Trong sự nhận thức của xã hội loài người, tự do chọn lựa là khả năng căn bản của con người để quyết định về hành vi và định hướng của đời người. Mặc dù là một hữu thể xã hội, chịu ảnh hưởng sâu đậm của một thời đại và một nền văn hoá nhất định nào đó, con người vẫn không thể hoàn toàn bị lệ thuộc vào những sức mạnh tất định của thiên nhiên hay của xã hội. Trong mọi trường hợp chúng ta vẫn còn khả năng chọn lựa và đây chính là một trong những nét tiêu biểu nhất của con người tự do.
Tự do chọn lựa được thể hiện qua ba khả năng sau đây: muốn hay không muốn, chọn lựa cái này thay vì cái khác, ngay cả trường hợp chọn cái tốt hoặc cái xấu. Do đó, con người phải có trách nhiệm về những hành vi mình đã thực hiện với ý thức, tự do và ý chí.
Theo nguyên tắc đạo đức, mỗi người có quyền được nhìn nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm. Đây là một quyền bất khả phân ly với phẩm giá con người và mọi người có bổn phận phải tôn trọng. Chính nhờ nó, con
người có thể chọn lựa những gì mình cho là tốt và định hướng cho tương lai, bất chấp những áp lực của xã hội và đòi hỏi của bản năng. Nhiều người coi đây là một giá trị lớn lao và cao cả nhất, nhưng đồng thời cũng là một thách đố đầy cam go.
Tự do càng hoàn hảo thì chủ thể càng xa tập quán xấu và càng gần chân, thiện, mỹ. Thật vậy, khi chúng ta không bị nô lệ bởi những đam mê xấu, nhưng lại có nhiều khả năng để hành thiện và cương quyết nói không trước sức quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sắc dục… thì chúng ta càng tự do. Càng chọn lựa theo lý tưởng và quy tắc đạo đức, con người càng tự do hơn. Như vậy, nhờ ý chí tự do, con người lớn lên và trưởng thành trong nhân cách, chân lý và đạo đức.
Tự do vừa là một kết quả của một quá trình đấu tranh gian khổ và là quyền căn bản của con người. Việc sử dụng tự do thuộc về nhân quyền và không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Tuy nhiên, không hề có tự do tuyệt đối trên cõi đời này. Cũng chẳng ai có thể sử dụng quyền tự do của mình một cách vô trách nhiệm, bất chấp luật lệ, quy tắc đạo đức và quyền lợi của người khác. Quyền với tính cách là biểu hiện của tự do sẽ không thể có được nếu không có trách nhiệm với tính cách là biểu hiện của tất yếu. Cụ thể hơn, trong quan hệ xã hội, quyền của người này lại giả định trách nhiệm của người khác, quyền của cá nhân giả định trách nhiệm của xã hội, và ngược lại. Tương ứng với quyền của xã hội, tức là những đòi hỏi của xã hội đối với công dân, xã hội phải có trách nhiệm tạo ra các điều kiện tối ưu cho tự do và sự phát triển nhân cách con người. Hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là hoạt động của Nhà nước, chính là sự thực hiện trách nhiệm của xã hội. Hiệu quả của những hoạt động này là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển tự do và trách nhiệm cá nhân của con người. Ngược lại, theo Leopold, triết gia hiện đại người Mêhicô, tự do là một giá trị
chỉ có thể dùng để nói đến một cá nhân cụ thể. Nếu không nó sẽ trở thành một thứ trừu tượng, và cũng cần nhắc lại rằng, không có tự do trừu tượng. Và, nếu chỉ đòi hỏi trách nhiệm cá nhân thì xã hội sẽ thiếu tự do, dân chủ. Nếu chỉ đề cao trách nhiệm xã hội thì sẽ dung túng cho thói vô trách nhiệm của cá nhân, còn trách nhiệm xã hội cũng sẽ chỉ là một thứ trách nhiệm trừu tượng, không thể thực hiện được trên thực tế. Như vậy, tự do và trách nhiệm tuy khác biệt nhưng thống nhất và quy định lẫn nhau.
Để hoạt động và hành động có trách nhiệm, trước hết, con người phải được tự do. Thiếu tự do thì không có trách nhiệm chân chính. Chẳng hạn, người nô lệ làm việc dưới sự thống trị của chủ nô không phải người làm việc với tinh thần trách nhiệm. Bởi vì, họ không chỉ không có tự do, mà lao động của họ cũng là lao động cưỡng bức. Tự do được bắt đầu ở sự nhận thức được tính tất yếu. Trong trường hợp này, tính tất yếu biểu hiện ở những đòi hỏi và yêu cầu của xã hội đối với cá nhân. Mức độ của những đòi hỏi này tuỳ thuộc vào vị thế và khả năng của cá nhân trong những quan hệ cụ thể. Ví dụ, trách nhiệm trong việc dạy dỗ con cái là không như nhau đối với ông bà, cha mẹ, hay nhà trường. Tính cụ thể, tính xác định của trách nhiệm đòi hỏi con người phải lĩnh hội được những yêu cầu của xã hội đối với bản thân mình cũng cụ thể và xác định.
Việc nhận thức được tính tất yếu, việc tôn trọng lợi ích xã hội cùng mở rộng tự do cá nhân của con người. Tự do về mặt đạo đức không phải là xem nhẹ hoặc từ bỏ đạo đức tiến bộ, mà là sự phù hợp giữa các yêu cầu của đạo đức đó với các động cơ hành động bên trong của mỗi người. Một trình độ phát triển nào đó của tự do đạo đức do các điều kiện xã hội quy định, và có liên quan chặt chẽ với tự do kinh tế, tự do chính trị của con người. Còn trách nhiệm đạo đức không phải là cái gì khác hơn là tự do đạo đức trong hành động. Nó không chỉ đòi hỏi nhận thức được tất yếu và ra được các quyết định
sát đúng (tức là một cách tự do), mà còn thực hành được các quyết định đó để phục vụ lợi ích xã hội.
Trước đây cũng như hiện nay, các nhà triết học duy tâm cố tìm cách chứng minh rằng không thể coi lợi ích xã hội là cơ sở của trách nhiệm. Bởi vì, dường như trách nhiệm là trạng thái tâm lý bên trong và không do tính tất yếu quy định. Thí dụ, Kant cho rằng chỉ có hành động nào không dính dáng gì với bất kỳ một lợi ích nào mới có thể phù hợp với đạo đức. Nhưng liệu người ta có thể thực hiện được những hành động có ý thức nếu như mục tiêu của họ không gắn liền với các lợi ích cá nhân, giai cấp, dân tộc, xã hội đó? Vấn đề ở đây không phải ở chỗ các hành động con người gắn hay không gắn liền với các lợi ích của con người mà ở chỗ lợi ích đó là gì? - Xã hội tồn tại giai cấp đối kháng, thì việc nhận thức về trách nhiệm xã hội chưa thể trở thành nguyên tắc đạo đức của toàn xã hội vì vẫn còn tồn tại các giai cấp có lợi ích đối lập nhau.
Ngày nay, Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra trên quy mô toàn cầu đã và đang làm cho tự do và trách nhiệm của con người được nâng cao và phong phú hơn bao giờ hết. Khoa học và công nghệ đang phát triển một cách vượt bậc, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển tự do và trách nhiệm của con người. Cuộc cách mạng khoa hoc và công nghệ đang tạo ra những điều kiện, những đảm bảo ngày một tốt hơn cả về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần cho sự phát triển tự do và trách nhiệm của con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, với sự xuất hiện và ngày một gia tăng mức trầm trọng của những vấn đề toàn cầu thì tự do và trách nhiệm của con người cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Tính mạng của con người, tức là quyền sống cũng như các quyền tự do khác của con người, đang bị đe doạ bởi đại dịch AIDS, chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh khu vực, ô nhiễm môi trường...
Những vấn đề đó và hàng loạt những vấn đề khác nữa đang đòi hỏi phải có sự nâng cao trách nhiệm không chỉ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia, các dân tộc, mà còn của toàn nhân loại. Và, cũng chính trong việc nâng cao trách nhiệm nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu, tự do của mỗi người và của loài người được nâng lên một tầm cao mới.
Tóm lại, tự do và trách nhiệm là hai phương diện của một vấn đề. Không thể có trách nhiệm mà không được tự do trong lựa chọn giá trị và hoạt động, cũng như không thể có tự do thuần túy không liên quan gì đến trách nhiệm đối với người khác, đối với xã hội.