Nghệ thuật dùng chi tiết

Một phần của tài liệu Truyện ngắn về đề tài dân tộc miền núi phía Bắc (Qua các tác phẩm của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Huy Thiệt (Trang 72)

3. 1 Kết cấu

3.1.1-Nghệ thuật dùng chi tiết

Khác với truyện dài (tiểu thuyết), trong truyện ngắn, do đặc thù của thể loại, thường thường người viết không thể lan man, dàn trải những quan sát, suy ngẫm trong miêu tả tình huống, khắc hoạ tính cách mà phải hết sức cô đọng, càng cô đọng càng dễ xử lý tình huống. Ở những người viết truyện ngắn có nghề, mà ngày nay quen gọi là chuyên nghiệp, người đọc thường thấy việc chọn lọc chi tiết trong sáng tác của họ rất đắt, chữ dùng rất chuẩn. Bằng những chi tiết nghệ thuật tác giả đã làm nổi bật lên những tình huống nảy sinh mâu thuẫn để bộc lộ tính cách và để phù hợp với nội dung tác phẩm, các tác giả đã đặt nhân vật vào từng dạng quan hệ như: Quan hệ tương phản, quan hệ chính phụ, quan hệ bổ sung.

Trong quá trình xây dựng nên các mối quan hệ giữa các nhân vật của truyện, việc các tác giả sử dụng các chi tiết, tình tiết bổ sung, đan xen, hỗ trợ cho nhau khá linh hoạt tạo nên các tuyến nhân vật trong tác phẩm. Nhà văn Cao Duy Sơn từng tâm sự rằng: Muốn viết về đề tài miền núi thì phải bắt đầu từ sự hiểu biết, hay nói cách khác là “thuộc” văn hoá. Sở dĩ các nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Trung Trung Đỉnh thành công ở mảng đề tài miền núi là do họ nắm được vốn văn hoá các dân tộc thiểu số mà họ định hướng ngòi bút đến. Đơn cử một ví dụ, người Tày chúng tôi chỉ có một từ “ăn”. Uống nước cũng gọi là “ăn nước”, uống rượu gọi là “ăn rượu”... nhưng đó là cuộc sống, còn khi thể hiện vào văn học, thì người dân tộc thiểu số đòi hỏi một sự bình đẳng về ngôn ngữ thể hiện văn hoá của họ được tôn trọng. Trong cuộc sống, người ta có thể nói “ cái mày, cái tao”... là do vốn tiếng Kinh của họ quá ít để có thể diễn đạt sự giao tiếp, nhưng nếu nhà văn coi đó là “văn hoá của người dân tộc” để đưa những “cái mày, cái tao” vào sáng tác... thì lại là một sự miệt thị. Với những người

hiểu sâu về văn hoá các dân tộc, họ sẽ biết cách “mã hoá” ngôn ngữ giao tiếp trong cuộc sống của người dân tộc thành ngôn ngữ hiện nay của văn chương- đó mới chính là bản chất sâu thẳm mà rất ít người hiện nay làm được. Bản thân tôi, một người con của miền núi, vậy mà cũng chỉ dám nhận là đang trong quá trình tích luỹ, khám phá để “mã hoá” những vỉa tầng văn hoá nguyên bản, hồn nhiên của người dân tộc đưa vào những trang văn.

Bằng những chi tiết sinh động, hấp dẫn, các nhà văn còn tạo ra nhiều dạng kết cấu linh hoạt như kết cấu tự do, kết cấu mở, kết cấu tâm trạng và kết cấu mang tính chất kịch. Kết cấu là một phương diện cơ bản của sáng tạo nghệ thuật, đảm nhận vai trò tổ chức các thành tố: quan niệm, không - thời gian, điểm nhìn trần thuật, lời văn..., do vậy kết cấu bao giờ cũng gắn liền ý nghĩa nội dung và hình thức biểu hiện của tác phẩm. Chính vì thế khái niệm kết cấu luôn được đề cập trong hầu hết các công trình nghiên cứu văn học gần đây. Kết cấu có hai cấp độ, kết cấu hình tượng và kết cấu văn bản, do phạm vi và khuôn khổ bài viết chúng tôi xin phép chỉ đi sâu vào kết cấu bề mặt văn bản, tức là tìm hiểu sự tổ chức ở bình diện trần thuật sao cho văn bản ngôn từ đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Trong số những truyện ngắn của 3 tác giả mà chúng tôi nghiên cứu thì có tới hơn 90% truyện viết về đề tài xã hội, đời tư đương đại. Con số này rất có ý nghĩa đối với chúng tôi khi đi sâu vào thế giới nghệ thuật bên trong của tác phẩm, bởi như một quy luật, đề tài luôn chi phối cách viết, anh viết về cuộc sống này thì cần phải có những hình thức kia tương ứng phù hợp. Một số hình thức kết cấu cơ bản mà chúng tôi gặp là: kết cấu theo trình tự thời gian, kết cấu đa tuyến, kết cấu tâm lý, kết cấu đảo trật tự thời gian, kết cấu truyện lồng trong truyện và kết cấu dưới hình thức thư từ , nhật ký, giấc mơ

Một phần của tài liệu Truyện ngắn về đề tài dân tộc miền núi phía Bắc (Qua các tác phẩm của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Huy Thiệt (Trang 72)