Thuận lợi và thách thức của Việt Nam trong thực thi Hiệp định TRIPs

Một phần của tài liệu Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ( TRIPs ) và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế (Trang 86)

TRIPs

Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong việc hoàn thiện hệ thống sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả thực thi, đặc biệt là Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ TRIPs. Tuy nhiên, nước ta cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về sở hữu trí tuệ. Một chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ tại Việt Nam sẽ tạo môi trường pháp lý tin cậy để thu hút hoạt động đầu tư, đưa các sản phẩm trí tuệ vào thị trường Việt Nam.

Gia nhập WTO, Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bao gồm cả hoạt động trợ giúp kỹ thuật trong khuôn khổ WTO và Hiệp định TRIPS sẽ được mở rộng, giúp Việt Nam có thêm những nguồn lực quan trọng cả về tài chính và kiến thức chuyên môn nhằm hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề nội tại của hệ thống sở hữu trí tuệ cũng như các vấn đề liên quan đến hội nhập. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế sẽ làm cho hệ thống pháp luật và thực thi về sở hữu trí tuệ của Việt Nam tiệm cận với các xu hướng và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho việc giải quyết các yêu cầu của người nộp đơn do quy trình nghiệp vụ được chuẩn mực hoá, các khác biệt giữa tập quán trong nước và quốc tế dần dần được thu hẹp hoặc xoá bỏ, sự minh bạch trong các quyết định của các cơ quan quản lý Nhà nước được bảo đảm.

Hệ thống sở hữu trí tuệ nước ta sẽ toàn diện hơn và được quan tâm hơn. Thực tế trong những năm qua, cùng với phát huy nội lực, đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta và xu thế này ngày càng nổi trội. Cam kết thực thi Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ TRIPs sau khi nước ta gia nhập WTO là tiền đề rất quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh đáng tin cậy cho các nhà đầu tư. Việt Nam không những phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế trong nước mà còn thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, qua đó tiếp nhận vốn, công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và chuyển dịch cơ

cấu lao động, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm tốc độ tăng trưởng và rút ngắn khoảng cách phát triển.

Cơ hội lớn nhất mà chúng ta có là được chơi theo luật chung của WTO. Các tài sản trí tuệ của Việt Nam sẽ ngày một nhiều và không chỉ được bảo vệ tại Việt Nam mà còn tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Gia nhập WTO giúp chúng ta có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp. Mặc dầu chủ trương của chúng ta là chủ động đổi mới, cải cách thể chế kinh tế ở trong nước để phát huy nội lực và hội nhập với bên ngoài nhưng chính việc gia nhập WTO, hội nhập vào nền kinh tế thế giới cũng thúc đẩy tiến trình cải cách trong nước, bảo đảm cho tiến trình cải cách đồng bộ hơn, có hiệu quả hơn. Trong một môi trường cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp bắt buộc phải nâng cao năng lực, học hỏi và tiếp thu kiến thức về hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế, chủ động bảo vệ cho quyền lợi của mình. Tầm quan trọng của thực thi Hiệp định TRIPs trong thương mại toàn cầu được nhận thức rõ hơn rất nhiều so với trước đây. Hơn bao giờ hết, sở hữu trí tuệ và thực thi Hiệp định TRIPs cần phải trở thành chiến lược phát triển quan trọng hàng đầu đối với các doanh nghiệp và đối với cộng đồng.

Cùng với việc nhận thức rõ những cơ hội, cần thấy hết những thách thức mà chúng ta phải đối đầu, nhất là trong điều kiện nước ta là một nước đang phát triển ở trình độ thấp, quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém và bất cập, đội ngũ doanh nhân còn nhỏ bé và ý thức của cộng đồng người dân về vấn đề này chưa cao. Những thách thức này bắt nguồn từ sự chênh lệch giữa năng lực nội sinh của đất nước với yêu cầu hội nhập, từ những tác động tiêu cực tiềm tàng của chính quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ nhất, Việt Nam buộc phải tuân thủ ngay các quy định trong Hiệp định TRIPs mà không có thời gian chuyển đổi. Trong Báo cáo của Ban tổ chức WTO về việc Việt Nam gia nhập WTO, có 33 trang thuộc về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chúng ta đã cam kết sẽ tuân thủ ngay lập tức Hiệp định về sở hữu trí tuệ liên quan

đến thương mại mà không có giai đoạn chuyển đổi. Hiệp định TRIPs ấn định thời hạn để các thành viên là các nền kinh tế chuyển đổi hoặc đang phát triển phải thực hiện mọi nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ là 1/1/2000. Do đó hầu như các nước đang phát triển mới gia nhập như chúng ta đều không được hưởng thời gian chuyển tiếp. Thực tế, kể từ khi nộp đơn xin gia nhập WTO (1/1995), song song với việc đàm phán, chúng ta đã đồng thời triển khai một Chương trình hành động về sở hữu trí tuệ với mục tiêu là làm cho hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt phù hợp với yêu cầu của WTO. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải ý thức được rằng không thực hiện đúng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì không chỉ là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ mà còn vi phạm quy định của WTO và hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế. Nếu chính phủ không xử lý thoả đáng sự vi phạm đó thì Việt Nam sẽ đối mặt với cáo buộc vi phạm TRIPs – WTO và có thể bị kiện trước WTO. Các quy định về sở hữu trí tuệ không phải chỉ để có mà thực sự đã trở thành một thứ kỷ luật quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn về việc tăng giá và thất nghiệp do hệ quả của việc thực thi chặt chẽ Hiệp định TRIPs mang lại. Theo cam kết TRIPs, bất cứ ở đâu, người sử dụng phát minh, sáng chế đều phải trả tiền. Trên thực tế, hầu hết phát minh sáng chế trên thế giới đều thuộc quyền sở hữu của những nước phát triển. Trong tầm ngắn và trung hạn, ở các nước đang phát triển, việc tiếp cận công nghệ gặp nhiều khó khăn có thể dẫn đến giá sản phẩm gia tăng và việc làm trong một số khu vực giảm. Đây cũng là thách thức không nhỏ khi vào WTO. Hiệp định TRIPS bảo vệ chủ yếu cho những chủ sở hữu các giải pháp, họ bán ra với bất cứ giá nào để có lợi nhuận tối đa, gây khó khăn cho các nước nghèo trong việc tiếp cận với các sản phẩm công nghệ cao, nhất là dược phẩm, phần mềm… Các sản phẩm công nghệ cao là những sản phẩm trí tuệ, không giống như các sản phẩm thông thường khác, rất khó xác định giá trị của chúng nên được các hãng độc quyền bán với giá rất cao. Đối với các nước giàu có, thu nhập bình quân đầu người khoảng 30 nghìn USD mua một PC khoảng 500 USD, hệ điều hành Windows một vài trăm USD không đáng là bao, nhưng đối với các nước thu nhập thấp như nước ta thì người tiêu dùng rất khó có thể mua được.

Thứ ba là một số thách thức đối với nước ta xét trên khía cạnh luật pháp. Việt Nam chưa có cơ quan thực thi chuyên trách quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp chế tài dân sự, hành chính, hình sự còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và còn mâu thuẫn, chồng chéo. Các quy định phạt hành chính còn chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Hơn nữa, quy định về thẩm quyền và trách nhiệm cũng như cơ chế hoạt động của hệ thống các cơ quan thực thi hành chính chưa hợp lý. Ngay cả với cơ chế hành chính, việc phân công cho nhiều cơ quan, nhiều tầng nấc xử phạt khiến cho hiệu lực thực thi bị phân tán và trở nên phức tạp. Tại nước ta có tới 5 cơ quan (chưa kể mỗi cơ quan lại có nhiều cấp) có chức năng và thẩm quyền xử lý hành chính về sở hữu trí tuệ. Tình trạng quá nhiều đầu mối khiến cho các chủ thể cần sử dụng cơ chế này cũng lúng túng, không biết kêu ai. Còn chính các cơ quan nói trên cũng dễ nảy sinh tâm lý đùn đẩy hoặc giẫm chân nhau. Mỗi ngành lại có yêu cầu riêng về thủ tục, khiến cho doanh nghiệp khi bị vi phạm rất khó khăn trong việc "gõ cửa" các cơ quan chức năng.

Thứ tư, nhận thức của chính cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề thực thi sở hữu trí tuệ và Hiệp định TRIPs mặc dù đã được cải thiện nhưng còn thấp. Chắc chắn trong thời gian tới, các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài sẽ gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải trang bị những kiến thức về hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế, trong đó quan trọng bậc nhất là những quy định trong Hiệp định TRIPs. Cần phải bảo đảm cho hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành một cách có hiệu quả chứ không chỉ là những quy định trên giấy. Việt Nam phải bảo đảm xử lý thỏa đáng các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thực sự các quyền sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu. Theo thống kê của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, số lượng doanh nghiệp VN nộp đơn xác lập các quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỷ lệ rất thấp so với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, trên thế giới (ngay trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài), người ta coi sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng cấu thành giá trị hàng hoá, dịch vụ. Trong tổng số đơn yêu cầu bảo vệ sáng chế nộp tại Việt Nam gần 30 năm qua, lượng đơn của người nước ngoài chiếm hơn 90%. Riêng năm 2008, họ đã nộp đến 2.994 đơn,

chiếm 93,59% lượng yêu cầu [8]. Cùng với việc dự báo về một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, số lượng đơn đăng ký quốc tế các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ của các tập đoàn, công ty muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam sẽ gia tăng nhanh trong những năm tới. Do đó, vấn đề chính là phải cải thiện nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề sở hữu trí tuệ và đặc biệt là nâng cao năng lực thực thi Hiệp định TRIPs, nhất là trong vấn đề đăng ký xác lập và bảo vệ quyền.

Thứ năm, gia nhập WTO, cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện sâu rộng hơn. Chiến lược phát triển cần phải phát huy được lợi thế so sánh, tạo dựng được môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Các chính sách liên quan tới lĩnh vực này không được chồng chéo và phải rõ ràng, toàn diện, đầy đủ. Nước ta mở cửa thị trường trong điều kiện nền kinh tế chưa đủ sức cạnh tranh, trong khi các doanh nghiệp không ngang sức với công ty nước ngoài, việc thực hiện hiệu quả vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các tác giả và doanh nghiệp sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và đáng tin cậy.

Ngoài ra, công tác phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta chưa tương thích như so với nước ngoài. Thường thì người cần được bảo vệ rơi vào trường hợp đã quá muộn để đảm bảo quyền sở hữu của mình, do cơ quan công quyền xử lý vấn đề còn kém. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về vấn đề bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ mới chỉ chú trọng về diện rộng - với bao nhiêu tỉnh thành, số lượng bao nhiêu người được tuyên truyền - mà chưa có những đánh giá về hiệu quả thay đổi nhận thức của người dân. Vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì nhiều, trong khi đó, hiểu biết, kinh nghiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta còn thấp. Do đó, cần phải có những thay đổi về lượng và chất của các cơ quan, cán bộ thực thi quyền trong những năm tới nhằm đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng đó.

Đối với một số ngành kinh tế cụ thể, hệ thống sở hữu trí tuệ cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Ngành công nghiệp dược phẩm là lĩnh vực ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội. Liên quan tới việc tiếp cận dược phẩm là bằng

phát minh sáng chế (patents), nhãn mác hàng hoá và những bí mật kinh doanh, trong đó quy định về Patents có vai trò quan trọng nhất. Thực hiện Hiệp định TRIPs có thuận lợi cho hoạt động đầu tư, nhưng cũng gây nhiều sức ép. Những quy định liên quan đến phát minh, sáng chế dẫn đến làm gia tăng giá thuốc, gánh nặng của người nghèo lại càng thêm nặng vì khả năng tiếp cận thuốc của họ vốn đã thấp lại càng khó khăn hơn khi ngân sách y tế nước nhà hạn hẹp. Trong ngành nông nghiệp, thách thức lớn nhất khi vào WTO là khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản và doanh nghiệp chế biến nông sản phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập có chất lượng cao. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ, buộc nông dân phải mua giống, vật tư, tư liệu sản xuất với giá cao có thể làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Trong khi những nước giàu gây sức ép với nước nghèo mở cửa thị trường thì họ vẫn tiếp tục duy trì trợ cấp và những rào cản đối với thị trường nông sản nước mình (hàng năm nước Mỹ trợ cấp đến 10 tỷ USD cho việc trồng ngô hay 3,6 tỷ USD cho các trang trại sản xuất gạo, còn EU giành trên 840 triệu EUR cho củ cải đường....) [26], điều này khiến nông nghiệp nước ta khó sử dụng được biện pháp tự vệ đặc biệt đối với nông sản nhập khẩu.

Khoa học công nghệ và các phương thức kinh doanh của thế giới thay đổi nhanh chóng hàng ngày, hàng giờ. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành quả khoa học, công nghệ giữa các quốc gia, khu vực cũng gia tăng nhanh chóng và hứa hẹn sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế. Các phương thức kinh doanh mới như nhượng quyền thương mại (franchising), bán hàng trực tuyến (sales online)... gắn chặt với quyền sở hữu trí tuệ đã xuất hiện và có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng tất yếu kéo theo những mặt trái như sự gia tăng của tình trạng xâm phạm bản quyền, vấn nạn hàng giả, ăn cắp bí mật, thông tin...

Nguyên nhân của tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là do: (i) Các quy phạm pháp luật chưa có hiệu lực cao. Hệ thống các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nước ta nằm rải rác, tản mạn trong rất nhiều văn bản, phần lớn là văn bản dưới luật, hiệu lực thi hành thấp, gây khó khăn, phức tạp cho người vận dụng, gây ấn tượng không ổn định, dễ thay đổi. Một số quy phạm pháp luật còn

thiếu cụ thể, chưa thống nhất, đồng bộ, chưa có tính khả thi. (ii) Hoạt động của các cơ quan bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ thiếu thống nhất và hiệu quả. Trong số các cơ quan cùng bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay không có cơ quan nào làm đầu mối phối hợp như ở các lĩnh vực khác. Cục Sở

Một phần của tài liệu Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ( TRIPs ) và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế (Trang 86)