Đào tạo liên thông là hướng đi đúng đắn đối với các trường hiện nay nhằm đảm bảo cho người học có thể được “học liên tục’’, “học suốt đời’’. Đối với trường thực hiện đào tạo đa cấp trình độ như trường ĐHSPKT Vinh thì cần tăng cường tính liên thông trong đào tạo qua việc thực hiện đào tạo liên thông. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học hiện nay trường cần tạo điều kiện cho người học có thể tiếp tục được học tập nâng cao trình độ thông qua việc mở rộng đào tạo liên thông theo hướng liên thông giữa các cấp trình độ từ công nhân kỹ thuật lên trình độ cao đẳng, đại học; liên thông với các trường, các cơ sở đào tạo; và liên thông với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực.
Trong đó việc liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu càu doanh nghiệp, của xã hội cần được xem là vấn đề quan trọng và cần có sự quan tâm của cả nhà trường cũng như các cấp chính quyền để đảm bảo việc đào tạo ở trường không gây lãng phí. Luật Giáo dục nêu rõ: giáo dục nói chung và đào tạo nghề nói riêng là sự nghiệp không chỉ là của ngành đào tạo nghề mà là của toàn xã hội trong đó có doanh nghiệp sản xuất: “Phát triển giáo dục là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân".
Với Trường ĐHSPKT Vinh hiện nay cần thực hiện liên kết với các doanh nghiệp theo hướng:
- Tăng cường mối liên hệ, thông tin giữa nhà trường và doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung giảng dạy hoặc cập nhật thông tin nhu cầu của xã hội. Phấn đấu đến 2015, 100% sinh viên tốt nghiệp tại trường không phải tái đào tạo hoặc đào tạo bổ sung khi nhận việc tại các doanh nghiệp.
- Phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, kiểm định chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy và bồi dưỡng giáo viên dạy nghề và người học nghề.
- Kết hợp đào tạo tại trường và doanh nghiệp theo hướng kèm cặp tại doanh nghiệp. Hiện nay Trường ĐHSPKT Vinh có thể liên kết với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: Công Ty HONDA Việt Nam, Công Ty TOYOTA Việt Nam, Nhà máy đóng tàu Bến thuỷ, Nhà máy ống thép Thần Châu, Sở Điện lực Nghệ An… Thực hiện liên kết như vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề; tăng cường các nguồn lực cho đào tạo nghề; truyền đạt kinh nghiệm việc làm, sản xuất thực tiễn, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho người học ngay trong quá trình đào tạo nghề; cập nhật công nghệ sản xuất tiên tiến trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm tốt hơn cho người học sau khi tốt nghiệp.
- Thành lập trung tâm dịch vụ hoạt động theo cơ chế thị trường như một doanh nghiệp tại trường, giới thiệu việc làm và theo dõi sinh viên sau khi tốt nghiệp. Với sự hoạt động tích cực của trung tâm này sẽ tạo cơ hội cho người học có được những thông tin bổ ích về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Cùng với phòng công tác học sinh, sinh viên và các khoa trung tâm này sẽ góp phần liên hệ với các cơ quan xí nghiệp tìm đầu ra cho học sinh khi ra trường, đáp ứng nhu cầu tìm việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo của người học.
- Đương nhiên để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên cần có sự quan tâm hợp lý của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành và trực tiếp là sự phối hợp của doanh nghiệp. Nhưng nhà trường vẫn phải đóng vai trò chủ động trong việc thiết lập mối quan hệ này và muốn làm được điều đó cần phải có cơ chế mở cho các khoa để khoa có trách nhiệm quan hệ với các cơ sở gửi học sinh đi thực tập, theo dõi đánh giá học sinh, nắm bắt mọi thông tin về học sinh của mình như ý thức, thái độ và năng lực thực tiễn để nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý .