Cỏ và trăng

Một phần của tài liệu Tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều qua các tập thơ từ 1990 đến 2000 (Trang 51)

6. Bố cục của luận văn

2.2.1.1. Cỏ và trăng

Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, nhiều biểu tượng được kế thừa từ nguồn văn hoá dân gian, chứa đựng những yếu tố folklore của dân tộc, vừa tiếp thu những “mẫu gốc”, những huyền thoại trong kho tàng văn hoá nhân loại. Đó là những con đò, bến nước, bầu trời, mặt biển, mặt trăng, đám hiếu, đám hỷ, lễ tết, hội hè… trong ca dao và là những cánh đồng, dòng sông, ánh trăng, con đường, bóng tối và ánh sáng trong văn học viết. Biểu tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa nhập vào dòng chảy văn hoá thế giới mang vẻ hiện đại tân kỳ. Đặc biệt trong quá trình sáng tạo nghệ thuật do vô tình hay hữu ý, Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng những biểu tượng cặp đôi có tính chất song hành đồng hiện như (cỏ - trăng,

cánh đồng - dòng sông) có lúc đồng hiện trong sự tương phản gay gắt như bóng tối - ánh sáng vừa độc đáo vừa bí ẩn.

Cỏ và trăng - vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dại

Trong thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều, cỏ và trăng được coi là biểu tượng có tính chất song trùng đồng hiện. Cỏ và trăng như một sự ám ảnh trong thơ anh, ám ảnh về thời gian, ám ảnh về không gian, ám ảnh về kỉ niệm, hạnh phúc… Ngập tràn trong thơ Nguyễn Quang Thiều là ánh sáng trăng bàng bạc và màu xanh mênh mang cỏ. Có thể nói, cỏ và trăng trong thơ Nguyễn Quang Thiều mang một vẻ đẹp trinh nguyên gắn liền với kỉ niệm, kí ức tuổi thơ của con người và có ý nghĩa như một nguồn sống kỳ diệu cho vạn vật.

Trăng tự xa xưa đã được coi là biểu tượng của cái đẹp, của sự viên mãn. Trăng đi vào thơ của các thi nhân không chỉ ở vẻ đẹp vốn có mà có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Trăng gợi nhớ, gợi thương. Kẻ tha phương nhìn trăng mà nhớ cố hương, kẻ ưu tư nhìn trăng để tìm người chia sẻ. Trăng đối với nhiều nhà thơ như một ám ảnh cả đời thơ. Lý Bạch là người rất yêu trăng. Cái chết của nhà thơ còn lưu truyền trong dân gian đẹp như một huyền thoại gắn với trăng. Đó là một buổi tối, Lý Bạch chơi thuyền trên sông Thái Bạch, trong khi say rượu thấy bóng trăng ở lòng sông, ông nhảy xuống để vớt trăng mà chết đuối. Người đời sau còn dựng một cái đài tưởng niệm ở đó gọi là “Tróc nguyệt đài” (Đài vớt trăng ).

Trăng trong thơ Lý Bạch trước hết mang một vẻ đẹp nguyên thuỷ của thực tế vũ trụ chiếu xuống nhân gian:

Đầu giường ánh trăng rọi Ngỡ mặt đất phủ sương Ngẩng đầu nhìn trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương

Cất chén mời trăng tới Mình với bóng là ba … Ta hát trăng bồi hồi Ta múa bóng rối loạn

(Một mình uống rượu dưới trăng)

Trong Phong trào Thơ Mới, Hàn Mặc Tử là nhà thơ ám ảnh về trăng. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử vừa mộng, vừa ảo, có khi hiện lên với một vẻ đẹp kì dị. Trăng như một “linh vật” huyền nhiệm lạ kỳ. Hàn Mặc Tử dường như nghe được hơi thở, bước đi, sự chuyển dịch của bóng trăng: “nàng trăng”, “đuổi trăng”, “uống với trăng”, “ngủ với trăng”, người là trăng, cành lá là trăng, áo quần bằng vải trăng, đến rượu cũng lại là “bóng Hằng trong chén ngả nghiêng”:

- Say trăng, giỡn trăng, ôm ấp trăng Lúc nhìn trăng nằm sõng soài

- Áo ta rách rưới trời không vá Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng

(Lang thang) - Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói Gió trăng có sẵn làm sao ăn

Làm sao giết được người trong mộng

- Không gian dày đặc toàn trăng cả Tôi cũng trăng và nàng cũng trăng

(Huyền ảo)

Có khi nhà thơ nhìn trăng như một phát hiện mới mà không phải ai cũng thấy được: Ô kìa bóng nguyệt trần truồng lắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

Nếu trăng mang một vẻ đẹp viên mãn thì cỏ lại mang một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc - khu vườn thiên nhiên gần gũi với con người. Cỏ đi vào trong thơ

với nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng ý nghĩa khái quát nhất vẫn là vẻ đẹp bình dị, là sức sống, sự sinh sôi nảy nở. Cỏ thường gắn với mùa xuân với sức sống từ thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, cho đến các nhà Thơ Mới:

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Cỏ xanh như khói bến xuân tươi Lại có mưa xuân nước vỗ trời

Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách Con đò gối bãi suối ngày ngơi

(Nguyễn Trãi - Bến đò xuân đầu trại) Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát bên đồi

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

(Hàn Mặc Tử - Mùa Xuân Chín)

Trong bài “Ẩn dụ đồi tranh”, Nguyễn Lương Vĩ đã khắc hoạ vẻ đẹp hoang sơ của trăng và cỏ. Trăng và cỏ đồng hiện trở thành một bức hoạ thiên nhiên xinh xắn:

Trăng điền đã réo rắt Vàng cầm một lá thư Cỏ hoài thai

ướt xanh hết đồi mù…

Biểu tượng cỏ trong thơ Nguyễn Quang Thiều mang một vẻ đẹp nguyên sơ tràn trề sức sống:

Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ qua đêm Chất đầy hương cỏ lăn về nơi hừng sáng

Chiếc bánh xe trâu một nửa đã qua đêm Một nửa thùng cỏ tươi còn trong bóng tối. …Những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình

(Ban mai)

Đặc biệt vẻ đẹp của cỏ còn được gắn liền với hình ảnh người phụ nữ - hình ảnh “em”. Dường như vẻ đẹp của cô gái đồng hiện trong vẻ đẹp ban sơ, trong trắng của cỏ. Một vẻ đẹp nồng nàn và tự nhiên như vốn có. Đó là người con gái có “nụ cười trinh trắng”, “nước mắt trinh trắng”:

Em đi đôi hài thơm tết bằng cỏ

Em buộc mái tóc dài của mình bằng cỏ Em đi tìm chàng

Chàng không uống sương đêm đọng trên gai cỏ sắc Chàng không ăn hạt cỏ rụng mùa thu

Bởi thế em mất chàng

em mất chàng

(Một bài hát tình yêu của làng Chùa)

Bài thơ là lời tâm tình của người con gái mất người yêu, nhưng cũng là bức tranh phác hoạ vẻ đẹp tự nhiên, bình dị của cỏ. Bên cạnh cỏ, trăng trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đẹp và đầy sức sống, lấp lánh một ánh sáng riêng vừa mơ mộng, vừa mờ ảo:

Ai ném xuống cuối trời một vầng trăng cuối tháng Ôi chiếc lưỡi câu mơ mộng

Nửa đời tôi trót cắn câu

(Cánh buồm)

Trước vẻ đẹp huyền ảo của trăng, nhà thơ không giấu nổi cảm xúc của mình, trăng không chỉ như “chiếc lưỡi câu mơ mộng” mà nhà thơ còn mong muốn có sáu vầng trăng để đính lên chiếc áo nhân loại:

Tôi muốn có sáu vầng trăng, sáu chiếc khuy đồng lấp lánh Để đính vào áo nhân loại màu xanh

(Đêm gần sáng)

Ngoài vẻ đẹp vốn có, biểu tượng cỏ và trăng trong thơ Nguyễn Quang Thiều còn biểu trưng cho không gian kí ức, không gian kỉ niệm:

Lối mòn xưa qua vườn giờ cỏ xoè che kín

Em những ngày không tôi bưng mặt khóc bên thềm

… Và cánh bướm chiều nay chập chờn, chập chờn trên cỏ

(Sám hối)

Ta cũng gặp trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) hình ảnh cỏ như dấu tích của kỉ niệm, bóng dáng của người xưa “Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày”. Còn cỏ trong thơ Nguyễn Duy mang vẻ đẹp của đồng quê yên ả, gắn với tuổi thơ trong sáng:

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng Cỏ và lau và hoa hoang cỏ dại

Vỏ ốc trắng những luống cầy phơi ải Bờ ruộng bùn lấm chấm dấu chân cua…

(Tuổi thơ)

Với Nguyễn Quang Thiều, về với cỏ, trăng là về với thiên nhiên trong trẻo, về với kỉ niệm ngọt ngào để quên đi những bề bộn của cuộc sống đời thường:

Tôi như tan vào đêm cùng cỏ cây, trăng gió Lưỡi tôi chạm không gian vị máu của mình

(Đêm gần sáng)

Tìm về với cỏ, trăng cũng là tìm về với chính mình, tìm được sự bình yên trong đời sống tâm linh. Và cũng chỉ trở về với cỏ, nhà thơ mới có một không gian bình yên, được sống hết mình một cách thành thực nhất:

Tiếng tôi cười rúc rích với sương đêm Nếu không thấy tôi trở về mặt đất

Hãy đến đường chân trời run rảy nhịp thời gian.

(Đêm gần sáng)

Tứ thơ Nếu không thấy tôi trở về mặt đất/ Hãy đến đường chân trời run rẩy nhịp thời gian gợi ta nhớ đến một ý thơ trong tập “Lá cỏ” của Walt Whitman:

Tôi ký thác tôi cho bùn đất để nảy sinh từ ngọn cỏ tôi yêu Bạn muốn gặp lại tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn.

Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cỏ chính là “giao điểm của thi nhân về quê hương, cái tinh tuý, cái hoang dại ngây ngất từ nguồn mạch của sự sống” [131]. Vì thế, về với cỏ là nhà thơ về với quê hương, về với chính mình, về với buổi ban sơ trong trẻo của đất trời, loài người. Và cũng về lại với cỏ, nhà thơ mới có thể tự do và thành thực bộc lộ tình cảm hồn nhiên nhất:

Ta khóc trong cỏ gai Ta khóc trong rơm rạ Ta khóc thành rêu

(Tha Phương)

Trong không gian bình yên ấy, ánh trăng xuất hiện đồng hành cùng cây cỏ. Trên trăng dưới cỏ, con người mới có những giây phút thanh thản, mới xa rời được cuộc sống bụi bặm. Tìm sự bình yên trong tâm hồn, Nguyễn Quang Thiều làm cuộc hành trình về nguồn cùng với thú vật, cỏ cây, vầng trăng:

Theo chân tôi là con chó lông vàng và con mèo mướp Rồi bầy muỗi mùa hạ

Rồi ngọn gió cánh đồng

Rồi vầng trăng trên bầu trời khô hạn

Cỏ và trăng - Sự hồi sinh kỳ diệu của nguồn sống

Cỏ xuất hiện trong thơ với một màu xanh dịu nhẹ khiến ta liên tưởng đến mùa xuân, đến sự sống. “Cỏ là biểu tượng của tất cả những gì chữa khỏi bệnh tật, tái lập sự sống, trả lại sức khoẻ, sự cường tráng… Là cơ hội cho sự hiển linh của các phồn thực” [10, 201].

“Cây cỏ tượng trưng cho năng lượng mặt trời kết đọng lại và biểu lộ ra. Cây cỏ thu hút những lực có bản tính lửa ở trong đất và tiếp nhận năng lượng mặt trời. Do tích luỹ trong mình những sức mạnh đó. Chúng có những thuộc tính trị bệnh hoặc đầu độc hoặc dùng trong ma thuật… Cây cỏ bạc đầu tiên của sự sống, tượng trưng trước hết cho sự sinh sôi nảy nở liên tục, luồng năng lượng bất tận của sự sống” [10, 147].

Theo truyền thuyết của kinh Vệ Đà, cỏ còn mang một sức mạnh thiêng liêng, người ta cầu khấn cỏ như cầu khấn thần linh:

Buổi sơ khai đã có nước Và các cây cỏ của trời … cây cỏ của các thần, các đấng đáng kính sợ

Chúng mang lại sự sống cho loài người… Hỡi cỏ cây với muôn ngàn tán lá,

Hãy giải thoát cho tôi khỏi muôn ngàn cái chết, khỏi mọi lo buồn

Trong Lời nói đầu của tập thơ “Lá cỏ” (Walt Whitman), Vũ Cận dịch có viết: “… Trên thế giới này, không có gì nhỏ nhoi hơn lá cỏ, nhưng phỏng có gì sinh sôi, nảy nở mau lẹ hơn? Đây là những chân lý phổ biến nhưng trường tồn, những chân lý mà những người có tiềm óc mọi thời đại sẵn sàng tiếp nhận để sàng lọc tâm hồn của mình…”

Cỏ trong thơ Trần Mạnh Hảo mang trong mình sự hồi sinh kỳ diệu:

Còn là cỏ nên suốt đời tươi tốt

(Trần Mạnh Hảo) Có khi cỏ là biểu tượng cho sức dẻo dai, mãnh liệt:

Ta là cỏ nhú lên từ mặt đất

Nhú lên từ vết thương, từ đổ nát tro tàn

(Trần Mạnh Hảo)

Xuân Quỳnh, một nữ thi sĩ suốt cuộc đời làm thơ ca hát về cuộc sống đang nảy nở với những “chồi biếc”, “hoa cỏ may”, sắc cỏ trong thơ chị ánh lên một màu xanh giản dị biểu trưng cho sự sống, một sự bắt đầu:

Bên thành phố - bên kia là bãi cỏ Khoảng biếc rộng nơi bắt đầu của gió Nơi rì rào tâm sự của dòng sông Nơi mùa xuân ở lại sau cùng

Nơi mùa hạ khoe sắc màu nắng mới…

(Xuân Quỳnh - Bãi cỏ bên kia thành phố) Màu xanh của cỏ khiến con người trong những lúc cận kề cái chết hay phải chứng kiến sự tàn phá bởi bom đạn chiến tranh có thêm lòng tin và hy vọng về cuộc sống:

Trong ác liệt bỗng biết ơn màu cỏ Cỏ làm bớt hoang tàn

Cỏ làm bớt thương đau

Người chống giặc bốn năm dưới hầm sâu Với mong ước cháy lòng:

Được đi trên mặt đất

(Xuân Quỳnh - Em có đem theo gì đâu)

Cỏ trong thơ Thanh Thảo lại mang ý nghĩa khái quát sâu sắc về thế hệ mình, thế hệ mười tám, hai nươi:

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

(Dấu chân qua trảng cỏ)

Trong thơ Nguyễn Duy, cỏ bộc lộ một khát vọng sống, khát vọng cống hiến:

Chia mình trong mọi nỗi đau

Tan mình trong mỗi sắc màu vui tươi Những mong giúp ích cho người Dẫu làm thân cỏ dập vùi ra chi

(Cỏ dại)

Trong thi ca, cỏ được nói đến với nhiều biến thái khác nhau.

Biểu tượng cỏ nằm trong mẫu gốc văn hoá Việt Nam và văn hoá nhân loại. Đến Nguyễn Quang Thiều, biểu tượng cỏ vẫn mang ý nghĩa khái quát chung nhưng đậm cái tôi chiều sâu tâm thức hiện đại. Không chỉ mang vẻ đẹp, cỏ còn làm hồi sinh, đánh thức bản năng con người tuyệt diệu nhất.

Bài thơ “Những ví dụ” với đề từ “Kính dâng những người vợ liệt sĩ làng tôi” viết về những người đàn bà goá bụa bằng thủ pháp so sánh, ảo hoá đầy ám ảnh. Dường như chỉ có cỏ và trăng chứng kiến cuộc sống lặng lẽ của họ:

Thời gian cứ lặng lẽ chảy vào chiếc bình gốm khổng lồ.

Những người đàn bà goá bụa làng tôi như những con cào cào áo nâu khuất dần sau cỏ. Khi người đàn bà goá bụa từ sau cỏ trở về đã được khơi dậy bản năng, giới tính của mình. Con người bước vào cỏ và sau khi bước ra từ cỏ được thoát xác hoàn toàn. Và khi họ - những người đàn bà goá bụa “tránh con đường dẫn đến những đêm trăng” thì “bầu vú họ mệt mỏi nằm nghẹo đầu và trở nên nghễnh ngãng, không còn nghe được tiếng gọi của đàn ông nồng mùi thuốc lào và ruộng bùn ngai ngái, trong những đêm gió từng đôi quấn nhau qua vườn hổn hển”. Còn sau khi họ “những ví dụ” đi trên ánh trăng thì “bầu vú họ vươn về phía ngọn lửa giới tính”:

Những người đàn bà goá bụa làng tôi từ sau cỏ trở về. Họ đi trên ánh trăng gồ ghề dọc con đường phơi đầy rơm rạ tháng mười. Mái tóc đẫm hương lá bưởi của họ chảy lênh láng trong trăng. Bầu vú họ vươn về phía ngọn lửa giới tính vừa nhóm lên đâu đó. Sau bước chân họ, sau tiếng kẹt cửa trong đêm khuya là bài hát.

Đó chính là sự tái sinh của cỏ và trăng trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn trong bài “Trốn lo âu về lại cánh đồng” đã đưa ra một nhận xét về thế giới thiên nhiên cỏ - trăng trong thơ Nguyễn Quang Thiều: “Thiều đã dựng lên một thế giới thơ bàng bạc phiếm thần luận, ở đó cỏ dại là thức ăn và ánh trăng là không khí nuôi sống những con người và những sinh vật đang chạy trốn sa mạc văn minh mênh mông của văn minh vật chất”. Trăng trong thơ Nguyễn Quang Thiều hiện lên như một nguồn sống, một bầu sữa chung cho cả nhân loại, cho cả con người và thú vật. Đó là hình ảnh: “những chiếc lá non mạ bạc đang múc từng thìa trăng”, “những con gián khát thèm dưới trăng”, “những con chó ngửa mặt tru trăng”, những con sâu liếm trăng, những con ốc sên di cư thầm lặng dưới trăng, những đứa trẻ đang liếm trăng trên vòm lá trong giấc mơ của chúng… “Trăng trở thành cái mẫu số chung mơ mộng của đất trời, chia sẻ với tất cả mọi người, cho con sâu, con gián, người đàn bà goá và cho thi sĩ. Người và vật sống chung trong trăng, trong bí mật và bầu bạn giữa cõi hỗn mang thi vị và mộng mơ”.

Dưới ánh trăng, tất cả sự vật, con người hiện lên trần trụi, nguyên sơ

Một phần của tài liệu Tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều qua các tập thơ từ 1990 đến 2000 (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)