Một nhà báo Thụy Điển đã từng nói đại ý rằng những nước đang phát triển như Việt Nam là môi trường lý tưởng cho báo chí phát triển, bởi cuộc sống đang vận động không ngừng để đạt được những mục tiêu phía trước luôn tạo ra những sự kiện đầy màu sắc cho báo chí tha hồ khai thác. Theo nhận định này, có thể nói sự phát triển kinh tế, sự vận động của xã hội cùng với những sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong ba năm 2006 – 2008 đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho báo chí “canh tác”. Tuổi trẻ và Thanh niên, hai tờ nhật báo đi đầu về tốc độ thông tin, không những không bỏ qua các sự kiện này mà còn đào sâu tìm hiểu, phân tích để đem đến cho công chúng những tầng thông tin và tri thức dày dặn và mới mẻ. Ba năm 2006-2008 là một khoảng thời gian đầy ắp sự kiện.
Một vụ việc bê bối lớn bị phanh phui và gần như đã “tạo bão” trên mặt báo, thu hút sự quan tâm sát sao của công chúng và gây ra nhiều luồng ý kiến xung quanh ngay từ đầu năm 2006 chính là vụ án đánh bạc và tham nhũng của một số cán bộ lãnh đạo tại Đơn vị quản lý dự án số 18 thuộc Bộ Giao thông – Vận tải, gọi tắt là “vụ PMU18”. Đây là một vụ án bất ngờ được phát hiện từ quá trình điều tra đường dây cá độ bóng đá có nguyên nhân ban đầu từ sự việc một số cầu thủ đội U23 Việt Nam bán độ tại SeaGames 23. Sự liên quan của một số lãnh đạo cao cấp và số tiền tham nhũng quá lớn đã khiến dư luận vô cùng “choáng váng” và bất bình.
Ngoài những thông tin cập nhật về diễn tiến của công tác điều tra, dư luận còn không khỏi băn khoăn về hàng loạt những vấn đề liên quan như việc quản lý cán bộ, quản lý vốn vay ODA, chất lượng các công trình có nghi vấn tham ô, nỗ lực chống tham nhũng của nhà nước… Với mỗi câu hỏi đặt ra lại có rất nhiều mảng khuất được hé mở, khiến dư luận càng quan tâm và đòi hỏi thông tin có chiều sâu và có
85
tính phát hiện hơn. Từ sự việc cụ thể là “vụ PMU18”, hàng loạt các vấn đề thuộc mọi lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội được khơi gợi và mổ xẻ, thậm chí đặt thành những câu hỏi nóng bỏng trên các diễn đàn lớn như chính phủ, quốc hội…
Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ một lần nữa được đặt ra với sự kiện “vụ chạy chức ở Cà Mau”. Một sự việc bất ngờ tại địa phương đã nhanh chóng bóc trần một trong những vấn nạn lớn của xã hội mà lâu nay báo chí và công chúng vẫn bức xúc – “chạy chức, chạy quyền”. Một lần nữa, tính chất nghiêm trọng của vấn đề được nhấn mạnh và cảnh báo, công tác cán bộ một lần nữa được đem ra mổ xẻ, phân tích để tìm ra giải pháp căn cơ lâu dài.
Một sự kiện chính trị diễn ra đầu năm 2006 thu hút sự quan tâm và kỳ vọng của công chúng là đợt vận động góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X. Cuộc họp quan trọng này của Đảng được tổ chức đúng vào thời điểm đất nước đang đối mặt với rất nhiều lựa chọn sống còn và quyết định, khiến cuộc vận động góp ý trở nên sôi nổi, thậm chí sôi sục, hơn bao giờ hết. Từ việc lựa chọn người lãnh đạo, việc đảng viên có được làm kinh tế, chất lượng đảng viên đến việc thu hút nhân tài cho Đảng, đều trở thành những đề tài được bàn luận sâu sắc, phân tích kỹ lưỡng, kiến nghị nghiêm túc.
Như một cơ hội đóng góp trí tuệ cho Đảng và thể hiện lòng yêu nước, cuộc vận động đã khơi dậy lòng nhiệt huyết của mọi tầng lớp công chúng, từ những nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến những bạn đọc bình thường. Những ý kiến đóng góp có thể là những bài dài, nhiều kỳ như những tiểu luận, có thể chỉ là những đoạn ngắn, câu ngắn, đều được xuất hiện trên mặt báo như những tiếng nói bình đẳng. Nhiều khái niệm mới, quan điểm mới, cách nhìn nhận mới đã được giới thiệu đến công chúng và trở thành chủ đề để tiếp tục mổ xẻ và phân tích.
Một sự kiện chính trị đáng chú ý tiếp theo, diễn ra khoảng tháng 2-5 năm 2007, là
sự kiện bầu cử Quốc hội khóa XII. Điểm nổi bật của cuộc bầu cử lần này mà báo chí cần xoáy sâu và đẩy lên là việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội – một điểm mới thể hiện tính dân chủ và công bằng của việc lựa chọn người đại diện cho nhân dân tại
86
cơ quan quyền lực nhất của đất nước.
Vì đây là một điểm mới trong đời sống chính trị nước nhà nên không thể tránh khỏi những vấp váp ban đầu, những tranh cãi, những mâu thuẫn, thậm chí cả những thất vọng và chán nản, khi số lượng người tự ứng cử ban đầu nhiều, rồi giảm dần do nhiều lý do, hoặc những cái tên, gương mặt được kỳ vọng đã không thể đi hết con đường, khiến công chúng không khỏi lo lắng cho một chủ trương đúng nhưng có lẽ do thời cơ chưa chín muồi mà chưa thực hiện được như ý muốn. Báo chí trong thời điểm này phải là người thông tin, giải thích, phân tích, lý giải và làm sáng tỏ những thắc mắc băn khoăn của người dân.
Một trong những dấu ấn đáng kể của báo chí trong giai đoạn 2006 – 2008 chính là
việc đưa tin về những cơn bão lớn. Lần lượt những cơn bão Chanchu, Sangxane, Cimaron, Durian, Utor… được phản ánh trên mặt báo với tất cả độ tàn phá và hậu quả của nó. Câu chuyện về các cơn bão có phần tương đồng: diễn biến bão, hậu quả nó gây ra, cuộc sống trước, trong và sau bão, những câu hỏi đặt ra đối với công tác dự báo và phòng chống bão, công tác cứu trợ sau bão, những kinh nghiệm rút ra… nhưng mỗi thời điểm khác nhau đều có những vấn đề mới nảy sinh, cần được nhìn nhận, đẩy lên và phân tích sâu sắc. Vì thế là thông tin về các cơn bão không những không nhàm chán và lặp lại, mà còn được xâu chuỗi và liên kết thành mạch giúp độc giả nhìn thấy những gì biến chuyển và không biến chuyển trong các công tác phòng chống bão.
Thời tiết và thiên tai tiếp tục là chủ đề khuấy đảo các mặt báo với sự kiện “có một không hai” – trận lụt lịch sử ở thủ đô Hà Nội cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008. “Trận lụt kỳ lạ” này đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề tồn tại trong công tác phòng chống lụt bão mà lâu nay người ta vẫn nghĩ chỉ có thể có ở các địa phương khác chứ không phải là ở trái tim của đất nước, thủ đô Hà Nội. Có thể nói sự kiện này là một cơ hội quý giá để báo chí một lần nữa bóc tách mổ xẻ triệt để những hạn chế, yếu kém, tắc trách trong công tác thoát nước, dự báo và cảnh báo thảm họa… Một trong những sự kiện đầu tiên đánh dấu cuộc đấu tranh của báo chí và dư luận
87
đối với vấn nạn thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm và cũng là sự kiện dân sinh nổi bật nhất năm 2007 chính là sự kiện phát hiện nước tương có chứa chất 3-MCPD có thể gây ung thư. Phát hiện này đã khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ, khi nhận thấy sức khỏe của người dân bị coi thường và bán rẻ, quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm ra sao.
Cuộc đấu tranh của báo chí truyền thông lúc này không chỉ là làm sao loại bỏ “nước tương độc” ra khỏi thị trường, đảm bảo người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng những sản phẩm sạch tốt cho sức khỏe, mà còn phải gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm xã hội và lương tâm của người làm kinh doanh. Cao hơn nữa là trách nhiệm của các cấp quản lý để không những người dân có thể tin tưởng, mà còn có thể trông cậy khi có biến cố xảy ra. Đây là điều mà các cơ quan chức năng hữu quan trong vụ việc này đã chưa làm được, hoặc làm rất kém, khiến người dân không khỏi mất lòng tin và thất vọng.
Các vấn đề dân sinh trở thành điểm nóng của năm 2007 khi cuối tháng 9, một thảm họa kinh hoàng xảy ra khiến người dân cả nước bàng hoàng, đau xót: sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ đang thi công khiến hàng chục công nhân đang làm việc tại đây thiệt mạng. Sự kiện này đã thực sự làm rúng động các mặt báo, với khối lượng thông tin ào ạt, nhiều góc khai thác, nhiều câu chuyện xúc động, nhiều sự thật được phơi bày, giúp độc giả theo dõi sát sao diễn biến của sự kiện và dần giải đáp được nhiều thắc mắc.
Một sự kiện lớn như vậy đã là cơ hội cho các báo phát huy tối đa năng lực thông tin của mình và tỏ rõ tư duy phản biện qua việc lựa chọn các góc khai thác, liều lượng nhận định, đánh giá, phân tích, cân bằng giữa các yếu tố văn tự và phi văn tự, tận dụng các nguồn tin không truyền thống… Đây cũng là sự kiện được thể hiện phong phú và nhiều màu sắc nhất trên các báo khác nhau, mà mỗi báo chọn cho mình một mảng sở trường để đào sâu, tạo dấu ấn.
Bước sang năm 2008, một sự kiện bắt đầu nóng lên từ đầu năm, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận trong suốt nửa đầu năm đó chính là quyết định mở rộng địa giới
88
hành chính của thủ đô Hà Nội ra rộng gấp 3 lần. Sự kiện này ngay từ khi có những thông tin ban đầu đã khiến công chúng mọi tầng lớp hết sức quan tâm với nhiều luồng ý kiến khác nhau ủng hộ, phản đối, lo ngại, lạc quan, băn khoăn, kỳ vọng… Nhưng tất cả đều nhằm một mong muốn thủ đô có được một chiến lược phát triển xứng tầm, phù hợp, thúc đẩy các địa phương xung quanh và cả đất nước phát triển chứ không chỉ đơn thuần là việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, biến người dân tộc thiểu số thành người thủ đô và làm giá đất nông thôn tăng chóng mặt.
Một quyết nghị lớn có ảnh hưởng sâu rộng như vậy nhưng thời gian đưa ra lấy ý kiến không lâu tạo cảm giác gấp gáp cũng là điểm được các báo xoáy sâu đặt câu hỏi, với hy vọng một quyết nghị quan trọng phải có được một lộ trình tiến hành nghiêm túc và có sự đồng thuận cao. Các ý kiến nhiều chiều đã được đẩy lên thành một cuộc tranh luận sôi nổi, nhiều vấn đề được lật đi lật lại, nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều băn khoăn được giải đáp, nhiều ý tưởng mới được khơi gợi, nhiều bài học được phân tích… tạo nên một khối lượng thông tin dày dặn, cung cấp cho công chúng cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về vấn đề.
Môi trường trở thành dấu ấn của năm 2008 với sự kiện phát hiện công ty Vedan 14 năm trời xả nước thải “giết chết” sông Thị Vải. Sự việc khiến công chúng bất ngờ và choáng váng, bởi thời gian dài việc làm sai trái kia không bị phát hiện, bởi hậu quả khủng khiếp không biết đến bao giờ mới khắc phục được đối với con sông, bởi sự tắc trách và thờ ơ của các cơ quan chức năng, bởi thái độ coi thường dân sinh và vụ lợi quá mức của các doanh nghiệp. Báo chí xót xa cho con sông bị giết chết một cách âm thầm, phẫn nộ cho sự lộng hành và coi thường luật pháp của các doanh nghiệp, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo quyết liệt về những chính sách đối với môi trường, rằng đừng để quá muộn để rồi hối hận khi không còn môi trường để mà giữ gìn nữa.
Báo chí Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của nhà nước, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, vì vậy, người làm báo cũng phải tuân sự tất cả sự lãnh đạo và quản lý ấy.
89
Trong khi theo đuổi tính phản biện xã hội trong các tác phẩm của mình, các tác giả hoàn toàn có thể có những sai phạm về đường lối, quan điểm nếu thiếu một bản lĩnh chính trị vững vàng.
Các loạt bài nhân đợt vận động góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, nhân việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với nhân dân, nhân cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII và nhân quyết định mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội mà hai báo cùng triển khai, cùng với Diễn đàn “Vươn ra biển lớn” của Tuổi trẻ và Diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” đã thể hiện được điều đó. Khi phản biện những vấn đề trọng đại của đất nước, điều quan trọng nhất là ý thức được ý nghĩa của những quyết sách lớn đối với vận mệnh và sự phát triển của đất nước. Có hiểu đúng mới chọn được đúng vấn đề để khai thác và đẩy lên. Triển khai các đề tài này đúng cách và thuyết phục mới tạo được ảnh hưởng xã hội và hiệu quả tác động. Nếu chọn sai đề tài, hiệu quả truyền thông và tác động chính sách không những không có mà còn có thể có gây nhiễu và hoang mang cho xã hội.
Bên cạnh đó, muốn phản biện chính sách, phải có tầm nhìn xa rộng để chỉ ra được những chiến lược mà các chính sách cần phải có. Đất nước đang phát triển nhanh chóng trong bối cảnh của một thế giới thay đổi không ngừng, không thể có một tầm nhìn ngắn hạn mà mong có thể đi được quãng đường dài. Báo chí phải góp phần chỉ ra những thách thức dài hạn để giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ sở để đề ra những mục tiêu lớn và tham vọng, giúp chính sách có sức sống và khả năng điều chỉnh xã hội.
Để làm được những điều này, bản thân tòa soạn phải là những người có trình độ chính trị, có năng lực tư duy các vấn đề vĩ mô, có khả năng nhìn nhận các vấn đề chuyên môn phức tạp, có tầm nhìn dài hạn và suy nghĩ lớn. Họ sẽ định hướng các chủ đề mà tờ báo sẽ theo đuổi và truyền đạt tư tưởng đó đến từng phóng viên, biên tập viên trực tiếp triển khai đề tài. Đây cũng phải là những phóng viên, biên tập viên có trình độ và kinh nghiệm, nhạy bén với các vấn đề chính trị và khéo léo trong cách tác nghiệp.
90
Bên cạnh đó, một việc quan trọng không kém là tập hợp và phát huy trí tuệ xã hội, đặc biệt là từ các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà trí thức…, những người có trình độ và kinh nghiệm, có tâm huyết và mong muốn cống hiến trí tuệ của mình cho đất nước. Với những tên tuổi như vậy và những bài viết của họ, một mặt, chất lượng nội dung và hiệu quả phản biện được đảm bảo, mặt khác, uy tín và ảnh hưởng của tờ báo cũng được nâng cao.
Phản biện xã hội vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của báo chí, cũng đồng thời mang đến cho báo chí, cho người làm báo những “quyền lực” đáng kể. Nếu thiếu đi phẩm chất đạo đức trong sáng và cái tâm của người làm báo, những người cầm bút sẽ dễ dàng bị cái “quyền lực” ấy lôi kéo, đẩy phản biện xã hội vượt qua ranh giới của nó để trở thành đánh đấm, tô hồng hoặc bôi đen một cách không khách quan, không trung thực.
Các bài viết trên hai báo xung quanh sự kiện hai nhà báo tham gia đưa tin về vụ PMU18 bị bắt tuy không nhiều nhưng đã thể hiện rõ một tấm lòng chân thành dành cho đồng nghiệp của mình trong lúc khó khăn. Việc hai tờ báo luôn sát cánh bên cạnh hai nhà báo của báo mình là một hành động đáng trân trọng và đáng học tập.