5. Thông điệp chính cho tương lai sau năm 2015 ở Việt Nam
5.2 Tính dễ bị tổn thương và hòa nhập xã hộ
Cùng với sự gia tăng bất bình đẳng, người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế và người nghèo, phải đối diện với nhiều loại rủi ro và cú sốc. Có nhiều dạng thức tổn thương. Đó có thể là sự thay đổi của xã hội và đời sống gia đình, ví dụ như đối với nhóm người cao tuổi và nhóm người khuyết tật thì sự thay đổi việc làm sẽ ảnh hưởng đến quan hệ gia đình cũng như thời gian chăm sóc gia đình. Sự chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường khiến cho giá cả nguyên liệu đầu vào và đầu ra đối với nông nghiệp liên tục thay đổi cũng là một dạng thức của rủi ro. Suy thoái kinh tế toàn cầu gây tổn thương tới dân nghèo nhập cư thành thị và công nhân ở khu vực phi chính thức do việc làm và an sinh xã hội trở nên mất ổn định. Lạm phát tăng dẫn đến tăng giá cả tiêu dùng tăng làm tổn thương dân nghèo ở thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, thời tiết liên tục thay đổi và trở nên khắc nghiệt gây ảnh hưởng đặc biệt tới nhóm người nghèo ở nông thôn do họ sinh sống trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hạn hán, lở đất và thiên tai. Nhóm người này thường thiếu tài sản và chỗ ở an toàn để cầm cự trước những hiện tượng khắc nghiệt.
Nhiều người lo lắng về tình trạng dễ bị tổn thương ngày càng gia tăng, ví dụ người nghèo nông thôn thường chịu thiệt hại to lớn do thiên tai. © Trương Việt Hùng\2010
Tham vấn được thực hiện với các nhóm yếu thế của xã hội. Chủ đề về một xã hội dành cho tất cả mọi người được hầu hết các nhóm nhấn mạnh: nhóm dân tộc ít người, người cao tuổi (đặc biệt là người cao tuổi nghèo khó), người có HIV/AIDS, người khuyết tật, người nghèo nông thôn, người nghèo thành thị và người nghèo nhập cư. Họ bị phân biệt đối xử bởi cán bộ công quyền trong các cơ quan dịch vụ công và bị ngăn cách hòa nhập với xã hội. Bị cô lập trong xã hội và trong cuộc sống hàng ngày trên phương diện xã hội và kinh tế, họ bị mắc kẹt trong vòng quay của sự phân biệt và túng thiếu. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng cách tăng cường sự tham gia của mọi người dân, như đã được nhấn mạnh trong suốt quá trình tham vấn, trong hội thảo cấp quốc gia tháng 3 năm 2013 và trong các tài liệu nghiên cứu. Tăng cường sự tham gia của người dân đã trở thành thông điệp mạnh mẽ cho kỷ nguyên sau năm 2015. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo cho viễn cảnh kinh tế năng động và ổn định của Việt Nam trong tương lai.