6. Bố cục luận văn
2.2.1. Hội làng
Hội đình Đại Mỗ tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng và 14 tháng Tám. Chín chi họ tổ chức hội thi kéo lửa bằng dang nứa và thổi xôi bằng ống nứa. Xôi đổ ra phải dẻo ngon, hạt nhộng, nắm xôi tròn như quả trứng. Hội làng thường kiệu ba vị Đại vương từ đình Mỗ về miếu Hàm Rồng bên dòng sông Nhuệ, lấy nước bài ban mộc dục. Ngày nay, phú quý sinh nhiều lễ nghĩa, nhưng người dân làng Đại Mỗ vẫn gìn giữ được những nét truyền thống từ xa xưa của lễ hội.
Hội làng Mỗ hiện nay thường được tổ chức vào 2 ngày, mỗi ngày sẽ có 2 thôn tổ chức rước lễ xuống đình. Thông thường, thôn Chợ và thôn Tháp rước cùng ngày; thôn Đình, thôn Ngang rước cùng ngày. Các thôn đều tự sửa soạn lễ vật cung tiến các vị Đại vương và Thành hoàng làng. Trung bình cứ hai năm một lần mới rước xuống miếu Hàm Rồng. Đó là những năm hội to, lễ vật lớn, thời gian rước cũng lâu và cầu kì hơn. Còn thường lệ, các thôn tổ chức rước lễ vật xuống đình. Lễ vật rất đa dạng, phong phú, bao gồm thủ lợn, gà, xôi, rượu, hoa quả, vàng bạc…Lễ được đặt trang trọng vào các mâm, được trang trí cẩn thận, bắt mắt, và được toàn thể dân chúng trong thôn đội trên đầu. Với những lễ to như thủ lợn thì được trai tráng khiêng trên kiệu. Các gia đình nhà nào ở trên mặt đường mà đoàn rước đi qua cũng tự chuẩn bị sẵn một mâm lễ cho riêng nhà mình, và thường đặt trên một chiếc bàn nhỏ ở trước cửa.
Thành phần tham gia lễ hội là đông đảo người dân trong làng, từ già đến trẻ, từ những người con ở xa cũng nhân dịp này về thăm quê hương. Dân chúng khi đi hội thường mặc những trang phục đẹp nhất, phụ nữ mặc áo dài, các cụ cao tuổi mặc áo the khăn xếp. Hàng ngũ các cụ thường có trang phục cầu kì nhất, được đi đầu đoàn rước, cầm cờ và là những người sẽ hành lễ trực
tiếp tại đình. Lễ vật và các tiết mục như múa lân, múa sư tử giữa các thôn cũng mang những nét sắc thái riêng biệt. Thôn Chợ bao giờ cũng là thôn có sự chuẩn bị trang trọng và cầu kì, đẹp mắt nhất. Thông thường các thôn khác chỉ có múa lân hoặc múa sư tử, nhưng thôn Chợ năm nào cũng có cả hai tiết mục. Sau khi đoàn rước vào đến đình, đôi múa sư tử sẽ đi trước, làm động tác mai phục trước cửa đình, sau đó tiến thẳng vào lư hương trước đình, quỳ sát đất và làm lễ bái. Dân chúng lúc này hết sức vui mừng, náo nhiệt, cổ vũ cho các nhân vật múa sư tử, múa lân thực hiện các động tác chào mừng toàn thể bà con. Đó như một màn ra mắt của mỗi thôn vậy. Sau màn “chào hỏi” và làm lễ của cặp sư tử, cặp lân, đoàn rước sẽ tiến vào bên trong đình đặt lễ. Lễ vật của các thôn rất nhiều, có thể để kín gian giữa của đình, có lẽ vì vậy mà làng phải chia lịch rước ra làm hai ngày. Ở gian trong cùng, các cụ lớn tuổi thường gọi là “cung” đặt ban thờ ba vị Đại vương. Gian trong đó, mỗi năm đều chọn bốn trai đinh trong làng, đại diện cho bốn thôn để vào đặt lễ. Những trai đinh này đều phải khỏe mạnh, chưa có vợ, phẩm chất đạo đức tốt thì mới được lựa chọn. Trong “cung” chỉ có bốn trai đinh được chọn đứng trong đó đón lễ để dâng lên ba vị Đại vương. Toàn thể dân chúng không được vào, kể cả các vị cao niên trong làng. Ai muốn đặt tiền vào ban để lễ đều phải đứng ngoài và nhờ những trai đinh đó chuyển vào giúp. Đây là qui định từ xưa và được dân làng từ đời này sang đời khác duy trì chặt chẽ, nghiêm túc. Ba vị Đại vương trong tâm thức của dân làng Đại Mỗ la ba vị thánh. Họ suy tôn và vô cùng ngưỡng vọng, tự hào về ba vị này.
Một số vị cao niên được đại diện cho dân làng vào hành lễ bên trong. Lễ gồm có việc dâng rượu và dâng nước, được thực hiện lặp đi lặp lại. Sau khi hành lễ xong, dân chúng sẽ ở lại thụ lộc và tham gia một số trò chơi. Những năm hội to còn có ăn mặn.
Xưa kia hội làng Mỗ nổi tiếng với màn thi kéo lửa thổi xôi, nhưng hiện nay không phải dịp lễ hội nào cũng có phần thi này. Phần hội thường là thi bắt vịt, bắt lợn hoặc một số trò chơi khác do thanh niên tự tổ chức. Lễ hội cũng là dịp để dân làng được giao lưu gặp gỡ lẫn nhau, tại sân đình nhiều hoạt động được diễn ra. Như triển lãm thơ của hội thơ của xã, của thôn, các chương trình ca nhạc chào mừng…Đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Đại Mỗ khá phong phú, tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa. Đại Mỗ vẫn lưu truyền những câu ca dao ca ngợi quê hương :
“ Hỡi cô thắt dải lưng xanh Có về Đại Mỗ với anh thì về Quê anh có ruộng bốn bề Có sông tắm mát, có nghề cửi canh”
“ Quay tơ thì giữ mối tơ Quay năm ba mối để chờ mối anh
Quay tơ ra mặc ra mành
Mặc thời làm dọc, manh thời dệt ngang Mốt son thời dệt đầu hàng
Mốt cục đem bán cho nàng Đơ Thao”
2.2.2. Văn hóa ứng xử của ngƣời dân làng Đại Mỗ
2.2.2.1. Văn hóa ứng xử giữa người dân với nhau
Qua việc khảo sát hương ước của làng, Đại Mỗ có truyền thống cố kết cao. Hầu như những việc công của cả làng đều có sự phân công và cả làng cùng có trách nhiệm. Đối với những việc hiếu , hỷ riêng của từng gia đình dân làng cũng tham gia giúp đỡ nhiệt tình.
Điều thứ 8 trong Hương ước qui định riêng về việc ứng cứu trộm cướp, nếu gia đình nào có trộm cướp thì những người có trách nhiệm như lý dịch, trương tuần và thanh niên trai tráng phải hết sức ứng cứu, nếu ai bắt được
trộm thì được làng thưởng. Điều thứ 12 qui định việc đắp đê làm cầu cống được phân đều cho các giáp làm. Điều 13 qui định việc cứu hỏa, nếu nhà ai có hỏa hoạn thì tất cả những người xung quanh phải có trách nhiệm ứng cứu, nếu ai biết mà không cứu sẽ bị phạt.
Ngày nay, đời sống kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi nên sự gắn bó giữa những hộ gia đình trong làng không còn được như xưa. Đối với những gia đình ở trong ngõ, xóm thì sự gắn kết vẫn có nhưng ở mức tương đối; còn những gia đình ở ven đường quốc lộ thì sự gắn kết đã trở nên lỏng lẻo. Mỗi gia đình đều kinh doanh dịch vụ và làm kinh tế, cuộc sống không có nhiều sự liên hệ với nhau.
2.2.2.2. Văn hóa ứng xử trong gia đình
Hương ước xưa của làng có ghi rõ mục riêng qui định về phép ứng xử trong gia đình. Điều 24 phần Chính trị qui định về việc hiếu thuận, mọi người trong làng phải sống hiếu thuận với cha mẹ, hòa thuận với anh em, kính trọng các bậc trưởng tộc trong họ hàng. Người phụ nữ phải lễ phép với chồng, không được cãi chồng. Nếu vi phạm những điều trên sẽ bị trình hương ý, đưa ra hội đồng làng xét xử, có thể phải chịu phạt tiền. Như vậy có thể thấy từ xưa dân làng Đại Mỗ đã có truyền thống tôn trọng kỉ cương nề nếp gia phong, đề cao vai trò của nam giới trong gia đình, đề cao sự hiếu thảo, hòa thuận.Người dân vẫn thường dạy con cháu mình rằng trong làng nếu ai cư xử không ra gì, bất hiếu với cha mẹ mình thì ra ngoài xã hội khó lòng tử tế được với người khác, thường thì những người đó mai sau có gia đình cũng dễ gặp báo ứng. Anh chị em trong gia đình phải lấy tình thân ái mà yêu thương đùm bọc nhau. Trong gia đình, người anh cả có quyền thay mặt cha sau khi cha qua đời, chịu trách nhiệm bảo ban dạy dỗ, dìu dắt các em, lo giỗ tết trong gia đình. Suy rộng ra cả dòng họ thì người đứng đầu là trưởng họ, sau khi trưởng họ qua đời thì con trai lớn sẽ tiếp tục làm trưởng họ thay cha. Trưởng họ ngày xưa
thường có nhiều ràng buộc về phần trách nhiệm, nhưng ngày nay vai trò của trưởng họ không mang tính quyết định hoàn toàn. Những công việc chung của cả họ sẽ được đưa ra bàn bạc, dân chủ, minh bạch để mọi người cùng cho ý kiến quyết định. Mỗi năm, gia đình trưởng họ sẽ tổ chức họp mặt các gia đình trong họ để làm giỗ chung. Xưa thì trưởng họ phải đứng ra làm, nhưng nay giỗ chạp đều có sự đóng góp của các gia đình trong họ.
Theo kết quả điều tra thì trên địa bàn làng có 96% số dòng họ tổ chức họp mặt thường xuyên, và chỉ có 4% dòng họ không tổ chức họp mặt. Trong đó, sự tham gia đóng góp của các gia đình thành viên của dòng họ cũng đa dạng, tùy theo qui định của từng dòng họ. Có 68% số dòng họ qui định đóng theo suất, còn lại 32% là đóng tự nguyện.
2.2.2.3. Văn hóa ứng xử với người nhập cư
Từ xưa trong hương ước của làng đã có một mục riêng nói về những người ký cư, ngụ cư. Thời đó, những người đến làng sinh sống mà muốn được ngụ ở làng hoặc lấy vợ làng thì phải “là người lương thiện mới cho ở, nếu xét ra là người bất hảo thì sẽ trục xuất”; những người đã ở làng lâu và là người lương thiện, không mắc tội hay làm gì phạm pháp mà muốn xin nhập vào phe giáp thì phải sửa một cái lễ khá lớn, rồi phải được hương lý xét “hạnh kiểm, căn cước thì mới cho vào làng”. Nhà nào ngụ ở làng qua ba đời con cháu thì mới được xét cho dự vào ngôi đại hạ ở đình, còn các vị trí khác thì không được. Những qui định trên cho thấy, người dân Đại Mỗ từ xưa đã rất chú trọng đến thành phần dân nhập cư, ngụ cư. Điều kiện tiên quyết để được ở lại làng sinh sống làm ăn là phải có phẩm chất đạo đức tốt. Vì người làng Đại Mỗ vốn là những người dân làm nông hiền lành, chất phác, ít người rời làng đi nơi khác thoát ly. Dân làng khá thuần nhất, nên họ không muốn có sự xáo trộn nào. Ngay cả thời hiện tại, dân làng vẫn có cái nhìn không thiện cảm đối với những người nhập cư mà phẩm chất đạo đức không đàng hoàng.
Ngày nay, số lượng nhân nhập cư ở làng đã gia tăng đáng kể. Thành phần dân nhập cư đa dạng. Phần lớn là những người ở địa phương khác đến mua đất cư trú, phần còn lại là người lao động thuê nhà ở theo thời vụ. Người dân nhập cư được tham gia vào các hoạt động chung của làng, tham gia sinh hoạt các đoàn hội tập thể, được dân làng đón nhận, hòa nhập, ít có sự phân biệt. Vào dịp lễ hội, những người dân nhập cư của bốn xóm cùng tham gia đội lễ, rước lễ với dân làng. Làng Đại Mỗ cũng như mọi làng quê khác, đang bước vào xây dựng nông thôn mới trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ, vì vậy, làng bây giờ có tính mở nhiều hơn.
2.2.3. Phong tục tập quán
2.2.3.1.Lễ tục
Lễ tiết chung của làng
Trong Hương ước năm 1936 có 34 Điều phong tục là những qui định về phong tục tập quán chung của cả làng một cách chi tiết. Trong đó hầu như là qui định trong các ngày lễ tết: từ việc lễ giao thừa, tế xuân, lễ các ngày Tết, các tháng trong năm cho đến việc tế đình, lễ xuống đồng mạ, lễ thượng điền, lễ tế thu…
Những phong tục này là truyền thống từ xa xưa của dân làng. Các tục tế lễ trong năm khá cầu kì. Trong hương ước qui định lịch tế tự như sau: ngày mồng 10 tháng Giêng làm lễ vào đám tế thần tại đình, đến ngày 15 tháng 2 vào đám tại từ đường ba vị đại vương. Năm nào được mùa làm lễ vào đám 5 ngày, mỗi ngày mổ 2 con lợn, mỗi con có giá tiền khoảng 4 đồng bạc; xôi 4 mâm, mỗi mâm giá khoảng 5 hào bạc; 10 vò rượu giá khoảng 2 đồng 5 hào bạc; trầu cau vàng mã giá khoảng 5 hào bạc. Mỗi ngày sắm lễ tổng cộng là 13 đồng bạc. Năm nào mất mùa thì vào đám 3 ngày, mua sắm lễ vật giống như trên. Sau khi làm lễ xong đem kính biếu các nơi đầy đủ, còn lại bao nhiêu tất cả dân làng cùng uống rượu.
Một năm trong làng có rất nhiều dịp lễ, theo như thống kê trong Hương ước làng thì có 11 điều qui định về 11 dịp lễ trong năm. Đó là : lễ Giao Thừa, lễ Kỳ Yên, lễ Xuống đồng mạ, lễ Thượng điền, lễ Tống hoàng trùng, lễ Đảo vũ, lễ Tế thu, lễ Sửa xôi mới, lễ Giao đồ, lễ Tất niên, lễ Sóc vọng. Mỗi dịp lễ trong hương ước đều có qui định rõ số lễ vật, ngày giờ và số người tham gia. Chẳng hạn, vào dịp lễ Sửa xôi mới, Hương ước nói rõ, nhiệm vụ sửa lễ là của Lý trưởng và Giáp trưởng, người dân không phải đóng góp gì, ruộng cho 10 người giáp trưởng 20 mẫu, Lý trưởng 8 sào, cày cấy, cứ đến vụ lúa chín thì làm lễ xôi mới, Giáp trưởng mua 2 con lợn, 200 quả chuối tiêu, 1000 vàng tốt, 100 khẩu giầu, 10 lít rượu…Lý trưởng phải làm 70 đấu cân gạo nếp mới giao Giáp trưởng và lềnh 8 giáp thổi ra, in oản, giờ Ngọ hôm ấy đệ lễ thần và tế vua Tiên Nông…Đồ để tế lễ trong các dịp không thể thiếu gà, xôi, thịt lợn, vàng mã, rượu và chuối. Còn lại tùy qui mô của từng dịp lễ mà số lượng lễ vật thay đổi.
Ngày nay, ở làng chỉ còn duy trì một số dịp lễ chứ không còn tất cả các dịp lễ như trong hương ước qui định. Vì dân làng hiện nay đã gần như không còn làm nông nghiệp nên họ không để ý đến những lễ liên quan đến nông nghiệp nữa. Ví dụ như lễ Xuống đồng mạ, lễ Thượng điền, lễ Xôi mới, lễ Đảo vũ…Những lễ được duy trì như lễ Tất niên, lễ Giao thừa thì đã được giản tiện đi rất nhiều. Trước kia, Hương ước qui định, lễ Tất niên ngày 28 tháng Chạp là các Giáp trưởng phải sửa lễ xuống đình (4 con gà, 40 khẩu giầu, 4 trăm vàng, 40 phẩm oản, 40 quả chuối…), ngày này tất cả chức sắc trong làng phải có mặt đầy đủ ở đình để lau chùi đồ thờ, quét dọn đình, mắc cờ quạt…Ngày nay, việc cúng lễ Tất niên chỉ diễn ra trong các hộ gia đình, việc tế tự ở đình được giao riêng cho một cụ cao tuổi trong làng phụ trách, quản lý. Người dân có thể mang lễ tùy tâm xuống đình để lễ Giao thừa.
Điều 32 trong Hương ước làng qui định về việc cưới cheo như sau: trước kia việc cưới xin nặng nề quá mức dẫn đến những lãng phí không đáng có, nay qui định nhà nào giàu có từ 3 mẫu trở lên chỉ được thách cưới 100 tiền Đông Dương, gần tới 3 mẫu mà cả 2 hộ cùng nghèo thì chỉ được thách 50 tiền Đông Dương. Nếu gả chồng làng thì nộp cheo 2,50 tiền Đông Dương, thiên hạ nộp 5,00 tiền Đông Dương, phải nộp thủ quĩ trước ngày cưới, cưới xong phải đến hộ lại vào sổ giá thú.
Thông thường lễ cưới diễn ra theo đúng trình tự bao gồm đủ 6 lễ : nạp thái (chạm ngõ), vấn danh (ăn hỏi), nạp cát (bói được quẻ tốt), thỉnh kỳ (định ngày), nạp tệ (đưa lễ cưới) và thân nghinh (đón dâu).
Lễ nạp thái được diễn ra sau khi đôi bên trai gái đã được thỏa thuận việc cưới gả. Muốn chạm ngõ phải chọn được ngày tốt, sau đó nhà trai sắm một lễ để cúng tổ tiên báo cáo việc trọng đại với chàng trai. Rồi sửa lễ sang nhà gái, bao gồm cơi trầu têm cánh phượng, rượu và một vài thứ bánh. Nhà nào giàu có điều kiện thì sửa đầy đủ xôi, gà, mứt sen. Lễ chạm ngọ là đính ước ban đầu