Trong sự vận động và phát triển của mình, các hình thái ý thức xã hội phản ánh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau. Sự tác động này làm cho mỗi hình thái ý thức mang tính độc lập tương đối so với tồn tại xã hội. Đây là vấn đề mang tính quy luật. Về điều này, Ph.Ăngghen viết rằng: “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật,v.v… đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh
tế” [13, tr.271]. Điều này đòi hỏi chúng ta không thể giải thích sự xuất hiện, vận động và phát triển của một hình thái ý thức xã hội này từ một hình thái ý thức xã hội khác một cách giản đơn. Song, cũng không được đơn giản hóa các mối quan hệ qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội từ nguyên nhân duy nhất – nguyên nhân kinh tế.
Theo quan niệm của triết học mácxít, giữa khoa học, kỹ thuật và công nghệ với đạo đức có mối quan hệ gắn bó, không tách rời nhau. Trong mối quan hệ đó, khoa học, kỹ thuật và công nghệ cùng với những thành tựu của nó luôn là cơ sở và nền tảng cho sự hình thành, phát triển các giá trị đạo đức thực sự, chân chính của con người.
Khoa học hiểu một cách khái quát, “là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn của loài người nhằm nghiên cứu và hệ thống hóa thành lý luận những tri thức về các sự vật, hiện tượng, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy” [49, tr.8]. Công nghệ bao giờ cũng đi kèm với khoa học. “Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm” [49, tr.8].
Phạm vi phản ánh của khoa học hết sức rộng lớn. Tri thức khoa học xâm nhập các lĩnh vực khác nhau. Dưới góc độ khái quát nhất, người ta có thể phân khoa học thành ba lĩnh vực chính: khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn.
Mối quan hệ giữa đạo đức với khoa học là một trong những vấn đề (xã hội và triết học) quan trọng của cuộc sống con người. Xã hội càng phát triển, khoa học càng đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhân loại càng cần đến đạo đức. Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, bất kỳ tri thức khoa học nào cũng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đạo đức, ngay cả khoa học tự nhiên. Quan hệ giữa khoa học với đạo đức là quan hệ giữa cái chân với cái thiện. Lý tưởng của khoa học và lý tưởng của đạo đức là thống nhất với nhau.
Trong cái thiện (đạo đức) đã bao hàm cái chân (chân lý khoa học) và trong cái chân lý đã bao hàm cái thiện. Khoa học chân chính không thể thù địch với đạo đức tiến bộ. Không một phát minh khoa học chân chính nào không đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người.
Tri thức khoa học còn giúp cho chủ thể đạo đức nhận thức, lựa chọn, đánh giá đúng đắn các giá trị đạo đức. Đến lượt mình, chính ý thức đạo đức, đặc biệt là lý tưởng đạo đức, đóng vai trò không nhỏ tạo ra một trong những động lực của sự phát triển khoa học, của sự tìm tòi chân lý.
Tuy nhiên, giữa tiến bộ khoa học với tiến bộ đạo đức không phải bao giờ cũng phát triển theo đường thẳng đồng thuận với nhau. Trình độ nhận thức khoa học của một thời đại cụ thể, của những nhóm xã hội nhất định và của các cá nhân có thể không trùng khớp với trình độ nhận thức về đạo đức của họ. Không ít trường hợp trình độ nhận thức khoa học cao nhưng trình độ nhận thức đạo đức thấp. Trường hợp này sẽ gây nên nhiều tổn thất cho cá nhân và xã hội.
Ngược lại với quan điểm mácxít đó, vẫn có những ý kiến phủ nhận mối quan hệ giữa khoa học, kỹ thuật và công nghệ với đạo đức. Một số nhà triết học tư sản như B.Rátxen, Karnai... cho rằng, khoa học, kỹ thuật không thể giải quyết được vấn đề mà các giá trị đạo đức đặt ra. Theo họ, đạo đức và khoa học là không thể dung hòa với nhau. Hoặc như ý kiến khác thì cho rằng, khoa học hiện đại không đủ khả năng làm người dẫn đắt các lý tưởng và hình thành đạo đức, bởi đạo đức luôn phụ thuộc vào sự điều khiển của các cơ cấu chính trị. Phủ định mối quan hệ giữa khoa học, kỹ thuật với đạo đức, về thực chất, là chối bỏ các nguyên tắc đạo đức, không thừa nhận sự phản ánh của các chuẩn mực đạo đức trong đời sống xã hội. Quan điểm đó có thể dẫn tới hai khả năng: một là, cản trở, kìm hãm sự hình thành của các giá trị đạo đức mới,
hai là, xóa nhòa ranh giới giữa những mục đích khác nhau (có lợi hay có hại cho con người) của các phát minh khoa học.
Phân tích thực trạng xã hội phương Tây dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, Jams Goldsmith một học giả người Mỹ - đặt vấn đề rằng, tại sao bước nhảy vọt vĩ đại nhất của loài người hướng về sự thịnh vượng vật chất lại dẫn đến sự đổ vỡ nghiêm trọng về mặt xã hội? Và tại sao kỷ nguyên vĩ đại nhất về thành tựu khoa học - kỹ thuật lại làm hư hại những điều kiện sống trên Trái đất? Theo ông, khoa học và công nghệ vốn có sức mạnh và hữu ích, song sự phát triển của nó lại đặt ra những vấn đề khác. Thành tựu phát triển khoa học mang lại những kết quả hữu ích, nhưng nó cũng có thể lại mang đến những hậu quả nguy hại, thậm chí có những trường hợp, mức độ nguy hại lại lớn hơn gấp nhiều lần so với cái lợi. Để khắc phục tình trạng đó, Jams Goldsmith cho rằng, khoa học phải được phát triển phù hợp với sự phát triển của xã hội về đạo đức và không được phép tách khỏi những nhu cầu xã hội của các cộng đồng dân tộc. Ông viết: “Khoa học không được tách khỏi đạo đức... Khoa học phải phục vụ xã hội và là một bộ phận của xã hội”. Rằng cũng như khoa học, công nghệ là “một công cụ hữu ích. Nhưng nếu không được kiểm soát bởi những giá trị căn bản hơn, chúng có thể phá huỷ sự ổn định xã hội... nuốt trôi nền văn minh của chúng ta”. Từ đó, ông đi tới kết luận rằng, khoa học và công nghệ không những phải phục vụ những nhu cầu thực sự của xã hội, mà còn “phải nhạy bén với những yêu cầu về luân lý, đạo đức và xã hội” [36, tr.212-217].
Thực tế đã chứng minh rằng sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại cùng với việc nó đang từng bước trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp không chỉ làm thay đổi vị trí của con người trong quá trình sản xuất, mà hơn thế, còn làm thay đổi căn bản chính nền sản xuất xã hội. Do đó, khoa học, công nghệ cũng tác động mạnh mẽ đến sụ phát triển của đạo
đức, làm thay đổi thang giá trị và những nguyên tắc chi phối hoạt động của con người, của xã hội.
Sự tác động của khoa học và công nghệ đến sự phát triển của đạo đức mang tính hai mặt. Dựa vào những tri thức, vào sự hiểu biết khoa học (vốn ngày càng phong phú và đa dạng) và thông qua công nghệ, con người với tư cách là những chủ thể đạo đức, một mặt, nhận thức, đánh giá và lựa chọn đúng đắn các giá trị đạo đức, mặt khác, xác định được các biện pháp, cách thức ứng xử hợp lý nhằm điều chính hành vi của mình trong đời sống đạo đức xã hội. Xu hướng chung của sự phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại là hướng tới phục vụ con người ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Đó vừa là mục tiêu, vừa là chuẩn mực đạo đức cao nhất của sự phát triển khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bất cứ ở đâu, bất ký lúc nào sự tác động của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đối với đạo đức cũng diễn ra theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh mặt tích cực, sự tác động đó còn bao hàm mặt tiêu cực. Tính chất và mức độ của sự tác động đó như thế nào, một mặt, phụ thuộc vào các yếu tố như chế độ chính trị, nền tảng kinh tế - xã hội, nhu cầu và lợi ích giai cấp, dân tộc... mặt khác, phụ thuộc vào chính bản thân các thành tựu khoa học, công nghệ.
Đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa tư bản là chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Quy luật kinh tế cơ bản của nó là quy luật giá trị, quan hệ hàng - tiền. Trong xã hội đó, lợi nhuận tối đa trở thành lẽ sống của giai cấp tư sản. Với bản chất bóc lột, giai cấp tư sản sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn phi nhân tính, đẫm máu nhất để giành được lợi nhuận cao nhất. Chủ nghĩa tư bản, trong tính cạnh tranh khốc liệt và phân cực tối đa của nó, đã ra sức thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ, nhưng khi càng phát triển về mặt kinh tế thì nó lại càng sa vào tình trạng rối loạn xã
hội và khủng hoảng đạo đức. Khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong điều kiện tư bản chủ nghĩa đã được giai cấp tư sản khai thác, sử dụng như một công cụ hữu hiệu để bóc lột người lao động. Khắc họa sự tác động tiêu cực của khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong chủ nghĩa tư bản, C.Mác cho rằng: “những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần” [11, tr.10]. Chủ nghĩa tư bản hiện đại đã dùng các sản phẩm của hệ thống công nghệ mới để làm tha hoá con người nhiều hơn và tiêu diệt con người nhanh hơn.
Dưới góc độ đạo đức, những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại phải đem lại niềm vui, hạnh phúc chân chính cho con người, đó phải là môi trường tốt nhất và thuận lợi nhất cho sự phát triển tự do và toàn diện của con người. Chưa bao giờ sự kết hợp giữa cái chân và cái thiện lại được đặt ra một cách nghiêm túc và nóng bỏng như hiện nay.
Tóm lại, thời đại hiện nay cho thấy vai trò gia tăng chưa từng thấy của khoa học và công nghệ, những hiểm họa khôn lường do nó đem lại nếu nó mâu thuẫn gay gắt với đạo đức, đánh mất định hướng đạo đức của mình. Nghiên cứu quan hệ giữa đạo đức và khoa học - công nghệ với mục đích quan trọng là đem lại cho khoa học - công nghệ định hướng đạo đức (nhân văn), sử dụng nó vì lợi ích của cá nhân, của xã hội và của toàn thể loài người. Nói cách
khác, bàn về quan hệ giữa đạo đức và khoa học - công nghệ có nghĩa là đề
Chương 2 : TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG CÁCH MẠNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ: NỘI DUNG, VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP 2.1. Sự thể hiện của phạm trù tự do trong cách mạng khoa học - công nghệ
2.1.1. Giới hạn của tự do trong cách mạng khoa học - công nghệ
Như đã phân tích ở chương thứ nhất, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, tự do chân chính của con người không chỉ là nhận thức được tính tất yếu khách quan, mà còn là khả năng nắm bắt được các quy luật tự nhiên và các quy luật xã hội để chủ động và tích cực cải tạo, thúc đẩy xã hội phát triển.
Câu hỏi được đặt ra là: trong Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, loài người có được tự do hay không? Đánh giá từ góc độ những thành tựu của Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, thì chúng ta có thể khẳng định: Cuộc cách mạng trên sẽ không thể diễn ra và đạt nhiều thành tựu to lớn trên mọi
lĩnh vực cuộc sống như vậy nếu con người ta không nắm bắt được quy luật vận động của giới tự nhiên cũng như nắm bắt được những đòi hỏi, những nhu cầu ngày càng tăng của xã hội loài người để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho chính cuộc sống ngày càng hiện đại của những con người. Có nghĩa là, trong cuộc cách mạng này, con người đã được tự do và tự do đó ngày càng được tăng lên. Con người ngày càng khẳng định vị thế của mình trước tự nhiên và xã hội. Mặt khác, chính những thành tựu ấy đã và đang tạo ra những điều kiện, những đảm bảo ngày một tốt hơn cả về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần cho sự phát triển tự do của con người. Sự phát triển kinh tế, công nghệ tạo điều kiện cho sự phát triển con người thông qua việc đáp ứng ngày một đầy đủ hơn các nhu cầu về vật chất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí... Tất cả những điều đó làm cho sự lựa chọn giá trị cũng như hoạt động của con người ngày càng tự do hơn, được đảm bảo hơn. Nhưng tự do đó của con người là chưa toàn vẹn, bởi vẫn còn đó những hậu quả nặng nề do chính cuộc cách mạng này gây ra cho toàn nhân loại hôm nay và mai sau. Những hậu quả đó đã minh chứng rằng con người chưa nắm được hết các quy luật vận động của chính sự phát triển khoa học và công nghệ để mà hạn chế được những hậu quả đó. Nói cách khác, khi nhìn nhận ở khía cạnh những thành quả của Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ thì con người đã khẳng định được tự do của mình, nhưng khi nhìn nhận ở khía cạnh những hậu quả tiêu cực của cuộc cách mạng đó thì tự do con người còn bị hạn chế.
Trong mối quan hệ với trách nhiệm đạo đức, tự do của con người là không tuyệt đối - không ai có thể sử dụng quyền tự do của mình một cách vô trách nhiệm, bất chấp luật lệ, quy tắc đạo đức và quyền lợi của người khác. Bởi vậy, tự do của con người trong Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cũng bị giới hạn bởi những yếu tố thuộc về nguyên tắc của nó.
Mặt khác, trong cách mạng khoa học và công nghệ, các nghiên cứu và ứng dụng khoa học còn phải tuân theo quy luật kinh tế. Nói theo cách của các nhà kinh tế học, nghiên cứu là quá trình biến tiền thành tri thức, và ứng dụng là quá trình biến tri thức thành tiền. Trong ý nghĩa này, nghiên cứu khoa học không phải là một dạng của chủ nghĩa tự do tuyệt đối. Kết quả của một công trình khoa học phải thỏa mãn những lời giao ước trong hợp đồng hay những thành quả cụ thể đã được đề nghị trong một công trình nghiên cứu với “ông chủ” cung cấp kinh phí hay lương bổng. Có nghĩa là, về lợi ích, bất kể một nghiên cứu hay ứng dụng khoa học công nghệ nào cũng phải tính đến lợi ích kinh tế ở trong đó. Anbe Einstein nhận xét rằng, hầu như mọi nhà khoa học đều hoàn toàn phải lệ thuộc về mặt kinh tế trong quan hệ với giới cầm quyền, số lượng các nhà khoa học có ý thức độc lập về trách nhiệm xã hội là quá ít ỏi tới mức họ không thể quyết định được phương hướng nghiên cứu chung [9, tr.82]. Như vậy, xét về mặt thực tiễn, không có tự do tuyệt đối trong khoa học và công nghệ trong thời đại hiện nay.
Xét về mặt lý thuyết, mọi nghiên cứu không chỉ dừng ở điểm thỏa mãn sự hiếu kỳ hàn lâm. Nhà khoa học cũng không thể đứng ngoài vòng xã hội, chỉ biết hãnh diện với số bài báo cáo khoa học của mình. Tri thức khoa học chỉ thực sự có giá trị nhân sinh và xã hội khi được tận dụng để tạo ra vật chất,