1.2.2.1. Kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản, Đức
Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước tiến hành CNH, HĐH đi trước cho thấy nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản quyết định nhất của sự nghiệp phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH chỉ có thể thông qua hệ thống giáo dục trong đó giáo dục nghề nghiệp là chìa khoá chủ yếu để đi vào CNH, HĐH. Chỉ có bằng phát triển đào tạo nghề mới có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có thể thấy qua 2 trường hợp điển hình là Nhật Bản và Đức.
* Đào tạo nghề cho CNH ở Nhật Bản:
Đến nay Nhật Bản đã trải qua hai lần cải cách giáo dục một cách quy mô, chịu ảnh hưởng rất lớn của Mỹ. Thời Minh Trị Duy Tân, với hai cố vấn nổi tiếng là các ông David Muray và Marion McCarrell Scott, và sau Thế chiến thứ hai với đoàn tham vấn về giáo dục của Chính phủ Hoa Kỳ.
Chỉ bốn năm kể từ khi nắm quyền bính, thống nhất đất nước, năm 1872 Minh Trị thiên hoàng đã áp dụng chính sách “hiện đại hoá” chế độ giáo dục và chính sự thành công của việc cải cách này đã tạo ra tiền đề to lớn để cải cách toàn xã hội, hay nói khác đi Minh Trị đã dùng giáo dục để nâng cao dân trí thông qua việc hoàn thiện hệ thống giáo dục mới, trong đó chủ yếu phổ cập hoá cấp tiểu học trên toàn lãnh thổ, đồng thời từng bước xây dựng giáo dục cấp II (cơ sở) và cấp III (phổ thông). Năm 1920, phổ cập tiểu học đạt 99%.
Nhưng trọng tâm là ưu tiên tổ chức trường tu nghiệp, dạy nghề cho
thanh thiếu niên và trung cấp chuyên nghiệp một cách có hiệu quả, lấy đó làm đòn bẩy để xây dựng một xã hội “phương Tây kiểu Nhật Bản” mới, phù hợp với xu thế phát triển. Các loại trường dạy nghề cho thanh niên được thành lập, các khoá đào tạo nông, công, lâm, ngư nghiệp, thuỷ sản, dệt… cấp trung học cơ sở được tổ chức, giúp hình thành lực lượng công nhân là những người gánh vác kế hoạch phát triển chắc chắn cho việc “cận đại hoá” (tiếng Nhật sử dụng thuật ngữ “cận đại hoá”) nền kinh tế và xã hội trong suốt một thế kỷ.
Đây cũng là tiền đề của hệ thống giáo dục ngày nay, trong đó vai trò cơ bản của lao động có kỹ năng và kỷ luật đã được xác lập trong suốt quá trình công nghiệp hoá [52].
* Đào tạo nghề cho CNH ở Đức:
Ở Đức không thể nào có một người gọi là thợ điện, thợ hồ, thợ hớt tóc, hay bất cứ nghề nào mà không có bằng cấp học nghề, nghĩa là đã tốt nghiệp học nghề theo quy định của nhà nước. Và công việc của họ rất chuẩn mực, được tiêu chuẩn hoá. Người học nghề còn phải học văn hoá, lại có cơ hội để
học thêm về quản trị xí nghiệp nếu họ muốn, để sau này tự khởi nghiệp. Và học cả đạo đức kinh doanh. Một trong hai trường dạy nghề đầu tiên nổi tiếng của Phổ ở Berlin đã lấy lời của Christian Beuth để làm khẩu hiệu cho trường: “Trường này chỉ dành cho những người rất có khả năng, siêng năng, có tư cách đàng hoàng và có đạo đức; những người khác sẽ bị sa thải. Được gia nhập trường là một sự tuyên dương. Sự siêng năng kinh doanh không thể không đi kèm với đạo đức. Nhà trường không có hình phạt nào khác hơn sự sa thải khỏi trường”.
Người Đức, tuy tôn trọng giáo sư, nhưng lại rất coi trọng nghề công nhân và rất hãnh diện với nó. Họ sống rất xứng đáng vì họ có những đóng góp rất lớn cho lợi ích của xã hội, kinh tế, nghệ thuật… Người dân tận tụy trong công việc với thái độ yêu nghề sâu sắc dù khó nhọc đến đâu. Không có nghề thấp kém hay làm cho con người thấp kém. Chính những người thợ tay chân kia mới góp phần “làm sạch đẹp” xã hội và nâng cấp nó, nâng cấp chính bản thân và gia đình mình, có ích cho toàn xã hội [52].
1.2.2.2. Đào tạo nghề - yếu tố chủ đạo trong tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng đào tạo lại nhân lực
* Trong đào tạo nhân lực:
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải phát triển một hệ thống đào tạo nghề có khả năng cung cấp cho xã hội một đội ngũ nhân lực đông đảo, có trình độ cần thiết theo một cơ cấu thích hợp, có khả năng thích ứng nhanh với mọi biến đổi của môi trường có trình độ toàn cầu hóa ngày càng cao. Đồng thời có khả năng thường xuyên cập nhật các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ lao động của đất nước. Đào tạo nghề là một bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH.
Đào tạo nghề là một bộ phận quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ "Tiếp tục đổi mới chương
trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và phương thức đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao. Gắn việc hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, với hệ thống các trường đào tạo nghề. Phát triển nhanh và phân bố hợp lý hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn cả nước. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, năng động" [11].
Theo quy định của Luật giáo dục, hệ thống giáo dục bao gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục học nghề, giáo dục đại học và sau đại học. Với mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài" nhằm đáp ứng đòi hỏi sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với các hệ thống giáo dục, hệ thống dạy nghề có chức năng chủ yếu thực hiện các mục tiêu giáo dục nói trên. Đào tạo nghề góp phần quan trọng vào mục tiêu đào tạo nhân lực cho CNH vì đối tượng chủ yếu của nó là lao động sản xuất và dịch vụ bằng phương thức công nghiệp. Yêu cầu của lao động này có tính riêng về trình độ văn hoá - tay nghề và hiện nay trong xã hội để đáp ứng yêu cầu này, chủ yếu là thông qua con đường dạy nghề.
Dạy nghề trong thời kỳ CNH, HĐH bao hàm nội dung rất phong phú từ "dạy chữ, dạy người" tới dạy nghề, dạy pháp luật, tác phong công nghiệp, lương tâm nghề nghiệp... Dạy nghề phải gắn liền với giải quyết việc làm, với sử dụng người lao động có tay nghề, với phát triển nhân lực bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực.
Trong những năm đổi mới vừa qua, công tác dạy nghề đã từng bước được đổi mới và phát triển đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống và mạng lưới dạy nghề đã bắt đầu được đổi mới và phát triển, chuyển từ hệ thống dạy nghề trình độ thấp với hai cấp trình độ đào tạo sang hệ thống dạy nghề với ba cấp trình độ đào tạo: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Các cơ sở dạy nghề được phát triển theo quy hoạch rộng khắp trên toàn quốc, đa dạng về
hình thức sở hữu và loại hình đào tạo. Đến nay trong cả nước có 2052 cơ sở dạy nghề (trong đó có 62 trường cao đẳng nghề, 235 trường trung cấp nghề. Số lượng cơ sở dạy nghề tư thục tăng nhanh, đã có một số cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện có 789 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, góp phần quan trọng để đào tạo lao động, giải quyết việc làm. Chính vì vậy giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng có tầm quan trọng góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước.
Tuy vậy, ở nước ta hiện nay đang tồn tại mất cân đối giữa đào tạo công nhân với đào tạo cán bộ trung cấp và đại học. ở các nước tỷ lệ lao động phổ thông chỉ chiếm 35% thì ở Việt Nam là 88%. Tỷ lệ công nhân lành nghề ở các nước là 35% thì ở Việt nam là 5,5%. Lao động kỹ thuật trung cấp cũng vậy: 24,5% ở các nước công nghiệp và 3,5% ở Việt nam. Nếu các nước công nghiệp có cơ cấu nhân lực là 1 kỹ sư - 4,9 kỹ thuật viên - 7 công nhân lành nghề và bán lành nghề, còn ở Việt nam tỷ lệ 1 kỹ sư - 1,29 kỹ thuật viên - 2,43 công nhân lành nghề và bán lành nghề, cho thấy tình trạng thừa thầy thiếu thợ khá phổ biến.
Hơn nữa đào tạo nghề chưa thích ứng với thị trường lao động, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp - khu chế xuất cả về số lượng và chất lượng, lạc hậu so với các nước trong khu vực, chưa có chính sách thu hút trọng dụng người tài, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng lành mạnh. Hiện nay sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đang đòi hỏi bức xúc nhu cầu về nguồn nhân lực - một lực lượng đông đảo có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong xu thế cạnh tranh và hội nhập, nhất là trong giai đoạn nước ta vừa mới gia nhập tổ chức thương mại Thế giới (WTO).
Không chỉ là yếu tố cơ bản, quyết định trong đào tạo nguồn nhân lực cho CNH, HĐH đào tạo nghề còn có ý nghĩa đối với việc bồi dưỡng đào tạo lại nhân lực. Bởi đây cũng là một trong những yêu cầu cần thiết đối với việc sử dụng lao động ở nước ta hiện nay. Thực tế đào tạo ở nước ta hiện nay cho thấy vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa đào tạo và sử dụng lao động. Phần lớn lao động Việt Nam (hơn 50%) dù đã qua các cơ sở đào tạo nhưng khi tuyển dụng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp buộc doanh nghiệp phải thực hiện thao tác đào tạo lại cho lao động để có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Hơn nữa trước sự phát triển như vũ bão của KH & CN hiện nay thì đào tạo lại cũng là nhiệm vụ cần thiết phải được tiến hành định kỳ để nâng cao tay nghề của lao động và nâng cao khả năng tiếp thu công nghệ mới cho lao động.
Sự nghiệp CNH, HĐH ở nước ta hiện nay đang rất cần tới một đội ngũ lao động được đào tạo lành nghề. Đào tạo nghề để tạo ra một thế hệ lao động Việt Nam mới đáp ứng yêu cầu của CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức trở thành một trong những yêu cầu cấp bách nhất đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Đào tạo nghề là một bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước. Chỉ có thông qua đào tạo nghề chúng ta mới có thể tạo ra được thế hệ lao động Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Trước yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đặt ra trọng trách cho hệ thống giáo dục đào tạo nước ta, trong đó các trường dạy nghề chính là nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động để tạo ra một lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Chương 2
THỰC TRẠNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC QUA ĐÀO TẠO NGHỀ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT
VINH, NGHỆ AN HIỆN NAY