2.1.1.1. Quá trình hình thành và phát triển
Trường ĐHSPKT Vinh hôm nay tiền thân là trường Công nhân Kỹ thuật Vinh, thành lập năm 1960. Gần nửa thế kỷ tồn tại và phát triển cùng với bao biến động của quê hương đất nước, trường đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên khẳng định chính mình, giữ vững ổn định để phát triển: Từ trường Công nhân Kỹ thuật phát triển thành trường giáo viên dạy nghề Trung học, đến trường CĐSPKT và nay đã là trường ĐHSPKT Vinh.
Quá trình hình thành và phát triển của trường như sau:
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh tiền thân là trường Công nhân Kỹ thuật Vinh thuộc Bộ Công nghiệp nặng được thành lập theo Quyết định số 113-CP, ngày 08 – 4 - 1960 của Chính phủ.
Từ tháng 10 - 1974 trường được nâng cấp và đổi tên thành Trường Giáo viên dạy nghề Cơ khí Vinh có chức năng, nhiệm vụ là đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ Trung cấp chuyên nghiệp cho các nghề cơ khí, luyện kim.
Năm 1978, Trường đổi tên thành Trường Sư phạm Kỹ thuật III. Ngoài các ngành nghề đã có trường mở thêm các ngành nghề đào tạo giáo viên dạy nghề khác như Điện, Động lực, Mộc...
Năm 1997, Trường chuyển về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ Cao đẳng, thời gian đào tạo là 3,5 năm, cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng.
Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 129/1999/QĐ - TTg, ngày 28-5-1999 về việc thành lập “Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh” trên cơ sở Trường Sư phạm Kỹ thuật III Vinh.
Theo Quyết định số 1150/QĐ-TTg, ngày 9-12-1999 của Thủ tướng Chính phủ, trường được Thủ tướng phê duyệt là 1 trong 15 trường trọng điểm của cả nước tham gia Dự án Giáo dục Kỹ thuật và Dạy nghề. Với dự án này trường được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề (với giá trị hơn 73 tỷ đồng), phát triển nhân sự và tham gia xây dựng chương giáo trình đào tạo công nhân kỹ thuật…
Ngày 14 tháng 4 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 78/2006/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vinh. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thành tích của Nhà trường trong quá trình xây dựng và trưởng thành đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những danh hiệu và phần thưởng cao quý:
- Năm 1985 Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. - Năm 1990 Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. - Năm 1994 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng lá cờ đầu của ngành THCN - Dạy nghề .
- Năm 1995 Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. - Năm 2001 Chính phủ tặng Cờ trường tiên tiến xuất sắc.
- Năm 2006 được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc đơn vị dẫn đầu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong phong trào thi đua yêu nước.
Với bề dày truyền thống đó là niềm tự hào của trường nhưng đồng thời cũng là gánh nặng trọng trách đòi hỏi trường phải không ngừng tự nỗ lực vươn lên để không ngừng lớn mạnh xứng đáng với truyền thống vẻ vang của mình và trở thành một trong những trường đại học trọng điểm của cả nước.
Lịch sử phát triển của trường cũng có thể xem là quá trình không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước.
2.1.1.2. Chức năng nhiệm vụ của trường
Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ Error! Bookmark not defined.đại học, cao đẳng, kỹ sư và kỹ thuật viên có chất
lượng, công nhân lành nghề trình độ cao cho khu vực miền Trung và cả Việt nam; thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo giáo viên dạy nghề với đào tạo nghề sản xuất.
Mục tiêu mà trường đặt ra đến 2015 là: “Trường ĐHSPKT Vinh đa ngành, đào tạo theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, với lưu lượng trên 10.000HS - SV/năm. Sản phẩm của nhà trường là đội ngũ giáo viên dạy nghề, lao động kỹ thuật các trình độ được đào tạo đạt chuẩn về trình độ, phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời, trường là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ Bắc miền Trung, Tây Nguyên và cả nước” [30, tr.1]. Hiện nay trường đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng nâng cấp đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ mới.
2.1.1.3. Cơ cấu tổ chức hành chính
Hiện tại Trường ĐHSPKT Vinh có 8 khoa và 1 bộ môn trực thuộc, với 15 ngành đào tạo và hiện có mối quan hệ liên kết với nhiều trường như:
ĐHSPKT Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái nguyên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự,...