Huyện Thủy Nguyên là một huyện lớn nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, có 2 thị trấn lớn với 34 xã trong đó có 6 xã miền núi với diện tích là 242,7 km2, dân số gồm: 308.500 người phân bố không đồng đều ở các xã và thị trấn, là cửa ngõ phía bắc của thành phố Hải Phòng, phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, tây giáp huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương, nam giáp huyện An Hải và nội thành, phía đông nam là cửa biển Nam Triệu. Địa hình Thuỷ Nguyên khá đa dạng, dốc từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam, vừa có núi đất, núi đá vôi, vừa có đồng bằng và hệ thống sông hồ dày đặc. Đây chính là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để huyện Thuỷ Nguyên phát triển một nền kinh tế đa dạng về ngành nghề bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thuỷ sản và du lịch.
Tận dụng tối đa các thế mạnh của một vùng đất giàu tiềm năng kinh tế, đa dạng về ngành nghề, chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá bước đầu đã thu được những kết quả tốt đẹp. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Thuỷ Nguyên được cải thiện rõ rệt nhờ các biện pháp chăm lo đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển văn hoá giáo dục.
Trong đó, lĩnh vực văn hoá - xã hội của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện phương châm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, hàng năm, tỷ lệ HS đến lớp ở các bậc học đạt cao. Năm 2001, huyện đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2001 -
2002, toàn huyện có 245 HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi thành phố, trong đó có 13 giải nhất, 54 giải nhì, 71 giải ba. Để đạt được những kết quả trên, đội ngũ GV các cấp trong huyện luôn được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tính đến nay, toàn huyện có 95% GV có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên, tỷ lệ GV giỏi các cấp đạt trên 30%.
Huyện phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp xây dựng 45,1%, dịch vụ 31%, nông nghiệp giảm còn 23,8 % vào năm 2010, chú trọng phát triển sản xuất gắn với nâng cao đời sống nhân dân, giữ gìn môi trường bền vững, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Thủy Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử truyền thống, đấu tranh cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Chính những đặc điểm kinh tế xã hội ấy đã có những tác động thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho giáo dục.
Thuận lợi:
Môi trường giáo dục thuần nhất, nhịp sống khẩn trương, náo nhiệt của nên kinh tế thị trường, chưa thâm nhập sâu và tác động đến nhà trường. Truyền thống cần cù chịu khó của người nông dân tác động không nhỏ đến quá trình học tập của HS. GV có điều kiện tiếp xúc gần gũi đồng cảm với điều kiện hoàn cảnh HS phần nào tăng thêm tình thương yêu tận tụy với nghề nghiệp, đó cũng là yếu tố cơ bản giúp cho các trường THPT Huyện Thủy Nguyên nhiều năm qua giữ vững sự ổn định, nâng cao chất lượng DH và phát triển trong những năm gần đây.
Khó khăn:
Mức độ thu nhập của nhân dân trong toàn huyện thấp, dân số phân bố không đồng đều, trình độ dân trí chưa cao. Việc huy động cộng đồng tham gia vào công tác giáo dục còn nhiều hạn chế. Đầu tư cho học tập chưa cao. Một bộ phận nhân dân còn ỷ lại, khoán trắng cho nhà trường, chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em. Do huyện đang chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các thành phần kinh tế bao gồm: nông nghiệp, công nghiệp, dịch
vụ, đặc biệt công nghệ đóng tàu (khu công nghiệp đóng tàu Nam Triệu) đã thu hút rất nhiều lao động. Chính vì vậy việc thu hút HS vào học ở các trường THPT gặp rất nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa giáo dục cũng gặp không ít khó khăn.
Cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng được yêu cầu cho việc dạy và học. Thiết bị DH phần nhiều còn lạc hậu, thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng.
GV ở khối THPT Huyện Thủy Nguyên nhìn chung là đủ tuy vậy một số môn đặc thù vẫn còn thiếu. Về chất lượng: Còn một bộ phận GV chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo yêu cầu của đổi mới chương trình GD&ĐT hiện nay.
Cơ chế chính sách xã hội, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn bất cập so với yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Khoảng cách kinh tế giữa các khu vực thị xã - nông thôn - miền núi còn cách biệt nhiều, kéo theo sự phát triển giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng miền trong huyện.
Huyện Thủy Nguyên có 9 trường THPT Tổng số HS là: 14168 HS
Do thời gian có hạn nên đề tài tập trung nghiên cứu khảo sát ba trường THPT của huyện Thủy Nguyên. Ba trường đại diện cho ba vùng địa lý: vùng nông thôn miền núi, vùng ven đô và vùng thuộc khu công nghiệp có thành phần kinh tế phát triển hơn. Cụ thể là:
+ Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt + Trường trung học phổ thông Thuỷ Sơn
+ Trường trung học phổ thông Quang Trung. với tổng số: 5139 HS.