Nguồn cung cấp ODA chủ yếu

Một phần của tài liệu Viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cho các nước Đông Nam Á từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 36)

ODA được cung cấp theo 2 dạng song phương và đa phương.

Theo chỉ tiêu mà Liên Hợp Quốc đưa ra, hàng năm, các nước phát triển phải đóng góp phần ODA bằng 0,7% GNP kể từ năm 2000. Tuy nhiên, trên thực tế, mức đóng góp này thấp hơn chỉ tiêu của Liên Hợp Quốc rất nhiều.

a. Các đối tác cung cấp ODA song phương tập trung chủ yếu vào một số nước sau

- Các thành viên của Uỷ ban Viện trợ phát triển (DAC).

Các nước DAC chiếm tỷ trọng chủ yếu trong việc cung cấp ODA cho thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), ODA của các nước DAC ngày càng tăng, trong đó, Nhật Bản và Mỹ là hai nước cung cấp ODA chủ yếu, cũng là lớn nhất thế giới. Năm 1989, lần đầu tiên Nhật Bản đã vượt Mỹ, đứng đầu thế giới về cung cấp ODA với khối lượng gần 10 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ ODA/GNP của Nhật Bản cũng chỉ đạt hơn 0,3% GNP [37, 112].

Tuỳ theo từng nước mà cơ cấu viện trợ có khác nhau. Trong những năm gần đây, viện trợ đa phương của DAC chiếm khoảng 28%. Từ năm 1970 đến nay, địa bàn phân phối ODA của các nước DAC có những thay đổi cơ bản. Trước đó, ODA tập trung vào Châu Á (48%), nay đang chuyển sang Châu Phi.

Trong khu vực Châu Á, ODA của DAC tập trung vào các nước Nam Á và Đông Nam Á .

- Các nước OPEC: do tiềm lực kinh tế mạnh nên ODA của các nước OPEC đều đạt chỉ tiêu 0,7% GNP do Liên Hợp Quốc đề ra, có những năm đạt 1%. Trong số các nước OPEC, A rập-Xê út và Kuwait là hai nước cung cấp ODA chủ yếu, chiếm tới 92% toàn bộ khối lượng ODA của OPEC dành cho các nước đang phát triển (1987) [37, 113].

- Liên Xô (cũ) và Đông Âu: Những số liệu về ODA thường không được các nước Đông Âu nói riêng và các nước xã hội chủ nghĩa nói chung công bố. Do vậy, người ta không có những số liệu chính xác về ODA của những nước này. Trong các nước Đông Âu, Liên Xô là nước cung cấp phần ODA lớn nhất (năm 1986 chiếm 89%). Số còn lại tập trung vào các nước Bungari, Tiệp Khắc và CHDC Đức. Viện trợ của các nước này thường được mang danh nghĩa là của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Hầu hết viện trợ của các nước này là song phương, chỉ có 1% qua con đường đa phương. 78% viện trợ song phương dành cho các nước Cuba, Mông Cổ, Việt Nam. Số còn lại tập trung cho các nước Afganistan, Campuchia, Lào và Bắc Triều Tiên. từ năm 1984, Nicaragoa cũng nhận viện trợ của khối SEV.

Ngoài các nước trên, thì Ăngôla, Môdămbích, Nam Yêmen và Ấn Độ cũng nhận viện trợ của SEV.

Như trên đã nói, Liên Xô là nước cung cấp ODA chủ yếu của SEV. Năm 1989, họ viện trợ cho các nước khác tới 12 tỷ rúp, chiếm 1,4% GNP. Trong đó, phần cho không là chủ yếu. Những năm sau đó, khối lượng có giảm đi song vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (1986 chiếm 58% tổng số viện trợ của khối). Ngoài phần cho không thì phần cho vay của Liên Xô cũng rất thuận lợi, có nhiều ưu đãi cho các nước đi vay: lãi suất trung bình chỉ 2,8%/năm, thời hạn thanh toán tới 16,5 năm, trong đó thời gian ưu đãi là gần 5 năm.

b. Các đối tác đa phương

Đồng thời với việc cung cấp ODA song phương (trực tiếp), các nước còn chuyển giao ODA cho các nước đang phát triển thông qua các tổ chức viện trợ đa phương, bao gồm:

- Các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc như: Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO)…

- Liên minh Châu Âu (EU).

- Các tổ chức phi chính phủ (NGO). - Các tổ chức tài chính quốc tế gồm: + Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

+ Ngân hàng thế giới (WB).

+ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). + Ngân hàng phát triển Châu Phi (AfDB). + Quỹ viện trợ của OPEC.

+ Quỹ Kuwait.

Một phần của tài liệu Viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cho các nước Đông Nam Á từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)