Những biểu hiện của việc thực hiện trách nhiệm trong cách mạng

Một phần của tài liệu Tự do và trách nhiệm trong cách mạng khoa học - công nghệ (Trang 61)

mạng khoa học - công nghệ

Trước hết, đó là trách nhiệm của con người đối với môi trường.

Như chúng ta đã biết, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ trong nửa cuối thế kỷ XX, con người đã có trong tay những cái cần có để tìm hiểu những bí mật của thế giới tự nhiên, khai thác tự nhiên nhằm thoả mãn nhu cầu của mình. Những tưởng sự thịnh vượng vật chất sẽ là thiên đường của con người. Song, không phải vậy. Cùng với việc tạo ra một khối lượng của cải to lớn (do khai thác theo kiểu bóc lột tự nhiên), con người đã tạo nên những nguy cơ đe dọa trực tiếp sự sống của bản thân mình. Sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường sống. Dựa vào các phương tiện kỹ thuật hiện đại, con người đã áp đặt sự thống trị của mình và vắt kiệt tự nhiên một cách vô trách nhiệm. “Tất cả mọi người đều bận tâm nghĩ đến những tiện nghi của những kỳ tích khoa học - kỹ thuật và những thành tựu kinh tế, chẳng ai chú ý đến cái giá phải trả và hạn chế sau này, tất nhiên không ai nghĩ rằng nền kinh tế thế giới sẽ phát triển chậm lại” [15, tr.154], đó là tình trạng chung của nhân loại ở giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Khai thác tự nhiên bằng mọi giá, lấy đi mọi cái có thể lấy, con người (trong xã hội hiện tại) vô tình đã đối xử không công bằng, thiếu trách nhiệm đạo đức trước các thế hệ tương lai.

Dựa vào những tri thức mới, con người dần dần nhận ra rằng, không thể nuôi dưỡng mãi trong mình một quyền năng vô hạn trước tự nhiên. Điều quan trọng là chính sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại đã và đang tạo ra những cơ hội cho con người sửa chữa sai lầm. Những tri thức mới và sự hiểu biết khoa học về thế giới vật chất đã trở thành cơ sở cho một sự thay đổi có tính bước ngoặt trong nhận thức về mối quan hệ con người - tự nhiên. Xuất phát từ cách nhìn tổng thể, hệ thống, dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn, một quan hệ mới về chất - chung sống hài hoà, gắn bó máu thịt giữa con người với tự nhiên đang hình thành. Đó chính là nền tảng của đạo đức môi trường, trong đó có “Trách nhiệm môi trường”.

“Trách nhiệm môi trường”- đây là một khái niệm tương đối mới, nó xuất hiện cùng với đạo đức môi trường và là nội dung căn bản của đạo đức môi trường. Trách nhiệm môi trường xuất hiện khi con người bắt đầu ý thức được những hành vi, hoạt động của mình đang tác động hủy hoại đến môi trường, đe dọa sự sống của họ. Mặc dù vậy, những nghiên cứu về trách nhiệm môi trường mới chỉ thực sự được nhìn nhận đúng mực trong khoảng vài thập niên gần đây, khi những hoạt động của con người ảnh hưởng đến thiên nhiên ngày càng trầm trọng. Những tác động hủy hoại đến môi trường khiến con người dần nhận thức được rằng, nếu không quan tâm đến môi trường sống tự nhiên của mình thì sớm muộn, con người cũng bị tự nhiên trả thù, bị hủy diệt. Trách nhiệm môi trường cho rằng, con người không những phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình đối với các cá nhân khác và đối với xã hội, mà còn phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình trước tự nhiên – môi trường sống của con người. Theo đó, con người cần phải hành động một cách khôn ngoan để không làm phương hại đến môi trường với tư cách là toàn bộ hệ thống sinh tồn của con người và các sinh thể khác vì lợi ích của chính con người và các sinh thể đó.

Con người sử dụng khoa học và công nghệ để biến đổi và cải tạo tự nhiên nhằm phục vụ cho cuộc sống của mình và sự phát triển của xã hội. Song, sự can thiệp thô bạo của con người vào tự nhiên, mang lại những hậu quả tiêu cực cho môi trường sinh thái, suy đến cùng là do chính bản thân con người và xã hội. Sự sống và hoạt động của con người hiện đại không chỉ cần có khoa học và công nghệ, mà còn rất cần một môi trường tự nhiên trong lành. Một môi trường như vậy rất cần cho sự phát triển lâu bền. Bởi vậy, phát triển lâu bền (bền vững) là một thách thức lớn đang được đặt ra cho toàn nhân loại trong thời đại hiện nay. Con người có vượt qua được thử thách lớn lao và đầy cam go này hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có khoa học và công nghệ với tư cách là sản phẩm của sự sáng tạo của con người, một lần nữa lại phải giữ vai trò chủ đạo.

Ý thức được vấn đề này, trong mấy chục năm qua, các Hội nghị thượng đỉnh về môi trường ở cấp độ toàn cầu đã diễn ra thường xuyên và tập trung bàn đến những vấn đề môi trường cấp bách nhất. Mặc dù còn những điểm bất đồng hay chưa nhất trí tuyệt đối, song nỗ lực trên đã cho thấy sự cố gắng rất lớn của nhân loại đối với các vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, trách nhiệm môi trường của cộng đồng thế giới ngày càng được quan tâm, thảo luận và nhất trí giữa các quốc gia về các vấn đề rất cụ thể. Một trong những cột mốc quan trọng ghi dấu cho quan tâm này là Tuyên bố Xơun về đạo đức môi trường với 4 nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm. Nội dung của nguyên tắc này là “mọi thành viên của xã hội loài người đều có trách nhiệm duy trì sự toàn vẹn của môi trường toàn cầu như một hệ thống – sự sống tổng thể. Chúng ta cần phải nhận thấy trách nhiệm này là sự thể hiện quyết tâm thực thi nghĩa vụ và sự kiên định trong bảo vệ tính toàn vẹn của môi trường toàn cầu trong cuộc sống hàng ngày. Các nỗ lực độc lập đó cần được tăng cường hỗ trợ bằng việc xây dựng các mạng lưới liên kết và các

nhóm trong quần chúng xã hội và chính phủ, giới công nghiệp và doanh nghiệp, cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Nhờ sự tham gia và phối hợp hợp tác như vậy, những chính sách thích hợp sẽ có thể được xây dựng và thực hiện một cách có hiệu quả”[35, tr.36].

Thiết nghĩ, trách nhiệm ấy, không chỉ được thể hiện thông qua những điều luật, những quy định mang nguyên tắc cưỡng chế mà nên chăng cần đánh thức ý thức ấy, trách nhiệm ấy trong mỗi người một cách tự giác thông qua tiếng nói của lương tâm. Để thực hiện điều này không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi một sự đồng thuận cao. Sự đồng thuận ấy không chỉ giới hạn trong lĩnh vực đạo đức mà nó được nâng lên tầm phổ biến của văn hóa, thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, thực tế không như chúng ta mong đợi, khi trong xã hội tính đồng thuận không phải chủ đạo, mà nhường chỗ cho những bất đồng. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay.

Tóm lại, hiện nay, để giảm thiểu những mặt trái và tác động tiêu cực của Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, chúng ta mới chỉ bằng cách thông qua những luật lệ, những quy định, những ràng buộc mang tính nguyên tắc. Chẳng hạn, ở Việt Nam, năm 2005, đã ban hành Luật bảo vệ môi trường. Trong đó có ghi rõ 16 hành vi vi phạm bị cấm. Và, nó chỉ hạn chế được phần nào những tác động tiêu cực. Do đó, để đẩy mạnh hơn nữa, cùng với trách nhiệm về mặt pháp lý thì trách nhiệm đạo đức sẽ có vai trò không nhỏ đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong tương lai. Chính tinh thần, hay ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia sẽ tạo nên sự đồng thuận cao trong việc hạn chế và giảm bớt những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, trong đó có vấn đề môi sinh, môi trường. Điều đó là cần thiết, bởi môi trường không đơn thuần là môi trường vật thể mà quan trọng hơn đó là không gian sống của con người. Chúng ta hành xử với môi trường cũng chính là

hành xử với đồng loại, với con người. Do đó, đạo đức là yếu tố được đưa lên hàng đầu.

Thứ hai, trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, bên cạnh trách nhiệm môi trường, người ta còn bàn đến trách nhiệm con người

(Human responsibility) – một phương diện của trách nhiệm xã hội. Nó có nghĩa là chủ thể của hành vi phải chịu trách nhiệm trước con người, chịu trách nhiệm về các hoạt động ảnh hưởng đến con người. Trách nhiệm con người biểu hiện trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, như trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm văn hóa. Trách nhiệm con người cũng là phương diện được đề cập nhiều nhất và đôi khi, cũng được hiểu là nội dung duy nhất của trách nhiệm xã hội.

Trách nhiệm con người, trên thực tế, nhấn mạnh nhiều hơn đến hậu quả trực tiếp của những hành vi mà một thực thể gây ra cho con người xung quanh. Chúng ta đang nói đến những hành vi gây nên những hậu quả tiêu cực cho con người do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đem lại.

Chúng ta sẽ bàn đến trách nhiệm của con người đối với con người, đối với xã hội trong hai lĩnh vực gây nhiều chú ý nhất, đó là lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực công nghệ sinh học.

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, trên bình diện xã hội. Sự ra đời của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là văn minh màn hình đang làm cho thế giới nội tâm của con người trở nên nghèo nàn, sự giao cảm giữa mỗi cá nhân với thế giới bên ngoài trở nên hời hợt, những khoảng trống, sự thiếu hụt trong cấu trúc nhân cách như mối đồng cảm, sự quan tâm đến người khác... xuất hiện ngày càng nhiều. Khi quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng bị suy yếu, lỏng lẻo, con người sẽ cảm thấy cô đơn, thậm chí chai lỳ trước đau khổ hay hạnh phúc của đồng loại. Sự thâm nhập và tiếp cận văn hoá không lành mạnh thông qua mạng Internet đã gây ra những vấn đề bức xúc về mặt đạo đức như

chủ nghĩa thực dụng, tâm lý hưởng thụ, sống gấp, chạy theo đồng tiền... của một bộ phận dân cư, đặc biệt là trong tầng lớp thanh thiếu niên. Đến lượt mình, những biểu hiện có tính phương Tây hoá đó sẽ “gặm nhấm”, làm mai một dần các giá trị định hướng nhân cách mang bản sắc dân tộc.

Hơn nữa, trong điều kiện hiện này, ẩn chứa một nguy cơ, thông qua mạng lưới truyền thông hiện đại, qua mạng máy tính toàn cầu, các nước có công nghệ thông tin tiên tiến, tiến hành cuộc thẩm thấu văn hóa, tuyên truyền chế độ xã hội, hoặc tuyên truyền những lập trường đối địch, gây nhiễu loạn đối với hệ thống tin tức chính trị, xã hội của quốc gia đối lập, gây nên xung đột dân tộc, sắc tộc, xung đột tôn giáo, kích động những hành động phá hoại của quần chúng, khơi dậy những mâu thuẫn xã hội, từ đó tạo ra những mối đe dọa an ninh xã hội của nước đó.

Không chỉ an ninh xã hội, an ninh kinh tế, an ninh quân sự của mỗi nước cũng bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự phát triển của công nghệ thông tin. An ninh quân sự gắn liền với sự sống còn của một quốc gia và nó là một lĩnh vực tuyệt mật. Do đó, ngày nay, mục tiêu tấn công đầu tiên của các loại vũ khí thông tin thường là các trung tâm máy tính của lực lượng vũ trang, các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, các hệ thống thông tin liên lạc quân sự và hệ thống quản lý nhà nước. Với việc nối mạng Internet toàn cầu, vũ khí thông tin đã tạo nên mối đe dọa nguy hiểm, trực tiếp cho nền an ninh quân sự của tất cả các quốc gia, nhưng cho đến nay chưa có một biện pháp phòng vệ và hạn chế hữu hiệu nào.

Công nghệ thông tin còn đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, gay cấn trong đời sống kinh tế - xã hội của mỗi nước như vấn đề công ăn, việc làm, vấn đề dân chủ và công bằng xã hội. Một khi thông tin, tri thức được lưu trữ dưới dạng các tài liệu trở thành nguồn lực của sản xuất, trở thành hàng hóa, nghĩa là gắn liền với lợi ích – mà lợi ích là mục tiêu đấu tranh không có điểm dừng,

thì ai chiếm hữu, sử dụng được nhiều thông tin, người ấy càng thu được nhiều lợi ích về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật. v.v.. Việc không gắn trách nhiệm với quyền sử hữu thông tin này có thể tạo ra những hiểm hoạ cho sự phát triển lành mạnh của xã hội

Vấn đề tội phạm máy tính - một vấn đề nan giải và cũng là thách thức lớn ở nhiều quốc gia. Sự bùng nổ Internet kèm theo nỗi lo không kiểm soát được trước thực trạng máy tính bị lợi dụng và trở thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phạm pháp bên ngoài như buôn bán ma túy, rửa tiền điện tử, những hình thức cá cược bất hợp pháp, những chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ nhau của các phe đối lập chính trị…Tội phạm máy tính có nhiều loại như đột nhập vào mạng máy tính, tính báo công nghiệp, ăn cắp phần mền, khiêu dâm trẻ em trên mạng máy tính, bom thư, đánh cắp mật khẩu truy cập mạng, thẻ tín dụng, lừa gạt khách hàng… Tội phạm máy tính rất nguy hiểm nhưng cho đến nay do nhiều nguyên nhân nên chưa thể trừng phạt được. Vì thế, việc xác định trách nhiệm và trao quyền cho các cơ quan quản lý và các cá nhân có năng lực để thực hiện nhiệm vụ này cần được khẳng định là trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội.

Chính vì thế mà mới đây, Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra và quyết định đóng cửa khoảng gần 1000 quán cà phê có trang bị mạng Internet, hy vọng có thể ngăn chặn sự thấm thấu của văn hoá độc hại làm suy thoái đạo đức trong thanh thiếu niên. Còn ở Việt Nam, năm 2006 đã ban hành Luật công nghệ thông tin, trong Luật này có quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Đặc biệt Luật này còn quy định rõ các hành vi bị cấm trong điều 12 như: cấm các hành vi kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội…, tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, v.v..

Thực tế là Luật đã ban hành nhưng con người ta vẫn vi phạm, cố tình vi phạm. Cũng như những đạo luật bảo vệ môi trường, Luật công nghệ thông tin có đi vào được cuộc sống hay không còn phụ thuộc phần lớn vào ý thức của những con người sử dụng công nghệ thông tin cho mục đích của mình, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý công nghệ thông tin.

Tiếp đến, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sinh học cùng với cuộc “cách mạng xanh” vào những năm 60 cho đến những năm 70 của thế kỷ XX đã từng cứu nhiều nước châu Á và Mỹ Latinh, đặc biệt là Braxin và Ấn Độ thoát khỏi nạn đói. Bắt đầu từ những năm 80, nhân loại bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng này, nhằm tập trung vào phát triển, lai tạo các giống mới có năng suất cao, xây dựng hệ thống tưới tiêu hiện đại, tăng luân canh và tìm ra những loại hóa chất mới đảm bảo cho cây trồng phát triển [52, tr.525-526]. Song, chỉ sau đó thôi, con người lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường và về vệ sinh, an toàn lương thực, thực phẩm cũng do chính công nghệ gen cùng với các công nghệ khác mang lại.

Một phần của tài liệu Tự do và trách nhiệm trong cách mạng khoa học - công nghệ (Trang 61)