Để thống nhất quản lý và tạo khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kế toán, nâng cao chất lượng thông tin kế toán cung cấp trong nền kinh tế quốc dân, kiểm tra, kiểm soát chất lượng công tác kế toán, từ năm 2001 đến nay Bộ trưởng Bộ tài chính đã ban hành và công bố 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam và các Thông tư hướng dẫn kế toán thực hiện các chuẩn mực đó. Chuẩn mực kế toán có ảnh hưởng trực tiếp đến nghiệp vụ kế toán bán hàng. Ví dụ như nó quy định những nội dung về doanh thu, chi phí, các khoản giảm trừ, phương pháp tính giá gốc hàng xuất kho, phương pháp hạch toán nghiệp vụ bán hàng…mà bắt buộc kế toán bán hàng trong doanh nghiệp thương mại phải tuân thủ theo.
Chế độ kế toán doanh nghiệp cũng là nhân tố ảnh hưởng đến kế toán bán hàng. Chế độ kế toán doanh nghiệp được ban hành đồng bộ cả chế độ chứng từ, sổ kế toán, tài khoản kế toán và báo cáo tài chính tạo điều kiện thuận lợi giúp cho kế toán nói chung và kế toán bán hàng nói riêng xử lý, phản ánh đúng bản chất của các hoạt động kinh tế phát sinh, làm cho thông tin kế toán cung cấp được chính xác, kịp thời và cho phép đánh giá thực trạng tài chính của doanh nghiệp ở mọi thời điểm.
Tuy nhiên, sự khác nhau trong ngành và lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động, sáng tạo hạch toán kế toán các nghiệp vụ theo đúng hành lang pháp lý chung của Nhà nước và đảm bảo có lợi cho doanh nghiệp.
Mặt khác, sự thống nhất giữa chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến kế toán bán hàng. Nếu giữa chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán không có sự thống nhất sẽ làm cho những người làm kế toán lúng túng trong quá trình xử lý, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Từ đó, dẫn tới sự nhầm lẫn, sai sót và kết quả là thông tin đưa ra sẽ không còn chính xác, không phản ánh đúng tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.