Thị trường sức lao động là điều kiện quyết định để giải quyết việc làm. Cùng với quá trình đổi mới của đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, thị trường sức lao động Việt nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã bước đầu được hình thành và phát triển theo hướng thị trường có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước.
Thị trường lao động được cấu thành bởi 3 yếu tố: cung, cầu và giá cả sức lao động. Giữa 3 yếu tố này có mối liên quan, ảnh hưởng lẫn nhau. Nói tới dự báo thị trường lao động cũng tức là nói đến sự vận động của các yếu tố cung, cầu và giá cả sức lao động.
- Dự báo cung lao động: Một số chỉ tiêu để dự báo cung lao động như thể lực, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người lao động ở Hà Nội; dự báo di dân đã được trình bày ở các phần trên, do vậy phần này tác giả chỉ bổ sung một số chỉ số để phản ánh toàn diện hơn về quy mô cung lao động ở Hà Nội.
Mặc dù mức sinh của Hà Nội thấp hơn so với các khu vực khác trong cả nước nhưng số trẻ em sinh ra hàng năm thời kỳ 1985-1995 còn rất lớn và
đây chính là những người sẽ bước vào tuổi lao động trong giai đoạn 2000- 2015, tạo nên nguồn lao động bổ sung của Thủ đô. Dự báo trong giai đoạn 2006-2010, hàng năm Hà Nội sẽ có thêm khoảng 32.000 người bổ sung vào nguồn lao động, còn trong giai đoạn 2010-2015 sẽ có khoảng 23.000 lao động bổ sung hàng năm. Nếu tính cả số lao động từ tỉnh khác di cư vào Hà nội mỗi năm trong giai đoạn này, lượng cung của lao động Hà nội sẽ được bổ sung thêm khoảng 60 - 82 nghìn người. Đây sẽ là nguồn cung lao động bổ sung dồi dào cho giai đoạn phát triển 2000-2015 và cũng sẽ gây một sức ép lớn cho công tác sử dụng nguồn nhân lực - giải quyết việc làm ở Thủ đô.
Sự phân bố lao động giữa hai khu vực thành thị và nông thôn năm 2015 được ước tính sẽ ở mức độ thành thị chiếm khoảng 84% lao động xã hội và nông thôn chiếm khoảng 16% lao động xã hội.
- Dự báo cầu lao động: để dự báo cầu về lao động tại Hà Nội, trước hết phải dựa vào phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2015. Cơ cấu phát triển kinh tế Thủ đô trong giai đoạn tới là công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ - nông nghiệp với một số mục tiêu chủ yếu là:
- GDP hàng năm bình quân tăng trưởng với tốc độ 12-13,5%/năm trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt khoảng 30%/năm;
- Tỷ trọng các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 57% vào năm 2015 với nhịp độ tăng trưởng bình quân 12-14 %/năm .
- Tỷ trọng các ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 40,5% năm 2015 với nhịp độ tăng trưởng bình quân 17-18 %/năm;
- Tỷ trọng nông nghiệp đến năm 2015 sẽ chỉ còn khoảng 2,5 % với tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt 3,7 - 4%/năm.
Đặc biệt, Hà Nội xác định phải phát triển theo chiến lược tăng tốc với các khâu đột phá và trọng điểm đầu tư tạo tiền đề cho những bước đi vững chắc và đồng đều của toàn bộ nền kinh tế trong các năm tiếp theo. Các khâu đột phá và trọng điểm đầu tư của Hà Nội trong những năm tới là:
- Du lịch.
- Trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
- Rau quả, hoa, cây cảnh và công nghiệp chế biến (khâu đột phá cho ngoại thành).
Các khâu đột phá này phải có vị trí và vai trò ngày càng tăng trong cơ cấu kinh tế Thủ đô để làm ―đầu tầu‖, tạo khả năng phát sinh nguồn động lực lôi kéo các ngành, khu vực khác phát triển với tốc độ nhanh. Điều này tác động tới xu hướng cầu về lao động ỏ Hà Nội như sau:
Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Nhà nước không trực tiếp lo chỗ làm việc và sử dụng lao động trong khu vực kinh tế nhà nước theo kiểu ―biên chế‖ như trước đây, mà là toàn xã hội, mỗi tổ chức, mỗi người đều tham gia tạo việc làm cho mình, cho cộng đồng. Tạo ra cầu lao động, giải quyết việc làm, sử dụng lao động không còn là nhiệm vụ chỉ của riêng nhà nước mà là của toàn xã hội. Khu vực bộ máy quản lý hành chính của nhà nước có thể thu hút thêm một lượng lao động, nhưng rất nhỏ. Giải quyết việc làm, sử dụng lao động sẽ chủ yếu là việc của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các gia đình, thậm chí mỗi cá nhân thuộc tất cả các lực lượng, các thành phần kinh tế.
Nhà nước sẽ kích cầu trong thị trường lao động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới trên phương diện các cân đối vĩ mô như tăng tích luỹ, khuyến khích đầu tư, liên kết, hợp tác quốc tế trong và ngoài nước. Thêm vào đó, nhà nước tạo điều kiện môi trường pháp lý, môi trường xã hội, môi trường kinh tế, môi trường thông tin, cơ sở hạ tầng thuận lợi, đồng thời động viên cho mọi tổ chức, mọi người tự tạo việc làm và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kinh tế Hà Nội đến năm 2015 phát triển theo những định hướng nêu trên sẽ tạo ra cầu lao động theo cơ cấu ngành nghề như sau:
- Công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 37% lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân;
- Dịch vụ, du lịch, thương mại chiếm khoảng 48% lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân;
- Nông nghiệp chiếm khoảng 15% lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.
- Dự báo giá cả hàng hóa sức lao động: dự báo trong thời gian tới giá cả hàng hóa sức lao động sẽ thay đổi theo hướng:
Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, được tự chủ trong việc trả lương và tiền thưởng trên cơ sở hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và năng suất lao động của mỗi người. Nhà nước và xã hội tôn trọng thu nhập hợp pháp của người kinh doanh. Xác định hợp lý thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay, và trong tương lai, nhiều doanh nghiệp đã và sẽ thực hiện việc trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Việc tăng lương tối thiểu hiện nay chỉ góp phần tác động tới việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong thời gian tới, mức tiền lương sẽ vận động theo nguyên tắc hai bên tự thoả thuận (người sử dụng lao động và người lao động), nếu lương tối thiểu được nâng lên thì các khoản thu khác hai bên tự điều chỉnh.
Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tiến hành cải cách cơ bản tiền lương đối với cán bộ, công chức nhà nước. Tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương, điều chỉnh tiền lương bảo đảm mức sống tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập trong xã hội. Hệ thống thang, bậc lương bảo đảm tương quan hợp lý, khuyến khích người giỏi, lao động có năng suất cao. Thay đổi cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp, tạo điều kiện đổi mới chế độ tiền lương của khu vực này. Thông qua cải cách chế độ tiền lương, thúc đẩy việc tinh giản biên chế bộ máy công quyền.
* * *
Năm 2007, ngành lao động thành phố Hà Nội tạo được gần 80 nghìn chỗ làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5,8%. Trong số đó, lao động được ―hút‖ vào ngành dịch vụ là nhiều nhất. Mạng lưới dạy nghề trên địa bàn phát triển lên gần 250 cơ sở, đào tạo nghề cho gần 70.000 lượt người. Bước sang năm 2008, việc nâng cao chất lượng lao động, tạo ra nhiều lao động có tay nghề cao vẫn được đặt ra như nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cùng với đó là việc kết hợp nhiều giải pháp tạo việc làm mới để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn khoảng 5,7%.
Theo đánh giá của Sở lao động, thương binh và xã hội Hà Nội, lực lượng lao động Hà Nội có quy mô lớn và cơ cấu trẻ, số lao động dưới 35 tuổi chiếm 44,4%, trình độ chuyên môn của lao động Hà Nội cao nhất cả nước, với 55,11% lực lượng lao động đã tốt nghiệp THPT, 46,5% lao động qua đào tạo, bình quân tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng 2,9%/năm, khu vực thành thị tập trung tới 68,2% lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện Hà Nội luôn có khoảng 110 nghìn lao động trong độ tuổi cần việc làm.
Trong năm vừa qua, các chương trình phát triển kinh tế thu hút từ 55- 58% tổng số lao động, các chương trình mục tiêu xoá đói, giảm nghèo và việc làm, xuất khẩu lao động... giải quyết khoảng 42% số lao động. Xuất khẩu lao động được xác định là một đầu ra quan trọng trong chương trình giải quyết việc làm. Trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 70 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động của cả trung ương và địa phương. Nhưng lao động Hà Nội tham gia không đáng kể vào thị trường này.
Hiện lượng lao động của Hà Nội lớn, nhưng lại thiếu lao động trong các ngành mũi nhọn như công nghệ phần mềm, tự động hoá..., tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề vẫn chỉ ở mức 17,6%. Số lượng lao động ngoại tỉnh không có trình độ về Hà Nội tìm việc ngày càng tăng. Nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ tay nghề cao cũng là nhiệm vụ trọng tâm của thời gian tới. Trong năm 2008, quy mô mạng lưới dạy nghề trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển và đến năm 2010, quy mô đào tạo nghề sẽ tăng lên gấp 1,5 đến 2 lần so
với hiện nay, nghĩa là mỗi năm đào tạo từ 50 đến 70 nghìn người theo các loại hình khác nhau.
Để phát triển lao động có tay nghề, hiện Thành phố đã và đang đẩy mạnh triển khai các dự án như trường đào tạo công nhân kỹ thuật cao tại Từ Liêm, trường công nhân kỹ thuật Việt - Hàn tại Đông Anh. Dành quỹ đất trong các khu đô thị mới, khu công nghiệp để giãn các trường dạy nghề quá nhỏ ở nội thành. Có các chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho các vùng nông thôn, các khu vực đô thị hoá nhanh…
Trong tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh hệ thống các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề theo hướng đồng bộ, chú trọng các ngành công nghệ hiện đang thiếu trên thị trường lao động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng vườn ươm công nghệ, khu công nghệ cao Hà Nội, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động... Do vậy, chất lượng và cơ cấu của thị trường lao động Hà Nội đang và sẽ có những dấu hiệu chuyển biến tích cực.
CHƢƠNG 3: QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM Ở HÀ NỘI.