tâm R&D và các trường đại học được chú trọng đầu tư nhằm tận dụng hết khả năng sáng tạo sản phẩm tri thức mới. Ngoài ra, các quốc gia phát triển có những chính sách và chương trình cụ thể nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của công chúng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tri thức. Nếu công chúng đồng lòng với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các nhân viên cảnh sát sẽ cố gắng hơn trong việc đóng cửa các cửa hàng bán hàng giả hàng nhái, các công tố viên nỗ lực hơn trong việc theo đuổi các vụ kiện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vì không vấp phải sự phản đối của công chúng, các thẩm phán cũng nghiêm khắc hơn khi đưa ra các hình phạt ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Nhìn chung, để nâng cao tính thực thi của hệ thống sở hữu trí tuệ, các quốc gia phát triển đã có những biện pháp nghiêm khắc và cụ thể, các chính sách rõ ràng và quyết liệt nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm theo hướng tận dụng và tiết kiệm tối đa nguồn lực trong nước và sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất có thể.
1.2.3 Khả năng phát triển của hệ thống quyền sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển
Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại lợi ích to lớn không thể phủ nhận cho tất cả các quốc gia. Các chính sách kinh tế đưa đất nước hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đang trở thành đầu tàu cho sự phát triển của tất cả các nước trên thế giới. Với tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và những lợi ích của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại mang lại, các quốc gia đang phát triển nhận thức rõ sự cần thiết phải thiết lập một hệ thống sở hữu trí tuệ trong thương mại toàn diện và chặt chẽ.
Hiện nay, các nước đang phát triển có khuynh hướng và hiện vẫn đang áp dụng chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ lỏng lẻo và không muốn áp dụng chính sách chặt chẽ hơn. Một chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ tạo điều kiện phát triển cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề dài hạn, kết quả không có ngay mà chi phí bỏ ra lại lớn. Việc theo đuổi ngay chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ sẽ không có lợi nếu xét về chiến lược kinh doanh. Việc bảo hộ chặt chẽ làm cho việc bắt chước rất khó khăn. Bắt chước công nghệ, đối với nhà phát minh, sẽ gây rất nhiều tổn thất nhưng có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho người đi bắt chước, và theo nghĩa rộng hơn, cho cả quốc gia kém/đang phát triển. Thực tế cho thấy, các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc phát triển rất nhanh nhờ nhiều vào việc bắt chước công nghệ nước ngoài. Với hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều kẽ hở, công dân nước này có thể tiêu dùng các sản phẩm như phần mềm máy tính, băng đĩa nhạc với giá rẻ, trong khi nếu áp dụng luật bản quyền, mức giá sẽ đội lên rất nhiều. Những lợi ích ngắn hạn tương tự như vậy đã khiến các nhà làm luật cân nhắc khi xây dựng và phát triển hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh.
Ở các nước đang phát triển, mối quan hệ giữa nghiên cứu và phát triển kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt. Sự khan hiếm nguồn lực R&D trong khu vực thương mại cũng như sự thiếu vắng nguồn đầu tư nước ngoài vào khu vực sáng tạo khoa học công nghệ đặt ra cho những quốc gia này nhiều thách thức lớn trong việc tạo ra một cơ sở hạ tầng vững chắc cho sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, vấn đề
nhân lực cũng đóng một vai trò quan trọng. Ý thức và kiến thức của người dân trong việc bảo vệ quyền sở hữu đối với các sản phẩm tri thức còn yếu. Thông tin về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu trí tuệ trong thương mại nói riêng còn hạn chế, chưa được hiểu đầy đủ đối với doanh nghiệp và xa lạ với phần lớn người tiêu dùng.
Về lâu dài, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích sự sáng tạo ngay tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, hiện tại trong ngắn hạn, Hiệp định TRIPs đang có xu hướng bất lợi cho các nước đang và kém phát triển vì các phát minh sáng chế hiện nay chủ yếu là của các quốc gia phát triển. Hiệp định TRIPs bảo vệ quyền của người tạo ra sáng chế phát minh và quy định ai sử dụng sáng chế phát minh cũng đều phải trả tiền. Trong khi đó, các nước đang phát triển lại hầu như có rất ít phát minh sáng chế, họ muốn sử dụng các thành tựu phát minh của những nước phát triển một cách miễn phí. Do vậy, phải có một sự thỏa hiệp nhất định trong vấn đề này. Hiệp định TRIPs đã có những ưu đãi nhất định đối với các nước đang phát triển, ví dụ như các nước đang phát triển được hưởng thời gian chuyển đổi để thực thi TRIPs là 5 năm, các nước chậm phát triển là 10 năm. Ngoài ra, Hiệp định TRIPs có những quy định về nghĩa vụ mà các nước phát triển cần thực hiện các biện pháp ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp của mình chuyển giao công nghệ cho các nước đang và kém phát triển.
Mặc dù vậy, các nước đang phát triển còn rất nhiều khó khăn trong việc thực thi Hiệp định TRIPs. Các công ty cũng như người dân chưa có thói quen tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy các nước đang phát triển có thời gian thực hiện TRIPs dài hơn, nhưng quá trình thực hiện sẽ rất khó khăn và có thể bị áp dụng những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo đối với những vi phạm. Kinh nghiệm của các nước đã trải qua cho thấy nếu tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ lên 10% thì đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng 50% và các công nghệ cao sẽ tăng trưởng 40% [13]. Đó là cơ hội vô cùng to lớn mà các nước đang phát triển phải nắm lấy khi mà quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành điều kiện bắt buộc cho các quốc gia khi hội nhập sân chơi quốc tế.
Rõ ràng một hệ thống sở hữu trí tuệ có thể mang lại tiềm năng lớn cho đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng trong nền kinh tế quốc dân, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Những quốc gia đang phát triển chẳng những cần có cơ sở hạ tầng thích hợp và những chính sách tiến bộ về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà còn cần có những chính sách quốc gia chủ động phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ cũng như sự tin tưởng và hiểu biết tích cực, rộng rãi của công chúng.
1.3 Kinh nghiệm của Trung Quốc trong thực thi Hiệp định TRIPs và một số bài học cho Việt Nam một số bài học cho Việt Nam
1.3.1 Kinh nghiệm của Trung Quốc trong thực thi Hiệp định TRIPs
1.3.1.1 Sự tham gia của Trung Quốc vào Hiệp định TRIPs và những biện pháp Trung Quốc thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định
Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong một thời gian dài. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái hiện nay, Trung Quốc vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Theo số liệu về phát triển kinh tế xã hội mà Cục thống kê Trung Quốc công bố ngày 27 tháng 2 năm 2009, năm 2008, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã vượt hơn 30.000 tỷ NDT, tăng 9% so với năm 2007. Tốc độ này không chỉ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn cầu, mà còn nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng của các quốc gia và khu vực chính trên thế giới. Ước tính ban đầu, kinh tế Trung Quốc năm 2008 đã vượt quá 20% hiệu suất cống hiến tăng trưởng kinh tế thế giới. Phó cục trưởng Cục thống kê Trung Quốc Tạ Hồng Quang đánh giá: “Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ảm đạm, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc vẫn là khả quan