Qua 7 năm 2001 - 2007, cả nước đã tạo việc làm cho 10,85 triệu lao động (năm 2006 là 1,65 triệu và năm 2007 là 1,7 triệu lao động), trong đó, tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội là hơn 8 triệu lao động, tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm là 2,37 triệu lao động, xuất khẩu lao động theo hợp đồng 456 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm dần: năm 2001 là 6,28% đến năm 2006 còn 5,1%.
Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nhập sẽ làm tăng các cơ hội việc làm, sẽ xuất hiện những nghề mới, ở các lĩnh vực, khu vực mới. Việc hội nhập và chuyển sang kinh tế thị trường sẽ kích thích sự di chuyển của lao động giữa các vùng và giữa các doanh nghiệp. Cơ cấu kinh tế thay đổi cũng đòi hỏi cơ cấu lao động phải có sự điều chỉnh. Tuổi thọ của việc làm có thể sẽ ngắn đi. Khái niệm làm việc suốt đời đối với một công việc, trong cùng một doanh nghiệp sẽ ít dần đi. Đồng thời, sẽ xảy ra tình trạng mất việc làm ở một số lĩnh vực khác, khu vực khác. Khu vực nông thôn cũng chịu tác động nhiều chiều, có thể tiếp cận được các thị trường nông sản mới, có thể các doanh nghiệp phi nông nghiệp ở nông thôn phát triển làm tăng cơ hội việc làm; nhưng quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ sẽ làm một bộ phận nông dân mất đất sản xuất, dẫn đến mất việc làm.
Cùng với sự gia nhập WTO, thị trường lao động ngoài nước cũng được mở rộng, lao động Việt Nam có cơ hội tham gia tích cực vào quá trình phân
công lao động quốc tế, có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tiếp cận những tri thức và công nghệ mới. Những năm gần đây, tuy số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tăng nhanh, xuất khẩu lao động không chỉ giải quyết việc làm, góp phần làm giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp, hơn thế, nó mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ không nhỏ đối với nhiều quốc gia. Song phần lớn lao động xuất khẩu của Việt Nam vẫn là lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu kiến thức xã hội và luật pháp ở nước sở tại, tác phong làm việc kém, yếu về ngoại ngữ và khả năng giao tiếp.
Trên thị trường lao động nội địa, cơ chế thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế thỏa thuận 2 bên, 3 bên ở cấp ngành, đại diện người sử dụng lao động ở doanh nghiệp chưa có, còn vai trò đại diện người lao động (công đoàn) ở doanh nghiệp thì rất yếu. Giải quyết tranh chấp lao động, đình công trong thực tế còn mang tính hành chính, từ trên xuống và từ bên ngoài vào doanh nghiệp, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Mặc dù hệ thống thông tin và giao dịch trên thị trường lao động đã hình thành, song hoạt động còn mang tính tự phát, phạm vi hoạt động chưa bao quát hết thị trường lao động theo lãnh thổ, cơ cấu lao động,... nên số người được tư vấn, giới thiệu việc làm và có việc làm ổn định vẫn chưa nhiều so với số người có nhu cầu tìm việc (chỉ đáp ứng được khoảng 15- 20% nhu cầu). Việt Nam hiện còn thiếu các cơ quan nhà nước chuyên giới thiệu việc làm mang tính hệ thống và liên kết chặt chẽ với nhau. Hiện tại, người tìm việc có thể tham khảo thông tin đăng tải trên báo chí hoặc một số website như www.vietnamworks.com, www.vietnam-german-know-how.com hay www.hrvietnam.com, www.vietnamitworks.com, www.kiemviec.com, www.cohoivieclam.com... Đây là những cầu nối tạo điều kiện cho người xin việc gặp gỡ nhà tuyển dụng hoàn toàn miễn phí.Ngoài ra họ có thể đến các trung tâm giới thiệu việc làm (hoạt động riêng lẻ) hoặc thông qua các quan hệ cá nhân để tìm được việc làm.
* *
*
Việt Nam hiện có khoảng 45 triệu người trong độ tuổi lao động. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và đi cùng với nó là sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp mới - khoảng 30.000 doanh nghiệp mỗi năm - đã làm giảm đáng kể số người thất nghiệp. Theo thống kê chính thức, số lượng người thất nghiệp, tính chung cho toàn quốc đến thời điểm hiện tại vào khoảng 5.3% - số liệu thực tế có thể cao hơn chút ít. Khoảng 10% số người lao động đang công tác trong các cơ quan, đoàn thể nhà nước, 88% trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 2% trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang thu hút nhiều lao động nhất (57%), tiếp đến là dịch vụ (25%), công nghiệp (17%).
Việt Nam vẫn được coi là nơi sản xuất với chi phí thấp trong khi hiệu quả lao động đang dần được nâng cao. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu chuyên gia và công nhân lành nghề với chỉ khoảng 27% người lao động đã qua đào tạo, thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều bất cập. Về mặt số lượng, các nhà đầu tư có quá nhiều lựa chọn đối với công nhân hay nhân viên văn phòng, nhưng chất lượng của họ không phải lúc nào cũng đáp ứng. Đặc biệt, nhân sự cao cấp, các chuyên gia có kinh nghiệm và khả năng quản lý đang ở trong tình trạng cung thấp xa so với cầu… Lĩnh vực thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng nhất là công nghệ thông tin, tài chính, kiểm toán, luật cũng như các chuyên gia thực thụ trong hầu hết các ngành công nghiệp. Ngoài ra, nhiều người lao động chưa có trình độ ngoại ngữ đủ để làm việc. Trên thực tế, tình trạng này thời gian qua đã có những tiến bộ nhất định thông qua việc ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam và ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài trở lại quê hương.
Luật Lao động là công cụ chủ đạo để nhà nước điều tiết thị trường lao động, hiện tại, luật Lao động quy định thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, hệ số lương làm thêm giờ là 1,5 đối với ngày thứ bảy và 2,0 đối với ngày chủ nhật cũng như những quy định khác theo chuẩn quốc tế về giới hạn tổng số thời gian làm thêm giờ và quy định về thời gian thử việc. Mặt khác, việc chấm dứt
hợp đồng lao động trước thời hạn cùng những khoản bồi thường trong trường hợp này cũng được đề cập đến trong Luật Lao động.
Liên quan đến vấn đề lương tối thiểu, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam tính toán các mức lương dựa trên quan hệ giữa giá cả và mức cần thiết để đảm bảo cuộc sống. Hiện tại, có 3 mức lương tối thiểu khác nhau, phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp (nhà nước, ngoài quốc doanh hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cũng như khu vực hoạt động (thành thị hay nông thôn). Nhìn chung, mức lương tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp ở miền Nam thường cao hơn miền Bắc, mức lương tối thiểu cao, nhất là trong doanh nghiệp có vốn FDI (khoảng 60 USD/tháng). Nhưng một phần không nhỏ trong mức lương này sẽ được sử dụng để đóng bảo hiểm xã hội. Việc trả lương theo trình độ đã được áp dụng tại Việt Nam. Một công nhân chưa qua đào tạo trong khối sản xuất công nghiệp hiện có mức lương trung bình 75 USD/tháng cộng thêm tiền bảo hiểm xã hội và tiền làm thêm giờ. Tóm lại, để giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao hiệu suất lao động, Việt Nam cần cân đối tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo phù hợp với các chuẩn mực quốc tế (ví dụ, trong khi tỷ lệ kỹ sư - cán bộ kỹ thuật - công nhân lành nghề ở Malaysia là 1 - 4 - 10, thì ở Việt Nam do chưa có một thị trường lao động thực thụ tỷ lệ này là 1 - 1 - 3). Các doanh nghiệp Việt nam trước mắt vừa phải quan tâm đến việc đào tạo và gắn kết các lao động trẻ có năng lực, lại vừa phải tìm cách giữ chân họ khi họ đã trưởng thành. Ngoài ra, việc hoàn thiện khung pháp lý về thị trường lao động cũng như đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định và thoả ước trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng cần được đặc biệt quan tâm. Suy cho cùng, hiệu quả của việc giải quyết việc làm chỉ có thể đạt được dựa trên nền tảng của tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm trong công việc cũng như lợi ích hài hoà của các chủ thể tham gia lao động.
CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM Ở HÀ NỘI.