5. Thông điệp chính cho tương lai sau năm 2015 ở Việt Nam
5.3 Quản trị và sự tham gia
Như chúng ta đã thấy, cải thiện chất lượng quản trị và tăng cường sự tham gia trong quá trình hoạch định chính sách là vấn đề cần ưu tiên trước nhất cho giai đoạn sau 2015 tại Việt Nam. Đây cũng là nội dung quan trọng đối với thách thức phát triển của Việt Nam.
Để cải thiện chất lượng quản trị, cần thiết phải cải cách thể chế công và cải cách thủ tục hành chính. Cần thiết phải có một thể chế vững mạnh để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, khuyến khích cơ chế hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. Giải quyết vấn đề tham nhũng trong bộ máy công nhân viên nhà nước cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Tham nhũng là một rào cản lớn cho phát triển kinh tế vì nó dẫn đến sự lạm dụng những nguồn lực khan hiếm trong xã hội và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tham nhũng cũng tác động lớn tới toàn thể cộng đồng, khiến người dân phải dùng tiền túi của mình hối lộ chỉ để nhận được những dịch vụ mà lẽ ra họ có quyền được hưởng. Đây chỉ là loại tham nhũng vặt, bên cạnh những tham nhũng quy mô lớn liên quan tới việc lũng đoạn ngân sách nhà nước và lạm dụng địa vị. Loại tham nhũng này gây xói mòn niềm tin của dân chúng vào chính quyền và đe dọa tới sự ổn định của Nhà nước. Nó cũng làm tổn hại niềm tin và sự cố gắng của nhân dân vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển.
Tham nhũng là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế và đe dọa sự ổn định xã hội. © Trương Việt Hùng\2013
Tăng cường sự tham gia của người dân và cho phép tự do ngôn luận có ý nghĩa quan trọng vì nền dân chủ ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa nhân dân và Đảng Cộng sản. Việc thúc đẩy phụ nữ tham gia các vị trí quản lý và lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm dần bất bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và xã hội. Việc tăng cường các cơ chế khuyến khích toàn thể người dân tham gia tích cực vào xã hội và quá trình ra các quyết định, những quyết định được thực hiện mang tính đại diện, sẽ tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân, và vì vậy sẽ cải thiện và tăng cường chất lượng quản trị công. Tạo điều kiện cho người dân được tự do bày tỏ chính kiến ở nơi công cộng, trên báo in hay mạng xã hội cũng rất quan trọng để đảm bảo xã hội lành mạnh và dân chủ. Truyền thông xã hội và internet tại Việt Nam đang ngày một phổ biến hơn, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, và cần xem đây như một cơ hội tăng cường chất lượng điều hành quản trị hơn một mối đe dọa.
Một khía cạnh quan trọng của tăng cường quản trị công là việc thúc đẩy các khái niệm về một xã hội hài hòa và dành cho tất cả mọi người. Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong vòng 25 năm qua trong việc cải thiện các điều kiện vật chất của xã hội và nâng cao thu nhập bình quân. Kết quả là Việt Nam trở nên thịnh vượng và đa dạng hơn, và xã hội dân sự ngày càng phát triển. Những xu hướng này sẽ tiếp diễn, đặc biệt là khi Việt Nam tiếp tục hội nhập khu vực và thế giới. Do đó, cần xây dựng một xã hội dành cho tất cả mọi người, công nhận, tôn trọng và khuyến khích tính đa dạng ở mọi hình thức. Phụ nữ cũng như nam giới, dân tộc ít người, người đồng tính nam, đồng tính nữ, song giới, và chuyển giới, người khuyết tật, người di cư nông thôn, tất cả đều đóng góp cho xã hội và cần cảm thấy có giá trị. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ từ nhiều hoạt động tham vấn. Quan niệm về một xã hội dành cho tất cả mọi người với trọng tâm là niềm tin vào tầm quan trọng của văn hóa và đa dạng văn hóa là động lực chính cho sự phát triển trong tương lai. Do đó, việc bảo vệ và khuyến khích đa dạng văn hóa là nền tảng cho tất cả những nỗ lực trong tương lai để có được một Việt Nam hài hòa giữa kinh tế và xã hội, phát triển bền vững trong thời kỳ sau năm 2015.