5. Thông điệp chính cho tương lai sau năm 2015 ở Việt Nam
5.1 Bình đẳng, bao gồm bình đẳng giớ
Vấn đề bình đẳng là vấn đề nổi bật được đưa ra trong suốt quá trình tham vấn cùng với các nhóm mục tiêu và xuyên suốt tất cả những chủ đề khác. Giải quyết bất bình đẳng còn tồn tại có lẽ là thách thức lớn nhất đối với tương lai của Việt Nam sau 2015. Bất bình đẳng còn tồn tại trên nhiều phương diện. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong hai thập kỷ qua chưa đồng đều. Tăng trưởng kinh tế tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Nam xung quanh thành phố Hồ Chí Minh, cùng một số khu vực thành thị khác như thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, thông tin liên lạc ở khu vực nông thôn và ở vùng núi phía Bắc, cao nguyên và khu vực sông Cửu Long lại rất nghèo nàn, dịch vụ công cũng chỉ ở mức cơ bản nhất. Vì vậy người dân ở các khu vực này có chất lượng sống và phát triển con người thấp hơn.
Bình đẳng hoặc bất bình đẳng được người dân thuộc tám nhóm mục tiêu đề cập, đặc biệt là bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội. © UN Việt Nam\2013
Bất bình đẳng tồn tại rõ rệt ngay cả trong cùng một nhóm dân cư ở nông thôn: nhóm dân tộc ít người nghèo hơn rất nhiều, họ không được hưởng giáo dục, ốm yếu hơn và tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng kém hơn so với nhóm dân tộc Kinh.
Bất bình đẳng dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử khiến một số người bị đẩy ra lề xã hội. Tham vấn cho thấy đây là tình trạng của nhiều nhóm mục tiêu như: nhóm dân tộc ít người, người có HIV/AIDS, người khuyết tật và nhóm dân nhập cư nghèo thành thị. Những người này cho biết họ bị phân biệt đối xử bởi các viên chức nhà nước và phản ánh có sự bất công đáng kể trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng ở Việt Nam, cần phải thúc đẩy sự bình đẳng trong cơ hội, quyền lợi và trách nhiệm giữa nam giới và phụ nữ. Việt Nam có số liệu thống kê tương đối tốt về bình đẳng giới nói chung nhưng hiện tại vẫn còn ít phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở khu vực công, khu vực tư và các vị trí chính trị. Trình độ học vấn ngày càng cao của phụ nữ vẫn chưa giúp họ đạt được sự bình đẳng trong thị trường lao động vì những công việc họ đảm nhiệm đều dễ bị tổn thương hơn nam giới, và họ cũng ít có khả năng làm cùng một công việc như nam giới. Đối với việc nhà, cũng không có sự chia sẻ bình đẳng về trách nhiệm giữa nam và nữ, và điều này tiếp tục tạo một gánh nặng đối với phụ nữ trong việc phải cân bằng giữa gia đình và công việc. Phụ nữ Việt Nam đang đấu tranh chống lại quan niệm tồn tại từ lâu đời rằng phụ nữ sống lệ thuộc vào nam giới, không có quyền quyết định trong gia đình, những nhu cầu của trẻ em gái (đặc biệt là đối với giáo dục và y tế) thường không được coi là quan trọng như đối với trẻ em nam. Ở Việt Nam có xu hướng thích con trai hơn con gái, và điều này có thể thấy rõ thông qua sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Các cuộc điều tra dân số mới đây cho thấy tỷ lệ sinh con trai vượt quá so với tỷ lệ sinh con gái. Không chỉ vậy, phụ nữ cũng vẫn tiếp tục không được đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặc dù đã được quy định. Mức độ bạo lực gia đình rất cao đòi hỏi Việt Nam cần phải có hành động khẩn cấp, không chỉ bằng luật pháp và chính sách, mà còn phải thay đổi thái độ của nam giới. Nam giới cần phải chủ động ngăn chặn tình trạng bạo lực giới.
Để đạt được thành công về quyền phụ nữ cần phải loại bỏ bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử cũng như thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ. Sự bình đẳng lớn hơn trong giáo dục và việc làm sẽ đem lại đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và con người, và vai trò lãnh đạo của phụ nữ sẽ giúp quản trị quốc gia trở nên minh bạch, dân chủ và dành cho tất cả mọi người. Cần phải có sự thay đổi về mặt thể chế và đầu tư cụ thể để giải quyết mọi hình thức bất bình đẳng.