Quần chúng nhân dân xa rời cách mạng

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong Ngân thành cố sự của Lý Nhuệ (Trang 62)

7. Đóng góp mới của luận văn

2.3.3.Quần chúng nhân dân xa rời cách mạng

Cách mạng một sự kiện trọng đại làm rung chuyển lịch sử. Nhưng ở Ngân Thành, mọi người vẫn làm việc và tồn tại như hàng trăm năm nay. Có người đi theo cách mạng, có người chống phá cách mạng, có người không quan tâm đến cách mạng. Số đông thờ ơ đó chính là quần chúng nhân dân.

Lý Nhuệ miêu tả hình tượng đám đông quần chúng chen lấn, xô đẩy, kéo nhau đi xem giáo viên người Nhật chụp ảnh; thờ ơ trước cái đầu bị chặt lăn trên đường của đồng bào mình. Vụ ném bom kinh hoàng của Âu Dương Lang Vân phá tan bầu không khí yên tĩnh, tao nhã nên thơ của Ngân Thành. Ai nấy hoảng hốt bỏ chạy tán loạn. Nhưng ngay sau đó nhịp sống thường nhật trở lại. Họ nhìn thầy trò Ojiro chụp ảnh với nụ cười đầy hưng phấn, trên khuôn mặt vẫn còn vương chút hoảng hốt. Chỉ cần cho năm đồng, bảo cười hay nghiêm nét mặt đám lính sẵn sàng làm ngay. Bọn lính nhấc cái đầu người bị chặt lên cho Ojiro chụp ảnh một cách hùng dũng, tự tin. Họ giống như nhân vật chú ba Hạ vì tham tiền mà đẩy cháu mình vào chỗ chết (truyện "Thuốc" -

61

Lỗ Tấn). Phải chăng nhà văn Lý Nhuệ miêu tả quá đà? Con người dường như không còn nhân tính, đánh mất cả tình đồng loại. Lý Nhuệ không nói oan cho con người và lịch sử Trung Quốc.

Nhà văn Lỗ Tấn cũng từng tận mắt chứng kiến cảnh người dân kéo nhau đi xem lính Nhật xử bắn đồng bào mình. Vì vậy, Lỗ Tấn mới chuyển từ nghề y sang nghề viết văn, để chữa căn bệnh tinh thần cho quốc dân. Trong "AQ chính truyện", những người dân lao động ở làng Mùi cũng đối xử với nhau thiếu tình thương. Vương râu xồm, cu D, AQ... đều là hạng cố cùng, túng thiếu quanh năm. Nhưng những con người cùng cảnh ngộ ấy đối xử với nhau hết sức lạnh nhạt. Chỉ vì một chút hiểu lầm vớ vẩn, họ có thể xô xát, ẩu đả lẫn nhau.

Trong “Ngân Thành cố sự”, những người chiến sĩ cách mạng vì quần chúng mà đổ máu cũng không nhận được chút tình thương, sự cảm thông nào từ đám đông vô cảm này. Đơn giản vì quần chúng không hiểu cách mạng là gì, không quan tâm. Họ không phân biệt được giữa làm cách mạng và làm giặc. Âu Dương Lang Vân, chàng chiến sĩ cách mạng vì tương lai của người dân Ngân Thành mà hi sinh. Nhưng anh nhận được những gì từ quần chúng? "Tại cổng thành, dòng người và xe cộ vẫn không ngừng chuyển động phía dưới cái đầu của Âu Dương Lang Vân" [29, 205]. Một thái độ thản nhiên, thờ ơ, đến tê dại. Cái đầu của người chiến sĩ cách mạng đang độ tuổi xuân ấy, không đủ làm xáo trộn cuộc sống của người dân nơi đây. Nhìn cảnh này, Lưu Chấn Võ - vị tổng chỉ huy cuộc bạo động - không khỏi ngậm ngùi, đau đớn. Những gì đang diễn ra liệu có phải là thành phố quê hương anh? Những người kia liệu có đáng để cho anh hi sinh xương máu? Nếu một ngày nào đó đầu của anh cũng bị treo lủng lẳng như chàng kiều dân An Nam này thì: "chẳng lẽ đám người chen chúc, xô đẩy, hứng khởi, nhớp nhúa, hỗn loạn kia lại có được một thái độ biểu hiện khác sao" [29, 260]. Trong con mắt người nước ngoài, sự

62

thờ ơ đến tàn nhẫn của người Trung Quốc đối với mạng sống của đồng bào họ thật đáng khinh bỉ - một thái độ không cần giấu giếm. Ojiro - giáo viên người Nhật của trường Dục Nhân, luôn gọi người Trung Quốc là "bọn người China", "đám người China". Xót xa thay, tủi nhục thay khi người duy nhất nhỏ nước mắt khóc thương cho Âu Dương Lang Vân lại là người ngoại quốc - Hoko. Cô gái nhỏ bé đến từ xứ sở phù tang xa xôi ấy đã khóc mất bao nước mắt cho người cô yêu thương. Dù yêu thích Trung Quốc nhưng cô không lí giải nổi những câu hỏi về con người nơi đây: "Những con người đang hối hả ngược xuôi dưới cổng thành kia có phải là người Trung Quốc không? Sao không một ai nhìn lên chiếc giỏ treo trên tường thành kia, nhìn cái đầu đã vì các người mà bị chặt" [29, 267].

Với cái nhìn lạnh lùng, khách quan, Lý Nhuệ miêu tả đến tận cùng sự xa rời cách mạng của quần chúng. Về điều này có một sự tiếp nối và phát triển từ Lỗ Tấn đến Lý Nhuệ. Truyện ngắn "Thuốc" của Lỗ Tấn chỉ rõ "sự ngu muội của quần chúng nhân dân và bi kịch của người cách mạng do sự ngu muội của quần chúng gây nên" [40, 222]. Nhà văn Lỗ Tấn đã kể cụ thể đến từng chi tiết thái độ "tàn nhẫn" của quần chúng với người chiến sĩ cách mạng. Lão Hoa Thuyên lương thiện, thật thà nhưng do mê tín nên đã dồn tiền dành dụm mấy năm trời để mua bánh bao tẩm máu người tù chết chém cho con ăn, mong chữa khỏi bệnh lao. Tên đao phủ Cả Khang biến máu người cách mạng thành hàng hoá để bán kiếm lời. Chiếc áo Hạ Du cởi ra cũng bị lão Nghĩa mắt cá chép cuỗm mất. Những người khách trong quán trà không hiểu được hành động của Hạ Du, chửi anh là "thằng quỷ sứ", "thằng nhãi con ấy chẳng ra gì", "hắn điên thật rồi". Có người lại còn cho anh hai cái bạt tai. Cảnh anh bị dẫn ra pháp trường cười ra nước mắt. Dân chúng kéo nhau đi xem rất đông, người nào người nấy rướn cổ ra như vịt bị một bàn tay vô hình nắm lấy xách lên. Sự xuất hiện bóng dáng những nhân vật người nước ngoài trong "Ngân Thành cố

63

sự", góp phần thể hiện thái độ đánh giá khách quan đối với "căn bệnh tinh thần" của người dân Trung Quốc. Hơn nữa cái nhìn của Ojiro, Hoko là cái nhìn của người Nhật, của người "phương Tây". Trung Quốc muốn đổi mới đất nước phải học tập nước ngoài (cũng có đội quân tân binh, cử người sang Nhật học). Nhưng văn hóa phương Tây lại coi thường Trung Quốc. Đây chính là bài học cảnh giác cho đất nước Trung Quốc.

Trong đám đông quần chúng thờ ơ, hững hờ với cách mạng ở Ngân Thành, phải kể đến một nhân vật điển hình hơn cả: khách trâu Vượng Tài. Tìm hiểu thế giới của con người này chúng ta thấy có bao điều thú vị. Vượng Tài khiến ta yêu nhưng cũng khiến ta phải ghét. Vượng Tài là con người rất thực tế như chính cuộc sống thường ngày. Cái khôn ngoan lanh lợi của anh đậm chất nông dân.

Ở thành phố Ngân Thành phồn vinh này, Vượng Tài đúng chỉ là "thứ vôi vữa làm nền cho lịch sử". Anh chẳng hề quan tâm đến sự sống chết của tri phủ đại nhân. Vì tri phủ đại nhân có nợ tiền anh đâu. Anh chỉ lo ông chủ quán trà Hội Hiền chết. Khi đó ai sẽ trả tiền những bánh phân trâu cho anh. Gần 100 cân phân bánh, anh không thể mất không được. Đấy là đồng tiền mồ hôi nước mắt của anh. Anh "thót tim, mặt biến sắc" khi không thấy ông chủ Trần bị nhốt trong cũi. Anh chửi thầm, nước mắt mằn mặn chảy vào miệng. Nhưng khi biết tin ông chủ Trần còn sống, ngay lập tức mặt anh tươi tỉnh. Đối với Vượng Tài, cách mạng không mang lại tiền cho anh. Ai sống, ai chết, anh không quan tâm trừ khi người đó liên quan đến đồng tiền của anh. Vượng Tài biết thân phận một khách trâu như mình. Anh không dám mơ mộng cao xa, cũng không dám cạnh tranh với Trịnh Oải Tải trong việc hỏi cô Ba nhà bà Sáu Thái. Anh không tơ hào của ai một xu, không quan tâm tới bất cứ điều gì. Thế giới của anh thu hẹp với những bánh phân trâu. Đó là niềm hạnh phúc nhỏ bé của dân nghèo Vượng Tài. Chỉ cần những bếp đốt bằng phân trâu

64

trong thành vẫn toả khói, thì các bà các cô nội trợ vẫn đợi anh tới đưa hàng. Khi đó, anh vẫn sống, vẫn tồn tại. Nhân vật Vượng Tài xa rời cách mạng đến mức tuyệt đối. Anh không cần đi xem chặt đầu người cách mạng. Anh đắm mình trong làn nước mát lạnh của dòng sông Ngân Khê. Vượng Tài hồn nhiên sống cuộc sống cỏ cây của mình, hồn nhiên thưởng thức bữa tiệc nhỏ hiếm hoi trong đời của mình: "Thịt rất thơm, ớt rất cay, cơm rất trắng, rượu uống vào tới đâu biết tới đó, mặt đỏ bừng lên... Mồm miệng và dạ dày Vượng Tài đều háo hức nhai nuốt, co bóp. Một miếng thịt to... hai và cơm to... thêm hai và nữa... nhấp một ngụm rượu... thịt xào ớt, chân giò hầm xì dầu, cơm trắng, ớt đỏ, dưa chua... tất cả hương vị quyện vào nhau, răng lưỡi quyện trong mùi vị tuyệt vời đó" [29, 220]. Đặc tả cảm giác ăn uống của Vượng Tài, tác giả muốn chỉ rõ niềm vui nhỏ bé mà lớn lao của người khách trâu nghèo khổ. Cái đói và miếng ăn khiến cho con người ta trở nên bình thường thậm chí không muốn nói là tầm thường. Đối với những người nghèo vấn đề miếng ăn (đặc biệt là một bữa ăn thịnh soạn) chính là vấn đề họ quan tâm chứ không phải là cách mạng. Bà cái Tí trong truyện "Một bữa no" của Nam Cao, vì nghèo, vì đói quá rồi nên bà đánh mất cả sĩ diện, cả nhân cách để đến ăn chực nhà bà Phó Thụ một bữa. Ăn để rồi chết vì no. Vượng Tài ngồi trong quán thưởng thức bữa ăn tự thưởng cho mình mà không hay biết: ngoài kia bao người cách mạng đã hi sinh. Nghịch lí này quả thực là cay đắng!

Tìm hiểu hệ thống nhân vật trong "Ngân Thành cố sự" chúng ta sẽ giải mã được quan niệm nghệ thuật về con người và lí tưởng thẩm mĩ của Lý Nhuệ. Sử Thiết Sinh đã nói: "Xuất phát từ cá nhân mà truy xét nỗi đau của nhân loại". Bản thân nhà văn Lý Nhuệ cũng luôn muốn thực hiện điều đó trong các tác phẩm của mình, đặc biệt qua "Chốn xưa" và "Ngân Thành cố sự". Những con người cụ thể ở vùng đất Ngân Thành xuất hiện trên bối cảnh lịch sử mờ sương khói, nhuốm màu tang thương, thảm khốc. Vậy "Đối diện

65

với lịch sử con người là gì? Đối diện với thời gian rốt cuộc mỗi sinh mệnh có ý nghĩa gì?". Câu hỏi đó của Lý Nhuệ đã tìm được lời giải đáp. Con người tạo ra lịch sử: "Lịch sử phi lí nhất lại do chính con người lí trí nhất làm nên" (Lý Nhuệ). Nhưng cũng chính tính vô lí của lịch sử đã tàn nhẫn dìm chết sinh mạng của con người. Con người tự tạo ra những cảnh khốn cùng không thể giải thoát cho chính mình. Ông già Lưu Tam Công khôn ngoan, mưu lược trên thương trường nhưng chính cách tính toán bằng đồng tiền đã buộc ông vào thế cùng. Lưu Tam Công mất tất cả, tiền và các con trai. Cũng chính suy nghĩ hạn hẹp của Vượng Tài đã bó buộc anh vào kiếp sống khách phân trâu. Con người trong tác phẩm của Lý Nhuệ có thể bé nhỏ, có thể bị tước hết khả năng hành động nhưng lại toả sáng bởi tinh thần chấp nhận, chịu nạn trước định mệnh và thời đại ngẫu nhiên.

Thế giới nhân vật của Lý Nhuệ luôn hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hoà giữa các đối cực: cao cả - đời thường, thất bại nhưng không thiếu vẻ hào hùng. Lặng lẽ, sáng tác của Lý Nhuệ đã đem lại một quan niệm mới về con người.

66

Chƣơng 3: NGÔN NGỮ TỰ SỰ

Một nhà văn đích thực phải có ý thức về mình như một nhà ngôn ngữ vì ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên quy định cung cách ứng xử của anh ta, là phương tiện bắt buộc để anh ta giao tiếp với bạn đọc. Đối với văn chương ngôn ngữ không chỉ là cái vỏ của tư duy mà còn là tài năng, cá tính và quan điểm của người viết.

Trong tiểu thuyết, nhân vật người kể chuyện là người “nói” nhiều nhất so với các nhân vật khác trong tác phẩm. Vì vậy, tìm hiểu nghệ thuật tự sự trong “Ngân Thành cố sự”, chúng ta không thể bỏ qua ngôn ngữ tự sự - ngôn ngữ người kể chuyện.

Người kể chuyện trong tiểu thuyết này có một ngôn ngữ tự sự trang trọng, quý phái nhưng cũng giàu hình ảnh, cảm xúc. Nhiều khi lời kể chuyện hoà lẫn với lời độc thoại nội tâm, lời đối thoại trong độc thoại của nhân vật, làm mờ đi ranh giới giữa người kể chuyện và nhân vật. Trong phạm vi của luận văn, chúng tôi sẽ khảo sát ngôn ngữ tự sự trên phương diện đặc điểm và thành phần của nó.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong Ngân thành cố sự của Lý Nhuệ (Trang 62)