Bức tranh về môi trường sống

Một phần của tài liệu Truyện ngắn về đề tài dân tộc miền núi phía Bắc (Qua các tác phẩm của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Huy Thiệt (Trang 63)

2. 1 Thế giới thiên nhiên

2.3.2Bức tranh về môi trường sống

Đề tài miền núi đã xuyên suốt trong tất cả các sáng tác của hai nhà văn Cao Duy Sơn và Đỗ Bích Thúy. Nhà văn Đỗ Bích Thúy đã lý giải điều đó: “Sở dĩ tôi không ngừng viết về miền núi vì đó là mảnh đất của tôi, mỗi khi viết về nó, đắm chìm trong thế giới ấy, tôi lại như người đi xa được trở về nhà, nhìn thấy đàn gà khi mình đi thì mới nở, và khi mình về thì chúng đã trở thành những chú gà trống sặc sỡ. Cái tâm trạng ấy, nói thực lòng, tôi chưa bao giờ cảm thấy khi viết về một đề tài khác, mảnh đất khác. Điều này một phần được chứng thực từ người đọc, họ cũng nói rằng, khi tôi viết về miền núi, tôi chính là mình...” [11].

Còn với nhà văn Cao Duy Sơn là một người con của dân tộc Tày ở Cô Sầu, Trùng Khánh, Cao Bằng. Có lẽ, xuất thân của một người con sau bao năm xa cách đã làm nên một Cao Duy Sơn thành thực và đầy tình cảm: “Điều đó là lẽ đương nhiên, bởi với tôi viết văn giống như một cuộc viễn du về cội nguồn,cuộc viễn du về xứ sở mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành...”.Cao Duy Sơn sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cô Sầu (Cao Bằng), cha là người Kinh, mẹ là người Tày. Mọi ấn tượng, kỷ niệm, ký ức của ông đều gắn bó với mảnh đất này và cứ đầy lên mãi, tự một lúc nào đó thì "bung" ra. Tiểu thuyết, truyện dài, ngắn của ông đều bắt nguồn từ nơi ấy, nhưng tất nhiên không gian mỗi truyện mở rộng khác nhau. Bên cạnh đó, thiết nghĩ mỗi người sáng tác đều có đất của mình

Đỗ Bích Thúy có khả năng viết truyện về cảnh sinh hoạt truyền thống của người miền cao một cách tài tình. Không truyện nào là không kể về cách sống, lối sinh hoạt, nết ăn nết ở và cả cảnh sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán. Truyện nào cũng hay cũng mới, cũng lạ mặc dù tác giả không hề cố ý đưa vào những chi tiết lạ. Thế mà đọc đến đâu ta cũng sững sờ và bị chinh phục bởi những chi tiết rất đặc sắc chỉ người miền cao mới có. Con bìm bịp uống rượu cùng lão già say thuốc phiện. Đêm nào hai "nhân vật" ấy cũng cùng uống cùng hút và cùng say... Chàng trai si tình đêm đêm ngồi trên phiến đá gần nhà cô gái đợi trăng lên. Trăng lên cùng với tiếng khèn lá, một đêm, hai đêm, ba bốn năm đêm, bảy đêm...chín đếm. Lá chất lên đầy phiến đá mà người tình vẫn không ra khỏi nhà... Thú thực đọc xong tôi cứ ngẩn ngơ vì sự tinh tế và vẻ đẹp "hoành tráng" của đêm miền cao, của cái sự yêu đương gian truân mà quyến rũ, của sự vật mình sinh nở của thiên nhiên, của tình yêu thiên nhiên, tình cảm sâu nặng đầy huyền hoặc của những con người bình dị. Dường như họ chính là hiện thân của thiên nhiên. Thiên nhiên và con người hoà quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp thần kỳ. Đỗ Bích Thúy viết về mình, về chính cái sự trở về của mình. "Nửa đêm. Tôi giật mình tỉnh dậy mới biết là mình mơ. Tôi cảm thấy có ai đó mơn man những ngón tay mềm lên mặt mình. Ra là ánh trăng. Trăng cuối tháng lên muộn, mới đang chỉ lấp ló trên đỉnh Thúng Khiếu, lọt những tia sáng ngả xanh trên vách nứa. Gió vẫn rít lên khe khẽ, trăng càng sáng thì trời càng thêm lạnh. Mùi thuốc nam còn tươi bà tôi đem phơi sương bay vào dễ chịu….Giữa sân, bếp lửa vẫn còn ấm sực nhờ hai gộc củi chụm vào nhau đang ngun ngún cháy không thành ngọn. Trong gia đình người Tày lửa không bao giờ được tắt. Khi nào bếp không có lửa ắt là điềm gở. Người già chọn con dâu, chỉ cần nhìn cách chụm lửa, cách đun bếp là đủ biết có khéo có đảm hay không"...

Rồi:

“… Ở rừng, mùa mưa thường đến sớm. Trên này mưa chán chê rồi mà dưới xuôi có khi vẫn còn khô hạn. Trước mùa mưa, cua bò lổm ngổm từ suối

lên, sáng ra thấy cua bậu kín cả chân cầu thang, ấy là lúc ngô lúa, đậu lạc phải mau mau mang về. Biết vậy mà hầu như năm nào cũng có những thửa ruộng chưa kịp thu hoạch chỉ vì con lũ tràn về nhanh quá… [62, tr.76]. Những đoạn văn hay như thế, giản dị như thế tràn ngập trong tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy.

Ðời sống vùng cao trong những chuyển đổi trước tác động của cuộc sống thành thị thời hiện đại cùng nền kinh tế thị trường với cả mặt tích cực và tiêu cực đã ít nhiều được phản ánh trong truyện ngắn của Ðỗ Bích Thúy. Những chàng trai, cô gái miền xuôi lên "cắm bản" dạy chữ cho đồng bào. Phong trào xây dựng bản làng văn hóa mới. Ðiện về, thị trấn mới hình thành, hàng quán và cả những tệ nạn... Tất cả đã hiện hình, tác động lên nếp sống, nếp nghĩ trầm tĩnh bao đời của con người vùng cao. “Thị trấn”, “Ngoài cửa trời chưa sáng”, “Mặt trời lên quả còn rơi xuống”, “Con dê bốn mắt”... là những truyện miêu tả khá sinh động về những chuyển đổi đó. Và nổi bật lên trong mỗi hoàn cảnh, ở những môi trường sống nhiều thử thách khác nhau là hình ảnh những con người luôn khát khao tình yêu, khát khao được sống, lao động, đóng góp sức mình xây dựng, gìn giữ vẻ đẹp, sự bình yên của mảnh đất quê hương. Nhất là những người trẻ tuổi như cô giáo miền xuôi trong “Vết chân ngựa trên đường mòn”, anh bí thư đoàn xã tích cực, nhiệt tình với phong trào trong “Mặt trời lên, quả còn rơi xuống”...

Những trang viết của Ðỗ Bích Thúy luôn mang đậm hơi thở cuộc sống vùng cao từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp nghĩ suy của con người qua giọng văn bình dị đầy sức lôi cuốn, đặc biệt ở cách sử dụng ngôn ngữ ví von, so sánh giàu biểu tượng - một đặc trưng trong tư duy người dân tộc thiểu số: "Con gái à, làm dâu mà không làm mẹ thì chỉ là cái cục đá kê chân cột nhà chồng thôi. Ở hai mươi năm, ba mươi năm, ở đến lúc chết cũng chỉ là cục đá kê cột thôi" (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá), "Cái đầu ngu thế, ăn bao nhiêu mèn mén, bao nhiêu muối mà vẫn ngu. Vợ mình tự mình mang về, tự mình lấy mất đời con gái người ta như vùi củ sắn vào bếp, giờ bỏ mặc người ta mà nghĩ đến người khác

được à?" (Mặt trời lên, quả còn rơi xuống)... Mảnh đất Hà Giang với núi rừng, làng bản hùng vĩ nên thơ; những chàng trai, cô gái nụ cười hồng như hoa lê, hoa đào trong phiên chợ rộn ràng; những đêm trăng nồng nàn hò hẹn có tiếng đàn môi réo rắt gọi mời; cả những cố gắng, khát vọng của con người muốn nâng niu, gìn giữ vẻ đẹp quê hương, gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Tất cả đi vào trong những trang viết của Ðỗ Bích Thúy hồn nhiên, gợi cảm. Nó tạo nên sức sống, nét hấp dẫn riêng không thể trộn lẫn nơi ngòi bút chị. "Ngôi nhà nằm chênh vênh trên cao kia. Già nua cũ kỹ và nhỏ nhoi. Khi nào nhớ về mẹ, tôi cũng hình dung thấy ngôi nhà với chín bậc cầu thang, nơi chân tôi run rẩy, chập chững đi ra cuộc đời và từ cuộc đời đầy giông bão trở về". Ðỗ Bích Thúy đã viết những dòng chân thật, cảm động đó trong “Ngải đắng ở trên núi”. Chính sức nặng của tình yêu thương và những kỷ niệm thiết tha về quê hương đã giúp chị ngày càng trưởng thành trong cuộc sống và cả trên trang viết của mình.

Ba tác giả truyện ngắn đã khám phá, phản ánh về cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao Đông Bắc, Tây Bắc (Mông, Dao, Tày, Thái, Mường...) ở nhiều bình diện, từ nét đẹp văn hóa tinh thần đến các sinh hoạt vật chất tiêu biểu cho bản sắc của từng dân tộc và cũng mang những nét chung của cộng đồng các dân tộc vùng cao phía Bắc như: thói quen làm nương rẫy, ở nhà sàn, săn bắt hái lượm, dùng ngựa làm phương tiện đi lại... Đúng như lời nhận xét của nhà văn Hữu Thỉnh khi đánh giá về tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn: “Tập truyện đem đến cho người đọc mảng sống đậm đặc, tươi ròng về những con người miền núi, vừa cổ kính vừa hiện đại, mộc mạc, chân chất và không đánh mất mình trong những hoàn cảnh éo le, đau đớn. Với bút pháp không tô vẽ màu mè, Cao Duy Sơn đã dựng lên một loạt chân dung với đường nét riêng biệt, nhưng rất đỗi hồn nhiên, dung dị, độc đáo”.

Những nét chấm phá độc đáo của các truyện ngắn về không gian sống trong căn nhà của đồng bào các dân tộc với bếp lửa, gian thờ, vị trí các đồ vật, các loại dụng cụ lao động, thói quen sinh hoạt trong gia đình...

Các truyện ngắn đương đại của ba tác giả này còn phản ánh quá trình “hiện đại hóa” cuộc sống đồng bào các dân tộc, những sự thay đổi cả theo chiều hướng tích cực và tiêu cực tại các bản làng vùng cao, thông qua đó các tác giả muốn gửi gắm những thông điệp về sự gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong cuộc sống hôm nay.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn về đề tài dân tộc miền núi phía Bắc (Qua các tác phẩm của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Huy Thiệt (Trang 63)