Bản quyền trong thời đại kỹ thuật số

Một phần của tài liệu Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ( TRIPs ) và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế (Trang 70)

Kể từ khi ra đời đến nay, vấn đề bản quyền đã thích ứng với những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ. Ngày nay, những thay đổi được nói đến nhiều nhất đều liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật số, mạng truyền thông số hóa như mạng Internet và máy tính cá nhân. Những công nghệ ấy, giống như nhiều phát minh khác, bên cạnh nhiều ích lợi cũng tiềm tàng rất nhiều rủi ro cho những ai sử dụng và khai thác quyền tác giả của các cuốn sách, bản nhạc, kịch bản phim hay các trang web. Những quy định liên quan tới việc cân đối quyền lợi giữa các bên trong việc sử dụng các phát minh mới còn gây nhiều thất vọng và có thể được coi là mới. Tuy nhiên, chúng cũng đơn thuần chỉ là một bước đi trong quá trình thích nghi liên tục và thể hiện lịch sử hình thành và phát triển của bản quyền. Bản quyền trong lĩnh vực công nghệ là những ứng dụng lưu trữ và chuyển giao quyền tác giả. Những công nghệ này liên quan tới vấn đề bản quyền dưới nhiều phương diện:

♦ Dễ dàng sao chép: Một tác phẩm khi đã được số hóa có thể sao chép một cách dễ dàng, nhanh chóng, chi phí thấp mà chất lượng vẫn đảm bảo. Mỗi bản copy lại tiếp tục được sao thành nhiều bản khác mà vẫn giữ nguyên chất lượng ban đầu. Như vậy chỉ cần một bản copy thôi cũng có thể đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu người. Chúng ta đã từng được chứng kiến những đĩa nhạc CD từ những năm 80, 90 được sao chép thành hàng tỉ bản và trở nên phổ biến như thế nào trên mạng Internet trong những năm gần đây.

♦ Dễ dàng phổ biến: Mạng số hóa toàn cầu cho phép phổ biến tác phẩm dưới dạng số một cách nhanh chóng trên toàn thế giới. Giống như phát thanh truyền hình, mạng kỹ thuật số cho phép từ một trung tâm có thể truyền phát tới hàng triệu cá nhân, mặc dù có điểm khác biệt ở đây là các tác phẩm số hóa không nhất thiết phải đến tay người nhận cùng một lúc. Tuy nhiên, mạng số hóa còn cho phép mỗi cá nhân có thể trở thành chủ thể truyền phát, khiến cho số luợng phân phối tăng theo theo cấp số nhân, đôi khi gọi là hiệu ứng virus. Điều này cùng với khả năng dễ dàng sao chép cũng có nghĩa là một bản copy số hóa của một tác phẩm có thể được tái bản hàng chục nghìn lần chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Khi được phân phát bằng đường truyền tốc độ cao như mạng lưới cáp đồng trục hoặc thậm chí đường dây cáp quang thì quá trình đó sẽ nhanh hơn rất nhiều, đồng thời khả năng truyền tải các tác phẩm cũng tăng lên.

♦ Dễ dàng lưu trữ: Có thể lưu trữ một dung lượng lớn các thông tin số hóa, và mỗi năm giới hạn dung lượng đó lại được mở rộng ra rất nhiều. Chưa bao giờ một khối lượng lớn thông tin lại có thể được lưu trữ trong một không gian ngày càng nhỏ như ngày nay. Đầu thập kỷ 90, những chiếc đĩa CD với dung lượng trên 600 megabytes đã được những kẻ làm băng đĩa giả sử dụng tràn lan và thu được lợi nhuận lên đến hàng triệu đô-la. Giờ đây, một thiết bị nghe nhạc di động chỉ to bằng hộp thuốc lá cũng có thể chứa được một khối lượng thông tin lớn gấp 70 lần (khoảng 10.000 bài hát).

Theo Hiệp định TRIPs, các chương trình máy tính dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học. Trong cuộc cách mạng kỹ thuật trong phương thức tái bản, sao chép, lưu trữ thông tin số hóa bao gồm các

tác phẩm được cấp bản quyền rõ ràng là một con dao hai lưỡi đối với tác giả và đối với cả người nắm giữ bản quyền. Một mặt, nó giúp cho tác giả có thể quảng bá tác phẩm của mình tới đông đảo khán giả một cách thuận tiện và tiết kiệm hơn nhiều so với trước đây. Ví dụ một ca sĩ có thể tải các bài hát của mình lên các trang web để các fan hâm mộ trên khắp thế giới có thể vào nghe mà không phải tốn tiền đầu tư cho sản xuất, đóng gói, chuyển phát những chiếc đĩa CD tới những nơi xa xôi theo cách thông thường. Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ này cũng tạo cơ hội cho nhiều kẻ gian, nhiều kẻ cạnh tranh bất hợp pháp với tác giả sao chép và tiêu thụ trái phép những tác phẩm này.

Một thách thức đối với sở hữu trí tuệ là vấn đề chiếm đoạt bằng kỹ thuật số do việc các bản sao kỹ thuật số hoàn hảo của sách, ảnh, tác phẩm âm nhạc và phim có thể dễ dàng và nhanh chóng được tạo ra và phân phối trên Internet cho bất cứ người nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Cuộc chiến chống lại việc phân phối bất hợp pháp các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đang được tiến hành với các vũ khí công nghệ. Những kẻ cướp đoạt dùng kỹ thuật số là những người thông thạo trong việc tìm ra cách thức vượt qua rào cản mật mã và các kỹ thuật bảo vệ chống sao chép. Trong khi nhiều tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả có thể được chia sẻ cho bạn bè và người quen hoặc thậm chí rất nhiều thành viên của hội sử dụng Internet bằng cách nháy chuột máy tính, nhiều người chiếm đoạt trên mạng loại mới này thường không biết rằng mình đã thực hiện một hành vi bất hợp pháp.

Ở Việt Nam, tác quyền là một vấn đề gây đau đầu không chỉ cho các tác giả mà còn cho các cơ quan quản lý. Rõ ràng chúng ta có rất nhiều quy định về sở hữu trí tuệ đối với vấn đề bản quyền, nhưng trong một bộ phận lớn người dân, các nhà kinh doanh, các cơ quan đơn vị vẫn chưa xuất hiện ý thức tôn trọng tác quyền. Và kết quả là quy định thì cứ ban hành, pháp luật và các Hiệp định cứ tiếp tục đưa vào thực thi, người ta cứ biết mình làm sai, nhưng vẫn cứ vi phạm. Thế kỷ 21, kỷ nguyên kỹ thuật số, máy tính được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực, các thiết bị kỹ thuật số xuất hiện khắp nơi lại càng khiến cho tình trạng vi phạm tác quyền trở nên khó giải quyết. Không ai có thể xác minh được sự hợp pháp của các tác phẩm

âm nhạc trên những chiếc điện thoại di động, càng không thể xác nhận nếu chúng xuất hiện trên máy nghe nhạc Mp3. Đơn giản vì những website cho phép download nhạc hiện nay hầu hết đều không quan tâm gì đến chuyện tác quyền.

Tương tự trên điện thoại di động, ngoài một số nhà cung cấp dịch vụ có thỏa thuận tác quyền với tác giả, chủ sở hữu hợp pháp, những nhà cung cấp dịch vụ còn lại chọn hướng đi bằng cách hợp đồng mập mờ, chung chung. Chẳng hạn họ sẽ ký hợp đồng với tác giả "phổ biến" tác phẩm dưới dạng số hóa, nhưng lại yêu cầu người sử dụng "đóng tiền" để download các tác phẩm ấy. Và nếu như trong hợp đồng với tác giả không ghi rõ việc không được phép cho download hay không được phép kinh doanh thì dù biết mình bị lừa, tác giả vẫn phải chịu cho đến khi hợp đồng hết hiệu lực. Song thường thì trong những trường hợp như thế này, các nhà cung cấp dịch vụ khôn ngoan luôn ký một hợp đồng có hiệu lực rất lâu - tác giả xem như bị mất bản quyền một cách hợp pháp.

Việc sử dụng thiết bị nghe nhạc iPod, download ca khúc từ iTunes là một dạng đảm bảo vấn đề tác quyền được thực thi nghiêm túc. Tuy nhiên, khi hầu hết các máy iPod cũng đều nghe được Mp3 thì khó ai có thể truy được nguồn gốc của các ca khúc ấy từ đâu. Chỉ cần kết nối với máy tính, các thiết bị nghe nhạc trở thành một trung tâm nhân bản các tác phẩm âm nhạc. Và khi chúng được kết nối với các máy tính khác, máy tính lại tiếp tục trở thành công cụ nhân bản. Và cứ thế các tác phẩm có bản quyền không còn giữ được bản quyền.

Một ý kiến gây nhiều tranh luận về vấn đề này cũng đã từng được mang ra thảo luận, rằng khi người sử dụng đã mua đĩa, họ hoàn toàn có quyền sao chép nội dung đĩa ấy sang một thiết bị khác để lưu trữ phòng trường hợp có sự cố. Tuy nhiên, đó là lối ngụy biện bởi người tiêu dùng thực ra chỉ mua đĩa và mua quyền nghe nội dung ghi trên đĩa chứ không mua quyền sao chép, lưu trữ. Không ai thừa nhận rằng mình chỉ mua chiếc đĩa chứ không mua đứt quyền sử dụng trọn vẹn những gì ghi trên đó.

Công ước Bern, Hiệp định TRIPs và những quy định về bảo vệ bản quyền sản phẩm trí tuệ mà Việt Nam tham dự đã góp phần làm thay đổi thị trường mua bán bản quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, riêng trong ngành xuất bản, sự phát triển

không ngừng của mạng Internet đã đặt ra những thử thách mới về vấn đề bản quyền.

Một trong những sự kiện xuất bản ấn tượng nhất năm 2005 là việc ra mắt tập 6 tác phẩm Harry Potter. Tập 6 vừa xuất hiện đã có một nhóm những bạn đọc hâm mộ tự ý dịch ra tiếng Việt và tung ra rộng rãi trên mạng. Hành động này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị đã phải vất vả và tốn kém trong việc mua bản quyền ấn phẩm này cùng hàng loạt hoạt động để phát hành sách. Tuy nhiên, vào lúc đó việc vi phạm bản quyền sách trên phương tiện mạng Internet còn quá mới mẻ nên Nhà xuất bản Trẻ đành phải chấp nhận bỏ qua mà không có một hành động pháp lý nào dù sau đó, từ mạng Internet, phiên bản dịch trái phép này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của Nhà xuất bản. Tương tự, năm 2007, ấn phẩm Harry Porter 7 được xuất bản. Khi bản dịch của Nhà xuất bản Trẻ còn chưa hoàn thành, hơn 10 chương dịch tiếng Việt của cuốn này đã xuất hiện và được phát tán trên www.hp7vn.com. Sau khi nhận được lời cảnh báo từ Nhà xuất bản Trẻ về việc vi phạm bản quyền, những người thuộc trang web này đã đưa ra lý lẽ rằng họ làm việc này phi lợi nhuận, để nâng cao khả năng tiếng Anh, chỉ mang ý nghĩa chia sẻ, vì tình yêu mến Harry Potter, việc họ làm chỉ là một cách chia sẻ thông tin, giúp cho những bạn yêu ngoại ngữ, thích dịch có cơ hội thực hành. Phần đông cư dân mạng cho rằng việc mà Nhà xuất bản Trẻ đang cố gắng khuyến cáo và thực hiện việc bản quyền của mình chỉ là vì Nhà xuất bản Trẻ sợ sách bị ế và mất lợi nhuận.

Theo Công ước Berne, việc dịch mang tính chất cá nhân không sai luật, nhưng nếu phát tán trên mạng sẽ bị coi là xâm phạm bản quyền. Ngay cả Nhà xuất bản Trẻ muốn đưa lên mạng cũng phải xin phép chủ sở hữu và chỉ được công bố không quá 10.000 từ trong bản dịch. Cư dân mạng đã không lường trước được những hậu quả của việc họ làm. Nó không chỉ xâm phạm bản quyền tiếng Việt của Nhà xuất bản Trẻ mà còn vi phạm bản quyền khi chưa được phép của chủ sở hữu là tác giả J.K.Rowling. Hành động dịch rồi đưa lên mạng không chỉ ảnh hưởng tới Nhà xuất bản Trẻ mà còn làm ảnh hưởng tới ngành xuất bản Việt Nam, nếu có nhiều cuốn sách hay nữa thì quyền thương thảo của các đơn vị chủ quyền Việt

Nam với các đơn vị chủ quyền nước ngoài sẽ rất khó khăn. Nó mang lại ảnh hưởng xấu tới ngành xuất bản trong công cuộc hội nhập. Tham gia Hiệp định TRIPs, Việt Nam sẽ có thêm một công cụ đắc lực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giúp ngăn chặn việc vi phạm bản quyền của các sáng tác thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và những lĩnh vực khác. Theo đó, bất cứ chương trình máy tính nào, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, các bộ sưu tập dữ liệu hay tư liệu dưới dạng đọc bằng máy hay dưới dạng khác và là thành quả của hoạt động trí tuệ, đều phải được bảo hộ theo bản quyền của tác giả. Thực thi tốt Hiệp định TRIPs, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi, là điểm đến sáng giá cho các nhà đầu tư lớn.

Cho đến nay, mạng Internet tại Việt Nam đã trở thành nơi chứa đựng nhiều vấn đề liên quan đến vi phạm bản quyền nhất. Có thể nói, hiện nay bất kỳ tác phẩm ăn khách nào có mặt trên kệ sách cũng đồng thời có mặt trên các trang web cung cấp sách điện tử mà hoàn toàn không phải lo sợ vấn đề gì về bản quyền. Lấy ví dụ tiêu biểu như những ấn phẩm của nhà văn Nhật Haruki Murakami như “Rừng Nauy” hoặc của Yoshimoto Banana, như “Kitchen”, “Vĩnh biệt Tugumi” vừa được Công ty Nhã Nam mua bản quyền và ấn hành đã lập tức có mặt dưới dạng sách điện tử trên trang web e-books.com. Không chỉ có các tác phẩm văn học nước ngoài chịu cảnh “bản quyền như chuyện đùa”. Các tác phẩm văn học trong nước cũng bị vi phạm. Tác phẩm “Chạy án” của nhà văn Nguyễn Như Phong vừa xôn xao trên sàn giao dịch bản quyền đã có mặt trên trang web thuvien-ebooks với những lời giới thiệu đầy hấp dẫn.

Có thể nói, hầu như tất cả các tác phẩm của các nhà văn trong nước nổi tiếng đều có mặt trên mạng và rất ít tác phẩm được đảm bảo về mặt bản quyền. Cho đến nay, đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản cũng như với các cơ quan có thẩm quyền, bản quyền phần mềm, sách hay các vấn đề thuộc lĩnh vực nghệ thuật trên mạng vẫn còn là điều quá mới mẻ, nhưng với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, việc ứng phó đối với các hình thức vi phạm kiểu đó sẽ phải trở thành một việc bình thường nhằm đảm bảo một thị trường kỹ thuật số công bằng và lành mạnh.

Một phần của tài liệu Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ( TRIPs ) và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)