Việc dự báo chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng lao động dưới góc độ giải quyết việc làm nói riêng và đáp ứng được những yêu cầu trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói chung phải căn cứ vào những yêu cầu khách quan đặt ra đối với chất lượng nguồn nhân lực - lực lượng lao động, vào thực trạng chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực - lực lượng lao động thời
điểm hiện tại cũng như vào các khả năng và hướng phát triển của ngành giáo dục - đào tạo thành phố.
Một trong những mục tiêu chiến lược phát triển Hà nội đã được khẳng định là xây dựng Thủ đô thành một thành phố công nghiệp, hiện đại, văn minh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước. Để đạt được mục tiêu phát triển này, Hà nội cần có một đội ngũ lao động với trình độ học vấn cao, có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, có tay nghề thành thạo, có tiềm năng phát triển, có phẩm chất lao động tốt, gắn liền với một đội ngũ trí thức đủ năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, áp dụng các công nghệ hiện đại.
Nguồn nhân lực với chất lượng cao phải xuất phát từ dân số với những chỉ tiêu về kiến thức, tuổi thọ và thu nhập tiên tiến. Nói cách khác, chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index) của Hà nội phải đạt ở mức cao hơn so với các địa phương khác trong nước và không được tụt hậu so với các nước đang phát triển và phát triển trong khu vực và thế giới. Dự báo đến năm 2010, chỉ số HDI của Hà nội sẽ đạt mức 0,75.
Hà nội là nơi tập trung nhiều trường trung cấp kỹ thuật, các trường và trung tâm dạy nghề quốc lập cũng như dân lập. Do vậy, tỷ lệ người lao động Hà nội đã qua đào tạo khá lớn, lực lượng lao động nói chung có trình độ chuyên môn cao. Số ngành nghề đào tạo hệ chính quy của lực lượng công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên ở Hà nội khoảng trên 60 ngành nghề để phục vụ cho nhu cầu nhân lực của các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ Thủ đô. Hệ thống các trường trung cấp kỹ thuật, dạy nghề tại Hà nội khá ổn định và đang có chiều hướng phát triển.
Tính đến tháng 7 năm 2006, Hà Nội là thành phố có chất lượng lao động qua đào tạo cao nhất cả nước với 55,11% lực lượng lao động đã tốt nghiệp THPT, 46,5 % lao động đã qua đào tạo, bình quân tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 2,9% năm. Bằng những giải pháp toàn diện nhằm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật của ngành giáo dục - đào tạo Thủ đô, dự báo đến năm 2010 Hà nội sẽ có khoảng 60 % người lao động được qua đào tạo, năm 2015 sẽ có ít nhất 75% người lao
động được đào tạo. Các lao động được đào tạo sẽ phải hội tụ đủ kiến thức về khoa học và công nghệ tiên tiến, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, tính tổ chức kỷ luật, có đầy đủ sức khỏe, ... để đáp ứng được những yêu cầu là động lực của phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Hà Nội là trung tâm khoa học - kỹ thuật lớn mạnh nhất của cả nước, tại đây tập trung nhiều Viện nghiên cứu đầu ngành, nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ quốc gia và quốc tế. Hàng năm, lực lượng lao động Hà nội lại được bổ sung thêm một số lượng đáng kể những người có trình độ đại học và trên đại học. Trong những năm tới, số lao động kỹ thuật và lao động chất xám tại Hà nội sẽ ngày càng tăng lên cả do đào tạo trong nước và nước ngoài. Việc sử dụng có hiệu quả đội ngũ lao động và cán bộ khoa học - kỹ thuật này có tác dụng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà nội nói riêng và quá trình hưng thịnh đất nước nói chung. Dự báo chất lượng lao động trong nền kinh tế quốc dân của Hà Nội đến năm 2015 chia theo trình độ chuyên môn được thể hiện trong bảng sau:
Bảng 2.18: Dự báo lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân chia theo trình độ chuyên môn năm 2015
Tỷ lệ %
Lao động làm việc trong các ngành KTQD 100
Lao động đã qua đào tạo nghề 75
Trong đó: 1. CĐ, ĐH 23
2. THCN 23
3. CNKT 29
Lao động chưa qua đào tạo nghề 25
Như vậy cơ cấu chất lượng của đội ngũ lao động theo trình độ chuyên môn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới (theo tính toán của các chuyên gia, cơ cấu lao động hợp lý cho Việt nam giai đoạn này là 1 ĐH - 5 THCN - 10 CNKT hoặc 1 ĐH - 4 THCN - 14 CNKT). Đây là một thách thức lớn đặt ra cho công tác giáo dục - đào tạo nghề và hướng nghiệp tại Hà Nội.